Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Vụ thanh niên Công giáo : Đặng Xuân Diệu yêu cầu được xử đúng luật


Vụ thanh niên Công giáo : Đặng Xuân Diệu yêu cầu được xử đúng luật





Ông Fx. Đặng Xuân Diệu trước khi bị bắt. Ảnh : Dòng Chúa Cứu thế
Ông Fx. Đặng Xuân Diệu trước khi bị bắt. Ảnh : Dòng Chúa Cứu thế

Trong vụ án xét xử 14 thanh niên Công giáo năm 2013, với tội danh « âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân », theo điều 79 BLHS, một trong hai người chịu án nặng nhất là ông Đặng Xuân Diệu, 35 tuổi, với 13 năm tù (cùng với ông Hồ Đức Hòa). Theo chúng tôi được biết, trong vụ án ông Đặng Xuân Diệu, có rất nhiều uẩn khúc. Để chuyển đến quý vị các thông tin về tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu, RFI có cuộc phỏng vấn ông Đặng Xuân Hà, anh trai ông Đặng Xuân Diệu.


Trong thời gian gần đây, sức khỏe nhà hoạt động Đặng Xuân Diệu suy yếu nghiêm trọng sau nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc chính quyền không chấp nhận cho ông được hưởng trợ giúp của luật sư. Gần đây nhất, ngày 09/04/2014, sau khi vào thăm ông Diệu, gia đình báo tin ông Diệu đã tuyệt thực sang ngày thứ 16.

Gia đình cho hay sau gần ba năm bị bắt, ông Đặng Xuân Diệu vẫn không chấp nhận mặc áo tù, vì khẳng định mình vô tội. Ông Diệu không được ra tòa phúc thẩm, mặc dù đã có đơn kháng cáo. Hiện tại đề nghị của ông Diệu được tiếp xúc với luật sư bị trại giam không cho phép, với lý do ông Diệu không chấp nhận mặc áo tù, và “tuân thủ một số quy định của trại giam”.

Ông Đặng Xuân Diệu là kỹ sư xây dựng, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Trước khi bị bắt, ông từng ký tên chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đòi thả luật gia Cù Huy Hà Vũ, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa – Trường Sa…

Vụ án xử “16 Thanh niên Yêu nước” năm 2013 gây nhiều xúc động trong công luận. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền (như Phóng viên Không Biên giới – RSF, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, Media Legal Defence Initiative, Tổ chức Công Giáo Hành động Chống sự Hành hạ/ACAT France…) đã đồng loạt kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những người bị giam giữ, chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội … Đầu năm 2013, theo trang mạng Thanh niên Công giáo, hơn 8.000 người đã ký vào lời kêu gọi trả tự do cho các bị cáo trong vụ án này.

Trong bản thông cáo ngày 29/08/2013, gửi đến chính phủ Việt Nam, Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về chống giam cầm tùy tiện (UNWGA) đã lên án đích danh việc giam giữ 16 nhà hoạt động xã hội và chính trị Việt Nam, trong đó có ông Phanxicô Xavie Đặng Xuân Diệu. LHQ khẳng định việc dùng những điều khoản 88 and 79 để giam cầm những người này đi ngược lại với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và kêu gọi chính quyền Việt Nam điều chỉnh luật pháp trong nước để phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền, đúng như những gì Nhà nước Việt Nam đã cam kết.

Ông Đặng Xuân Hà : Ông Đặng Xuân Diệu bị bắt từ ngày 30/07/2011. Từ khi bị bắt cho đến khi mở phiên tòa sơ thẩm, ngày 08-09/01/2013, cho đến nay, tôi là người nhà của Đặng Xuân Diệu, nhưng khi đến thăm chưa bao giờ được gặp, vì trại giam họ bảo Đặng Xuân Diệu không nhận tội và không chấp nhận mặc áo có chữ « phạm nhân ».

Lần gần nhất, hôm qua, khi tôi đến trại giam, được biết Đặng Xuân Diệu tuyệt thực từ 16 ngày nay, với lý do là đơn thư của Đặng Xuân Diệu gửi vào ngày 24/12/2013 không được công an K3, trại 5, Yên Định, Thanh Hóa giải quyết. Hôm nay không hiểu Diệu có tuyệt thực nữa hay không.

RFI : Hiện nay, tình trạng pháp lý của ông Đặng Xuân Diệu ra sao ?

Ông Đặng Xuân Hà : Đặng Xuân Diệu nói mình không có tội. Những tội mà theo đó tòa tuyên phạt 13 năm tù giam và 5 năm quản chế, tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, vào ngày 08-09/01/2013, là những tội gán ghép, nên không nhận.

RFI : Hiện tại, có luật sư nào quan tâm đến tình trạng của ông Đặng Xuân Diệu ?

Ông Đặng Xuân Hà : Luật sư trước đây bào chữa cho Đặng Xuân Diệu là bà Vương Thị Thanh, ở Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ.

Nhưng sau phiên tòa sơ thẩm, đến phiên phúc thẩm, thì Đặng Xuân Diệu có làm đơn gửi lên tòa, nhưng họ không cho xử phúc thẩm. Phúc thẩm vào ngày 22/05/2013, thì họ di Diệu đi lĩnh án vào ngày 11/05. Diệu làm đơn đề nghị phúc thẩm, nhưng họ không cho.

RFI : Luật sư Vương Thị Thanh có ý kiến gì không ạ ?

Ông Đặng Xuân Hà : Bà Vương Thị Thanh không có ý kiến gì. Nhưng hiện bây giờ Diệu đang rất muốn có luật sư để giúp cho Diệu ra tòa. Hiện giờ trại bảo Diệu không tuân thủ điều lệ của trại nên họ không cho luật sư vào.

RFI : Việc được xét xử một cách công khai, minh bạch đối với ông Đặng Xuân Diệu dường như bị cản trở ?

Ông Đặng Xuân Hà : (…) Diệu bảo là em có làm đơn ra yêu cầu luật sư rồi, mời luật sư, rồi cũng làm các thủ tục mà luật sư yêu cầu, nhưng mà… Luật sư yêu cầu Diệu phải có đơn gửi ra, và được ban giám thị trại ký vào và đóng dấu, thì luật sư mới được vào. Nhưng khi mình gửi đơn và địa chỉ của luật sư vào chỗ Đặng Xuân Diệu, thì một lần gửi bằng bưu điện, một lần gửi trực tiếp vào quản giáo của trại, hai lần gửi địa chỉ của luật sư Hà Huy Sơn vào, nhưng họ không đưa đến tay Diệu. Nghe luật sư bảo là đã qua sơ thẩm, đến phúc thẩm và bây giờ là giám đốc thẩm.

RFI : Nhưng dường như bước xử phúc thẩm của ông Diệu đã bị cơ quan tư pháp bỏ qua ?

Ông Đặng Xuân Hà : Phía gia đình thì thành thật nói rằng, nhà tôi ở nông quê, không hiểu được các lĩnh vực này đâu. Nhưng chúng tôi cũng biết được rằng, những vấn đề (hay những quyền) mà mình đang muốn được hưởng thụ, thì người ta không cho mình hưởng. Đó là sự thiếu sót đối với một phạm nhân. Muốn được ra xử phúc thẩm để vấn đề của mình được rành mạch, có tội hay không có tội, đúng hay sai mà cũng không được làm, thì đó là điều rất thiếu sót đối với một người đang phải chịu lãnh án.

RFI : Xin ông cho biết thêm về con người ông Đặng Xuân Diệu.

Ông Đặng Xuân Hà : Đặng Xuân Diệu là một thanh niên Công giáo hết sức năng động, đặc biệt là một người lo lắng cho quê hương, cho giới trẻ. Ví dụ như, trong một dịp Tết, Diệu tổ chức mấy ngày thanh niên, giới trẻ chung vui với nhau để thanh niên khỏi đi la cà ngoài đường xá va chạm lung tung. Đó là một vấn đề bổ ích. Điều thứ hai là Đặng Xuân Diệu lo đi kêu gọi, xin tài trợ để về làm chương trình khuyến học cho giáo xứ Xuân Nhị, đặc biệt là những người nhà nghèo học giỏi. Rồi làm những chương trình khuyến mại để lo cho những người tàn tật, già nua trong làng. Đặng Xuân Diệu là một người thanh niên rất hữu ích đối với làng. Làng rất quý mến.

RFI : Ông có thêm chia sẻ nào nữa ?

Ông Đặng Xuân Hà : Diệu có viết thư kêu cứu. Mọi người yêu chuộng công lý, yêu chuộng sự thật, hãy giúp Diệu. Tháng trước Diệu bảo là chỉ còn 41 kg thôi, tức là sức khỏe cạn kiệt. Tháng này lại đang còn tuyệt thực thêm 16 ngày (đến hôm qua), thì theo tôi sức khỏe không còn gì để nói nữa.

Mong muốn của Diệu là kêu gọi mọi người yêu chuộng công lý, sự thật, giúp đỡ Diệu. Cho tôi gửi lời cám ơn mọi người đã đồng hành và chia sẻ nỗi ưu tư đau khổ của Đặng Xuân Diệu.

RFI : Xin chân thành cảm ơn ông.



Các tin bài liên quan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét