Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

SBTN và SET 57.4 vận động cứu trợ nạn nhân bão ở Philippines



SBTN và SET 57.4 vận động cứu trợ nạn nhân bão ở Philippines



Linh Nguyễn/Người Việt



GARDEN GROVE, California (NV) - Hưởng ứng nỗ lực cứu trợ nạn nhân bão Haiyan ở Philippines, hai đài truyền hình SBTN và SET 57.4 sẽ phát hình chương trình văn nghệ đặc biệt từ 1 giờ đến 4 giờ chiều Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Một, qua hệ thống DirectTV, Cable SBTN và các địa phương ở miền Nam California, với mục đích kêu gọi khán giả trên toàn quốc Hoa Kỳ, Canada và Úc góp một bàn tay, tham gia như một nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa đất nước cưu mang hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam sau năm 1975.



Từ trái, các ca sĩ Hoàng Thục Linh, Ðoàn Phi, Nguyễn Hồng Nhung và 
MC Nam Lộc, trước khi bắt đầu chương trình.
(Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



“Nếu đất nước Philippines đã cứu vớt chúng ta qua cơn 'Ðại Hồng Thủy 1975,' thì bây giờ là dịp chúng ta trả ơn ân nhân của mình qua các chương trình gây quỹ cho nạn nhân bão Haiyan,” nhạc sĩ Nam Lộc, một người trong ban tổ chức, nói với phóng viên nhật báo Người Việt tại buổi thu hình tối Thứ Tư vừa qua tại đài SBTN ở Garden Grove.


“Philippines là quốc gia đón nhận người Việt đến Subic Bay và cũng là những người tị nạn cuối cùng thế giới bỏ lại,” người MC với quá trình dài làm việc với người tị nạn nói thêm.


Ông cho biết Philippines là quốc gia duy nhất không chấp nhận chính sách cưỡng bách hồi hương của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ, và Philippines là quốc gia nhận 300 ngàn người tị nạn Việt Nam qua ngưỡng cửa của đất nước này.


“Hy vọng qua chương trình cứu trợ lần này, chúng ta có thể đem tin vui nhỏ bé đến với những người tuyệt vọng,” nhạc sĩ Nam Lộc nói thêm.


Cùng một tâm tình với ông, nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, tâm sự: “Chúng ta tổ chức cứu trợ vì người Việt Nam mình mang nợ Philippines rất nhiều. Ðây là quốc gia duy nhất cho người tị nạn Việt Nam ở lại, bất chấp chính sách cưỡng bách hồi hương của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.”


“Cũng vì thế mà ‘Làng Việt Nam’ được thành lập để chúng ta có cơ hội chờ đi định cư tại một nước thứ ba. Ðây là cơ hội cho chúng ta trả lại món nợ ân tình đó. Trận bão để lại hậu quả tàn khốc, là người với người, người Việt chúng ta nên đóng góp,” người nhạc sĩ đứng đầu đài SBTN kêu gọi.


Nhân dịp này, MC Ðỗ Tân Khoa chia sẻ: “ Dù tôi qua Mỹ theo diện HO, nhưng lại rất thông cảm với những đồng bào vượt biên hay đi theo chương trình ODP, nhiều người cũng từng dừng chân ở Philippines trước khi định cư tại một nước tự do. Xin hãy giúp, dù rằng chúng ta ít khi biểu lộ tình cảm của mình.”


Chương trình đặc biệt ngày Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Một, tới sẽ do các MC quen thuộc điều khiển, như Nam Lộc, Diệu Quyên, Ðỗ Tân Khoa, Ngọc Ðan Thanh, Quế Trang…



Ca sĩ Quốc Khanh (trái) và nhạc sĩ Trúc Hồ trình bày một ca khúc. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


Trước giờ trình diễn để thu hình, một số ca sĩ của Trung Tâm Asia hiện diện để ủng hộ tinh thần, như Hồ Hoàng Yến, Nhật Lâm, Ðỗ Tiên Dung.


Dù chưa bao giờ ghé Philippines, ca sĩ Hồ Hoàng Yến vẫn bày tỏ sự thương cảm của mình với nạn nhân bão Haiyan.


Cô nói: “Mình cùng là người nên thấy cảnh thương tâm, em chỉ muốn giúp một chút gì đó để ủng hộ những người kém may mắn, dù ở Philippines hay ở Việt Nam cũng vậy!”


Ca sĩ Nhật Lâm cho biết: “Em thì thấy người ta phải leo lên nóc nhà lánh nạn. Trời ơi, em muốn khóc vì từng trải qua cảnh lũ lụt ở miền Trung Việt Nam. Em thông cảm lắm!”


“Ðây là một việc làm đầy ý nghĩa. Dù chưa bao giờ ở trong hoàn cảnh bị bão táp nhưng em cảm nhận được những mất mát mà nạn nhân phải gánh chịu. Em rất vui được góp một bàn tay và thấy SBTN và SET 57.4 lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ trong các sinh hoạt từ thiện,” ca sĩ Ðỗ Tiên Dung nói.


Ðến đây thì tiếng nhạc sĩ Trúc Hồ vang lên “Tới giờ rồi. Xếp hàng bắt đầu. Sẵn sàng chưa? Ðoàn Phi đâu? Nick (Mai Thanh Sơn) đâu?”


Mọi người lên sân khấu. Ðiểm đặc biệt là các ca nghệ sĩ mang trang phục rất bình thường, áo thun, quần jean. Phía sau hậu trường là màn ảnh chiếu hình ảnh tàn phá của trận bão Haiyan. Cảnh người chạy toán loạn, bồng bế, tay xách, nách mang không khác gì hình ảnh vượt biên của người Việt hồi thập niên 1970.


Mở đầu chương trình là hợp ca “We're the World” qua các giọng hát của Mỹ Huyền, Nguyên Khang, Ðoàn Phi, Nguyễn Hồng Nhung, Ðỗ Tiên Dung, Nhật Lâm, Lâm Nhật Tiến, và Hoàng Thục Linh.


Ca sĩ Mai Thanh Sơn sau đó đưa mọi người về với âm thanh quen thuộc qua bài “Let It Be” nổi tiếng của ban nhạc The Beatles, với giọng hát mượt mà như để xoa đi những nỗi mất mát do thiên tai gây ra.


“Stand by Me” là bài hát được ca sĩ Ðoàn Phi diễn tả. Người ca sĩ rất trẻ nhưng với giọng hát đầy năng lực khiến lời bài hát trở nên thêm ý nghĩa.


Nữ ca sĩ Lilian mượt mà với “Ðời Ðá Vàng.”


Sau đó là phần nghỉ giải lao. Ðồng hồ chỉ gần 10 giờ đêm. Các ca sĩ cũng nhau chia sẻ những miếng bánh pizza nóng hổi để trên bàn nhỏ, gần sân khấu.


Các ca sĩ hợp ca “We're the World.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)




Ca sĩ Ðỗ Tiên Dung không ngần ngại “khai trương” miếng bánh đầu tiên, rồi Lâm Nhật Tiến, Hoàng Thục Linh, Hồ Hoàng Yến. Những miếng pizza với cheese nóng hổi thêm ớt bột không làm các người đẹp chùn bước, trái lại họ còn có vẻ thoải mái hơn bao giờ, trừ ca sĩ Mỹ Huyền cho biết là không ăn trễ được.


Trên sân khấu, bên trái là chiếc đàn dương cầm, bên phải, phía sau là dàn trống. Ca sĩ Quốc Khanh ngồi ghế bên cạnh nhạc sĩ Trúc Hồ đệm đàn guitar.


Ca sĩ Hoàng Thục Linh cho biết tuy cô được sanh ra ở Paula Bidong khi gia đình vượt biên, chưa hề biết đất nước Việt Nam, nhưng cũng cảm thông được sự khó khăn mất mát của nạn nhân.


“Em rất vui được tham dự để giúp người Philippines và người Việt ở miền Trung,” cô nói.


Ca sĩ Mỹ Huyền trong chiếc áo dài tím hoa cà, trình bày bài “Thương Về Miền Trung.” Vì xúc động, cô phải hát lại lần thứ hai.


“Mỹ Huyền rất vui được góp lời ca tiếng hát và mong góp phần nhỏ bé giúp người hoạn nạn,” người ca sĩ nói.


Ca sĩ trẻ Ðoàn Phi tâm sự: “Người Philippines cũng là người Châu Á như người Việt. Em mong họ sớm trở lại đời sống bình thường. Mong mọi người cùng Ðoàn Phi cầu nguyện và mở rộng vòng tay.”


“Trong 18 năm ca hát, em lúc nào cũng ủng hộ những cuộc gây quỹ từ thiện của Trung Tâm Asia. Hồi xưa còn bé ngây ngô, nhưng nay thì đã chững chạc nên thấy công việc này vô cùng ý nghĩa. Lâm Nhật Tiến hát đêm nay với cảm xúc chưa từng có và không riêng gì nghệ sĩ, em mong mọi người đóng góp,” ca sĩ Lâm Nhật Tiến phát biểu sau khi hát chung với Nguyễn Hồng Nhung bài “Tình Yêu, Tình Người,” một sáng tác của nhạc sĩ Trúc Hồ.


“Nếu phải mất tất cả những gì tôi đang có thì với tình yêu tôi làm lại từ đầu...” tiếng hát kéo dài trong đêm khuya.


Chương trình kết thúc với nhạc phẩm bất hủ mà là người tị nạn Việt Nam ai cũng từng hát. Ðó là bài hát “Bên Em Ðang Có Ta,” một sáng tác của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và nhạc sĩ Trúc Hồ.


Những miếng pizza sau cùng được ca sĩ Nguyên Khang “thanh toán,” và mọi người vui vẻ chia tay.


Chi phiếu đóng góp xin đề (Pay to) "Bên Em Đang Có Ta" và viết trong memo là: "Nạn Nhân Bão Lụt" và gởi về SBTN, PO Box 127, Garden Grove, CA 92842, hoặc muốn biết thêm chi tiết, xin gọi 714-636-1121, ext 4120.
––
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com


***




Kính gởi quý cộng đồng, tổ chức, đoàn thể và đồng hương Việt Nam trong vùng New England


Kính thưa quý vị


Như chúng ta đều biết, cơn bão Haiyan đã tàn phá các đảo miền trung Phi Luật Tân và gây nên thiệt hại nhân mạng cũng như tài sản cao chưa từng có trong lịch sử quốc gia này. Theo ước lượng của chính phủ Phi, khoảng 9.5 triệu người bị ảnh hưởng và hiện có 630 ngàn người đang lâm cảnh màn trời chiếu đất. Chỉ riêng đảo Leyte Island đã có 10 ngàn người chết. Với sức gió 175 dặm một giờ số thiệt hại nhân mạng và tài sản cuối cùng sẽ còn cao hơn ước tính rất nhiều.


Việt Nam và Phi Luật Tân có nhiều hoàn cảnh giống nhau. Đời sống người dân trên các đảo miền trung Phi cũng không khác gì nhiều so với đời sống đồng bào các tỉnh miền trung nước Việt, mỗi năm cứ đến tháng mười lại phải lo chống bão. Đa số dân Phi ở đó cũng nghèo như đồng bào miền Trung chúng ta. Và đặc biệt, cả hai đều nặng lòng gắn bó với quê hương, dù chỉ bằng chiếc ghe nhỏ, hàng dừa khô và mảnh ruộng phèn, qua bao thế hệ vẫn cố bám lấy mảnh đất của ông cha để lại.


Hơn thế nữa, trong phần tư cuối của thế kỷ 20, Phi Luật Tân là nước đã cưu mang hàng trăm ngàn đồng bào tỵ nạn CS. Phi Luật Tân là quốc gia đã đối xử với đồng bào tỵ nạn tốt nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Người dân các đảo Phi đã nhường từng chén cơm, từng manh áo cho đồng bào tỵ nạn trong khi bản thân họ cũng chẳng no ấm gì hơn. Ngoài Bataan, nơi dừng chân của hàng trăm ngàn đồng bào tỵ nạn, đảo Palawan với Làng Việt Nam nhiều huyền thoại cũng là nơi dừng chân của nhiều chục ngàn người Việt.


Trong suốt những năm từ sau 1975, hàng trăm ghe tỵ nạn bị chết máy trôi lênh đênh trên biển nhiều tuần trong đói khát, tuyệt vọng, nếu không có những chiếc thuyền đánh cá người Phi dừng lại, không có tàu Cap Anamur chờ ngoài vùng biển Philippines, không có tàu hải quân Phi từ vịnh Manila hay tàu hải quân Mỹ từ Subic Bay ra can thiệp, thân xác của đồng bào chúng ta hẳn đã bị chôn vùi trong mộ nước biển Đông sâu thẳm. Và trong khi hầu hết các trại tỵ nạn Đông Nam Á đã trở thành lịch sử, thì mãi cho đến năm 2012, vẫn còn dấu chân người Việt Nam tỵ nạn ở Phi.


Đất nước Phi Luật Tân đầy bao dung đã đối xử với chúng ta như một người chị, một người em ruột thịt không khác gì truyền thống chị ngã em nâng của văn hóa Việt. Như một người Việt Nam, dù ở trại tỵ nạn Phi hay không, chúng ta đã nợ đất nước Phi một nón nợ vô cùng to lớn.


Kính thưa quý vị.


Cây tình thương thường mọc lên từ nỗi khổ đau, cứu giúp nạn nhân bão Haiyan Phi Luật Tân, vì thế, không chỉ là nghĩa cử thể hiện lòng nhân ái giữa những người cùng cảnh ngộ truyền thống của dân tộc Việt Nam mà còn là một cơ hội để trả ơn đất nước đã dang rộng vòng tay đón đồng bào chúng ta trên bãi biển. Đối với quý đồng hương từng là những thuyền nhân tỵ nạn, đây là một cơ hội để chính phủ Phi biết rằng dù hôm nay đang sống trong tự do no ấm, chúng ta vẫn không quên những mái lá đơn sơ ở trại tỵ nạn. Góp phần xoa dịu nỗi khó khăn của hàng triệu nạn nhân cơn bão Haiyan còn là cơ hội để chúng ta vơi đi mặc cảm quên ơn vốn từ lâu đè nặng trong lòng.


Với tâm tình đó, chúng tôi trân trọng kính mời quý tổ chức cộng đồng, đoàn thể và đồng hương vùng New England tham dự bữa cơm gây quỹ giúp nạn nhân bão Haiyan Phi Luật Tân sẽ được tổ chức vào lúc 6 giờ chiều đến 11:00 giờ tối ngày Thứ Bảy 7 tháng 12, 2013 tại nhà hàng China Pearl Restaurant 237 Quincy Ave, Quincy, MA 02169 (617) 773-9838 Giá vé $50.00.


Chương trình, ngoài bữa cơm tối, phần chiếu dương ảnh các trại tỵ nạn tại Phi và cơn bão Haiyan tàn phá Phi, còn có một chương trình văn nghệ chọn lọc với những tiếng hát nồng nàn tình cảm của vùng New England. Đặc biệt, buổi gây quỹ còn có sự tham dự của đại diện Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Philippines tại Massachusetts.


Nếu phải vì bất cứ lý do riêng không thể tham dự được xin quý vị cũng vui lòng đóng góp để công việc nhân đạo của chúng ta thêm phần ý nghĩa. Toàn bộ số thu sau khi khấu trừ chi phí sẽ được gởi cho các cơ quan từ thiện trong đó có US-Philippines Society để trực tiếp giúp nạn nhân tại các vùng bị ảnh hưởng. Tất cả kế toán chi thu và kết quả bữa cơm gây quỹ sẽ được công bố trên các cơ quan truyền thông báo chí. Mọi chi tiết xin liên lạc đại diện ban tổ chức theo thông tin dưới đây.


Trân trọng kính mời.
T.M. Ban Tổ Chức
Trần Trung Đạo
Liên lạc Ban Tổ Chức:


Ô. Trần Trung Đạo 781-424-6811 Email: trantrungdao@gmail.com
Ô. Thân Vĩnh Bảo Toàn 617-901-6262 Email: ythh02@yahoo.com
Ô. Trần Doãn Nho (Worcester) 508-904-9012
Ô. Hàng Văn Bé (Worcester) 508-308-6570
B. Minh Xuân 617-953-9893
B. Lộc Tưởng 617-645-7752
Ô. Trần Thu Miên 617- 552-2539


Cách đóng góp:


Check xin ghi trả cho Hội Thương Gia Việt Nam Massachusetts (Vietnamese American Small Business Association of Mass)
(Xin ghi trong phần memo của check “Vietnamese for Philippines Fund”:


VASBAM
100 Newmarket Sq.
Boston, MA 02118


Đối với các bạn trên Facebook muốn đóng góp nhưng không thể tham dự, check vẫn ghi trả cho VASBAM nhưng gởi về địa chỉ:


Trần Trung Đạo
774 Granite Street
Braintree, MA 02184


Tôi sẽ tổng kết các đóng góp từ cộng đồng Facebook vào trao cho Ban Tổ Chức vào đêm gây quỹ cho tăng phần ý nghĩa của cộng đồng mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét