Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

CANH LE - NGHỆ THUẬT VÀ CHÍNH TRỊ - 1&2



CANH LE - NGHỆ THUẬT VÀ CHÍNH TRỊ - 1&2







1

Ca sĩ Khánh Ly có một giọng hát "đặc biệt". "Đặc biệt", trước tiên là vì rất "riêng", sau đó là "hay" ...
Nhưng nếu không có các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì cái "riêng" và "hay" ấy cũng sẽ lẫn vào hàng chục, trăm, ngàn ... cái "riêng" và "hay" khác ... Nghe Khánh Ly hát các ca khúc Tiền Chiến, hay các ca khúc của các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Việt Dzũng ..., ta có thể cảm nhận được điều này ...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người viết ca khúc "đặc biệt". "Đặc biệt", trước tiên là vì rất "riêng", sau đó là "hay" ...
Nhưng nếu không có giọng hát Khánh Ly, thì cái "riêng" và "hay" ấy cũng sẽ lẫn vào hàng chục, trăm, ngàn ... cái "riêng" và "hay" khác ... Nghe các ca khúc của Trịnh được / bị hát bởi các ca sĩ Lệ Thu, Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng ..., ta có thể cảm nhận được điều này ...
Nhạc sĩ là người tạo tác ra ca khúc lần thứ nhất, ca sĩ là người tạo tác ra ca khúc lần thứ hai.
Hai con người này, ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với cái "riêng" và "hay" của mỗi người, dường như được sinh ra là để dành cho nhau, trên bầu trời nghệ thuật ... Cả hai hòa quyện thăng hoa chìm đắm cùng nhau trong cái không gian miên man của nắng, thăm thẳm của mưa, huyền hoặc của đêm, hoang hoải của ngày, hun hút của muôn trùng, bàng bạc của hư không, mộng mị của liêu trai địa đàng, hưng hoại của sắc không vô thường ...
Hai con người này, ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với cái "riêng" và "hay" của mỗi người được hòa quyện lại, đã gieo vào lòng người Việt Nam những xúc cảm "đặc biệt" ...
Nhưng nghệ thuật có liên can đến chính trị không !?
1. Nếu hiểu chính trị là "toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước".
2. Nếu hiểu chính trị là "hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó".
Nếu Trịnh Công Sơn chỉ viết Tình ca, đó là chính trị theo nghĩa thứ 2. Và Trịnh còn viết ca khúc Phản Chiến, đó là chính trị theo cả hai nghĩa !
Nếu Khánh Ly chỉ hát Tình ca, đó là chính trị theo nghĩa thứ 2. Và Khánh Ly còn hát ca khúc Phản Chiến, Chống Cộng, đó là chính trị theo cả hai nghĩa !
Thực ra, chính trị chỉ là một thành tố của Văn Hóa. Văn Hóa là tâm tư tình cảm, là lời ăn tiếng nói, là cung cách ứng xử, là phong tục tập quán, là hình thái xã hội, là thể chế chính trị ... vv ...
"Văn Hóa bao hàm chính trị" ...
"Văn Hóa dẫn đường cho chính trị" ...
Người làm nghệ thuật - nghệ sĩ - đương nhiên phải "nói" về Văn Hóa, do đó, đương nhiên "nói" về chính trị ... Dù là một người làm nghệ thuật - nghệ sĩ - "duy mỹ", "nghệ thuật vị nghệ thuật" thuần túy nhất, nhưng khi đã mang hơi thở thời đại vào tác phẩm - nghệ phẩm - thì, một cách vô thức, đã là chính trị ... Mà một người làm nghệ thuật - nghệ sĩ - thực sự, chân chính, thì phải có một đặc tính quan trọng là cực kỳ nhạy cảm với thời cuộc, một cách vô thức, và phả nó vào trong tác phẩm - nghệ phẩm - của mình, một cách vô thức ... Điều đó giúp cho tác phẩm - nghệ phẩm - hàm súc được chiều tư duy sâu, thông đạt được tầm khái quát cao, khai triển được độ phổ quát rộng, ..., khiến cho tác phẩm - nghệ phẩm - trở thành một "kiệt tác" ...
Hoặc không, không bao giờ ... ! ...
Việc Khánh Ly đã từng hát ca khúc Phản Chiến ở trong nước trước năm 1975, từng hát ca khúc Chống Cộng ở hải ngoại sau năm 1975, và sẽ về lại nước nhà để trình diễn chính thức vào năm 2014 ..., dù muốn dù không, dù hữu thức hay vô thức, đều ít nhiều có bóng dáng của chính trị, mặc dù, một cách hiển nhiên, Khánh Ly vẫn là một con người của nghệ thuật thuần túy, không phải là một con người của chính trị ...
"Theo Khánh Ly thì người ca sĩ đứng trên sân khấu hay ngoài đời thường thì đã nhận lời khen thì cũng phải chấp nhận lời chê thậm chí là những lời chê cực đoan liên quan đến vấn đề chính trị vì không phải ai cũng yêu mình cả và việc chống đối vì nhiều lý do cũng là tự nhiên". Về vấn đề kiểm duyệt, Khánh Ly cho rằng "một ca sĩ lỡ hát những bài người ta không cho phép thì phiền lắm", "Mình vào nhà người ta thì chỉ được làm những gì người ta cho phép", việc kiểm duyệt "chẳng làm phiền gì mình hết, tại vì nhiều khi cái mình thích chưa chắc là cái người ta thích".
Văn hóa vốn có "đại đồng" và "tiểu dị" ...
Xưa, người Kinh - Yuôn - Dị Chủng - Dị Văn - vô nhà người Thượng, không được xoa đầu trẻ em để bày tỏ tình cảm thương yêu, âu yếm, vì theo phong tục tín ngưỡng của người Thượng, như vậy là xúc phạm đến Linh Hồn Tổ Tiên ...
Xưa, Trần Nhật Duật - đại diện cho triều đình nhà Trần - vô nhà chúa đạo Trịnh Giác Mật đã nói bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang : "Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây thì nóng tai phải", dùng tay bốc thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi - Tị Ẩm - hết sức thành thạo, khiến Trịnh Giác Mật phải kinh ngạc thốt lên : "Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi !"


...
Những sự tôn trọng văn hóa đó, dù muốn dù không, dù hữu thức hay vô thức, đều ít nhiều có bóng dáng của chính trị ...
Nay, thế giới đã phẳng, "toàn cầu hóa", theo quá trình giao thoa, văn hóa cũng hướng đến "đại đồng", những phong tục "tiểu dị" ngày càng bớt khắc khe, ràng buộc ... Để có thể hội nhập, một nền văn hóa không thể cứ khăng khăng bảo thủ lấy cái "dị biệt", "lập dị" của mình, mà cần phải biết "tiếp biến" ...
Trong chuyện bang giao giữa hai quốc gia, nếu các cấp lãnh đạo tiếp xúc với nhau ở một nước thứ ba, sẽ mang một ý nghĩa khác ; nếu các cấp lãnh đạo tiếp xúc với nhau tại một trong hai quốc gia một cách không chính thức, sẽ mang một ý nghĩa khác ; nếu các cấp lãnh đạo tiếp xúc với nhau tại một trong hai quốc gia một cách chính thức, với các nghi tiết ngoại giao, sẽ mang một ý nghĩa khác ... Các ý nghĩa ấy còn phụ thuộc vô sự phân loại các cấp lãnh đạo ; sự phân loại vấn đề, nội dung thảo luận ; sự phân loại trình tự thời điểm, thời gian tiếp xúc ; sự phân loại các nghi tiết ngoại giao ... vv ...
Các ca sĩ Tuấn Ngọc, Hương Lan, Ý Lan, Quang Lê ... chỉ hát Tình ca, về lại nước nhà Việt Nam trình diễn chính thức, mang ý nghĩa khác ...
Thậm chí ca sĩ Chế Linh, vốn nổi tiếng với các ca khúc về lính Cộng Hòa, nhưng chỉ mang tính tự tình, tự sự, về lại nước nhà Việt Nam trình diễn chính thức, mang ý nghĩa khác ...
Khánh Ly, trên tư cách một cá nhân, về lại nước nhà Việt Nam để thăm viếng cố hương, cố nhân, tìm về với các dấu chân kỷ niệm một thời, hát trong các buổi liên hoan bè bạn riêng tư ..., mang ý nghĩa khác, có thể không cần phải cân nhắc nhiều ... ; nhưng nếu trên tư cách một Ca Sĩ - Người Của Công Chúng - người đã từng hát những ca khúc Phản Chiến, Chống Cộng, và dù muốn dù không, đã trở thành một biểu tượng, như là một "ngọn cờ" của hòa bình chống chiến tranh, "ngọn cờ" của văn minh chống dã man, "ngọn cờ" của tự do chống áp bức, "ngọn cờ" của dân chủ chống độc tài ... - đối với quyết định về lại nước nhà Việt Nam để trình diễn chính thức, sẽ mang ý nghĩa "đặc biệt", nên / cần / phải cân nhắc "đặc biệt" đến "bóng dáng của chính trị" ...
Xin chớ quên, mà hãy nhớ :
  Ta đã thấy gì trong đêm nay
  Cờ bay trăm ngọn cờ bay
  Rừng núi loan tin đến mọi miền
  Gió hòa bình bay về muôn hướng
  Ngày vui con nước trôi nhanh
  Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù
  Gặp quê hương sau bão tố
  Giọt nước mắt vui lay lòng gỗ đá
  Ta đã thấy gì trong đêm nay
  Bàn tay muôn vạn bàn tay
  Những ngón tay thơm nối tật nguyền
  Nối cuộc tình nối lòng đổ nát
  Bàn tay đi nối anh em
  Về suối quê hương tắm gội nhục nhằn
  Mười năm đêm trong tiếng súng
  Ruộng lúa bãi dâu qua con kinh hoàng
  Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn
  Ruộng đồng Việt Nam lên những búp non đầu tiên
  Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai biên thùy
  Một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh
  Ta đã thấy gì trong đêm nay
  Cờ bay trăm ngọn cờ bay
  Đường phố hôm nay sáng rực đèn
  Sáng rực đèn trong làng trong xóm
  Người đi như nước qua đê
  Mặt đất ưu tư đã mở nụ cười
  Hàng cây xanh thay áo mới
  Người bước bước nhanh như rừng đi tới
  Ta đã thấy gì trong đêm nay
  Đèn soi trăm ngọn đèn soi
  Mặt đất rung rinh bước triệu người
  Phá ngục tù đi dựng ngày mới
  Rạng đông soi sáng tương lai
  Dòng máu anh em đã nhuộm mặt trời
  Cùng xương khô lên tiếng nói
  Đời sống ấm êm nhân danh con người ... ! ...
  ( Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay - Trịnh Công Sơn ).








***

2


Có quá nhiều người, cả ngoài đời lẫn trên mạng, ngạc nhiên hỏi tôi : sao mần nghề vẽ mà nói chuyện chính trị chi zậy, sao "nhạy cảm" chính trị quá zậy ... !? ... Có "ngài" còn trừng trợn "cảnh tỉnh" : làm nghệ sĩ không nên quan tâm chính trị ! Có "đấng" lại thân tình "khuyên nhủ" : "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" ... ! ... vv ...
Thôi thì, xin trả lời chung hết vậy :
Thực ra, cái sự "ngạc nhiên" của các bạn cũng chỉ là do "kết quả" của "công cuộc ngu dân" của chính thể hiện tại mà thôi. Nếu các bạn chịu khó tìm hiểu và so sánh, sẽ thấy các danh họa thế giới thường đồng thời là triết gia, tư tưởng gia, khoa học gia, văn sĩ, thi sĩ ... vv ..., như mấy ông "khổng lồ" Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raffaello ... của thời Phục Hưng.
Còn như gã "quái vật" Picasso thì đã thể hiện quan điểm chính trị của mình qua tác phẩm "Guernica" phản đối chủ nghĩa phát xít :




và nói câu nào là "nhức đầu" câu đó :  
  - Những sự tình cờ hé lộ con người.
  - Hành động là nền tảng cho mọi thành công.
  - Tất cả trẻ con đều là nghệ sĩ. Vấn đề là làm sao vẫn là nghệ sĩ khi lớn lên.
  - Một ý tưởng là điểm khởi đầu. Khi bạn triển khai nó, nó được chuyển hóa bởi suy nghĩ.
  - Chúng ta vẽ khuôn mặt bên ngoài, hay bên trong, hay đằng sau ?
  - Nghệ thuật là lời nói dối làm cho chúng ta nhận ra chân lý.
  - Nghệ thuật không phải là sự áp dụng các khuôn mẫu về cái đẹp, mà do bản năng và suy nghĩ có thể cảm nhận được vượt khỏi những khuôn mẫu. Khi yêu một người phụ nữ, ta không đi đo tỉ lệ chân tay của cô ấy.
  - Nghệ thuật là sự loại bỏ những gì không cần thiết.
  - Nghệ thuật gội rửa tâm hồn khỏi những bụi bặm của đời sống hàng ngày.
  - Nghệ sĩ tồi thì sao chép, nghệ sĩ giỏi thì đánh cắp.
  - Màu sắc, cũng như chi tiết, thay đổi theo sự thay đổi của cảm xúc.
  - Máy tính thực vô dụng, chúng chỉ biết cho câu trả lời.
  - Làm học sinh thật dở hơi, chả có gì hay ho. Chỉ những bậc thầy mới đáng kể, những người sáng tạo.
  - Mọi hành động sáng tạo trước tiên là một hành động hủy diệt.
  - Mọi giá trị tích cực đều trả giá …, thiên tài của Einstein dẫn đến Hiroshima.
  - Mọi vật đều kì diệu. Thật kì diệu là khi ta tắm trong nước, mà không bị tan ra như một miếng đường.
  - Mọi thứ bạn tưởng tượng được đều là thật.
  - Cho tôi một cái bảo tàng, tôi sẽ làm đầy ắp nó.
  - Chúa là một nghệ sĩ. Ông ấy tạo ra hươu cao cổ, voi, mèo. Ông ấy không có phong cách cụ thể nào, Ông ấy liên tục thử nghiệm những điều mới mẻ.
  - Nếu nghĩ là có thể, thì bạn có thể. Nếu nghĩ là không thể, thì bạn không thể. Đây là một quy luật không thể bàn cãi.
  - Tôi luôn làm cái mà tôi không thể. Để tôi có thể học cách làm nó.
  - Tôi bắt đầu với một ý tưởng để sau đó, trở thành thứ khác.
  - Tôi không tìm kiếm, tôi thấy.
  - Tôi không tin vào sự ngẫu nhiên. Chỉ có những sự gặp gỡ trong lịch sử, không có sự tình cờ.
  - Tôi cảm thấy kinh hoàng khi người ta nói về "cái đẹp". Đẹp là gì ? Người ta nên nói về những vấn đề của nghệ thuật thì hơn.
  - Tôi vẽ như tôi nghĩ, không phải như tôi nhìn thấy.
  - Tôi thích sống như một người nghèo, với rất nhiều tiền.
  - Nếu chỉ có một chân lý duy nhất, làm sao có thể vẽ hàng trăm bức tranh trên cùng một đề tài được.
  - Cảm hứng là có thật, nhưng chỉ khi ta làm việc.
  - Sự thông cảm là nguy hiểm nhất.
  - Công việc của bạn trong cuộc đời là điều hấp dẫn nhất.
  - Tốn nhiều thời gian để trở nên trẻ trung.
  - Tôi mất bốn năm để vẽ được như Raffaello, nhưng mất cả cuộc đời để vẽ như đứa trẻ.
  - Tình yêu là điều tươi mát nhất của cuộc đời.
  - Đừng bao giờ để sự phân biệt áp đặt cuộc sống của bạn. Sự phân biệt là phải làm những thứ không thích để được niềm vui trong thời gian nghỉ ngơi của mình. Hãy tìm cách để có niềm vui không phân biệt trong công việc cũng như trong thời gian nghỉ ngơi.
  - Một người phải hành động trong tranh như trong cuộc đời vậy, trực tiếp.
  - Trì hoãn đến ngày mai chỉ những việc mà bạn muốn khi chết vẫn còn dang dở.
  - Mọi người nhìn sự vật và hỏi tại sao. Tôi nhìn vào những điều có thể xảy ra và hỏi tại sao lại không thể.
  - Hội họa là nghề nghiệp của một người mù. Hắn không vẽ những gì hắn nhìn thấy, mà là điều hắn cảm nhận. Là điều hắn tự nói với bản thân về những điều hắn thấy.
  - Hội họa là một cách để viết nhận ký.
  - Điêu khắc là nghệ thuật của những người thông minh.
  - Điêu khắc là lời bình phẩm tốt nhất mà một người họa sĩ nói về hội họa.
  - Một số họa sĩ biến mặt trời thành một đốm vàng, họa sĩ khác biến một đốm vàng thành mặt trời.
  - Sự thành công mang theo mối nguy hiểm. Lặp lại, sao chép chính mình. sao chép chính mình nguy hiểm hơn cả sao chép người khác. Nó dẫn đến sự khô cứng.
  - Nghệ sĩ là cái máy thu của cảm xúc từ khắp nơi : từ bầu trời, từ mặt đất, từ một mẩu giấy, từ một cái mạng nhện.
  - Kẻ thù của sáng tạo là quan niệm về cái "tốt".
  - Sự hài hòa ẩn giấu hấp dẫn hơn là cái rõ ràng.
  - Càng vững về kỹ thuật, bạn càng không lo lắng về nó. Càng vững về kỹ thuật, càng nên đơn giản về kỹ thuật.
  - Thế giới hôm nay không mang ý nghĩa gì, tại sao tôi lại phải vẽ những bức tranh mang “ý nghĩa” ?
  - Không có nghệ thuật trừu tượng. Bạn luôn phải khởi đầu với một thứ gì đó. Sau đó bạn có thể lược bỏ mọi dấu vết của hiện thực.
  ...
Hay như gã "khùng" Gauguin, chỉ một bức tranh nổi tiếng có tên "Chúng Ta Từ Đâu Đến - Chúng Ta Là Ai - Chúng Ta Đi Về Đâu" đã muốn thâu tóm hết mọi trở trăn của nhân sinh tự cổ chí kim rồi :



từ bỏ cuộc sống ấm êm nơi kinh thành hoa lệ đầy lai tạp để đến với những vùng đất hoang sơ thuần khiết, như là một thái độ chính trị khước từ sự dối trá phi nhân của chủ nghĩa thực dân :
  - Điều tôi mong muốn là được bổ nhiệm tới xứ Bắc kỳ ( Tonkin ), ở đó tôi có thể làm việc với nghề vẽ của mình và để dành dụm. Toàn thể phương Đông và triết học đã được khắc ghi lên đó bằng nghệ thuật, bằng chữ vàng - tất cả điều này đáng để học, và tôi nghĩ mình sẽ tìm thấy ở đó những năng lực hồi sinh mới. Phương Tây ngày nay đã rữa nát mất rồi, nhưng chỉ kẻ nào với bản lĩnh của Hercules thì mới có thể hấp thu được khí lực mới như Antaeus, bằng chính việc bám vào đất. Và rồi sau một, hai năm người ta sẽ trở nên cường tráng và bền bỉ trở lại.
  - Ngược với nền văn minh mà bạn đang khổ lụy, thì tình trạng man dã đối với tôi lại là một cuộc hồi sinh.
  - Bạn phải trở về nguồn gốc khởi thuỷ - buổi ấu thơ của nhân loại.
  - Đôi lúc tôi đã trở về cõi rất xa, vời vợi hơn cả đoàn ngựa Parthenon ... vời vợi như con ngựa dada thời thơ ấu của tôi, con ngựa gỗ phước lành.
  ….
Hay như gã "điên" Van Gogh, những kiệt tác "Những Người Ăn Khoai", những "Đôi Giày Cũ" chẳng phải là biểu lộ một thái độ chính trị hay sao :



doi giay 2.jpg


đọc những tâm tình của gã mà không có kiến thức về triết học, văn hóa - xã hội - tâm lý học ... thì khỏi hiểu :
  - Anh phải lao động và táo bạo nếu anh thực sự muốn sống.
  - Đừng dập tắt nguồn cảm hứng và trí tưởng tượng, đừng trở thành nô lệ cho hình mẫu của mình.
  - Chúng ta càng tiến bước trên đường đời, mọi việc lại càng khó khăn hơn, nhưng chính trong khi chống lại gian khổ mà sức mạnh nội tâm của con tim được hình thành.
  - Tôi mơ mình vẽ, và rồi tôi vẽ giấc mơ.
  - Những bức tranh cũng có linh hồn, và linh hồn chúng được lấy từ linh hồn của người họa sĩ.
  - Người dân chài biết biển thật nguy hiểm và bão tố thật khủng khiếp, nhưng họ chưa bao giờ thấy những nguy hiểm đó là đủ để chùn chân ở lại bờ.
  - Tôi thấy rằng không có gì mang tính nghệ thuật hơn là yêu người khác.
  - Nhưng tôi luôn cho rằng cách tốt nhất để hiểu được Chúa là yêu thật nhiều điều.
  - Một bức tranh đẹp cũng như một nghĩa cử cao đẹp.
  - Lương tâm là la bàn của con người.
  - Thà nhiệt huyết và phạm nhiều sai lầm còn hơn là cẩn trọng và thiển cận.
  - Nếu bạn nghe thấy giọng nói bên trong mình bảo : "ngươi không thể vẽ", thì hãy vẽ bằng mọi giá đi và giọng nói đó sẽ im lặng.
  - Nếu thời niên thiếu và tuổi trẻ còn là thứ gì khác ngoài hư ảo, thì chẳng lẽ đó không phải là tham vọng trưởng thành sao ?
  - Những điều lớn lao được tạo nên từ nhiều điều nhỏ nhặt.
  - Thậm chí nhận thức rằng tôi có thể sai lầm cũng không thể khiến tôi không phạm sai lầm. Chỉ sau khi ngã tôi mới đứng dậy được.
  - Về phần tôi, tôi không biết thứ gì chắc chắn, nhưng cảnh sao trời khiến tôi mơ mộng.
  - Tôi thấy hình vẽ và tranh trong túp lều của những kẻ khốn cùng nhất và trong những góc dơ dáy nhất.
  - Tình yêu luôn mang tới khó khăn, đúng vậy, nhưng mặt tốt của nó là mang lại sức sống.
  - Hãy yêu thật nhiều, vì sức mạnh thực sự nằm ở đó, ai yêu nhiều sẽ hành động nhiều và đạt nhiều thành tựu, và điều gì được làm trong tình yêu thì đều tốt đẹp cả.
….
Gần hơn, các bạn có thể tìm hiểu về các Trí Thức - Văn Nghệ Sĩ thời Tiền Chiến ở Việt Nam :
Thời Pháp thuộc, ở các trường công, học sinh Việt Nam phải học Lịch Sử Nước Pháp : "Tổ tiên chúng ta là người Gaulois ( Gô- Loa )" ... Ấy vậy mà sao tinh thần dân tộc vẫn không hề thấp ... !? ... Chỉ trong thời kỳ Thơ Mới, các Nhân Vật Huyền Sử và Lịch Sử của Việt Nam như Hùng Vương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Trương Chi - Mỵ Nương, Phạm Ngũ Lão, Huyền Trân ... mới được nhắc đến và lan tỏa ... Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập đã sản sinh ra một thế hệ Họa Sĩ "nhất Trí - nhì Vân - tam Lân - tứ Cẩn", "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" ... là "cây đa cây đề" của nền Mỹ Thuật Việt Nam ... Giới Trí Thức Khoa Học dù được đào tạo bởi một nền giáo dục "ngu dân để trị" của một chế độ thuộc địa "nô lệ" nhưng đều rất uyên bác, hầu hết trở thành những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam thời "hậu chiến" ...
Xem ra, một nền Giáo Dục Mang Triết Lý Khai Phóng, thì dù có đem hạ thấp xuống để phục vụ cho nhu cầu thực dân, nó vẫn mang giá trị "Khai Phóng" ... ! ...
Còn cái nền giáo dục "tiên tiến" dùng để nhào nặn, đúc khuôn ra "con người mới xã hội chủ nghĩa" thì ra sao nhỉ !?
Trí Thức - Văn Nghệ Sĩ phải là những cần ăng-ten cực kỳ nhạy cảm với những chuyển biến của thời cuộc ...
Nhưng, dưới nền giáo dục "tiến bộ" của chế độ "giải phóng", trí thức - văn nghệ sĩ trở thành những con rối vô hồn ngờ nghệch ...
Chính thể hiện tại đã từng lợi dụng trí thức - văn nghệ sĩ cho công cuộc "cách mạng" của họ với những lời kêu gọi đấu tranh :
  ( trích Là Thi Sĩ - Sóng Hồng hay Trường Chinh hay Đặng Xuân Khu )
  "Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
  Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu,
  Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
  - Yêu nhân loại, hòa bình và công lý -
  Cao giọng hát những bài ca chính khí
  Của anh hùng đã vì nước quên mình,
  Sống quang vinh mà chết cũng quang vinh,
  Của Bãi Sậy, Thái Nguyên và Yên Bái …
  Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới
  Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng,
  Ðể tâm hồn dào dạt với Chi Lăng,
  Làm bất tử trận Ðống Đa oanh liệt,
  Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết,
  Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông ;
  Thả trái tim hòa nhịp với Ðô Lương,
  Với Lục Tỉnh, Bắc Sơn và Ðình Cả.
  Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa
  Cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu
  Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu,
  Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ" ...
Họ biết quá rõ sức mạnh của những người "Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ", "Mỗi vần thơ : bom đạn phá cường quyền", nên sau khi "chiến thắng" họ tìm cách làm "đui-điếc-câm" những con người này bằng "vụ án" Nhân Văn - Giai Phẩm, cùng với các "hội", "đoàn", "trại", "tuyên huấn tuyên giáo", "học tập cải tạo", "định hướng sáng tác" ... vv ...
Họ "ru ngủ" trí thức - văn nghệ sĩ, biến họ quay trở lại thành :
  ... "'thi sĩ nghĩa là ru với gió,
  Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây',
  Ðể tâm hồn treo ngược ở cành cây
  Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu" ;
  ... "thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu,
  Nghĩa là van Thượng Đế rủ lòng thương,
  Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương,
  Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ" ;
  ... "thi sĩ vùi đầu mài miệt tả
  Cặp "tuyết lê" hồi hộp trước tình yêu,
  Cho cuộc đời là mộng ái cao siêu,
  Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc" ;
  ... "thi sĩ nghĩa là đem gấm góc
  Phủ lên trên xã hội đã điêu tàn,
  Véo von ca cho át tiếng kêu than
  Của nhân loại cần lao đang giãy giụa" ;
  "Là tai ương, chướng họa của nhân quần,
  Nhọc tơ lòng mà phí cả ngày xuân
  Ðể ca ngợi bất công và tàn ngược ;
  Uốn gối trước cường quyền và mong được
  Lượm hương thừa, phấn thải để qua ngày"
  ...
rồi để cho trí thức - văn nghệ sĩ "ru ngủ" lại quần chúng :
  "Khiến loài người đắm đuối và mê say,
  Sống thoi thóp dưới gông xiềng nô lệ"
  ...
Điều đó, giống hệt như họ đã từng lợi dụng sức mạnh của quần chúng trong các cuộc biểu tình, nên bây giờ họ rất sợ biểu tình, và ra sức ngăn cấm biểu tình, "để đảng và nhà nước lo" ... Đơn giản vậy thôi !
Đương nhiên, tôi chẳng "đỉnh cao trí tuệ" đến độ tự nhận mình là Trí Thức - Văn Nghệ Sĩ, lại càng không dám so sánh mình với các danh nhân, nhưng tôi cần nói lên những gì mà tôi cảm nhận được trong cuộc sống thường ngày ... Cũng đơn giản vậy thôi !

...
Họa sĩ Tô Ngọc Vân từng phát biểu :
"Người ngoài nghề hội họa thường không rõ hội họa với văn chương tuy có nhiều đồng tính trên đất nghệ thuật, nhưng khả năng khác nhau và không thể thay thế lẫn nhau một cách thỏa mãn. Văn chương diễn đạt tư tưởng đến một chỗ tế nhị. Hội họa chỉ có thể khơi gợi tư tưởng mà không diễn đạt nổi. Thay tập Pensées của Pascal bằng tập tranh để người xem tranh thấu hiểu tư tưởng ông mà không đọc đến tập Pensées là việc cả thế giới hội họa đều chịu. Khi nhà họa sĩ xã hội đặt ở cùng bức họa người đói rách cạnh kẻ phú hào, ý thức về sự bất công trong xã hội có thể GỢI lên được. Còn truy tầm đến căn nguyên của vấn đề, thâm diễn mọi khía cạnh của nó, hội họa chịu. Kể lại một gương chiến đấu của ta trong cuộc vật lộn với kẻ thù ngày nay, văn chương có khả năng để làm. Hội họa chỉ có thể trình ra một cách chiến đấu để GỢI ý người xem. Hội họa so với văn chương bất lực để diễn ý, nhưng sở năng diễn TÌNH ..."
Ngoài ra, cần phải biết rằng Việt Nam ta chưa hề có một nền Nghệ Thuật Hội Họa đích thực cho đến khi người Pháp qua và mở trường Mỹ Nghệ Gia Định ở Sài Gòn năm 1913, Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1924. Do đó, Nghệ Thuật Hội Họa đối với người Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, trình độ thưởng ngoạn tác phẩm Hội Họa của người Việt Nam còn rất nhiều hạn chế và chưa có một mặt bằng phổ quát chung :
"Quần chúng phải học nghệ thuật hội họa mới thưởng thức sâu rộng được hội họa, phải học tiếng nói của hình sắc mới nghe được hình sắc kể lể những gì. Có tai mắt, dù là của nhiều người, mà chỉ quen biết cái vỏ ngoài của bức họa ; có óc không, dù là của số đông, dù khôn ở đâu đâu ấy, nhưng lạc vào một địa hạt bỡ ngỡ, xa lạ ; có cảm giác, dù là của đại chúng, nếu không được luyện tập để đồng điệu với mỹ cảm, thời tai mắt, óc khôn, cảm giác ấy chưa có gì bảo đảm để hướng dẫn người chuyên môn hội họa trên đường sáng tác …" ( Họa sĩ Tô Ngọc Vân ).
Huống hồ :
"Một bức hội họa chân chính là một tác phẩm mang dấu vết tâm trạng của người đã sáng tạo ra nó, là cảnh vật thêm tâm hồn nghệ sĩ. Không là hình dung thản nhiên, lạnh nhạt của tạo vật, để thay tấm ảnh hay ghi chép hiện trạng khoa học. Phần hồn của tác phẩm không phơi trên tranh như hình một trái cây hay bóng dáng một cái nhà. Muốn hội được tất phải là người dễ cảm lại gặp lúc tâm thần thư thái lợi cho mỹ cảm. Những người đó hiếm, những lúc ấy hiếm, nên sự thưởng thức hoàn toàn một họa phẩm vẫn là việc hiếm" ( Họa sĩ Tô Ngọc Vân ).
Hội Họa đã "bất lực để diễn ý", mà việc "thưởng thức" cái "tình" - "phần hồn" - lại "là việc hiếm", cho nên việc tương tác giữa họa sĩ với công chúng trong những vấn đề hiện thực xã hội - vốn đầy dẫy nhớp nhúa - là một việc làm khó khăn !
Hội Họa, như vốn tự bản chất của nó là "Mỹ Thuật", là để diễn tả "Cái Đẹp", nên không phải lúc nào cũng có thể đem những cái "nhớp nhúa" vào trong tranh được ...
Đó là những lý do khiến tôi phải chọn một phương cách khác - Viết - để phản ánh hiện thực xã hội, như là một hoạt động song song - Vẽ và Viết - bổ khuyết cho nhau ... ! ...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét