ĐÀI RADIO CHÂN TRỜI MỚI - Ông Lý Thái Hùng trả lời thính giả về một số hoạt động và chủ trương của đảng Việt Tân
Thanh Thảo
Ông Lý Thái Hùng trả lời thính giả về một số hoạt động và chủ trương của đảng Việt Tân [ 22:00 ] Hide Player| Play in Popup | Download
Trong thời gian qua, Đài Radio Chân Trời Mới có nhận được một số thư của quý thính giả gửi về Đài chia sẻ một số tâm tình, ý kiến về công cuộc chung, cũng như có những thắc mắc về các tổ chức chính trị đang mưu tìm tự do, dân chủ cho Việt Nam. Chúng tôi đã chuyển các thắc mắc này và sẽ lần lượt phỏng vấn để các tổ chức đó có thể trả lời cùng quý thính giả.
Hôm nay, chúng tôi xin mời quí thính giả theo dõi phần trả lời của đảng Việt Tân. Trong số thư từ gởi về đài, có một vài thính giả nêu thắc mắc về những tin đồn cáo buộc đảng Việt Tân là cánh tay nối dài của Việt cộng, Việt Tân nhận công trạng của người khác, hay ngay cả cáo buộc lãnh đạo Việt Tân thí quân lấy tiếng, hay chỉ điểm cho an ninh cộng sản Việt Nam.
Tuy đảng Việt Tân đã nhiều lần lên tiếng trình bày về những vấn đề này trong thời gian qua, nhưng để trả lời trực tiếp các thắc mắc của các thính giả của đài, ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân sẽ lên tiếng trong chương trình hôm nay:
Thanh Thảo: Trước hết ông nhận định ra sao về hiện tượng CSVN liên tục dán nhãn Việt Tân là tổ chức khủng bố, cũng như tổ chức phản động nhằm lật đổ chế độ; rồi cùng lúc lại có những luận điệu cáo buộc rằng Việt Tân là cánh tay nối dài của CSVN. Có người phân tích rằng cả 2 vu cáo đó đều phát xuất từ một nguồn là công an – an ninh CSVN. Ông lý giải thế nào?
Lý Thái Hùng: Thưa chị, chúng tôi có một số nguồn kiểm chứng nên có thể nói chắc rằng công an CSVN, hay nói đúng hơn là nhà cầm quyền CSVN, chính là kẻ tung ra hai luận điệu mâu thuẫn đó. Họ cố dùng thủ thuật này trong cả 3 môi trường: với bà con trong nước, với các cộng đồng người Việt tại hải ngoại và với chính giới ngoại quốc. Chủ đích duy nhất là nhằm cố gắng cô lập đảng Việt Tân.
Tôi xin trình bày về từng môi trường này như sau:
Trước hết, đối với môi trường chính giới và các tổ chức quốc tế. Có thể nói đây là nơi mà nhà cầm quyền CSVN thất bại hoàn toàn trong thủ thuật cố gắng dán nhãn Việt Tân là khủng bố. Vì các cáo buộc này đã tác dụng ngược khi chính phủ các nước đòi trưng ra bằng chứng nhiều lần nhưng Hà Nội không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.
Việc công an cố ngụy tạo chứng cớ bằng cách lén nhét 1 khẩu súng lục và 13 viên đạn vào hành lý của 2 kiều bào hoàn toàn vô can rồi vu khống cho Việt Tân vào năm 2007 đã xóa sạch uy tín của họ trong mọi vu cáo sau đó. Đảng Việt Tân hiện vẫn tiếp tục hoạt động công khai và đang hợp tác với chính giới nhiều nước trong các lãnh vực dân chủ, nhân quyền, và chủ quyền của Việt Nam.
Kế đến là môi trường Việt Nam, giới lãnh đạo CSVN nhắm vào 2 mặt cùng lúc. Đối với quảng đại quần chúng nói chung, họ cố dán nhãn Việt Tân là khủng bố, rồi sau đó một thời gian là phản động. Dĩ nhiên họ chẳng có thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào cả nhưng vì độc quyền nắm giữ truyền thông nên họ cứ “nói lấy được”. Mục tiêu của họ là để hù dọa người dân rằng Việt Tân là tổ chức nguy hiểm cần phải tránh xa vì liên hệ hay hợp tác với Việt Tân đương nhiên đồng nghĩa với phạm pháp và sẽ bị trừng trị nặng nề.
Tôi nghĩ rằng sự hù dọa này còn nhằm che dấu một sự thật khác là chính lãnh đạo Hà Nội cũng đang rất sợ sự lan tỏa của phương pháp Đấu Tranh Bất Bạo Động mà đảng Việt Tân đã nỗ lực quảng bá và hợp tác với nhiều đồng bào tiến hành những hình thái đấu tranh này.
Trong khi đó, đối với những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, thì nhà cầm quyền CSVN lại dùng thủ thuật: lúc thì tung tin “Việt Tân do Trung Quốc dựng lên để phá hoại đảng và nhà nước Việt Nam”, lúc thì tung tin “Việt Tân hợp tác với Việt Cộng để tính chuyện chia ghế”, lúc thì tung tin “Việt Tân do Việt Cộng dựng lên để lưới các nhà dân chủ”, v.v… Dĩ nhiên, mục tiêu cũng lại chỉ để hù dọa từ một góc cạnh khác để cô lập đảng Việt Tân.
Tất cả những thủ thuật này theo tôi đã biểu hiện sự cùng quẫn, bí lối của Hà Nội nên thử đủ cách nhằm tấn công đảng Việt Tân. Nhưng rất tiếc cũng có một số đồng bào chúng ta bị ảnh hưởng và hoang mang ít nhiều. Chúng tôi rất mong những vị nào có thắc mắc về đảng Việt Tân xin tìm hiểu về quá trình thành lập và hoạt động của đảng Việt Tân suốt hơn 30 năm qua; hoặc xin đặt câu hỏi trực tiếp với đảng Việt Tân để chúng tôi có thể trình bày ngọn ngành những nỗ lực của Việt Tân để tháo gỡ gông xiềng độc tài, đặt nền dân chủ và tạo điều kiện canh tân đất nước chúng ta.
Sau cùng, đối với môi trường hải ngoại, công an vừa sử dụng những kẻ họ mua chuộc vừa tận dụng những mối hiềm khích sẵn có trong cộng đồng hải ngoại để tạo tối đa chia rẽ. Và cách tạo chia rẽ hiệu quả nhất là gắn cho tổ chức này, cá nhân kia cái nhãn mà đồng bào chúng ta ghét nhất tại hải ngoại, đó là cái nhãn Việt Cộng.
Đảng Việt Tân là một trong những đích nhắm lớn của họ. Quá nhiều các vu khống hoàn toàn dựng đứng rồi lại được dùng để chứng minh các vu khống kế tiếp.
Chúng tôi rất tiếc và cũng rất buồn là vẫn có một số đồng bào chúng ta bị ảnh hưởng bởi các vu cáo hoàn toàn vô căn cứ và xuyên tạc rất trâng tráo này. Nhưng cùng lúc, chúng tôi tin tưởng với thời gian và các nỗ lực trình bày, giải thích của anh chị em Việt Tân, đặc biệt là qua các hợp tác làm việc cụ thể với nhau, các hiểu lầm sẽ được sáng tỏ dần. Và một khi chúng ta cùng nhận ra đó là các đòn phép của Việt Cộng thì từ đó trở đi các đòn phép này hoàn toàn trở nên vô dụng.
Nói tóm lại, tôi tin là những cáo buộc “Việt Tân là khủng bố” hay “Việt Tân là cánh tay nối dài của Việt cộng” đều chỉ có tác dụng ngắn hạn cho những kẻ tung ra các đòn phép đó. Những người thực tâm muốn đổi thay đất nước sẽ vượt qua được và phải vượt qua được giao động lúc ban đầu để không rơi vào cạm bẫy lung lạc của CSVN. Và tôi cũng nghĩ rằng cách giải tỏa hay nhất vẫn là chứng minh bằng những hành động đấu tranh quyết liệt của chúng tôi.
Thanh Thảo: Lại có luận điệu cho rằng VT có ý hướng tốt nhưng đã bị an ninh CSVN xâm nhập nên những chương trình hoạt động của VT đều đã bị công an biết. Do đó ai dính với Việt Tân đều sẽ bị bắt. Ông giải thích thế nào?
Lý Thái Hùng: Đây cũng là loại suy đoán để tạo hoang mang mà không cần chứng cớ cụ thể. Nó có thể làm cho những ai tha thiết muốn tham gia hay hợp tác với đảng Việt Tân sẽ khựng lại vì sợ rằng bị công an nằm vùng trong Việt Tân bắt giữ hay làm hại. Ở mức nhẹ nhất thì loại suy đoán này cũng hàm ý Việt Tân hoạt động không nghiêm túc, không bảo vệ được thành viên cũng như những người cộng tác để cho công an có thể theo dõi bắt giữ. Cùng lúc, loại luận điệu này cũng tạo ấn tượng CSVN ba đầu sáu tay, có tình báo bên trong Việt Tân và nắm vững đường đi nước bước của Việt Tân.
Nhưng nếu chỉ nhìn sâu hơn một chút, chúng ta đã có thể thấy ngay mâu thuẫn lớn của luận điệu đó. Nếu CSVN đã lọt vào đến tận bộ phận hoạch định các kế hoạch, các chương trình hoạt động của Việt Tân thì cách giải quyết nhanh gọn nhất của họ phải là phá tan tổ chức này từ lâu.
Có như vậy thì lãnh đạo CSVN khỏi mất rất nhiều công sức, tiền bạc đối phó với sự lan tràn của kiến thức đấu tranh bất bạo động mà Việt Tân liên tục quảng bá bằng nhiều dạng thức trong nhiều năm qua. Đồng thời, CSVN cũng khỏi mất mặt, mất uy tín trầm trọng tại các diễn đàn quốc tế mà Việt Tân nỗ lực vận động để vạch trần sự thật tại Việt Nam. Gần đây nhất là cuộc điều trần UPR tại Genève vào tháng 2 năm 2014 vân, vân…
Nói cách khác, chính sự hiện diện và tiếp tục đấu tranh trên nhiều lãnh vực của đảng Việt Tân trong hơn 30 năm qua là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Cộng không xâm nhập được vào các bộ phận trọng yếu của đảng Việt Tân.
Cùng lúc đó, chúng tôi hiểu rất rõ mức độ thâm hiểm và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn của lãnh đạo lẫn công an CSVN, nên đảng Việt Tân luôn luôn quan tâm đến việc tổ chức chặt chẽ và thận trọng trong việc kết nạp thành viên. Các biện pháp phân cấp thông tin, đặc biệt liên quan đến nhân sự và kế hoạch, luôn được áp dụng chặt chẽ ở mọi cấp.
Tuy nhiên, đảng Việt Tân cũng không quá thận trọng đến độ tê liệt hay không còn hiệu quả. Dù có chuẩn bị kỹ lưỡng cách mấy thì vẫn có những sự việc xảy ra ngoài dự liệu và có những thành viên đảng Việt Tân bị sa cơ. Nhưng các đảng viên Việt Tân ý thức được cái giá phải trả vì tương lai đất nước và vẫn tình nguyện nhận lãnh công tác.
Ấn tượng công an CSVN ba đầu sáu tay cũng là ấn tượng sai. Không riêng gì Việt Tân mà nhiều nhà hoạt động trong nước cũng đã thấy rất nhiều lỗ hổng trong hệ thống này mà chúng ta có thể khai dụng, kể cả khai dụng các nhân sự. Hiển nhiên, đối với những công tác thành công, chúng ta không thể công bố. Lý do đơn giản là để có thể làm tiếp được nữa. Chỉ những lần rất hạn hữu bị sa cơ thì công luận mới biết mà thôi.
Tôi tin là khi đất nước đã thoát khỏi nạn độc tài CSVN thì chúng ta sẽ thấy toàn bộ bức tranh.
Thanh Thảo: Thưa ông, cũng còn một luận điệu nữa khi nhận định về số người bị bắt và bị cầm tù vì liên hệ ít nhiều đến Việt Tân trong thời gian qua, đó là do lãnh đạo Việt Tân đã chủ ý thí quân để lấy tiếng. Ông nghĩ sao về luận điệu này?
Lý Thái Hùng: Trong các vu khống, có lẽ loại vu khống này làm nhiều anh chị em chúng tôi thấy buồn nhất. Như tôi có trình bày bên trên, đấu tranh trong môi trường đàn áp dã man của chế độ độc tài cộng sản, các đảng viên Việt Tân đều ý thức là có thể gặp khó khăn và chấp nhận tù tội. Chúng tôi coi đây là những hy sinh phải chấp nhận trên con đường đấu tranh phục vụ tổ quốc, như bao thế hệ cha anh trong những giai đoạn đen tối của đất nước.
Khi một đảng viên Việt Tân gặp khó khăn đối với công an hay bị bắt là điều thiệt thòi lớn, không chỉ riêng cho đảng Việt Tân, mà cho công cuộc chung. Do đó cái gọi là ‘thí quân để lấy tiếng” là điều không có trong văn hóa hoạt động của đảng Việt Tân. Ngược lại, các đảng viên Việt Tân sinh hoạt và đấu tranh trong tình thương yêu gắn bó giữa những người cùng chung ý tưởng mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc, và với chủ trương nhân bản, hai chữ “thí quân” chưa bao giờ xuất hiện trong đại gia đình Việt Tân.
Hơn thế nữa, ngay từ ngày đầu thành lập và với vị chủ tịch đảng đầu tiên là chiến hữu Hoàng Cơ Minh, đảng Việt Tân đã duy trì truyền thống: Lãnh đạo đi đầu. Lãnh đạo đi trước trong những công tác khó khăn, nguy hiểm. Và tôi có thể nói là thành phần lãnh đạo đảng Việt Tân hiện nay đang tiếp tục thực thi truyền thống đó nên càng không thể có chuyện “thí quân” được.
Trong các trường hợp bị sa cơ trong thời gian qua, có trường hợp là đảng viên Việt Tân, có trường hợp chỉ là những đồng bào tham gia hay hợp tác với Việt Tân trong một sinh hoạt nhân quyền nào đó, nhưng CSVN cố tình cột chung tất cả là đảng viên Việt Tân để tạo các ấn tượng như đã nói ở trên.
Trong một vài trường hợp hạn hữu, đảng Việt Tân buộc phải công khai hóa thân thế một vài đảng viên bị sa cơ để bảo đảm an toàn và để có thể vận động cho các anh chị em này. Đây là những quyết định không dễ chút nào cả. Mỗi quyết định này phải dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là ý nguyện của chính người chiến hữu này trước khi nhận công tác; thứ nhì là ước nguyện của gia đình; và thứ ba là đặc tính của từng sự việc.
Tóm lại, đối với chúng tôi, mỗi anh chị em đảng viên hay cộng tác viên là một phần vốn quí của dân tộc nói chung và của đảng Việt Tân nói riêng. Chúng tôi sống chết có nhau và không bao giờ bỏ nhau trong lúc hoạn nạn.