Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

CANH LE - TRÍ THỨC PHẢI BIẾT NGHI NGỜ VÀ PHẢN BIỆN !



CANH LE - TRÍ THỨC PHẢI BIẾT NGHI NGỜ VÀ PHẢN BIỆN !






  phan-bien.jpg



TẬN TÍN THƯ BẤT NHƯ VÔ THƯ !
TRÍ THỨC PHẢI BIẾT NGHI NGỜ VÀ PHẢN BIỆN !
Nếu Galileo không biết "nghi ngờ" và "phản biện" Kinh Thánh và Thuyết Địa Tâm : "Chúa lập Địa Cầu trên nền vững, không chuyển lay muôn thuở muôn đời !", "Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên" ... vv ..., thì không có Thuyết Nhật Tâm ra đời ...
Nếu Newton không biết "nghi ngờ" Thuyết Nhật Tâm, không biết "phản biện" khi bị trái táo rơi trúng đầu ..., thì không có Định Luật Vạn Vật Hấp Dẫn ra đời ...
Einstein vì "nghi ngờ" Thuyết Cơ Học Cổ Điển Newton nên đã "phản biện" để phát minh ra Thuyết Tương Đối, đơn thuần là Vật Lý Lý Thuyết vì khoa học thực nghiệm thời đó chưa có đủ các trang thiết bị cần thiết để chứng minh ...
Khi nhìn thấy nước mưa trôi trên lá môn, người Việt chỉ "phán" một cách "mặc nhiên" : "Trời sinh ra thế !", hay chỉ đúc kết được : "Nước đổ lá môn", là hết. Nhưng người Nhật thì biết "nghi ngờ", và đặt dấu hỏi "tại sao ?", rồi đi vào nghiên cứu ... Kết quả nghiên cứu đó sẽ được ứng dụng để sản xuất ra một loại vải không thấm nước, không bám bụi, có thể đi mưa, dễ dàng giặt giũ ...
Trên thế giới, trong khoa học, lý thuyết thường tiến rất xa so với thực nghiệm và ứng dụng, nhờ những "nghi ngờ" và "phản biện" của các Nhà Lý Thuyết ...
Tục ngữ Việt Nam có câu : "Một Người Biết Lo Bằng Một Kho Người Biết Làm", nhưng xem ra không được phổ biến cho lắm, vì người Việt dường như không thích cái kiểu "mơ mộng viễn vông" của mấy anh chàng trí thức "dài lưng tốn vải", mà thích cái kiểu "tay làm hàm nhai" của mấy anh bần cố nông "ăn chắc mặc bền" hơn ...
Ngày nay, mở cửa ra và choáng ngợp trước nền văn minh thế giới, người Việt lại thích làm một kẻ khôn vặt "đi tắt đón đầu", hơn là làm một người tử tế biết nghiên cứu Khoa Học Cơ Bản để phát triển bền vững ...
Nền Giáo Dục của ta hiện nay chỉ thiên về dạy cho con người ta biết cách VÂNG LỜI, mà không dạy cho con người ta biết cách TƯ DUY ! ; biết cách GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ, mà không biết cách ĐẶT VẤN ĐỀ ! Điều đó khiến dân Việt giỏi làm NÔ hơn làm CHỦ !
Nếu có ai may mắn được hấp thụ nền giáo dục tiên tiến của Phương Tây, về nước cũng bị trách là chỉ biết nói mà không biết làm, thậm chí có thời gian còn bị đưa đi "cải tạo lao động" và bị "phê phán" là : nghiên cứu viễn vông không đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất và chiến đấu của nhân dân, như trường hợp Giáo sư Tiến Sĩ Toán Học Lê Văn Thiêm, hay như trường hợp "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ", "Nhân Văn - Giai Phẩm", "Thanh Niên Xung Phong" ..., hay sẽ bị ghẻ lạnh vì cái thói "tham quyền cố vị" của các "lão thành cách mạng" ..., "Chất Xám" đành phải mai một ..., hay ... "chảy máu" qua trời Tây ...


su im lang cua bay cuu.jpg


Chí Sĩ PHAN CHU TRINH khi vạch ra con đường DUY TÂN : KHAI DÂN TRÍ - CHẤN DÂN KHÍ - HẬU DÂN SINH đã có cân nhắc cẩn thận trong việc dùng câu chữ theo đúng tiến trình.
Không phải ngẫu nhiên mà Cụ Phan đặt KHAI DÂN TRÍ lên hàng đầu ! Khi DÂN TRÍ đã phát triển, thì DÂN KHÍ mới có thể phát triển "mạnh" mà không "bạo", DÂN SINH mới có thể phát triển "giàu" mà "sang", biết hướng đến những giá trị bền vững, không "ăn xổi ở thì" ...
Xã hội ngày nay đang theo chiều hướng ngược lại :
DÂN SINH phát triển trước nên sinh ra thói "trưởng giả học làm sang", "trọc phú", "nhà giàu mới", "tư sản đỏ"... giàu có do chụp giựt, lừa lọc, gian trá, bè cánh, cơ hội, tham nhũng, phá hoại ...
DÂN KHÍ mạnh lên nhờ DÂN SINH nhưng không được hướng dẫn bởi DÂN TRÍ nên sinh ra loạn lạc, nhiễu nhương, độc tài, bạo lực, "cướp - giết - đốt - hiếp" tràn lan ...
Khi đồng tiền và bạo lực đã lên ngôi, sẽ tác động ngược trở lại khiến cho DÂN TRÍ ngày càng bị coi rẻ, coi khinh, dẫn đến hao mòn, "chảy máu chất xám", lụn bại, suy vi ...
Bài học DUY TÂN chưa bao giờ là cũ đối với dân Việt !!!
Phần lớn các nhà Nho xưa chuộng lối học từ chương, chỉ biết cố chấp coi các lời của "thánh hiền" là "khuôn vàng thước ngọc", không có tinh thần "nghi ngờ" và "phản biện", nên "Bế Quan Tỏa Cảng" không dám "Duy Tân" ... Mà không nghĩ rằng bởi "nghi ngờ" và "phản biện" lại Khổng Tử mà có Lão Tử, bởi "nghi ngờ" và "phản biện" lại Lão Tử mà có Trang Tử ... ; bởi "nghi ngờ" và "phản biện" lại Khổng Tử mà có Mạnh Tử, bởi "nghi ngờ" và "phản biện" lại Khổng - Mạnh mà có Trình - Chu ...
Có câu : "Trí Thức Là Người Có Tinh Thần Phê Phán" ( - Về Trí Thức Nga - ). Trí thức phải biết "nghi ngờ" và "phản biện" tất cả những gì tưởng, và người ta muốn mọi người tưởng, đã là "khuôn vàng thước ngọc", "chân lý", "lý tưởng", "kim chỉ nam", "hòn đá tảng" ... vv ...
Cái thiếu lớn nhất của người Việt, là trong suốt mấy ngàn năm, không hề tự sáng tạo ra một hệ tư tưởng, một triết thuyết nào khả dĩ điều tiết được xã hội, điều hành được đất nước. Tất cả đều phải vay mượn, và cũng chưa hề biết "nghi ngờ" và "phản biện" để có thể "bản địa hóa" được những hệ tư tưởng, triết thuyết ấy ( như người Nhật đã làm được ), từ Khổng - Lão - Phật vay mượn từ Trung Hoa đến Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái từ Pháp, rồi đến Cộng Sản Chủ Nghĩa từ Liên Xô ở miền Bắc, Tự Do - Dân Quyền - Nhân Vị từ Mỹ ở miền Nam ...
Sự nô dịch về mặt tư tưởng tất yếu sẽ dẫn đến sự nô lệ của dân tộc trước sự xâm lăng thống trị của ngoại bang ... !!! ...
BAO GIỜ THÌ DÂN TỘC VIỆT NAM THOÁT RA KHỎI SỰ NÔ DỊCH NÀY !?!
Hoàn toàn tùy thuộc vào TINH THẦN NGHI NGỜ VÀ PHẢN BIỆN CỦA GIỚI TRÍ THỨC VIỆT NAM !




***

Kẻ dốt khẳng định, người thông thái nghi ngờ, nhà hiền triết suy nghĩ.
- Aristote.


Những kẻ cứ làm mà không cần học vấn chẳng khác nào người thủy thủ đi trên chiếc tàu không bánh lái, không la bàn và cũng chẳng biết rằng họ sẽ đi đâu.
- Leonardo De Vinci


Tư duy sáng tạo không chỉ bao gồm việc tạo ra những ý tưởng mới, mà còn là thoát khỏi những ý tưởng lỗi thời.
- Roger von Oech


Mỗi hành động của sự kiến tạo, trước hết, là một hành động của sự phá hủy
- Pablo Picasso


"Tôi Tư Duy, Vậy Tôi Tồn Tại" - René Descartes.


"Con Người Là Cây Sậy Biết Tư Duy" - Blaise Pascal.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét