Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Phùng Nguyễn - Trường hợp Võ Phiến hay câu chuyện Tái ông thất mã



Phùng Nguyễn - Trường hợp Võ Phiến hay câu chuyện Tái ông thất mã






image



Bài viết “Trường Hợp Võ Phiến” của Thu Tứ, tức Đoàn Thế Phúc, con trai của nhà văn Võ Phiến mang hơi hướm của một bản cáo trạng trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào những năm 50 của thế kỷ trước. Khi cú sốc gây ra bởi sự vô luân cao độ của hành động đấu tố văn học này lắng dần, còn lại trong lòng người đọc, đặc biệt những người quan tâm đến Văn Học Miền Nam giai đoạn 54-75, là nỗi chua xót của người bị tình phụ, và đồng thời là nỗi lo âu về những tác phẩm với cái hình thù méo mó, dị dạng của một trong những ngòi bút hàng đầu của nền văn học bị trù dập này sẽ được trưng bày trong các hiệu sách quốc nội.

Bài viết của Thu Tứ nhất định sẽ được đọc và phân tích ở nhiều khía cạnh, và chắc chắn những sai lầm nghiêm trọng của nó sẽ được phơi bày. Không chỉ bài viết mà cả con người và những sinh hoạt của Thu Tứ cũng sẽ được tìm hiểu để làm sáng tỏ cái động cơ thật sự đàng sau việc phổ biến “Trường hợp Võ Phiến.” Ở một số diễn đàn xã hội trên liên mạng, đã thấy xuất hiện một số giả thuyết về khả năng Thu Tứ bị quyến dụ hoặc áp lực để viết bài tố thân phụ, và có người đi xa hơn, đặt nghi vấn liệu Thu Tứ có phải là tác giả thật sự của bài viết hay không. Hy vọng tất cả những nghi vấn trên sẽ được giải đáp trong một tương lai gần. Vào lúc này, điều mà người viết bài này muốn làm là đóng góp một số nhận định về những hậu quả có thể của sự kiện bất hạnh này.

Người viết chia sẻ những cảm xúc và nỗi lo âu của thân hữu nhắc đến ở trên, nhưng trong cùng một lúc, không hoàn toàn bi quan. Như chuyện Tái ông thất mã, bất kể những tổn thất, cuối cùng, không chừng một điều may mắn sẽ đến với Võ Phiến như là một nhà văn, một người làm văn học tên tuối và cho chính cái nền văn học mà ông đã một đời gắn bó. Và, cũng như chuyện Tái ông thất mã, cái “may mắn” này có thể là cái “xui xẻo” cho không phải Võ Phiến mà cho cái Thu Tứ đã, một cách hiểm độc, gọi là “một tổ chức phi chính quyền trong nước.”

Tại sao là điều may mắn cho nhà văn Võ Phiến? Hãy nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra cho toàn bộ công trình văn học của Võ Phiến nếu Thu Tứ không lên tiếng công khai hóa tư thế chính trị và kế hoạch “biên tập” của mình không chỉ với hai cuốn sách đã xuất bản mà với cả phần còn lại mà ông được thân phụ giao phó. Những tác phẩm méo mó, què quặt vì nỗ lực “lọc bỏ phần chính trị” của Thu Tứ sẽ được Nhã Nam (hay một “nhà” nào khác) ấn hành và phát tán trên cả nước, sẽ xâm nhập các thư viện, sẽ được người đọc quốc nội đón nhận với niềm tin là mình đang thưởng thức con người thật và tác phẩm thật của Võ Phiến. Và cảm nhận của độc giả từ cái “quái thai” văn học này nhất định sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cảm nhận chung của họ về không những Võ Phiến mà cả nền Văn Học Miền Nam 54-75 và có lẽ cả Văn Học Hải ngoại mà Võ Phiến là một trong những nhà khai phá. Sau khi “Trường hợp Võ Phiến” được công bố trên blog cá nhân của Thu Tứ (gocnhin.net) và sau đó một cách trang trọng trên tuần báo lề phải Văn Học TPHCM số 320, những hậu quả nghiêm trọng từ kế hoạch “biên tập” của Thu Tứ có nhiều khả năng sẽ không xảy ra bởi vì những diễn biến tiếp theo sau đó có thể khiến cho kế hoạch “biên tập” càn rỡ của Thu Tứ không còn thực hiện được nữa.

Nhà văn Lê Tất Điều, một trong những (nếu không phải là) người thân thiết nhất của gia đình nhà văn Võ Phiến vừa tung ra phần 1 bài phản biện “Những Sai Lầm Trong Bài ‘Trường Hợp Võ Phiến’ của Thu Tứ,” chỉ ra những sai lầm cơ bản và ấu trĩ của bài viết. Ở phần cuối bài, Lê Tất Điều quyết liệt yêu cầu gia đình nhà văn Võ Phiến làm thủ tục truất quyền “thừa hưởng và quản thủ tài sản văn chương Võ Phiến” mà Thu Tứ đã được giao phó trước đây. Đây là một đề nghị sáng suốt và kịp thời để ngăn chặn Thu Tứ gây thêm nhiều tổn thất cho công trình văn học đồ sộ của nhà văn Võ Phiến. Theo một nguồn tin thân cận với gia đinh Võ Phiến, Thu Tứ đã chính thức bị truất quyền thừa kế di sản văn chương của thân phụ mình. Đây là một tin mừng cho người đọc và là một cảnh báo nghiêm túc cho các nhà xuất bản trong nước muốn tiếp tục cộng tác với Thu Tứ để ấn hành các tác phẩm “đã lọc bỏ phần chính trị của Võ Phiến.”


Như vậy, trong khi Võ Phiến và gia đình vô cùng bất hạnh phải chịu đựng những đau thương gây ra bởi đứa con phản nghịch, công trình văn học của Võ Phiến đã thoát khỏi cái nguy cơ bị hủy diệt bởi Thu Tứ. Trong tương lai, nếu có được cơ hội đến với bạn đọc quốc nội, tác phẩm của Võ Phiến chắc chắn sẽ không phải là tập hợp những thi thể bị cắt đục manh mún dưới búa rìu “biên tập” của Thu Tứ mà là những ấn bản trung thực đến từ tim óc của ông.

Thật ra không phải chờ đến tương lai. Những cơ hội tiếp cận tác phẩm Võ Phiến đã xuất hiện trên liên mạng khá lâu. Trước hết, bạn đọc trong nước có thể thưởng thức những tác phẩm toàn vẹn, không cắt xén của Võ Phiến ở một số các trang mạng Hải ngoại.

Trong số đó, từ tháng 1/2005, với sự cho phép của Võ Phiến, trang Tiền Vệ đã lưu trữ toàn bộ tập biên khảo Văn Học Miền Nam: Tổng Quan . Nhiều bài tiểu luận và sáng tác khác của Võ Phiến cũng đã được trang Tiền Vệ đăng tải từ năm 2003. Người đọc cũng có thể tìm thấy trọn bộ Văn Học Miền Nam: Tổng Quan được đăng lại trên mạng Viet Messenger (theo bản lưu trữ trên Tiền Vệ). Gần đây nhất, bạn đọc trong nước được giới thiệu một Võ Phiến “thật” trên vanviet.info, trang mạng chính thức của văn đoàn Độc lập, gồm các phần 1, 2, và 3 của Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (đăng lại nguyên văn từ bản lưu trữ trên Tiền Vệ). Văn đoàn Độc lập chính là cái mà Thu Tứ, một cách hiểm độc, gọi là một “tổ chức phi chính quyền trong nước” trong bài viết “Trường hợp Võ Phiến.” Không khó khăn gì để bạn đọc nhận ra văn đoàn này là mục tiêu bắn phá của Thu Tứ.

Theo Thu Tứ, cái “tổ chức phi chính quyền” này đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm chứa “nội dung chính trị sai lầm” của Võ Phiến. Với tình hình trong nước, “tổ chức” là một cụm từ nguy hiểm. “Phi chính quyền,” nghĩa là không thuộc về hay không được chính quyền thừa nhận, cũng nguy hiểm không kém, nếu không phải hơn. Văn đoàn Độc Lập là một nhóm sinh hoạt văn học độc lập, không/chưa có giấy phép sinh hoạt của nhà cầm quyền, và như là một hệ quả, thành viên của nhóm đã và đang chịu đựng một số hiểm nghèo trong đời sống. Trường hợp nhà đạo diễn Đỗ Minh Tuấn(*) là một bằng chứng không thể chối cãi về những sách nhiễu và áp lực mà ông phải chịu đựng và cuối cùng đành bỏ cuộc chơi, xin rút tên khỏi danh sách hội viên!

Bằng cách cáo buộc văn đoàn Độc lập đang chuẩn bị phổ biến những tác phẩm Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm, Thu Tứ đã cố tình mượn tay nhà cầm quyền mà đại diện là ban tuyên giáo để triệt hạ tổ chức này. Tại sao? Tại vì nếu đúng như Thu Tứ cáo buộc, trang mạng vanviet.info của văn đoàn Độc lập sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc trong nước các tác phẩm của Võ Phiến ở dạng trung thực nhất của chúng. Không thể làm khác được vì phương châm của văn đoàn Độc lập là “Vì một nền văn học đích thực,” và một nền văn học đích thực thì không thể chấp nhận các sản phẩm giả tạo, bị làm méo mó, biến dạng để phục vụ nhu cầu khuynh đảo văn học của bất cứ thế lực thống trị nào. Việc giới thiệu diện mạo văn chương chân chính của Võ Phiến với độc giả trong nước của văn đoàn Độc lập đi ngược lại và làm phương hại đến kế hoạch càn rỡ “biên tập,” “lọc bỏ phần chính trị” trong tác phẩm để “đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước” của Thu Tứ. Và để thực hiện thành công kế hoạch “biên tập” này, Thu Tứ đã không ngần ngại bóp méo công trình văn học của thân phụ, mưu hại những kẻ làm ngược ý, và hủy diệt nhân phẩm của chính mình!

Như đề cập ở trên, văn đoàn Độc lập đã được nhà nước chiếu cố ngay cả trước khi “Trường hợp Võ Phiến” xuất hiện. Cùng với hội Nhà Báo Độc Lập và nhiều nhóm hoạt động dân sự khác, họ là những hạt sạn bướng bỉnh trong chiếc giày của giới thống trị. Nếu văn đoàn này còn được hoạt động công khai, đó là vì “người ta” chưa có cơ hội. Và bất kể những gì sẽ xảy đến cho chính mình, Thu Tứ đã dâng cho “người ta” một cơ hội tốt. Người viết cho rằng nhà cầm quyền trong nước sẽ không bỏ qua cơ hội liệng bỏ hạt sạn bướng bỉnh này.

Cho đến thời điểm này, chính quyền, hoặc tuyên giáo cho nó tiện, một cách ngẫu nhiên hay không, đã ở vào một vị trí rất tốt, vị trí ngư ông đắc lợi. Trước hết, nếu tin Thu Tứ bị truất quyền thừa kế di sản văn học của Võ Phiến là chính xác, việc in ấn tác phẩm của Võ Phiến theo hệ thống nhà nước sẽ ngưng lại vô hạn định. Võ Phiến, biên tập hay không biên tập, vẫn là cái tên không dễ mến đối với quan chức văn hóa và tuyên giáo. Bây giờ thì không phải lo đến nữa, ít nhất trong một thời gian. Như vậy, có thêm thì giờ để đối phó với cái “tổ chức phi chính quyền” trong nước này.

Không phải tình cờ mà “Trường Hợp Võ Phiến” được đăng lại một cách trang trọng trên tuần báo Văn Nghệ TP HCM. Deja-vu, phải không? Chính tờ báo lề phải nặng ký này đã bắt đầu loạt bài đánh phá thạc sĩ Đỗ Thị Thoan tức Nhã Thuyên và giáo sư hướng dẫn của cô trong vụ án được biết đến dưới cái tên “Luận văn Nhã Thuyên” cách đây không lâu. Cho đến thời điểm này, không hoặc chưa có bằng chứng nào về khả năng có bàn tay của tuyên giáo trong sự kiện “Trường Hợp Võ Phiến,” nhưng điều này cũng không ngăn cản tuyên giáo nắm bắt cơ hội tuyệt diệu này để mở đầu một chiến dịch đánh phá cái “tổ chức phi chính quyền trong nước” với chiến thuật đã áp dụng cho “luận văn Nhã Thuyên.”

Cái chiến dịch tạm gọi là “Trường Hợp Võ Phiến,” nếu được phát động, có nhiều phần sẽ bắt đầu với một bài đả kích Võ Phiến và cả cái tổ chức phi chính quyền kia trên một tờ báo lề phải nặng ký. Vô cùng tuyệt diệu nếu người khai pháo lại là con ruột của nhà văn chống Cộng nổi tiếng này. Không phải điều này đã xảy ra hay sao?

Bởi vì đã có “luận văn Nhã Thuyên” như là một tiền lệ, có lẽ không cần thiết phải dự đoán về những chuyển động kế tiếp của nhà cầm quyền. Xin dành lời cuối cho những ai quan tâm đến Văn Học Miền Nam 54-75. Hãy cùng nhau tạo điều kiện cho bạn đọc trong nước có cơ hội tiếp cận với diện mạo chân chính của nền văn học đã, đang, và tiếp tục bị trù dập này. Với cái “tổ chức phi chính quyền,” những lời chúc tốt đẹp và một ước mong. Vì một nền văn nghệ đích thực, xin hãy đứng vững.

Phùng Nguyễn
09.27.2014
_________________________

“Tuy nhiên, thật không ngờ, sau khi ghi tên vào danh sách Ban Vận động, tôi đã nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực từ các tổ chức, cơ quan, gia đình và bè bạn như thể tôi đang tham gia vào một tổ chức phản động, đối lập thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Nhân Văn Giai Phẩm ngày xưa. Gia đình lo lắng, bạn bè bị tổn thương, các đối tác không tiếp tục hợp đồng... khiến tôi chưa tham gia được việc gì với Văn đoàn mà cuộc sống đã gặp nhiều đe doạ, cuộc sống gia đình đã chịu nhiều ảnh hưởng.”


Nguồn: Tiền Vệ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét