Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

LS Trần Đức Hoàng - Thách thức đầu tiên dành cho Việt Nam sau khi TPP đạt được thỏa thuận cuối cùng




LS Trần Đức Hoàng - Thách thức đầu tiên dành cho Việt Nam sau khi TPP đạt được thỏa thuận cuối cùng









Nếu TPP đạt được thỏa thuận cuối cùng và thông qua, một trong những thách thức đầu tiên mà Chính phủ Việt Nam sẽ phải đương đầu là việc đảm bảo thực thi cam kết. Như Ezlaw đã phân tích tại các bài trước, TPP là một thỏa thuận quốc tế thế hệ mới, việc đảm bảo thực thi các nghĩa vụ của thỏa thuận này sẽ được coi là quan trọng và khắt khe nhất, nhằm phát huy tối đa lợi ích của các thành viên của hiệp định. Điều này càng đúng hơn khi mà tại TPP, các nhà đầu tư nước ngoài luôn có thể kiện chính phủ các nước thành viên, bao gồm Việt Nam, thông qua hệ thống ISDS khi các chính phủ không thực hiện các nghĩa vụ của mình và gây ra tổn thất cho các nhà đầu tư. (Xem thêm về hệ thống ISDS tại ĐÂY)







Tổng thống Obama đã từng nói: “không đáp ứng TPP, Việt Nam sẽ bị loại”.

Thách thức này sẽ bao gồm nhiều vấn đề khác nhau và việc giải quyết nó là không hề đơn giản.







Đầu tiên, TPP bao trùm nhiều lĩnh vực cả thương mại lẫn phi thương mại, nên việc thực thi các cam kết chắc chắn sẽ phải trải rộng trên nhiều khía cạnh, liên quan tới nhiều lĩnh vực, đòi hỏi các biện pháp khác nhau nhưng vẫn đồng nhất về kết quả và mục đích. Như sẽ phân tích về sau, hầu hết các bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng.







Thứ hai, Việt Nam sẽ phải thiết lập và vận hành những cơ quan/cơ chế mới chỉ dành riêng cho việc đảm bảo thực thi TPP. Các cơ quan mới sẽ bao gồm các đầu mối liên lạc, các ủy ban đặc biệt hoạt động dưới Bộ công thương, và cũng có thể là các tổ chức đặc biệt trực thuộc các bộ ngành khác nhau. Mô hình, chức năng, lộ trình của những tổ chức, cơ chế mới dành riêng cho TPP thường sẽ được thực hiện theo các quy định, cam kết cứng (tức không thể thay đổi) giữa các nước thành viên. Sẽ có những cơ chế do từng nước thành viên vận hành riêng, nhưng cũng sẽ có những cơ chế do tất cả các nước thành viên cùng tổ chức và vận hành.







Thứ ba, các cơ quan/cơ chế đang tồn tại có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tới các nghĩa vụ TPP cũng sẽ phải được điều chỉnh và thay đổi. Do phạm vi ảnh hưởng của TPP là rất lớn và trải rộng nên có thể nói rằng cả bộ máy đang hoạt động của chính phủ Việt Nam sẽ bị tác động. Hướng đi và mục đích của các chính sách liên quan tới mọi vấn đề trong kinh tế, xã hội cũng vì thế mà thay đổi.

Ngoài ra, các chính sách mới chắc chắn cũng sẽ phải đảm bảo không trái với các cam kết của TPP về quy tắc nội dung, thủ tục và trình tự.







Hầu hết các cam kết thành lập cơ quan/cơ chế mới và điều chỉnh cơ chế cũ đều phải thực hiện ngay hoặc sau một thời hạn ngắn khi TPP đi vào hiệu lực, nên Chính phủ Việt Nam sẽ phải đương đầu với thử thách đi tìm nguồn lực mới với năng lực và chất lượng cao. Đây sẽ là cơ hội cho các nhóm du học sinh từ nước ngoài trở về.







Thứ tư, không những các chính sách mới phải đảm bảo quy tắc cam kết giữa các nước thành viên, mà những chính sách, pháp luật hiện hành cũng phải được điều chỉnh để không đi trái lại với các quy tắc này. Điều đó có nghĩa rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam bao gồm nội dung, thủ tục sẽ phải được rà soát và điều chỉnh đồng bộ lại. Chính phủ Việt Nam sẽ phải lập một cơ quan hay một nhóm những nhà luật gia tốt nhất để phối hợp cùng các bộ ngành thực hiện vấn đề này.







Thứ năm, Việt Nam sẽ phải thực hiện một cơ chế công khai thông tin tốt hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sử dụng triệt để hệ thống ISDS để đảm bảo quyền lợi của mình tại các nước thành viên, vì vậy, nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề xuất nhập khẩu sẽ phải được tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận, đồng nghĩa với việc các cơ quan nhà nước không còn là các tổ chức độc quyền có được những thông tin này.

Có thể thấy rằng, việc đương đầu và xử lý với những thách thức đảm bảo thực thi các cam kết thỏa thuận tại TPP không hề đơn giản. Vì vậy, chính phủ Việt Nam cần phải chuẩn bị và đề ra hướng thực hiện ngay từ bây giờ. Đây không chỉ là một biện pháp phòng vệ, mà còn là một biện pháp bảo đảm quyền lợi của Việt Nam như một thành viên của TPP.


Thông tin về  Luật sư Trần Đức Hoàng:




Trần Đức Hoàng Ezlaw



Luật sư Trần Đức Hoàng là một trong những công dân Việt Nam hiếm hoi có may mắn được học luật tại Mỹ dưới chương trình Juris Doctor (tiến sĩ luật). Tập trung vào mảng luật quốc tế và luật thương mại, Hoàng hiện đã có bằng luật sư tại bang Massachusetts và New York. Ngoài ra, Hoàng còn là một nhà khởi nghiệp trong giới công nghệ thông tin. Sắp tới Hoàng sẽ về Việt Nam để chính thức điều hành startup đầu tay của mình và những người bạn, Ezlaw.
Địa chỉ Facebook: www.facebook.com/cafepho



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét