Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Phát biểu của Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh tại buổi thảo luận tổ – Quốc hội 24-10-2013


Phát biểu của Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh tại buổi thảo luận tổ – Quốc hội 24-10-2013




“... Tôi xin nói một điều cuối cùng, tài nguyên lớn nhất của VN không phải là khoáng sản, dầu khí. Tôi nói thật 5 năm nữa hết dầu khí là không còn cái gì để thu. Chúng ta đào bới tài nguyên thô đi bán hết rồi. Dầu khí từ 18 triệu tấn, xuống dần 17, 15, 14 rồi 1 triệu và cuối cùng là đóng cửa. Và chúng ta sẽ tụt hậu. Nhưng tài nguyên lớn nhất của VN là con người. Người VN rất thông minh, nhưng chúng ta đã khai thác tài nguyên này thế nào? Tôi hỏi các đồng chí, tôi là bộ trưởng, tôi muốn nhận một cháu học tiến sỹ giỏi về có được không. KHông nhận được. Tôi muốn loại mấy đứa kém ra, nó sẽ kiện tôi mất chức bộ trưởng. Tôi muốn nhận kỹ sư tin học giỏi, đang làm bên ngoài 50 triệu/tháng, tôi nghĩ về đó cậu ấy sẽ làm thay được việc của nhiều người khác. Nhưng tôi không nhận được, vì không trả lương như vậy được. Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà dốt thì làm sao có chính sách tốt được. Vậy thì làm sao mà thu hút và sử dụng nhân tài…”

(Trích phát biểu của Bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư Bùi Quang Vinh tại buổi thảo luận tổ – Quốc hội 24-10-2013)


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại buổi làm việc.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)



Tôi muốn nói để các đại biểu Quốc hội nắm sâu các con số.

Chúng ta nói rằng đầu tư cho phát triển năm 2014 là 163.000 tỷ, nhưng trong đó có 36.000 tỷ dự kiến thu từ đất nhưng thị trường bất động sản đang trầm lắng nên cũng không chắc là có đủ số này. Cho nên, con số chi thật thấp lắm. Nếu mà căn cứ vào Luật ngân sách và nghị quyết của trung ương thì lẽ ra phải bố trí 260.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Nhưng bây giờ chỉ bố trí có 163.000, mà trong đó đã dự kiến 36.000 từ đất. Do vậy con số thực thấp lắm.

Hôm qua trình ra QH thì nhiều đồng chí rất vui vẻ ủng hộ bội chi 5,3% và nói rằng để chi cho đầu tư phát triển tăng lên. Nhưng thực tế thì chúng ta thấy rằng chi đầu tư phát triển đang giảm một cách mạnh mẽ, năm nay là năm giảm nhất trong lịch sử VN về chi đầu tư phát triển mặc dù trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ có viết rằng cố gắng đảm bảo chi đầu tư phát triển 2014 cơ bản không thấp hơn năm 2013. Tôi làm Bộ trưởng kế hoạch là người chịu rất nhiều sức ép khi mà có nhiều dự án địa phương rất hiệu quả, rất quan trọng. Có hai cái mảng, một cái mảng dự án đầu tư từ những năm trước để lại thì suốt nhiệm kỳ của tôi gánh vác cũng không hết. Không bố trí thêm mà chỉ cắt đi. Các đồng chí nói cái 1792 rất nhiều chủ tịch tâm sự riêng với tôi nói rằng may mà Chính phủ ra ngay lập tức từ đầu nhiệm kỳ cái chỉ thị quyết liệt như vậy nên các chủ tịch tỉnh mới chùn tay không ký, không dám ký. Không có tiền là không được ký, không có thẩm định của trung ương là không được ký. Còn nếu cứ để theo cái phong trào như cách đây ba, bốn năm thì không biết hôm nay sẽ vỡ nợ như thế nào. Tôi có thể nói là đất nước này vỡ nợ do xây dựng cơ bản tràn lan.

Nhưng đến nay cơ bản là đã khống chế được trong xây dựng cơ bản của nhà nước. Tôi có thể khẳng định chúng ta kiểm soát được các dự án đầu tư trong kế hoạch. Hiện nay cái nợ không lớn, chỉ khoảng hơn 50.000 tỷ thôi. Nhưng tổng các khoản nợ khác thì có thể hơn, vì ông cứ đi vay làm, rồi tạm ứng kho bạc trước, ông cứ nói với doanh nghiệp là anh đi vay về làm đi rồi tôi tìm cách trả nhưng không có tiền trả. Đấy là những cái ngoài kế hoạch, còn trong kế hoạch thì không nợ nhiều thế. Chỉ trừ bộ Giao thông, vì bộ giao thông thì lúc nào cũng nợ. Ông ấy cứ ứng xong rồi nợ, Chính phủ nợ chứ ông ấy có nợ đâu mà. Thì cái đấy ông ấy làm đường quốc gia thì mình chịu.


Trong tổng số 163.000 tỷ thì có 16.500 tỷ là vốn nước ngoài. Chúng tôi phải ép vốn nước ngoài xuống thấp, như tôi đã báo cáo trước là vốn nước ngoài năm nay chắc chắn sẽ đạt vào khoảng 31.000-35.000 tỷ, nhưng chúng tôi chỉ lấy một nửa để đưa vào kế hoạch. Vì các tỉnh, các bộ tìm vốn ngân sách khác để làm đối ứng thôi. Còn vốn nước ngoài đang có 24.000 tỷ còn treo ở các dự án cơ mà. Cho nên con số này trừ đi 16.500. Cân đối cho các địa phương là 86.000, HĐND các địa phương tự quyết định. Chỉ còn 77.000 của trung ương thôi, và phần này trừ đi 16.500 thì còn có 60.500 tỷ mà trong số này chúng tôi lại cân đối hỗ trợ địa phương 37.000 tỷ và cuối cùng ngân sách trung ương còn 39.000 ngàn, để làm gì? để bộ giao thông làm đường, bộ nông nghiệp làm thủy lợi nhỏ. Nhiều người nói thôi cân đối khó thì không hỗ trợ địa phương nữa. Tôi nói thật là có nhiều dự án bây giờ không có tiền là không xong. Chỉ cái đường vào nhà máy lọc dầu mà tôi cũng phải bàn với các anh ấy suốt cả buổi chiều, không giải quyết nổi. Nguồn ít quá, cái tối thiểu cũng không giải quyết được. Bây giờ không hỗ trợ các địa phương thì họ lấy tiền đâu ra mà đầu tư.

Chỉ có điều là không cho làm mới. Muốn làm mới phải báo cáo và thủ tướng đồng ý mới được làm. Bây giờ chặt đến mức ấy. Và chúng ta đã dẹp bớt được gánh nặng khổng lồ của đầu tư dàn trải.

Nếu cứ nghiêm túc thế này thì đến năm 2015 tình trạng dàn trải cơ bản sẽ cơ bản được giải quyết, những cái dở dang trước đây sẽ cơ bản được hoàn thành. Nhưng rõ ràng mất một nhiệm kỳ không có làm mới được cái gì. Và đó là sự gánh chịu rất nặng nề và cũng rất kiên quyết của Chính phủ.

Vì vậy, nếu không có bố trí được cho các đồng chí thì cũng vì hai mặt: một là ngân sách đang thâm hụt một cách nghiêm trọng, chưa từng có. Trước đây, tổng chi đầu tư phát triển trong vòng 5 năm trước, 2006-2010 bình quân là khoảng 35-37%, thậm chí năm đầu 40%, có những năm lên tới 42% so với GDP. Ví dụ GDP năm nay của chúng ta là 4,2 triệu tỷ, thì tổng đầu tư toàn xã hội vào cỡ 1,7-1,8 triệu tỷ. Nhưng nó cứ tụt dần, tụt dần. Nó tụt cái chi đầu tư của nhà nước thì còn có lý chứ tụt tổng chi đầu tư toàn xã hội là có vấn đề vì đất nước ta đang phát triển. Có nhiều người mang cái này ra so sánh với Pháp, với Đức bảo là ở họ bố trí có mấy phần trăm, rất ít, sao VN nhiều thế. Tôi sang làm việc với Đức, Pháp họ bảo là sao các ngài lại so sánh thế được nhỉ, chúng tôi đã có mấy nghìn năm xây dựng rồi, cách đây hàng trăm năm chúng tôi đã có cơ sở vật chất tốt hơn VN hiện nay, đường cao tốc, quốc lộ, đường ngang ngõ xóm của chúng tôi xong từ bao giở bao giờ nên chúng tôi không phải làm thêm gì nữa. Tức là người ta đã đầu tư hoàn chỉnh rồi, không cần đầu tư thêm về hạ tầng nữa. Còn chúng ta, một đất nước mà đường không ra đường, chỗ nào cũng thiếu, thủy lợi chưa đủ… So sánh khập khiễng.

Đến bây giờ, năm 2013 chỉ còn 29,1% tổng đầu tư toàn xã hội, tức là mọi nguồn vốn huy động của dân, tư nhân, nhà nước, đầu tư nước ngoài chỉ có được như thế. Năm 2014 chúng tôi xây dựng trình Thủ tướng là hai năm còn lại phải đạt mức trên 6% GDP, nhưng tình hình thực tế nó xấu hơn như vậy nên chúng tôi phải tính hai mức: mức một là 5,8%, mức 2 là 6%, bàn trong Chính phủ nói thôi lấy mức thấp. Nhưng ngay cả mức 5,8% thì cũng chỉ đạt trong điều kiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt từ 30% trở lên. Muốn có trên 30% thì vốn ngân sách nhà nước mà Thủ tướng đã thông báo theo kế hoạch trung hạn cho các địa phương của năm 2014 là 234.000 tỷ đồng. Vậy mà bây giờ nó tụt một nhát xuống còn có 163.000 tỷ. Tức là giảm rất nhiều so với kế hoạch. Và như vậy dự báo tổng mức đầu tư toàn xã hội chỉ còn 26-27% thôi. Nếu như vậy thì không bao giờ chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng 5,8%. Chúng tôi đã tính ra là cố gắng lắm thì chỉ đạt được 5%. Tôi đã cảnh báo, đã làm văn bản khẩn cấp gửi Thủ tướng là không thể vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng 5,8 mà lại tùy tiện cắt đi tất cả các đầu tư.

Hiện nay, năng suất lao động tác động đến tăng trưởng thường thì từ 19-21%. Vốn đầu tư tác động vào tăng trưởng từ 57-60%. Năng suất tổng hợp gồm ba yếu tố: vai trò khoa học kỹ thuật, mức độ áp dụng KHKT; thứ hai là trình độ quản lý; thứ ba là năng suất lao động thì chúng ta chỉ đạt có 28% (trong khi có nước tiên tiến nó chiếm tới 60%).

Nền kinh tế của chúng ta chưa thể thay đổi được. Gọi là tái cơ cấu nhưng đã làm được gì đâu mà tái cơ cấu, mới loe hoe thôi. Tái cơ cấu khó lắm, là cả quá trình dài nhưng không thể nói hôm nay ngày mai làm sao được. Giống như gia đình, đang nghèo như vậy bảo tái cơ cấu ngay sao được, nhà cửa đập đi xây lại thì phải tiêu tiền chứ. Cho nên, nếu không giữ được mức độ đầu tư hợp lý thì chúng ta sẽ không có tăng trưởng. Mà không có tăng trưởng thì nó lại quay trở về vòng xoáy là hụt thu ngân sách, hụt thu thì lại phải cắt giảm các thứ, cắt giảm an sinh xã hội, nghĩa là rơi vào vòng luẩn quẩn.

Như vậy thì đòi hỏi phải tìm ra đột phá. Các nước khi gặp suy thoái họ có các gói kích cầu. Nhưng kích cầu phải theo cách của nó. Năm 2009 chúng ta đưa ra gói kích cầu 145.000 tỷ thực sự chưa hiệu quả. Mà nó chính là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát, bất ổn của nền kinh tế như hôm nay. Chúng ta cứ ào ạt là không được, phải rất chặt chẽ.

Cho nên tôi mới nói rằng tại sao chúng ta hôm nay phát hành trái phiếu, là bởi vì trái phiếu thì sẽ không phải in thêm tiền, không phải gây lạm phát trực tiếp. Tức là chúng ta có tiền nhưng không phải in thêm tiền. Nó vẫn là đồng tiền đang lưu hành trong chúng ta, khi Chính phủ phát hành trái phiếu thì nhân dân mua, doanh nghiệp mua, ngân hàng mua. Tiền của ngân hàng là tiền dân gửi tiết kiệm, đáng lẽ mang ra đầu tư cho sản xuất, thì ông ấy dành một phần mua trái phiếu Chính phủ. Nhưng tất nhiên nó cũng có tác động gián tiếp đến giá cả, giá cả có thể tăng lên. Trái phiếu này chỉ dành để nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần tăng trưởng. Bởi vì 1.400 công trình đang dở dang của các bộ, ngành, địa phương, là đường quốc lộ, thủy lợi đang dở dang chỉ còn thiếu một ít thôi, bây giờ nếu không cho nữa thì tất cả khoản tiền đổ vào trước đó sẽ vứt đi. Vậy thì phải cho nó hoàn thành nốt đi, chứ không phải cho làm mới. Từ lúc tôi lên bộ trưởng là không có danh mục nào mới cả, toàn là đi chữa cháy cái cũ đang làm dở. Hôm qua tôi tính chỉ cần 14.000 tỷ thôi thì có thể hoàn thành 668 công trình đang dở dang nằm ở các địa phương và các bộ. Công trình đã bỏ vào đó 1.000 tỷ rồi, bây giờ cần 100 nữa để hoàn thành thì chúng ta phải cho hoàn thành nốt đi chứ. Bây giờ bảo thôi, không phát hành nữa, thì cái 1.000 tỷ kia là vô nghĩa. Thứ hai là ODA có khoản người ta cho vay 40 năm, 60 năm, thế thì chúng ta đã ký kết rồi, đã ký kết bao năm nay rồi, bây giờ mỗi năm cần 7.000-8.000 tỷ tiền vốn đối ứng nhưng ngân sách không còn tiền. Làm được cái này, tức là bỏ ra 20-30 vốn đối ứng thì chúng ta có thể dải ngân được 16-17 tỷ USD. Mà đây là những công trình gì? Đó là cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Long Thành… Những công trình khổng lồ, nếu không làm thì bỏ phí nguồn lực vô cùng lớn, đất nước không phát triển được. Cho nên cân nhắc mãi, lẽ ra ngân sách bỏ ra, nhưng cuối cùng khó quá thì Chính phủ đề nghị để trái phiếu giúp, Chính phủ lo vay thì Chính phủ trả.

Tôi phân tích như vậy để thấy rằng đầu tư từ ngân sách năm nay là vô cùng nhỏ bé.

Vừa rồi cần 200 tỷ cho vùng dân tộc Trà Vinh. Không kiếm đâu ra, nhưng Thủ tướng bảo đây là nhiệm vụ chính trị phải làm. Tôi bàn với anh Ninh mãi, cuối cùng anh NInh cắt của bốn bộ, như Bộ Quốc phòng, giao thông mỗi bộ 50 tỷ. Đất, đất nước nó khó khăn thế, không tìm ra được nguồn vào.

Tôi nghĩ rằng phát hành vốn trái phiếu Chính phủ không phải là để kích cầu nhưng để giải quyết cái tồn tại và những cái thực sự đem lại hiệu quả. Cả đất nước có mỗi cái đường Quốc lộ 1 và quốc lộ 14 nói mãi mà không làm được. Thật ra đến hôm nay phải xong rồi. Các đồng chí cứ nhớ lại xem năm ngoái lúc chúng tôi trình nghị quyết là trái phiếu Chính phủ, đến khi Quốc hội thông qua chả hiểu thế nào nó lại thành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Tôi trình, anh Giàu trình, tôi bảo anh Giàu là ông đọc thế nào mà nó lại sửa mẹ nó thành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Hai cái khác nhau hoàn toàn. Trái phiếu Chính phủ là Chính phủ phát hành, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là doanh nghiệp phát hành Chính phủ bảo lãnh. Mà doanh nghiệp bây giờ khó khăn, chết hết rồi, có phát hành được đâu, trong nước không mua, nước ngoài không mua, cuối cùng một năm trôi qua rồi có phát hành được gì đâu, lãng phí bao nhiêu tiền của. Vậy mà Quốc hội thống nhất 90% chả mấy ai phản đối. Nếu mà có tiền thì Quốc lộ 1 thông xong xe nó thoát đi, Quốc lộ 14 xe đi ngon lành, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Nếu tình hình vốn đầu tư như thế này thì năm sau chưa chắc tăng trưởng 5,8% được đâu. Nhưng Thủ tướng bảo tôi là thôi dần dần sẽ tìm cách rồi sẽ đủ cái tổng ấy, ông cứ để con số ấy, bây giờ nghị quyết Bộ chính trị thông rồi, trung ương thông rồi mà ông bảo nó còn có 5,1-5,2 thì ông chết. Nhưng tôi cứ báo trước cho các đại biểu trong tổ với nhau biết là nếu không có những nguồn huy động thêm thì năm sau kinh tế khó khăn. Nó đang hồng lên nhưng có khi nó cũng đang xám lại.

Vấn đề thứ hai tôi muốn nói là vấn đề đổi mới, cái cách chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ hơn. Ba cái đột phá chúng ta nói nhiều quá nhưng làm không nhiều, nếu như không muốn nói là làm ít. Một trong những vấn đề gây trở ngại. Quốc tế người ta đánh giá, theo nhiều tổ chức quốc tế, mà mới đây nhất là bài viết của Lý Quang Diệu vô cùng sâu sắc. Lý Quang Diệu là người bạn rất thân thiết với VN, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước VN luôn mời, tham khảo ý kiến của ông ấy. Đó là con người tài giỏi và chân thành với VN. Ông nhận xét rằng VN những năm vừa qua là được rồi, nhưng hướng tới nếu cứ đi như thế này thì không ổn.

Chúng ta phải đổi mới căn bản, triệt để thể chế kinh tế của chúng ta. Phải tiếp tục thị trường hóa thị trường một cách mạnh mẽ, làm cho đất nước năng động. Ông Diệu nói rằng nếu cứ để thế này chắc chắn kinh tế VN đi xuống, không phải đi ngang, rơi vào bẫy thu nhập trung bình đâu. Chúng ta sẽ tụt hậu rất nhanh so với các nước bên cạnh. Chúng ta còn đang lo lắng là chúng ta tụt hậu so với những nước mà trước đây, bây giờ không dám so với Thái Lan, indonexia, Malaysia đâu, tôi đang lo rằng là cả với những nước Campuchia, Lào – những nước trước đây quá lạc hậu so với chúng ta.

Một trong những vấn đề rất hệ trọng, trung ương đã ghi rõ vào nghị quyết rồi, ba đột phá: đột phá thứ nhất là về thể chế kinh tế; đột phá thứ hai là về nguồn nhân lực; đột phá thứ ba là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tôi chỉ nói theo Đảng thôi chứ chưa nói gì ngoài. Nhưng trong thể chế kinh tế là vấn đề trọng tâm, quyết định mọi thứ khác. Thể chế kinh tế ở đây là gì, là tạo ra môi trường cho tất cả mọi thành phần kinh tế để người ta có điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tất cả những gì trong khả năng người ta có thể làm được, để cho mỗi một chủ thể kinh tế mang toàn bộ tài năng, tâm huyết của mình ra làm cho đất nước phát triển. Nôm na là như vậy.

Hiện nay thể chế của chúng ta, chúng ta nói rằng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không sai. Nhưng bây giờ rạch ròi ra, thị trường là thế nào và định hướng XHCN là thế nào? Không phải là chúng ta có một mô hình kinh tế thị trường riêng biệt so với thế giới. Bởi kinh tế thị trường là cái thứ tinh hoa của nhân loại rồi, nó là cái chung. Còn định hướng XHCN là vai trò của nhà nước tham gia định hướng, điều tiết thị trường đó. Nếu chúng ta khái quát rõ ràng như vậy thì nó sẽ tách bạch ra được, đỡ mắc. Phải nói rằng chúng ta phải kinh tế thị trường, phải thị trường hơn nữa nhưng nhà nước có vai trò ở đây. Ví dụ giá điện, suốt bao năm nay ngành điện kêu lỗ, vì chúng ta đưa ra cái giá mà nói rằng để dân đỡ kêu. Giá điện của ta chỉ bằng khoảng 70% giá thế giới, thậm chí bán dưới giá thành. Vậy thì sản xuất ra một sản phẩm bán dưới giá thành thì ai chịu được. Bình thường một doanh nghiệp thì vỡ nợ mà chết. Thế nhưng chúng ta đang duy trì cơ chế đó và có người cho rằng đó là xhcn đấy. Hậu quả là gì? Lỗ. Mà lỗ thì không mở rộng đầu tư sản xuất được. Muốn mở rộng thì ngân sách nhà nước phải bỏ vào, mà ngân sách lại không có thu. Ở nước ngoài đầu tư sản xuất điện là do nhà đầu tư người ta bỏ tiền ra, đâu phải do nhà nước. Làm gì có chuyện một hàng hóa mà ai ai cũng phải dùng nhưng chúng ta lại bao cấp, không có thị trường gì cả. Kết quả là doanh nghiệp người ta không dám nhảy vào, để cho ông doanh nghiệp nhà nước ôm hết. Nhà đầu tư nước ngoài không muốn vào đầu tư sản xuất điện. Không có người đầu tư nhưng những ngành sản xuất nhờ vào điện như xi măng, thép nó nhảy vào ào ạt, không cản được. Đây là hai cái thằng mà tỷ trọng giá điện trong giá thành rất lớn. Tại sao họ nhảy vào? Là vì họ ăn trong cái giá điện của chúng ta chỉ bằng 70% của thế giới. Cho nên nhà máy xi măng đang thừa mứa, nhưng tới đây lại có thêm những nhà máy xi măng được khởi công. Thép cũng vậy, họ mua phôi về sản xuất ra thép để bán và ăn lời trong cái giá điện. Nhà nước bù cho điện thì doanh nghiệp nước ngoài và trong nước lấy tất. Nhân dân không được gì, nhà nước thì mất đơn mất kép. Vậy thì phải làm thế nào? Chúng ta phải nâng lên, theo cơ chế thị trường, ít nhất giá cả phải bằng giá thành cộng với lãi hợp lý. Bán đúng giá như vậy thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào đầu tư vào điện.

Vậy xã hội chủ nghĩa ở đâu? Chính việc nâng giá như vậy để những người có tiền, những doanh nghiệp phải dùng đúng giá, chúng ta sẽ lấy tiền nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, người có công với cách mạng, vì làm như vậy sẽ có một nguồn tiền khổng lồ (không phải bỏ ngân sách đầu tư, lại thu được thuế). Đấy là chủ nghĩa xã hội. Người nghèo, người có công dùng 100 tỷ, số được nhà nước trả tiền thay, rất rõ ràng. Còn bây giờ mình cứ bảo để giá như vậy thì họ cũng không rõ là nhà nước cho hay không cho bao nhiêu.

Tôi chỉ lấy ví dụ như vậy để nói rõ rằng đâu là kinh tế thị trường, đâu là quản lý nhà nước. Hội đồng lý luận cứ tranh luận mãi, cứ muốn tìm ra mô hình kinh tế thị trường xhcn khác cái kia thế nào, cứ loay hoay mãi mà có tìm ra đâu.

Đấy, đổi mới thể chế kinh tế là như vậy. Còn rất nhiều vấn đề nữa. Trong cái báo cáo bộ trình ra Chính phủ là có đầy đủ lời tôi nói. Tôi gay gắt, đúng như hôm nay tôi đang nói.

Trong y tế, bác sỹ giỏi như vậy, ngang với Singapore, sang Sinh khám mất mấy nghìn, nhưng ta thì bắt bác sỹ thế, lương chỉ được vậy thôi, để nó khó khăn nên phải lấy phong bì. Ông bác sỹ có thể được 30 triệu tháng. Các nước lương rất cao, còn ta lại rất thấp. Còn hỗ trợ dân nghèo phải bằng cách mua thẻ bảo hiểm y tế, để họ trả ít tiền thôi. Còn lương cao như tôi và các anh, những người còn cao hơn chúng ta nữa, phải trả giá cao hơn.

Chẳng ở đâu mà 1,8-2 triệu người trong đơn vị sự nghiệp được nuôi tất. Bây giờ họ còn bảo thủ hơn. Họ bảo thôi, cái phần nhà nước chừng này, còn phần mình làm thêm thì mình đút túi. Trường đại học cũng vậy. Tại sao cho con đi nước ngoài tốn cả triệu đô la, mà người ta sang đây mở trường lại không cho lấy phí cao. Trường đại học mà không tự chủ gì cả, như một đơn vị thụ động hành chính sự nghiệp. Tiền dạy thêm làm thêm thì đút hết vào túi chúng nó, còn cân đối bắt nhà nước chịu.

Một nền kinh tế như thế thì không bao giờ có thể phát triển được. Cho nên thể chế là cái quyết định.

Vừa rồi tôi sang WB thuyết trình, người ta bảo lâu lắm rồi mới có ông bộ trưởng VN sang đây, các nước lãnh đạo sang thường xuyên. Tôi nói về 25 năm đổi mới ở VN và bài học rút ra. Họ đến dự rất đông, hỏi rất nhiều câu hóc búa. Tôi nói thẳng những điều như hôm nay. Họ nói rằng nếu làm được như vậy thì VN sẽ tiến lên.

VN phải đổi mới, không đổi mới thì không tiến lên được. Tôi đã báo cáo trước CP. Thế rồi sang bên kia cứ gọt dần, ra trung ương gọt thêm nữa, đến Quốc hội thì không có lời tôi nói, hoặc có thì có một tí thôi.

Trong kinh tế thị trường không thể có chuyện muốn đi đường tốt mà không chịu nộp phí, khám chữa bệnh chất lượng cao lại không mất tiền, không thể có chất lượng giáo dục tốt mà lại không có tiền.

Không phải chỉ có chúng ta XHCN mới lo cho dân. Thằng Obama nó chấp nhận đóng cửa Chính phủ vì nó thiếu tiền. Mỹ nó nâng trần nợ công cả trăm lần rồi. Cái chính là nó muốn phản đối Obama chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho dân nghèo. Đấy người ta lo cho dân nghèo như vậy, đâu chỉ có mình lo cho dân nghèo.

Đổi mới, chắc chắn phải tiến hành mạnh mẽ hơn, thì chúng ta mới thoát ra khỏi nghèo đói được. Thôi nhiệm kỳ này không làm được gì thì phải chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới.

Lý Quang Diệu nói nhiều về VN, cả cái xấu, và ông kết rằng người VN rất thông minh, rất giỏi, và tôi tin rằng họ sẽ sớm nhận ra cái sai của họ, họ sẽ thay đổi.

Tôi xin nói một điều cuối cùng, tài nguyên lớn nhất của VN không phải là khoáng sản, dầu khí. Tôi nói thật 5 năm nữa hết dầu khí là không còn cái gì để thu. Chúng ta đào bới tài nguyên thô đi bán hết rồi. Dầu khí từ 18 triệu tấn, xuống dần 17, 15, 14 rồi 1 triệu và cuối cùng là đóng cửa. Và chúng ta sẽ tụt hậu. Nhưng tài nguyên lớn nhất của VN là con người. Người VN rất thông minh, nhưng chúng ta đã khai thác tài nguyên này thế nào? Tôi hỏi các đồng chí, tôi là bộ trưởng, tôi muốn nhận một cháu học tiến sỹ giỏi về có được không. KHông nhận được. Tôi muốn loại mấy đứa kém ra, nó sẽ kiện tôi mất chức bộ trưởng. Tôi muốn nhận kỹ sư tin học giỏi, đang làm bên ngoài 50 triệu/tháng, tôi nghĩ về đó cậu ấy sẽ làm thay được việc của nhiều người khác. Nhưng tôi không nhận được, vì không trả lương như vậy được. Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà dốt thì làm sao có chính sách tốt được. Vậy thì làm sao mà thu hút và sử dụng nhân tài.

Cái nữa là vai trò cá nhân không có. Cái gì cũng tập thể. Sợ không dám làm. Bây giờ đòi bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng. Thể chế thì một đảng, học lại theo kiểu phương tây đa đảng. Thưa các đồng chí nếu trao quyền cho tôt quyết tất thì tôi thừa sức chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Và một ngày làm không được tôi xin từ chức ngay. Mình có quyết được cái quái gì. Mình đề xuất bao nhiêu chế độ, chính sách nhằm đổi mới đất nước, cuối cùng chả thấy đâu. Vậy thì quyết cái gì? Làm sao mà chịu được, làm sao mà đổi mới được.

Chúng ta cần thay đổi thể chế để quyền đi đôi với trách nhiệm. Không làm được thì từ chức, không từ chức thì tôi gạch tên ông. Phải thế mới được. Còn bây giờ thì tốt xấu lẫn lộn, thành tích cũng chẳng biết của ông nào, sai cũng chẳng biết của ông nào.

Nhiều thứ lộn xộn, mệt mỏi lắm, nên tôi nói các đồng chí là nếu chúng ta không đổi mới thì chúng sẽ chết thôi, chúng ta sẽ củ mài ăn xuống thôi.

Người ta cứ kể câu chuyện rằng vứt một thằng VN xuống hố thì nó lên được, nhưng vứt ba thằng xuống thì chúng nó chết hết vì chúng kéo nhau xuống, còn bỏ 3 thằng Trung Quốc xuống thì cả 3 chúng nó đều lên được. Người VN chỉ cá nhân, không làm việc được cùng nhau. Nếu thế thì chỉ có chết.



Nguồn: 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét