Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Thế hệ gốc Việt thứ 2 nhìn lại cuộc chiến ngôn từ


Thế hệ gốc Việt thứ 2 nhìn lại cuộc chiến ngôn từ




Nguyên tác: Thanh Tân (nhật báo Seatle Times)
Chuyển ngữ: Trùng Dương



Lời giới thiệu: Nhiều người trẻ gốc Việt, trong đó có các con tôi, thắc mắc tại sao sau 40 năm mà nhiều người thuộc thế hệ di dân người Việt đầu tiên vẫn không thể chấp nhận chế độ cộng sản hiện cai trị tại Việt Nam, tại sao vẫn từ chối nói chuyện hoà hợp hoà giải với chế độ đó mặc dù những nỗ lực với tới "những khúc ruột ngàn dậm," và cả phá hoại, cộng đồng người Việt hải ngoại trong nhiều thập niên qua bởi tập đoàn lãnh đạo tại Hànội.Nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30 tháng 4, 1975, qua những bài viết và phim ảnh tôi đã có dịp đọc, bài bình luận của cô Thanh Tân trên tờ Seattle Times, "40 years after the Vietnam War, move pass name-calling," (40 năm sau cuộc chiến Việt Nam, hãy vượt lên cái trò 'chụp mũ') (*) đã đặc biệt lôi cuốn sự chú ý của tôi. Bài viết không những từ một người trẻ sinh ra và lớn lên ở trên đất Mỹ với cái nhìn khá sâu sắc và chính xác, mà còn mang một văn phong xúc tích, mạch lạc về một trận chiến ít người nhìn thấy nhưng đã và vẫn còn âm thầm diễn ra, mà chính cha cô, một nhân vật hoạt động tích cực trong cộng đồng, đã trở thành nạn nhân. Những trận chiến bằng ngôn từ này nhằm chụp mũ nhiều người sinh hoạt tích cực cho cộng đồng là thân cộng và cộng sản nằm vùng, đã gây tổn thương và chia rẽ trầm trọng không những cho nạn nhân mà cả cộng đồng người Việt hải ngoại. Những người bị chụp mũ lại thường là những nhân vật đã từng hoạt động tích cực để xây dựng cộng đồng người Việt hải ngoại ngày một tốt đẹp hơn. Nhiều cây bút trong cộng đồng đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng chụp mũ có tính cach phá hoại này, mà hậu quả là ít người còn muốn ra làm việc cho cộng đồng. Thậm chí hễ nói tới cộng đồng có nhiều người ngao ngán, coi đó là chốn "gió tanh mưa máu" không muốn dính vào. Những lỗ trống ấy rồi ai sẽ là người điền vào, nhiều người trong chúng ta đã biết câu trả lời. Trò ném đá dấu tay của cộng sản trước 1975 đã lôi kéo nhiều người Miền Nam nhẹ dạ, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ và ký giả, cố ý hay vô tình, đã tiếp tay làm suy yếu Miền Nam.Tôi chọn dịch bài này vì có lẽ không có gì mạnh mẽ hơn là một cảnh báo đến từ một người thuộc thế hệ thứ hai, do một kinh nghiệm đau thương của chính gia đình cô. [TD, 05/2015]


###


Thanh Tân - 40 năm sau cuộc chiến Việt Nam, hãy vươn lên khỏi trò 'chụp mũ'



Sáu năm trước, tôi ngồi ở ghế nhân chứng tại toà án Quận Thurston và không giữ được sự bình tĩnh. Tôi không còn nhớ câu hỏi của luật sư đã khiến nước mắt tôi trào ra, nhưng tôi nhìn chằm chặp vào người đàn ông đã công khai làm nhục bố tôi, ông Đức Tân, bằng lời cáo buộc sai quấy cho ông là Việt cộng nằm vùng. Tôi đã thốt lên, "Làm sao ông có thể làm điều đó hả?"


Trong lúc tôi làm nhân chứng trong vụ kiện mạ lỵ phỉ báng mà cha tôi là nạn nhân, tim tôi nhức nhối giùm cha tôi sau nhiều thập niên làm việc cộng đồng lại bị bôi vấy và tư cách của ông bị xúc phạm bởi một số người di dân cùng giòng giống. Tim tôi vỡ nát khi thấy Cuộc chiến Việt Nam vẫn chưa chấm dứt, ít ra đối với những người đã phải chịu đựng cơn chấn thương trước khi định cư tại Mỹ.


Ra đời tại Olympia nhiều năm sau khi Sàigòn thất thủ, tôi đã trải qua phần lớn đời mình trốn tránh bóng ma của cuộc chiến này. Là con gái của những người tị nạn, việc trốn tránh này khó mà làm được, đặc biệt khi cha tôi và Cộng đồng Việt tại Quận Thurston nạp đơn kiện những người đã chụp mũ họ và vụ kiện đã kéo dài tới 10 năm.



Duc Tan-Thanh Tan.jpg
Gia đình cô Thanh Tân và vài thân hữu thăm viếng Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam của tiểu bang Washington vào năm 1990. Trong hình: hàng sau, từ trái, Hải Võ, Triều Võ, ca sĩ Bạch Yến, Tau Lương, Đức Tân, Uyên Tân; hàng trước, Anh Tân, Thanh Tân. (Ảnh Thanh Tân)



Tôi đã nghiệm ra rằng làm một người Mỹ gốc Việt tức là chấp nhận cái di sản của sự sinh tồn vượt ngoài tưởng tượng và niềm đau không thể giãi bầy. Chúng ta có mặt tại đây phần lớn vì quốc gia của chúng ta, Nam Việt Nam, thua trận. Chúng ta phải lìa quê hương vì sợ bị bắt bớ tù đầy. Cha tôi là một giáo sư và sĩ quan trong quân đội Miền Nam được Hoa Kỳ hỗ trợ.


Đợt người Việt tị nạn đầu tiên đến Mỹ năm 1975 đã phải bắt đầu xây dựng lại cuộc đời họ từ đống tro tàn. Hơn 15 năm kế đó, các thuyền nhân (trong đó có gia đình tôi) đã thường xuyên trực diện với chết chóc, đói khát, hãm hiếp và cướp bóc bởi hải tặc nơi biển khơi. Bắt đầu từ cuối thập niên 1980, các con cái của quân nhân Mỹ được hồi hương và định cư tại Mỹ. Cũng vậy là các cựu tù nhân chính trị, những người bị cộng sản cầm tù từ ít ra ba năm trở lên trong các cái gọi là trại "học tập cải tạo".


Nhìn lại quãng đời thơ ấu của mình, tôi nhớ tới những đợt di dân khác nhau đã thay đổi bộ mặt cộng đồng mỗi ngày một đông của chúng tôi. Cha tôi thường dẫn ba chị em tôi tới những buổi mít tinh chống cộng và tổ chức những buổi họp tại nhà. Mùi cà phê thơm lừng trong không gian khi các bà vợ chuyện trò trong nhà bếp trong khi các ông túm tụm ngoài phòng khách – lá cờ Việt Nam Cộng Hoà lúc nào cũng được trưng bầy.

Họ không những chỉ gặp nhau xã giao, mà còn chia sẻ các thông tin: Nơi nào họ có thể mua các loại thực phẩm Á đông? Làm thế nào để có thể trợ giúp người thân còn ở Việt Nam? Cuộc thi tuyển nào có thể giúp họ kiếm một việc làm với chính quyền tiểu bang hay làm thế nào để thăng tiến khỏi nghề lau chùi dọn dẹp? Ai đứng ra tổ chức kỳ mít tình tới để tranh đấu cho nhân quyền bị đàn áp ở Việt Nam?


Đối với chị em chúng tôi, lớn lên trong một gia đình tị nạn có nghĩa là quân bình hoá giữa hai nền văn hóa, hai ngôn ngữ, hai mọi thứ khác ở mọi lúc. Nếu chúng tôi không đang cùng đi dự mít tinh với cha mẹ, thì là giúp hiệu đính thư từ gửi đi các nhà dân cử hay thu nhặt các đóng góp thiện chí tại các buổi văn nghệ gây quỹ.


Ý tưởng về một chuyến phiêu lưu của gia đình tôi là dẫn các bạn tị nạn đi thăm Đài Cựu Chiến binh Tham Chiến tại Việt Nam ở khuôn viên toà nhà Quốc hội tiểu bang, một đài tưởng niệm nhiều người Việt đã đóng góp để dựng nên.


Mỗi tối thứ Sáu chúng tôi theo học chữ Việt tại trường Việt ngữ, nơi mỗi trước khi bắt đầu lớp học chúng tôi đứng chào lá cờ mầu vàng với ba gạch đỏ. Những lời mở đầu của bài quốc ca của Nam Việt Nam đã khắc sâu trong trí nhớ tôi:


“Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…"


Cha tôi quá bận rộn với công việc cộng đồng tới độ có lần ông suýt bỏ qua cơ hội thăng chức tại Văn phòng Xã hội và Y tế của tiểu bang. Ông mang mặc cảm của người sống sót, một cảm giác nhiều người Việt lưu vong cùng chia sẻ và họ thấy phải làm cái gì đó cho bạn bè và gia đình còn đang lầm than và bị tù đầy ở quê nhà.


Khi những người tị nạn khác mới tới, những người đi trước thường giúp họ tập lái xe, kiếm việc và giúp điền các giấy tờ này khác.


Là một người đã khôn lớn, tôi bàng hoàng khi thấy cũng chính vài trong những người này đã trở mặt chống lại cha tôi và tổ chức cộng đồng người Việt địa phương. Trong một thông cáo công khai vào năm 2003, một nhóm tự gọi là Ủy ban Chống Cờ Việt Cộng vu cáo cho cha tôi và tổ chức cộng đồng là "tôn sùng cộng sản, làm nhiễm độc đầu óc trẻ em và thường xuyên và một cách có kế hoạch phản bội cộng đồng Việt Nam bằng cách làm lợi cho chính quyền Việt cộng."


Mà có gì đâu, chỉ là vì một cái khăn đeo làm bếp mầu sắc rực rỡ tìm thấy sau gian hàng bán thực phẩm mà cha tôi đảm trách cho một buổi gây quỹ cho cộng đồng tại Hội chợ Capital Lakefair. Những người bài bác ông đã họp báo tuyên bố là cái khăn làm bếp ấy có hình Santa Claus mang một đôi găng tay có biểu tượng Hồ Chí Minh và cờ cộng sản.


Toà Quận Thurston đã tuyên án thắng cho cha tôi và nhóm của ông. Vào ngày 9 tháng 5, 2009, toà Tối cao Tiểu bang Washington đồng ý với bồi thẩm đoàn là Ủy ban Chống Cờ Việt cộng đã mạ lị phỉ báng nhóm của cha tôi với ác ý. Vụ án, đã được tờ The New York Times tường thuật, mới chính thức kết thúc năm ngoái sau khi Tòa Tối cao Liên bang từ chối thụ lý hồ sơ kháng án. Dù vậy, tôi vẫn không hiểu tại sao một vụ vu cáo vô lý đến thế mà đã đi xa được đến như vậy.


Có lẽ ta có thể giải thích là cơn chấn thương vẫn còn đeo đẳng nơi nhiều người tị nạn trung thành với chính thể Việt Nam Cộng Hoà. Những người tị nạn lớn tuổi vẫn còn đau xót trước sự mất mát quê hương và căn cước của họ vào ngày 30 tháng 4, 1975. Trước khi Sàigòn thất thủ, họ đã sống trong nỗi ngờ vực có căn nguyên hẳn hoi về việc các lực lượng cộng sản, được biết tới là Việt cộng, đang thâm nhập Miền Nam để gây rối. Ngày nay, họ lo âu về Nghị quyết 36 của chính quyền Việt Nam, một nghị quyết ra đời vào năm 2004 nhằm tạo ảnh hưởng tới hàng ngũ cộng đồng hải ngoại.


Cuộc chiến đã không kết thúc đối với nhiều người. Thay vì là súng đạn, vũ khí bây giờ là ngôn từ.


Hành động chụp mũ người vô tội là thân cộng vẫn còn đang diễn ra tại các cộng đồng người Việt khắp nơi trên đất Mỹ. Những vụ kiện tụng đã diễn ra tại các tiểu bang Minnesota, Texas và California. Hậu quả là nhiều người chán nản không muốn tham gia việc cộng đồng. Hiện tượng McCarthyism tân thời này cần phải chấm dứt.


Nhưng chấm dứt bằng cách nào? Bằng việc nói lên kinh nghiệm và vinh danh những phấn đấu của mỗi một người tị nạn vậy.


Một trong số những người bạn từ ấu thơ của cha tôi gần đây bảo tôi trong môt bữa ăn với giọng nửa cay đắng, "Cháu may mắn là vì cha cháu chỉ phải bị ở trại cải tạo có sáu tháng. Ông ấy đã dời Việt Nam sau đó. Còn bác bị tới sáu năm. Chính mắt bác chứng kiến ba người tự sát ngay trước mặt bác. Bác vẫn cón nằm mơ thấy cảnh đó."


Điều mà người bạn của cha tôi không biết là những nỗ lực toàn diện mà cha tôi và nhiều người khác đã làm để gây chú ý tới cảnh ngộ của các tù nhân chính trị như ông.


Nhận định của ông bác làm tôi nhớ tới là mỗi người tị nạn trải qua những đau khổ một cách riêng. Tôi không thể hoàn lại cho ông bác những năm trải qua trong ngục tù, nhưng tôi nhìn nhận kinh nghiệm của ông. Câu chuyện của ông mới là điều quan trọng.


"Bố cháu đã không quên bác," tôi cam đoan với ông. "Xin bác kể nữa cho cháu nghe đi."


Là người Mỹ gốc Việt có nghĩa là bằng lòng với di sản phức tạp của cơn chấn thương, sự mất mát, cay đắng, mất niềm tin và khả năng sống còn mà nhiều người đang bắt đầu giãi bầy.


Đấy không phải là điều chúng ta phải trốn tránh. Đó là điều cần khai phá và đối chất trước khi ký ức nhạt nhoà và lịch sử tái diễn.

Bình luận của Thanh Tân xuất hiện thường xuyên trên trang bình luận của nhật báo Seatle Times. Địa chỉ điện thư của cô là ttan@seattletimes.com


Chú thích:
(*) Thanh Tan, "40 years after the Vietnam War, move past name-calling," Bài viết là một phần trong số đặc biệt "Seeking Refuge" tại seati.ms/seeking-refuge

Theo: nguoi-viet


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét