Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ra mắt sách "Chết Ngoài Kế Hoạch"


Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ra mắt sách "Chết Ngoài Kế Hoạch"






WESTMINSTER, California (NV) - “Tôi viết những chuyện này từ giữa thập kỷ 1980 cho đến nay. Thời kỳ mà tôi tin rằng nhà nước cộng sản đang bước vào những ngày cuối cùng của cơ chế cũ, độc tài, quan liêu, bao cấp, giả dối, dốt nát, ngu đần... trước khi nhà nước cộng sản sụp đổ để thay bằng một cơ chế mới, hợp lý hơn.”


Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hân hoan trao sách 
tận tay độc giả. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)




Ðó là đoạn mở trong “Lời Mở Ðầu” của cuốn sách, chỉ có chưa đầy một trang sách. Nhưng “Chết Ngoài Kế Hoạch, Chuyện Cười XHCN” lại dài đến trên 800 trang, phải chia thành hai tập I và II do cơ sở Cội Nguồn San Jose xuất bản và được tác giả ra mắt tại nhật báo Người Việt vào chiều hôm Thứ Bảy, 5 Tháng Mười.


106 chuyện cười XHCN mà tác giả Trần Khải Thanh Thủy coi là những “bông hoa nở trong đêm tối XHCN” đã nói lên tất cả sự thê thảm trong xã hội dưới thời cộng sản, nhưng cũng từ đó nở ra cái nhân bản, tình người.


Ký mục gia Bùi Bảo Trúc, một trong hai diễn giả giới thiệu sách, nhận định: “Từ một cô giáo hiền lành nuôi con, tại sao trở thành một con người khác hẳn khi cầm bút, viết văn, làm báo. Ðó là vì Trần Khải Thanh Thủy đã viết ra những bài làm buồn lòng chế độ.”



Phút vui sướng khi nhận được những ân tình. 
(Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Buồn lòng chế độ tự do dân chủ thì không sao nhưng buồn lòng chế độ “ưu việt” XHCN thì là tội chết không tha được. Nên Trần Khải Thanh Thủy đã phải ra tù vào khám, hết hạn tù thì bị khuấy đảo cuộc sống qua những hành vi đê hèn nhất mà không ai có thể tưởng tượng ra được một nhà nước uy quyền đầy mình như chế độ CSVN lại có thể côn đồ như thế.


Và dư luận thế giới đã biết, can thiệp cùng chính phủ Hoa Kỳ, đưa được Trần Khải Thanh Thủy cùng gia đình đến miền đất tự do Hoa Kỳ.


Ký mục gia này ghi nhận: “Văn của bà lạnh lùng, cay độc, có khi còn thô tục. Ðó là những tiếng cười nghẹn uất của người bị bóp cổ.”


Ðó là những trải nghiệm của đời mình qua những hoàn cảnh thê thiết, đểu giả của bọn cầm quyền cộng sản.


Và ông kết luận: “Càng đọc càng cay.”


Nhà văn Huy Phương đề cập đến một khía cạnh khác, khía cạnh cộng đồng chống cộng hải ngoại đã “đối xử” với những nhà tranh đấu ở trong nước ra hải ngoại.


Ông nói: “Câu hỏi ám ảnh và dầy vò chúng ta lâu nay, đặt ra mà không ai có can đảm trả lời. Hải ngoại đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuộc phỏng vấn, bao nhiêu bản nhạc bài thơ, bao nhiêu lần thắp nến cho những nhà tranh đấu, nhưng chúng ta đã tiếp đón những người này như thế nào khi họ ra hải ngoại, được hít thở bầu không khí tự do như chúng ta, chắc tôi không cần phải nhắc lại.”

Nhà văn này cũng hết lời ca tụng sự can trường của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy “tuy tay yếu chân mềm nhưng cũng như một bậc sĩ phu trước thời loạn, biết dùng ngòi bút để chống lại bạo quyền, bị đánh đập, tra khảo, bị tù đầy nhiều năm, chưa hết, trên tinh thần còn bị lăng nhục, bôi nhọ, bị đổ phân vào nhà, bị khóa trái nhà không cho ra ngoài,” mà vẫn tiếp tục viết lên những tiếng nói cùng khổ của người dân Việt.

Nhà văn Huy Phương đã thống trách: “Quả là chúng ta văn minh hơn cộng sản, chúng ta không có phân người, dầu cặn, không có roi điện, dùi cui để làm họ đau đớn thể xác, nhưng chúng ta làm cho họ đau đớn tinh thần bằng dư luận, qua báo chí, qua Internet. Chúng ta đã dè bỉu, lăng mạ, đặt điều, vu vạ, cách ly họ ra với cộng đồng.”



Xuất hiện trước khoảng 100 người tham dự, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trông vẻ hiền lành, dung dị của hình dáng một cô giáo, đã say sưa nói về cảnh sống trong chế độ XHCN mà cô đã phải trải nghiệm trong nhiều năm trời. Cô nói về dối trá trong cuộc sống của mọi người trong XHCN đến độ “nếu có ai nói thật sẽ bị coi là người điên...”

Cô cũng nhắc đến thế hệ tuổi thơ trong XHCN Việt Nam, mới 3 tuổi đã biết cất lên tiếng hát: “Ðất nước tôi! Ðất nước tôi! Có thế thôi!” Còn người lớn thì thản nhiên trong dối trá, nhưng cũng cay đắng sửa những “thành ngữ” của cộng sản như câu “Lương Y Như Từ Mẫu” thành “Lương Y Kiêm Hà Bá, Từ Mẫu Kiêm Mẹ Mìn.”

Và Trần Khải Thanh Thủy tạm kết luận trong buổi ra mat sách này: “CSVN đang ở tận cùng của những sự khốn nạn như Lenin đã phê phán chế độ Nga Hoàng trước Cách Mạng 1917.”

Những người tham dự đã bày tỏ nhiệt tình với Trần Khải Thanh Thủy qua đống sách được bán hết và những tràng vỗ tay liên tục cùng những bó hoa tươi thân tặng cô và phu quân.

Một thương gia trong cộng đồng, chủ nhân xe đò Hoàng nhờ nhà văn Huy Phương chuyển đến nhà văn Trần Khải Thanh Thủy một phong bì. Phong bì này là phong bì tình nghĩa chứ không phải phong bì của “thủ tục đầu tiên” dưới thời XHCN mà Thanh Thủy vừa thoát ra.

Buổi ra mắt sách do nhóm thân hữu Trần Khải Thanh Thủy tổ chức, điều khiển chương trình là nhà báo Ðinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt.


Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

***

CHU TẤT TIẾN - VIẾT VỀ SÁCH CỦA TRẦN KHẢI THANH THỦY

(Nhật Báo Việt Báo, Nam California. 1 tháng 10, 2013)

Có lẽ phải xin lỗi Trần Khải Thanh Thủy vì tôi chưa đọc hết sách của Trần Khải Thanh Thủy. Có lẽ tôi sẽ không đọc tiếp nữa, hoặc nếu đọc, chắc phải một thời gian nữa. Một tháng, hai tháng... không chừng. Vì tôi sợ. Vì tôi không có can đảm. Tôi không thể đọc một mạch như đã từng làm trong nhiều năm đọc sách trước đây. Tôi sợ  tôi sẽ bấn loạn, sẽ muốn nổi cơn giận dữ, sẽ muốn vỡ tung lồng ngực ra. Bởi văn chương Trần Khải Thanh Thủy căng thẳng quá. Văn chương ở đây là văn nổi loạn, văn phẫn uất, văn của những tâm hồn ngây thơ bị cuộc đời đầy đọa tơi bời, văn của những nữ sinh tiểu học bị lưu manh giật cặp táp, văn của những cánh bướm mỏng manh dẫy dụa trong tiếng cười đắc chí của kẻ tìm bướm ép sách, văn của bông hồng mỏng manh rũ rượi trước gió bão thô bạo. Văn của Trần Khải Thanh Thủy đầy tiếng cười, nhưng lại ngập tràn nước mắt. Tuy thế, những bông hoa yếu ớt kia vẫn kiên cường chiến đấu bằng mấy cái gai nhọn lưa thưa, những cánh bướm kia cố gắng các động tác đập, vẫy cuối cùng trước khi chịu nằm im. Thà tan nát xác mình nhưng không cho kẻ ác thỏa mãn nhìn ngắm mình nguyên vẹn. Đọc văn của Thanh Thủy, tôi tưởng như nhìn thấy một bé gái đang bị côn đồ nắm tóc giật tai, nhưng vẫn cố gắng chiến đấu, bằng hàm răng nhỏ bé, bằng nắm đấm không hơi. Đến khi không còn sức đẩy, thì xử dụng vũ khí sau hết là chửi văng mạng những danh từ nào nhớ được trong đầu. Mông, đít, cứt, đái... Tất cả là những vũ khí, biết là chẳng gây được chút thương tích nào cho kẻ ác, nhưng vẫn mong chúng chán nản mà bỏ đi.

Nhìn thấy cảnh "người bóc lột người" như thế, tôi phẫn nộ. Tôi bàng hoàng, tôi bập vào môi, tôi rơi nước mắt. Vì tôi thấy mình bất lực, trì độn. Không làm gì được cho những người cô đơn bị đời vùi dập phũ phàng, dù một lời an ủi, một bàn tay vuốt tóc. Tôi không thể dùng sức mạnh của mình mà che chở cho các thân phận lả lướt như bèo, hết trôi xuống Đông lại tạt lên Tây, hết qua đèo, lại rơi vào nước xoáy. Nhà Văn Thanh Thủy từng bị liên miên theo dõi, trù dập không ngừng, lúc giật máy vi tính, khi cướp sách vở, lúc đột nhập vào nhà vặn vẹo, khi lén lút mua chuộc, hỏi han, khi lại bị kẻ xấu đổ đầy chất bẩn trước cửa. Càng đọc tuyển tập của Thanh Thủy, những đoạn văn cười ra nước mắt, những đoạn chứa các tư tưởng giận dữ và chán ghét, hy vọng và mông lung, tôi có cảm tưởng nhà văn như  trái bóng bị đá tứ tung, nhưng vẫn vươn mình lên, tròn trặn, vẫn óng ánh làn da, vẫn thở đầy buồng phổi.

Thanh Thủy bỏ thành phố này sang tỉnh lỵ khác, mất tập bản thảo này lại sáng tác bài kia, lùi một bước vì đứa con thơ nhưng lại tiến lên liên hoàn mấy nhịp điệu mới. Thanh Thủy là giòng nước xanh,  dịu dàng luân vũ sông Hồng, ẻo lả sông Thương, dũng mãnh sông Cửu, ngang ngạnh sông Thu Bồn, sông Gấm. Thanh Thủy dồi dào phù sa, tuôn chẩy sức sống, mặc cho người đào bới, lấp ngọn, ngăn nguồn. Những bài văn của Thanh Thủy  vẫn đều đều một giọng thanh cao, mặc dù thấp thoáng trong đó là rêu xanh, cỏ úa. Tuy chửi đời, nhưng vẫn yêu người, Con Người Chân Thực, và Con Nguời Hy Vọng. Thanh Thủy viết trân trọng về Hồ Xuân Hương, một phản kháng trong thi ca, nhưng chính nhà văn mới là một Hồ Xuân Hương cách mạng từ ý tưởng đến ngôn từ. Cách trình bầy "phồn thực" của Thanh Thủy thật là độc đáo, trây trúa mà thơ ngây, dân giả mà trí thức. Cô giáo như Thanh Thủy là ngòi nổ sân trường, là cánh hoa phượng gắt gao, đỏ chói, rực rỡ báo mùa nóng bức  đang tới. Các đoạn ca dao, tục ngữ bắt người đọc cười như điên, rồi lại chùng xuống nức nở với các bài viết về sự tra tấn, hành hạ giữa người tự phong là "đỉnh cao trí tuệ" và người bị coi là đồ vật  của một tập thể độc tài, mất lương tri.

Vì thế, tôi không thể đọc tiếp sách của Trần Khải Thanh Thủy nữa. Tôi không muốn mình hỗn độn, chập chùng. Tôi không có khí phách như Thanh Thủy, dù tôi to lớn. Cũng không có khả năng chống chọi như Thanh Thủy, dù tôi còn tỉnh táo. Tôi chỉ có thể, ngồi tại một nơi xa xôi, mà gửi đến Thanh Thủy một lời chia xẻ mông lung, vài câu xã giao, xuông tình, và mong được thứ lỗi cho sự giả dối của tôi, nếu những điều tôi viết, không đến tự trái tim của một người lưu vong, bất lực trước Tội Ác đang hoành hành trên quê hương mình. Và, chỉ có thể giới thiệu cuốn sách của Thanh Thủy - cuốn sách mà tôi không dám đọc hết- để những ai can đảm hơn tôi có cơ hội chia xẻ vài ánh văn cách mạng.

Chu tất Tiến.
- Buổi giới thiệu hai tập sách mới của Trần Khải Thanh Thủy: CHẾT NGOÀI KẾ HOẠCH (1 và 2) được tổ chức vào lúc 2 giờ chiều,  ngày Thứ Bẩy 5  tháng 10 năm 2013, tại Nhật Báo Người Việt, đường Moran, thành phố Westminster.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét