Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Phạm Viết Đào - Hệ lụy điều luật 258 của Bộ luật hình sự (phần 4 & 5)



Phạm Viết Đào - Hệ lụy điều luật 258 của Bộ luật hình sự (phần 4 & 5)



Blogger Phạm Viết Đào sẽ khởi kiện Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội về quyết định 1454 cắt lương hưu trái luật…






Ngày 16/9/2014, sau khi ra tù, tôi đã đến Bảo hiểm quận Tây Hồ làm thủ tục truy lĩnh lương hưu bị Bảo hiểm Hà Nội cắt từ tháng 7/2013.

Theo giấy hẹn, ngày 28/10/2014 tôi đã đến Bảo hiểm Tây Hồ để nhận lại lương thì nhận được Quyết định số 1454 do Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ký chỉ trả lương cho tôi từ tháng 10/2014; khoản lương hưu của tôi từ tháng 7/2013 đến tháng 9/2014 đã bị cắt.

Nhận thấy, đây là một quyết định vi hiến, trái với điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 152/2006/NĐ-CP, sáng ngày 10/11 tôi đã chính thức gửi đơn khiếu nại tới Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội yêu cầu xem lại nội dung quyết định 1454 và trả lời tôi bằng văn bản.

Theo quy định của Luật Khiếu nại, nếu Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội vẫn giữ nguyên nội dung Quyết định 1454, tôi sẽ làm thủ tục khởi kiện ra toà Quyết định 1454 của Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội.

Dưới đây là nội dung Đơn khiếu nại mà tôi đã gửi Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội.






CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.

Hà Nội, ngày10/11/2014
ĐƠN KHIẾU NẠI


Kính gửi: Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội

Tôi là Phạm Viết Đào, Địa chỉ: Nhà..., Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; Số CMND:.., ĐT:... ; Tôi đang nhận lương hưu tại Bảo hiểm Xã hội quận Tây Hồ, Hà Nội, có khiếu nại sau đây.

Tôi bị án phạt tù theo phán quyết của Bản án phúc thẩm Toà phúc thẩm tối cao tại Hà Nội số 305/HSPT, bản án có hiệu lực từ ngày 9/6/2014; tôi đã chấp hành xong án phạt tù từ ngày 13/9/2014…

Vừa qua, Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội đã ra quyết định 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014 chỉ trả lương hưu cho tôi từ tháng 10/2014, cắt toàn bộ lương hưu của tôi từ tháng 7/2013 cho tới tháng 9/2014; theo tôi, việc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ban hành quyết định 1454 là trái Hiến pháp 2013, trái Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội và trái Nghị định 152/NĐ-CP/2006.

Theo tôi hiểu:

1/ Điều 20 và Điều 31 Hiến pháp CHXHCN Việt Nam 2013 quy định: công dân bị coi là có tội, bị tước quyền công dân kể từ khi có quyết định của Toà án. Theo Bản án phúc thẩm số 305/2004-HSPT có hiệu lực từ ngày 9/6/2014 thì tôi chính thức bị tuyên án, tước quyền công dân từ ngày 9/6/2014;

Điều này có nghĩa:

-Khi tôi còn quyền công dân thì Bảo hiểm Hà Nội phải chịu trách nhiệm chi trả bảo hiểm lương hưu cho tôi vì tôi đã đóng bảo hiểm bắt buộc trước đó…

-Thời điểm 13/6/2013 là mốc để tính thời gian mà tôi đã chấp hành án phạt; ngày 13/6/2013, ngày tôi bị Công an Hà Nội bắt khẩn cấp, chưa có phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân Tp Hà Nội không thể được coi là mốc xác định ngày tôi bị tước quyền công dân vì: chỉ có Toà án mới có thẩm quyền này theo Hiến định.

Bảo hiểm Hà Nội không thể căn cứ vào ngày Công an Hà Nội bắt giữ tôi 13/6/2013 để cắt lương hưu mà phải căn cứ vào ngày tuyên án của Toà phúc thẩm tối cao: cơ quan duy nhất có quyền tước quyền công dân của công dân.

Nguyên tắc áp dụng luật pháp: Quyết định Toà án hiệu lực ban hành ngày nào thì áp dụng các chế độ, chính sách liên quan tới bản án từ ngày đó, không được phép hồi tố.

2/ Theo Nghị định 152/NĐ-CP/2006 quy định tại Điều 33, mục 2:” Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người bị phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù...”

Căn cứ vào Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù số 423 do Trại giam Nam Hà cấp: tôi đã chấp hành xong án ngày 13/9/2014; tức từ ngày 13/9/2004 tôi được trả lại quyền công dân; do đó mốc tính lương của tôi, Bảo hiểm xã hội Hà Nội phải tiếp tục trả lương hưu cho tôi từ ngày 13/9/2014 là ngày tôi ra tù. Theo hiểu biết của tôi: tôi phải được truy lĩnh lương hưu từ tháng 7-2013 tới 9/6/2014 và sau đó được nhận tiếp từ 13/9/2014;




Tôi cho rằng: tôi chỉ có thể bị cắt lương hưu từ ngày 9/6/2014, ngày Bản án phúc thẩm 305/2004-HSPT có hiệu lực tới 13/9/2014, ngày tôi chấp hành xong án phạt tù; Đây mới là giai đoạn tôi chính thức bị tước quyền công dân, trở thành tù và phải chịu sự điều chỉnh của Điều 62 của Luật bảo hiểm Xã hội và Nghị định 152/2006/NĐ-CP.

Trước 9/6/2014 khi toà chưa tuyên án, tôi còn quyền công dân thì Bảo hiểm Hà Nội không được phép cắt lương hưu của tôi vì thời gian đó tôi không phải là tù, chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội và Nghị định 152; Trước ngày 9/6/2014, giai đoạn này các cơ quan pháp luật gọi là tạm giam, chưa phải tù, tôi bị coi là bị can, tại phiên toà 9/6/2014 tôi bị coi là bị cáo, ra toà tôi vẫn chưa phải mặc quần áo tù mà vẫn mặc quần áo bình thường; chỉ sau khi tuyên án tôi mới bị xếp vào diện tù; Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 152 không điều chỉnh lương của những bị can, bị cáo trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ!

Điều 62 Luật Bảo hiểm Xã hội quy định:” Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;”

Do tôi đã nhận lương hưu tới tháng 6/2013, vì vậy, tôi còn phải được truy lĩnh lương hưu từ tháng 7/2013 tới 9/6/2014 là ngày Toà phúc thẩm tuyên án, tước quyền công dân của tôi và tôi bị cắt chế độ bảo hiểm theo quy định tại Điều 62 của Luật Bảo hiểm…

Việc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ban hành Quyết định 1454 cắt lương hưu của tôi từ tháng 7/2013 tới tháng 6/2014 là hành vi hồi tố trái Hiến pháp 2013, trái với Bộ Luật tố tụng hình sự; Trái với Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 152.

Người khiếu nại:
Phạm Viết Đào.

***

Cơ quan pháp luật Việt Nam đã truy cứu trách nhiệm hình sự blogger-nhà văn Phạm Viết Đào theo Điều luật 258 như thế nào ?


Bữa cơm tù đầu tiên

Sáng ngày 15/6/2011 sau một đêm ngủ sâu do làm việc căng thẳng, mêt nhoài, mình tỉnh giấc thấy




Chinh và Hùng đã dậy trước mình; liếc qua giường của 2 bạn tù, 2 đứa ngủ chung một bục xi măng, ở phía chân thấy lỉnh kỉnh bánh mỳ, lương khô, mì tôm. Cả hai mời mình ăn sáng cùng nhưng lấy lý do đắng miệng mình không ăn…Một chốc sau, một tù tự giác đi qua, nghe có tù nhân mới hắn ghé vào nhìn mặt, thấy Hùng bảo hắn tên Phương, tội ăn cắp xe đạp vì tái phạm nên bị phạt 5 năm; hắn đã chạy chọt để ra làm chân tự giác. Tù ra làm tự giác là loại tù chịu mức án nhẹ, hàng ngày ra ngoài hang lang có nhiệm vụ bưng bê cơm, canh, nước uống cho tù bị nhốt trong buồng suốt năm, suốt tháng, suốt ngày; tù tự giác còn có nhiệm vụ quét dọn hàng lang và làm các việc lặt vặt do quản giáo sai…

Phương có khuôn mặt choắt, người gầy, da xanh xao và bợt ra vì bị cớm do không ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng. Phương hỏi:

-Chú phạm tội gì ?

-Tao phạm tội giết người, tôi nhìn Phương, mắt gườm gườm ra dáng đại ca; Ở ngoài mình có đọc sách nói: tù mới vào muốn khỏi bị ăn hiếp, bắt nạn thì từ đầu phải tỏ ra dữ tướng. Phương tò mò:

-Nhìn chú không phải mặt giết người ?

-Mày không tin cứ thử vào đây xem, xem có bị tao cho ra tóp không ?

-Chú đừng bịp cháu, tù cướp, giết, hiếp được giam ở phòng 24 dãy đằng sau chứ không nhốt ở đây !

-Tao giết người không thành…

-Giết không thành cũng không giam phía này, buồng này, chú đừng bịp; trông chú ra dáng quan chức chắc lại tham ô, tham nhũng nên bị bắt chứ gì ? Cháu khuyên chú, nên nhanh chống nôn tiền ra mà làm luật với chúng để nó thả ra cho nhanh, lớn tuổi như chú ở trong này ngày nào nát người ngày đó…

- Tao không giết người bằng dao mà bằng bút nên mới bị mắt giam vào phòng này…

-Cháu biết mà; chỗ chú nằm, cách đây một tuần giam tay Bình, Bình cũng lên mạng viết blog, vừa chuyển đi mấy hôm trước, chú chắc cũng tội như Bình chứ gì ?

Sau mấy hôm tới mới biết, Lê Văn Bình, một blogger cũng đã bị bắt trước mình 10 hôm, blog của Bình có tên là Thuỳ Linh, Bình người Huế…

Lê Văn Bình bị bắt và cũng bị xử phạt 15 tháng, Bình bị bắt trước mình nhưng lại xử sơ thẩm sau tôi. Theo quản giáo cho biết: định đưa hắn đi xử thì phát hiện ra hắn là đảng viên nên toà lại phải hoãn, cho điều tra, bổ sung hồ sơ, khai trừ hắn ra khỏi đảng xong thì mới đem đi xử. Mình nhanh hơn vì mình cũng đảng viên, tháng 7/2013 cơ quan kiểm tra quận uỷ Tây Hồ làm thủ tục khai trừ mình rồi…

Lê Văn Bình bị xử xong, hắn không chống án; xử sơ thẩm xong là Bình được đưa xuống trại Nam Hà tại xã Tiên Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngay; trại này trước có tên là trại Ba Sao. Xuống trại mình với Bình ở chung buồng giam số 4, thuộc đội 10; Hắn hết hạn tù và được thả đúng ngày 2/9/2014, trước mình 11 ngày…

Không một ai biết Lê Văn Bình bị bắt, bị xử, bị tù cả, không một phương tiện thông tin đại chúng nào đưa tin blogger Lê Văn Bình bị bắt, bị tù ? Blog của Bình chủ yếu lấy bài người khác, Bình chỉ viết có mỗi bài đụng chạm tới ông X. Đại ý bài viết của hắn so sánh việc một tên kẻ cắp xe đạp lấy cắp chiếc xe dăm trăm, một triệu thì bị phạt tù có khi đến vài ba năm, trong khi có kẻ làm mất hang tỷ USD mà vẫn không sao ? Blog của Lê Văn Bình có mỗi bài đó là nặng nhưng cũng bị phạt 15 tháng tù, không ai biết chuyện của hắn ?!

Mình vừa làm xong việc vệ sinh răng miệng xong, lót dạ bằng một hộp sữa đậu nành mua vào từ hôm qua thì thấy một cán bộ quản giáo vào, vị này đã lớn tuổi, ngoài 50; anh ta vào và nhìn mình trừng trừng, mắt không chớp; mình cũng đấu mắt lại; vị này có đôi mắt ngoài xã hội gọi là mắt lợn luộc, rất hợp với nghề quản giáo, sau này ở lâu biết anh ta tên là T., rất hay săm soi mình. Anh ta hỏi mình như quát:

-Mày phạm tội gì ?

-Tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ…Điều 258…

-Bị cuồng chữ hả ?

-Sinh ra ở đời, kẻ “cuồng” chân, kẻ “cuồng” tay… cũng có người “cuồng” chữ thì mới thành xã hội, mới có nhà tù để có đội ngũ quản giáo làm việc, hưởng lương chứ !

- Mày viết những cái gì mà bị bắt bỏ tù ?

-Góp ý sửa đổi hiến pháp, phê phán toà hành chính Hải Phòng đã vi phạm pháp luật trong vụ án Đoàn Văn Vươn…

-Cụ thể viết xuyên tạc nói xấu Đảng và nhà nước những gì ?

-Tôi bị bắt vì 9 bài viết, 2 bài do tôi viết đó là bài: Thể chế cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có giống hệ điều hành nhà máy lọc dầu Dung Quất và bài Vụ án Đoàn Văn Vươn, quan toà tiếp tay cho cướp ngày, biến nhân dân thành tội phạm nguy hiểm; còn 7 bài còn lại tôi lấy từ các trang mạng khác…

-Góp ý hiến pháp viết những cái gì ?

-Trong bài viết Thể chế…tôi góp ý cần phải thiết kế lại Điều 4 Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước…

-Định đề nghị loại trừ sự lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng chứ gì ?

-Trong bài Thể chế của tôi không có ý đó, chưa viết điều đó. Bài viết Thể chế của tôi chỉ chứng minh về sự mâu thuẫn nội tại của hệ điều hành của cái thể chế cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…Hệ điều hành của bộ máy nhà nước cộng hoà là hệ điều hành được vận hành bằng “nguyên liệu” đầu vào đó là luật pháp; còn hệ điều hành của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa là hệ điều hành bị áp đặt bằng sự lãnh đạo của Đảng cộng sản…Mà quyền lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy nhà nước thông qua bộ máy nhân sự do Đảng cử ra và thông qua các nghị quyết của các tổ chức Đảng.

Cơ chế vận hành và sản sinh ra lực của bộ máy lãnh đạo Đảng cộng sản hoạt là cơ chế hoạt động theo nguyên lý, nguyên tắc tập trung dân chủ: cấp dưới phục tùng, cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, thiểu số phục tùng đã số…Về nguyên lý: nguyên tắc thực thi dân chủ và nguyên tắc vận hành bằng pháp lý cộng hoà chứa đựng bên trong những mâu thuần nội tại, trái khoáy khó có thể dung hoà, hoá giải…

Những mâu thuẫn, xung đột nội tại của 2 hệ điều hành này nó gần giống như hệ điều hành của nhà máy lọc dầu Dung Quất; nhà máy này khởi thuỷ thiết kế để lọc loại dầu thô ngọt được hút lên từ biển Việt Nam; thế nhưng khi vận hành nhà máy, lại cho hoà thêm vào dầu chua, mặn nhập về từ trung đông là loại dầu thô chứa nhiều lưu huỳnh. Do sự pha trộn này mà này sinh nhiều cặn bã, dẫn tới ăn mòn, hư hỏng máy; trục trặc trong thời gian đầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất là do sự pha trộn này.

Hiện nay những tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước theo tôi nguyên nhân là do hệ điều hành pha trộn đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý vào với nhau giống như nhà máy lọc dầu Dung Quất. Do tại những cơ sở đảng mà ở đó các nhóm lợi ích tiêu cực, tham nhũng chiếm số đông thì sẽ dẫn tới việc ban hành những nghị quyết sai, cử ra những nhận sự không đủ phẩm chất, năng lực đảm trách các vị trí quan trong bộ máy nhà nước.

Mình nói một hơi dài với vị quản giáo đang cật vấn mình; nghe xong, quản giáo T. có phần dịu dọng:

-Tưởng góp ý hiến pháp là góp thẳng vào từng câu chữ của điều nọ điều kia chứ sao lại đi viết lăng nhăng, dài dòng văn tự thế ?

-Mỗi điều khoản trong hiến pháp chứa đựng bên trong bao vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá; muốn soạn ra một điều nào đó thì phải hiểu cho cặn kẽ, ngọn ngành toàn bộ những gì mà nó đụng chạm, nó chịu trách nhiệm điều chỉnh.Tôi đi sâu phân tích điều 4 hiến pháp và đưa lên mạng là nhằm múc đích đo: để mọi người cùng hiểu trách nhiệm của điều 4 và phạm vi ảnh hưởng của nó.


PVDao.JPG


-Thế mày định tham gia sửa Điều 4 như thế nào?

-Điều này tôi có chuẩn bị nhưng không thể nói với cán bộ ở đây !

-Thế mày có nhận tiền của Đoàn Văn Vương không ? Có họ hàng thân thích gì với vợ chồng Đoàn Văn Vươn không ?

-Tôi chẳng quen biết gì gia đình Đoàn Văn Vươn cả; thấy ngang trái thì viết, phát biểu suy nghĩ của mình…

-Thế thì mãy bị “vĩ cuồng” rôi. Quản giáo T. bỏ đi…

Quản giáo T. đi khỏi, Phương tù tự giác quay lại hỏi:

-Thầy T. vừa đến tra hỏi chú điều gì mà chú nói nhiều thế ? Ông ấy “khét” lắm đấy…

-Ông ấy hỏi thì tao trả lời điều mà tao viết…

-Cháu hỏi thật chú; chú viết thế có được nhiều tiền không ?

- Tiến lấy ở đâu, của ai?

-Là những bài viết chú đưa lên mạng ấy !

-Muốn đưa bài lên mạng, tao còn phải mất tiền nộp cho nhà cung cấp mới thò bút lên được; giết ai mà lấy được tiền…

-Bọn cháu bí tiền, thèm tiền nên mới đi ăn cắp, giết người, buôn heroin, không thành nên mới phải vào tù; trước khi bị tù bọn cháu cũng đã kiếm được ít nhiều, bây giờ vào đây là phải trả giá. Còn chú, viết chẳng được cái gì mà lại phải đi tù. Trông chú già rồi, đầu hai thứ tóc rồi mà sao chú dại thế, ngớ ngẩn thế ?

-Ừ thì ở đời phải có thằng khôn, thằng dại chứ ai cũng khôn thì dại để phần cho ai ! Phải có thằng dại thì người khôn mới có cái mà ăn, mà “múc” chứ…

-Cháu tưởng chú tù án kinh tế, thỉnh thoảng qua lại còn xin chú hộp sữa, cái bánh, ai dè chú lại bị tù vì “ cuồng “ chữ; nghe chú nói chuyện với thầy, cháu trốn nghe mà nhức hết cả đầu, chẳng hiều mô tê răng rứa gì cả…

Phương bỏ đi, mình quay lại chuyện vãn với hai bạn tù cùng buồng, hỏi thăm hoàn cảnh gia cảnh vì sao bị tù; chuyện vãn một lúc thì đến giờ ăn trưa; tự giác Phương mang cơm canh vào tận từng buồng cho tù. Mình nhìn vào suất ăn chỉ có 2 thứ: một tô cơm và một bát rau muống luộc; Phương chạy kiếm cho mình chiếc bát nhựa và cái thìa cũng bằng nhựa…Trong tù mọi đồ dung đều bằng nhựa hết. Hùng xới cơm vào bát cho mình, nhìn vào bát cơm, mình xúc ăn cho qua bữa, thấy cơm là loại gạo ăn vào chẳng thấy mùi vị gì: mình đoán chắc là thứ gạo do các kho lương thực dữ trữ quốc gia thải loại ra; hạt rời rã ra, nhạt thếch. Còn rau muống thì mình không dám ăn vì thấy để trong cái bát nước đục lờ lờ như nước cống, rau thì không nhặt cứ để nguyên các đoạn dài ngoằng nguyên cả rễ. Màu rau đã ố vàng do luộc quá lửa. Mình lấy thìa chan vài thìa nước mắm là loại nước có màu vàng, có vị mặn nhưng không thấy có vị nước mắm vào bát cơm lùa cho xong bữa. Thấy mình ăn uống qua loa, Chinh xúc cho mình một thìa ruốc thịt do chị hắn tiếp tế vào cho hắn…

Ăn xong, mình đứng ra cửa gió của buồng nhìn ra ngoài, thấy ở góc tường dán bản nội quy và chế độ về các thứ mà tù được cấp phát do Bộ trưởng Bộ công an ký ban hành. Mình đọc loáng thoáng thấy bản này ghi hàng tháng từ được cấp: 17 kg gạo, 7 lạng thịt, 1 kg cá, 15 kg rau.. rồi xà phòng, nước mắm, bột canh, mì chính, băng vệ sinh dành cho phụ nữ…đều có cấp phát cả…

(Còn nữa…)

Tái bút:
Những ngày ở tù có một kỷ niệm đáng nhớ đó là chuyện tù hát nhạc chế; đây gần như là một thứ món ăn tinh thần không thể thiếu; Sự khao khát về tình cảm, vật chất đã thôi thúc những người tù tìm đến âm nhạc và nhạc chế là thứ không thể thiếu của tù. Hát để khuây khoả, hát cho quên những nỗi sầu đau của đời sống tù ngục. Hôm nay xin chép ra đây lời bài nhạc chế theo Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh… của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà mình còn nhớ được đoạn sau đây:
Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Nội
Nhớ phố Bà Triệu, nhớ Trần Duy Hưng, nhớ kỷ niệm Xala…ơ…a…
Những án tù sâu nặng, tù đâu thì cũng vậy, tù thì phải lên rừng, ăn thì ít làm thì nhiều khốn nạn thay thân tù….
Tù ăn chơi sa đoạ…ai đi tù có nhớ, sẽ có lúc có ngày về…
Tù cờ bạc, tù buôn ma, tù mại dâm tù buôn thuốc phiện, đã đi tù thì phải lo rèn luyện để đến ngày được tự do…ơ…a…
Anh đi xa bao năm có biết…em có chờ có đợi được không
Nhớ rang lạc với muối vừng tiêu, mang cho anh những ngày đi trại
Cả cuộc đời ngày hôm nay sang trang sách mới
Từ năm hai ngàn mười đến năm hai ngàn không trăm ba mươi…






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét