Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Ra tù, Đinh Nhật Uy trả lời RFA và VOA


Ra tù, Đinh Nhật Uy trả lời RFA và VOA



Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-10-29


Anh Đinh Nhật Uy, sau khi rời khỏi tòa án vào ngày 29 tháng 10 năm 2013. Photo by Bạch Hồng Quyền     


Nghe bài này

Anh Đinh Nhật Uy, người bị đưa ra xét xử theo điều 258 Bộ Luật Hình sự vào sáng nay 29 tháng 10 và bị tòa tuyên 15 tháng tù treo. Sau khi ra  khỏi trại giam anh dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc nói chuyện sau.


Gia Minh: Thay mặt Đài và quí thính giả xin chúc mừng Uy, nhưng xin hỏi trước khi ra tòa sáng nay, Uy có hình dung, có nghĩ đến tình huống như trưa hôm nay không?


Anh Đinh Nhật Uy: Về suy nghĩ đối với bản án, từ lúc bị khởi tố tạm giam, bản thân tôi nghĩ mình vô tội, chứ không cần phải đến lúc ra tòa. Từ lúc đó tôi đã nhận định không có lý gì mà họ bắt tôi phải chịu trách nhiệm hình sự cả. Suốt thời gian bị giam trong tù 5 tháng nay, lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ mình vô tội. Tôi thấy những việc tôi làm không có gì đáng phải chịu trách nhiệm hình sự, và áp đặt vào điều 258. Bản thân tôi thấy vô lý.


Đối với bản án hôm nay, tôi thấy phần nào cũng bất hợp lý và tôi quyết định sẽ kháng cáo bản án này, vì tôi thấy có những điều chưa đúng đắn lắm.


Gia Minh: Anh có thể cho biết những điểm mà luật sư và bản thân anh trình bày tại tòa vì sáng nay không có người nào khác được vào dự tòa?


“Về suy nghĩ đối với bản án,
từ lúc bị khởi tố tạm giam,
bản thân tôi nghĩ mình vô tội,
chứ không cần phải đến lúc ra tòa.
Từ lúc đó tôi đã nhận định không có lý gì
mà họ bắt tôi phải chịu trách nhiệm hình sự cả”
Đinh Nhật Uy



Đinh Nhật Uy: Luật sư Nguyễn Văn Miếng đưa ra những lý luận rất sắc bén về điều 258 xâm phạm Nhà nước hay xâm phạm quyền công dân là chưa đủ yếu tố để chịu trách nhiệm hình sự; đó chỉ là trách nhiệm dân sự. Bản thân tôi cũng nói đó là dân sự và tòa phải xử án dân sự. Luật sư Miếng đưa ra những tình tiết chẳng hạn như không có bị hại.


Luật sư Miếng nói lạm dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm phải đủ yếu tố lạm dụng và đủ yếu tố xâm phạm mới cấu thành tội và mới chịu trách nhiệm hình sự.


Tôi khai và nói trước tòa rằng tôi không muốn sử dụng bất cứ điều gì, công cụ gì để xâm phạm bất kỳ ai. Xâm phạm phải có gây ra thiệt hại; nhưng bên những người nói là ‘bị hại’ đó không đòi hỏi thiệt hại, không chứng minh được thiệt hại.


Chính vì thế luật sư Nguyễn Văn Miếng nói chưa đủ điều kiện kết thành tội và phải chuyển vụ án này sang vụ án dân sự và đem ra hòa giải. Đó là cơ sở để luật sư Miếng tuyên bố bản thân tôi phải được phóng thích trước tòa, vô tội.


Còn luật sư Hà Huy Sơn đưa ra những chứng cứ mà bên tố tụng làm sai về nguyên tắc tố tụng. Rất nhiều tình tiết họ làm sai về thủ tục tố tụng. Tôi nhớ luật sư Hà Huy Sơn đưa ra sáu tình tiết sai về thủ tục tố tụng hình sự của những người khởi tố vụ án. Đơn cử như việc cử đại diện để dự phiên tòa là không đúng.


Điểm thứ hai, vụ án của tòa án tỉnh xử; nhưng bên an ninh điều tra làm là sai nguyên tắc của Điều 258.  Đúng ra đối với Điều 258 là bên Công an Bảo vệ Trật tự Xã hội làm mà đây bên an ninh tỉnh làm; như thế là sai nguyên tắc.


Tòa đã xem xét những sai trái về thủ tục tố tụng hình sự đó để giải quyết một số vấn đề nhưng không thỏa đáng.


Điều thứ hai mà luật sư Hà Huy Sơn đưa ra là về hành vi phạm tội không khách quan vì giám định viên chỉ đưa ra những yêu cầu chủ quan của bản thân mà không có cơ sở pháp lý, công cụ nào để đưa ra những kết quả giám định khách quan.


Dựa trên những điều đó, luật sư Sơn chứng tỏ rằng Đinh Nhật Uy không phạm vào điều 258, không cần phải xử lý trách nhiệm hình sự, tuyên bố phải được trả tự do tại tòa.


“Tôi là một người công dân bình thường
như hằng triệu người công dân khác.
Tôi làm tròn trách nhiệm của người
công dân đối với xã hội. Tất cả những gì
cần làm tôi đã làm; còn việc xảy ra để
tòa ghép, gán tội tôi theo Điều 258 như thế
là tôi không mong muốn và hoàn toàn không muốn”
Đinh Nhật Uy


Còn bản thân tôi, tôi yêu cầu tòa phải xử vụ án này ở góc độ dân sự, đưa ra hòa giải chứ bản thân tôi không chịu trách nhiệm hình sự.


Tôi đưa ra ý kiến những tin tôi viết là ‘những trạng thái cá nhân’, những nhận định cá nhân của tôi và tôi viết trên trang facebook cá nhân của tôi. Tôi có quyền nói về những điều cá nhân đó trên trang cá nhân của tôi.

Hiến pháp Việt Nam năm 1992 cũng qui định những điều luật về quyền tự do dân chủ của công dân được nói cái gì.


Tôi khẳng định tôi sử dụng đúng quyền công dân của mình. Tôi chưa từng có ý định, hành động hay động thái nào để xâm phạm bất kỳ ai, và lợi dụng bất kỳ cái gì đề xâm phạm bất kỳ ai.


Tôi khẳng định trước tòa rằng tôi là một người công dân bình thường như hằng triệu người công dân khác.Tôi là tròn trách nhiệm của người công dân đối với xã hội.


Tất cả những gì cần làm tôi đã làm; còn việc xảy ra để tòa ghép, gán tội tôi theo Điều 258 như thế là tôi không mong muốn và hoàn toàn không muốn xảy ra. Tôi yêu cầu tòa phải xử vụ án này ở góc độ vụ án dân sự.


Gia Minh: Suốt thời gian ở trong tù, việc đấu tranh của bản thân với phía cơ quan điều tra ra sao?


Đinh Nhật Uy: 5 tháng giam tôi trong trại giam Công an tỉnh Long An, tôi chưa bao giờ nói hành vi của tôi là phạm tội hay không phạm tội. Những điều đó phải được đưa ra trước tòa một cách dân chủ, và tòa án là người sẽ quyết định những chuyện đó đúng hay sai.


Còn việc tôi bị bắt giam, tạm giam như tôi nói lúc đầu, tôi tin tưởng tôi sẽ tự do vì tôi nghĩ những việc mình làm rất đơn giản, tôi đấu tranh vì chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vì sự xâm lược của Trung Quốc, tôi đấu tranh vì quyền lợi của người dân; quyền lợi của người dân bị xâm phạm và tôi đấu tranh chống tiêu cực.


Những việc làm của tôi, tôi khẳng định là đúng pháp luật, và mọi người phải nhìn nhận những việc làm đó có lợi chứ không phải có hại.


Gia Minh: Một lần nữa, xin chúc mừng anh Đinh Nhật Uy.


http://youtu.be/6UDVdUTSE0g





Đinh Nhật Uy: ‘Tôi sẽ tiếp tục lên tiếng trước các bất công’         

Cập nhật: 29.10.2013 09:07


Blogger Ðinh Nhật Uy sau khi được trả tự do.


Facebooker Đinh Nhật Uy tối 29/10 cho VOA Việt Ngữ biết rằng anh sẽ không ngại tiếp tục nói lên tiếng nói của mình ‘về những điều pháp luật không cấm’ sau khi bị tòa án kết án tù treo.

“Những việc tôi làm như là lên tiếng bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân hay là đấu tranh chống tiêu cực, hay những việc tôi đưa lên Facebook của bản thân tôi nó không vi phạm pháp luật. Tôi vẫn tiếp tục tôi làm chứ tôi không có gì phải ngần ngại cả. Những việc như bảo vệ em tôi khỏi vụ án chụp lên đầu em tôi là vụ án khủng bố thì tôi phải đứng ra tôi bảo vệ thôi. Và không chỉ riêng về bản thân của em tôi nữa. Những việc nào mà tôi thấy là bất công thì tôi sẽ tiếp tục lên tiếng. Những việc đó làm là có ích cho mọi người chứ không phải là làm xấu cho mọi người. Những gì mà pháp luật không cấm thì bản thân tôi sẽ tiếp tục làm”.

“Những việc tôi làm như là lên tiếng bảo vệ
lãnh thổ của Việt Nam, quyền và lợi ích
hợp pháp của người dân...hay những việc
tôi đưa lên Facebook của bản thân tôi
nó không vi phạm pháp luật. Tôi vẫn tiếp tục
tôi làm chứ tôi không có gì phải ngần ngại cả.”
Blogger Ðinh Nhật Uy.

Facebooker này còn cho biết thêm rằng anh ‘rất vui và cảm kích’ khi được chào đón khi ra khỏi trại giam, và cảm xúc đó ‘không thể diễn tả được’.

“Mọi người đã tạo cho tôi một tâm lý rất là vững chắc, một ngọn lửa cháy rất là mãnh liệt. Trước lúc tôi vô tù, thì ngọn lửa đó nó cháy ở mức độ mà tôi cảm thấy là không mạnh mẽ lắm. Nhưng nó được nhân đôi gấp mười lần, hai chục lần khi tôi bước ra khỏi trại giam và gặp mặt mọi người ở đây. Sức mạnh của mọi người trên các trang mạng xã hội là không thể nào đo đếm được, và nó rất là kinh khủng”.  

Tòa án tỉnh Long An hôm 29/10 tuyên phạt 15 tháng tù treo đối với Facebooker Đinh Nhật Uy vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Ông Uy là trường hợp đầu tiên mà cáo trạng có nhấn mạnh tới việc sử dụng Facebook – hiện được coi là một trang mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam do nhà nước quản lý trích dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cho rằng ông đã dùng Facebook để ‘đăng các bài viết, hình ảnh và trao đổi thông tin có nội dung xấu, sai sự thật về Nhà nước Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân’.

Facebooker Đinh Nhật Uy cho biết anh ‘không đồng tình với bản án đó và sẽ kháng cáo’.

“Tôi không đồng ý với mức án như vậy, và tôi đã yêu cầu tòa án phải xử vụ này dưới góc độ dân sự. Nếu mà áp đặt tôi với trách nhiệm hình sự, chịu trách nhiệm hình sự như thế này thì tôi sẽ kháng án”.

“Tôi không đồng ý với mức án như vậy,
và tôi đã yêu cầu tòa án phải xử vụ này
dưới góc độ dân sự. Nếu áp đặt tôi với
trách nhiệm hình sự, chịu trách nhiệm
hình sự như thế này thì tôi sẽ kháng án.”
Ðinh Nhật Uy.

Trước khi phiên tòa diễn ra, nhiều blogger và Facebooker cũng như một số tổ chức thúc đẩy nhân quyền đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Facebooker Đinh Nhật Uy cũng như kêu gọi hủy bỏ Điều 258, coi đây là là điều luật ‘bóp nghẹt các quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng Internet’.

Facebooker này cho biết anh chỉ là ‘một người công dân bình thường, một người nhỏ nhoi trong hàng triệu người khác mà mình lại nhận được sự ủng hộ của mọi người như thế là quá lớn’.

Về những ngày ở trong trại giam, anh Uy cho biết mẹ là người anh nghĩ tới đầu tiên.  

Ðinh Nhật Uy và mẹ Nguyễn Thị Kim Liên.


“Mẹ tôi là một người phụ nữ từ trước đến giờ tôi rất thương và lúc nào cũng tin tưởng vào mẹ. Mẹ là người rất là cứng rắn. Tôi biết là mẹ phải làm những gì, những việc mà phải có lợi cho con của mình. Tôi rất tin tưởng vào mẹ của mình, và cái đó không phải những thứ khiến tôi phải lo lắng trong tù nữa”.

Ông Uy bị giới hữu trách bắt tạm giam hồi tháng Sáu theo điều 258 Bộ Luật hình sự sau khi vận động trên Facebook, đòi trả tự do cho em trai là Đinh Nguyên Kha, hiện thụ án 4 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Sau Điều 88 về tội tuyên truyền chống nhà nước và Điều 79 về âm mưu lật đổ chính quyền, Điều 258 đang vấp phải chỉ trích của nhiều người và nhiều tổ chức thúc đẩy nhân quyền vì bị coi là giới hạn quyền được bày tỏ quan điểm của người dân.

Một nhóm blogger ở trong nước còn ra tuyên bố phản đối điều 258 và văn bản còn được biết tới với tên gọi ‘Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam’ này đã được chuyển tới nhiều cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế uy tín.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét