Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Trịnh Hữu Long - Obama: Tôi bị chỉ trích hàng ngày và nhờ đó nước Mỹ lớn mạnh



Trịnh Hữu Long - Obama: Tôi bị chỉ trích hàng ngày và nhờ đó nước Mỹ lớn mạnh




Quyền con người không phải là mối đe doạ, mà là nền tảng cho sự phát triển – Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước hàng nghìn cử toạ tại Hà Nội sáng ngày 24/5/2016.




obama_24_zing
“Tôn trọng các quyền phổ quát sẽ giúp một quốc gia thành công”.
Ảnh: Hoang Hà/Zing.





Luật Khoa tạp chí xin đăng tải trích đoạn nói về nhân quyền trong bài phát biểu của ông Obama về quan hệ Việt – Mỹ sáng ngày 24/5/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội trong chuyến thăm chính thức của ông tới Việt Nam. Bản dịch của Lê Nguyễn Duy Hậu và Vành Khuyên, được đăng tải lần đầu trên Facebook cá nhân, Luật Khoa đăng tải lại với một số sửa đổi nhỏ không ảnh hưởng đến nội dung.

***

“Mặc dù bây giờ chúng ta đang hợp tác rất chặt chẽ trong những lĩnh vực tôi đã đề cập trên, quan hệ đối tác giữa hai bên bao gồm cả yếu tố thứ ba: giải quyết các vấn đề mà hai chính phủ đang còn bất đồng, trong đó có vấn đề nhân quyền.

Tôi không nói đây là vấn đề của riêng Việt Nam. Không một quốc gia nào hoàn hảo cả.

Hai thế kỷ trôi qua và nước Mỹ vẫn đang phải nỗ lực để đạt đến những ý tưởng khởi sinh ra nó. Chúng tôi vẫn phải đối đầu với các vấn đề của mình như tiền bạc chi phối chính trị, sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng cao, phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự, phụ nữ vẫn chưa được trả lương bằng nam giới trong cùng công việc.

Chúng tôi vẫn có vấn đề và vẫn bị chỉ trích; tôi cam đoan với các bạn, tôi nghe những lời chỉ trích đó hàng ngày.

Nhưng chính sức ép đó, những tranh luận mở đó, việc đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình, và việc cho phép mọi người đều được có tiếng nói, đã giúp chúng tôi lớn mạnh hơn, thịnh vượng hơn, và công bình hơn.

Tôi đã nói từ lâu, nước Mỹ không có ý định áp đặt thể chế chính trị của mình lên Việt Nam. Nhưng những quyền mà tôi nói ở đây, tôi tin nó không chỉ là giá trị của Mỹ mà là những giá trị có tính toàn cầu. Nó được ghi nhận trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát. Những quyền này còn được ghi nhận trong chính Hiến pháp của Việt Nam rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, quyền tụ tập và quyền biểu tình. Những điều đó nằm trong chính Hiến pháp của Việt Nam!

Vì vậy, đây thực chất là vấn đề mà tất cả chúng ta, mỗi quốc gia, phải áp dụng các nguyên tắc này một cách nhất quán. Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta, mỗi công chức nhà nước, phải thực sự tin và làm theo những lý tưởng này.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến. Việt Nam cam kết thông qua các luật để cụ thể hóa Hiến pháp mới và để phù hợp với pháp luật quốc tế. Việt Nam vừa qua đã thông qua một đạo luật buộc chính phủ phải thông tin thêm về ngân sách và người dân có thể tiếp cận thêm thông tin. Và như tôi đã nói, Việt Nam cũng đã cam kết các chuẩn mực về kinh tế và môi trường lao động theo TPP. Tất cả đều là những bước đi khả quan.

Cuối cùng thì tương lai của Việt Nam sẽ được chính người dân Việt Nam quyết định. Mỗi quốc gia phải lựa chọn con đường riêng cho mình. Hai quốc gia có sự khác nhau về truyền thống, thể chế chính trị và văn hóa, nhưng với tư cách là một người bạn của Việt Nam, cho phép tôi được chia sẻ quan điểm của mình về lý do tôi tin rằng một quốc gia sẽ thành công hơn khi các quyền phổ quát được tôn trọng.

Khi quyền tự do biểu đạt và quyền tự do ngôn luận được tôn trọng và khi người dân có thể chia sẻ ý tưởng, truy cập internet và mạng xã hội mà không bị cản trở, nó sẽ là nhiên liệu cho sự năng động mà nền kinh tế cần để phát triển. Đó là cách mà các ý tưởng mới hình thành, là cách mà Facebook xuất hiện. Đó là cách những công ty vĩ đại của chúng tôi hình thành. Vì con người có ý tưởng mới, mang tính khác biệt và họ có thể chia sẻ nó.

Khi quyền tự do báo chí được tôn trọng, khi nhà báo, blogger có thể đưa ra ánh sáng những vụ việc bất công và lạm dụng, nó sẽ khiến các công chức trở nên có trách nhiệm và giúp công chúng tự tin hơn rằng hệ thống thực sự hiệu quả.

Khi ứng cử viên có thể ứng cử và tranh cử một cách tự do và cử tri có thể chọn người lãnh đạo của mình trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, nó giúp cho đất nước bền vững vì người dân biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và sự thay đổi trong hòa bình là hoàn toàn có thể. Và nó cũng giúp có thêm nhân lực mới cho hệ thống.

Khi quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng, nó không chỉ cho phép người dân được bày tỏ tình yêu và đức tin của mình vào một tôn giáo nào đó mà còn cho phép các tổ chức tín ngưỡng được phục vụ cộng đồng của mình thông qua trường học, bệnh viện và chăm sóc người nghèo và những người yếu thế.

Khi quyền tự do hội họp được tôn trọng, và công dân có quyền tự do tham gia các tổ chức xã hội dân sự, đất nước sẽ có khả năng giải quyết các thách thức mà đôi khi chính quyền không thể tự mình đối phó.

Do đó, tôi cho rằng bảo vệ các quyền con người không phải là sự đe dọa cho sự ổn định xã hội mà chính là góp phần củng cố sự ổn định xã hội và là nền móng cho sự phát triển.

Sau hết thì chính khát vọng được hưởng những quyền này đã thôi thúc nhân dân toàn thế giới kể cả ở Việt Nam đứng lên lật đổ chủ nghĩa thực dân. Tôi tin rằng tôn trọng những quyền này chính là biểu hiện đầy đủ nhất của một nền độc lập mà rất nhiều thế hệ đã nâng niu, kể cả ở Việt Nam, một quốc gia đã tuyên bố mình thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Việt Nam sẽ đạt được những điều này bằng khác cách Hoa Kỳ đã làm. Mỗi quốc gia sẽ có cách làm khác với cách quốc gia còn lại trên thế giới. Nhưng đây là những nguyên tắc chung mà tôi tin tất cả chúng ta luôn phải tuân theo và phấn đấu.”


Sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí và nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam bị ngăn cản gặp Obama


Trong một diễn biến có liên quan, ít nhất hai nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đã bị bắt cóc ngay trước cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama. Cuộc gặp diễn ra ngay trước khi ông Obama đọc bài phát biểu trên đây vào sáng ngày 24/5/2016 để bàn về hoạt động của xã hội dân sự ở Việt Nam. Hai nhà hoạt động gồm Phạm Đoan Trang và Nguyễn Quang A.



trang-quanga
Nhà báo Phạm Đoan Trang (ngoài cùng bên phải) và nhà hoạt động Nguyễn Quang A (thứ 3 từ trái sang) trong một cuộc gặp gỡ với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và các quan chức Mỹ đầu năm 2016. Ảnh: Chưa rõ nguồn.





Nhà báo Phạm Đoan Trang là sáng lập viên và biên tập viên của Luật Khoa tạp chí. Cô bị một nhóm người mặc thường phục bắt cóc ở Ninh Bình sáng ngày 23/5 khi đang trên đường ra Hà Nội gặp ông Obama. Ông Phạm Quang A là đại diện của Diễn đàn Xã hội dân sự, cũng bị một nhóm người mặc thường phục canh giữ nhà riêng từ ngày 23/5 và bị nhóm này bắt giữ sáng 24/5 khi vừa rời khỏi nhà.

Có nguồn tin nói rằng còn có nhiều vị khách khác là nhà hoạt động cũng bị ngăn chặn nhưng Luật Khoa chưa kiểm chứng được thông tin.

Đến trưa ngày 24/5, khi cuộc gặp trên đã kết thúc, cô Đoan Trang và ông Quang A đã được thả.

Theo Reuters, trong một cuộc họp báo cùng ngày ở Hà Nội, ông Obama đã nhắc đến sự việc này và nói rằng Washington vẫn còn nhiều lo ngại về tự do chính trị ở Việt Nam.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét