Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

VƯƠNG MỘNG LONG K.20 - SAO HÔM, SAO MAI... (Phần 2)


VƯƠNG MỘNG LONG K.20 - SAO HÔM, SAO MAI...

(Phần 2)




sao hom- sao-mai-VMLong.jpg

   

   Sàigòn, ngày 7/5/1975,

      Hai chiếc xe con của Quân-Đội Nhân-Dân Việt-Nam ngừng lại nơi đầu hẻm TK9, phường Nguyễn cảnh Chân, Quận 2, Sàigòn.  Một người cao lớn, bận quân phục lực lượng vũ trang Cộng-Sản Bắc-Việt bước xuống từ chiếc xe thứ nhứt.  Ông ta trạc tuổi trên bốn mươi, đeo kính râm, cặp da, súng ngắn.  Ve áo ông ta lấp lánh quân hàm thượng tá của Quân-Đội Nhân-Dân Việt-Nam, với ba sao, hai gạch vàng, trên nền nỉ đỏ.  Xe thứ nhì có máy truyền tin với bốn bộ đội trang bị AK.  Người sĩ quan Bắc-Việt cùng hai hộ tống viên đi vào ngõ TK9, tìm địa chỉ.

      Tới căn lầu đúc gần cuối hẻm, họ dừng lại.  Người sĩ quan CSBV cất tiếng hỏi,

      - Phải nhà này có Vương mộng Long không?

      Lúc đó tôi đang ngồi đọc báo nơi phòng khách.  Tôi ở nhà một mình.  Mẹ tôi đi vắng.  Bà cụ lên Ban-Mê-Thuột để tìm kiếm vợ con tôi.

      - Phải!  Các ông cần gì?

      - Tôi muốn gặp Vương mộng Long.

      Thấy có người trang bị súng ống đến tận nhà gọi đích danh mình, tôi liên tưởng ngay tới một vụ bắt bớ.  Tuy hơi chột dạ, nhưng tôi vẫn từ tốn trả lời,

      - Tôi đây!

      - À!  Anh Long đây hử?  Anh Long có mạnh khỏe không?

      - Cám ơn ông, tôi vẫn khỏe.

      Ông thượng tá Quân-Đội Bắc-Việt quan sát tôi vài giây rồi nói,

      - Vất vả hai ngày nay tôi mới tìm được địa chỉ của anh.  Tôi có chuyện muốn nói với anh, anh có vui lòng tiếp tôi hay không?

      - Vâng, mời ông vào nhà.

      Để hai cận vệ đứng gác bên cửa ngăn đám trẻ con hàng xóm tò mò bu quanh, người sĩ quan CSBV bước vào nhà tôi.  Ông ta không hề đảo mắt quan sát căn phòng khách.  Ít người có thái độ thế này khi vào nhà người lạ.  Ông gỡ cặp kính đen, bỏ mũ xuống mặt bàn, chìa tay ra cho tôi bắt.  Bàn tay to lớn, sần sùi, rắn chắc, nhưng rất ấm.  Rồi ngồi ngay xuống ghế, với giọng oang oang, tiếng Bắc, pha chút âm sắc lơ lớ Thượng-Du Bắc-Việt, ông ta mở lời,

      - Anh Long có nhận ra tôi không?

      - Xin lỗi!  Ông là ai?  Tôi không nhớ đã gặp ông lúc nào.

      - Tôi là người bị anh giết hụt ở Tây-Nguyên cách đây một năm.

      - À…

      - Tháng Sáu năm ngoái, anh đã phục kích tôi ở làng Xổm.  Con ngựa của tôi bị bắn chết, nhưng tôi thoát.  Tôi muốn gặp anh, xem mặt anh, nói chuyện với anh vài phút. Thế nào, có được không?

      - Ư...ư.. ông cứ tự nhiên…

      Đôi mắt ông khách sáng quắc, giọng nói của ông oang oang, cung cách của ông thật là chất phác thực thà.  Lần lượt, ông thượng tá hỏi qua quê quán của tôi nơi nào ngoài Bắc?  Năm nào gia đình tôi vào Nam?  Gia cảnh tôi thế nào?  Vợ con tôi ra sao?  Tôi tình nguyện đi lính Ngụy hay đã bị bắt lính, động viên?  Bao nhiêu lần thương tật?  Bao nhiêu lần được tặng thưởng huân chương?

      Qua thái độ và giọng nói của ông ta, tôi thấy người địch thủ cũ của mình không có ý tầm thù.  Vì thế, lòng tôi cũng cảm thấy bớt lo ngại.

      Người sĩ quan Bắc-Việt ôn lại chuyện xảy ra trong những ngày tháng khói lửa mịt mù ở Điện-Biên-Phủ, ở Quảng-Trị, ở Tây-Nguyên.

      Ông khách thao thao,

- Tớ là con quan Lang xứ Cao-Bằng.  Mười bẩy tuổi tớ vào bộ đội đánh Tây.  Tớ phục vụ Sư đoàn 320 từ ngày thành lập, cho tới tận bây giờ.  Đánh Điện-Biên tớ làm đại đội trưởng.  Tới thời đi B, xâm nhập Miền Nam, tớ làm trung đoàn trưởng.  Mười năm đánh Tây, hai mươi năm chống Mỹ, vào sinh, ra tử.  Giờ này mới thấy hòa bình...  Ông khách kể tự truyện, theo đó, trước 1945 ông học trường Tây ở Hà-Nội.  Ông sắp thi "Diplôme" thì Cách Mạng Tháng Tám xảy ra, ông đi theo kháng chiến, giữ chân liên lạc viên, rồi thành bộ đội.  Ông kể chuyện đánh thắng Điện-Biên, thời Tây, chuyện giải phóng Tân-Cảnh, thời Ngụy, chuyện hai lần suýt bị máy bay B 52 làm cỏ ở Pơ-Lây Cần (Ben Het), chuyện Sư đoàn 320/ Điện-Biên CSBV rời địa bàn Kontum, chia đôi, một nửa về chiến trường Bình-Định, một nửa xuôi Jarai.  Rồi khách rầu rầu vắn tắt nhắc trận thư hùng tháng Tư 1974 bên bờ Suối Mé (căn cứ 711).  Trận này, sau khi dùng hơi ngạt để tấn công tôi, suýt tí nữa ông ta đã bắt sống được tôi, nhưng cuối cùng, ông ta đã thua tôi (TĐ82/BĐQ).

   Khi kể tới trận vây đồn Plei-Me 34 ngày đêm (tháng 7&8 năm 1974) ông ta la lớn,

      - Đúng là kỳ phùng địch thủ!  Tớ không ngờ trên đời lại có thằng lì như cậu!  Hết xung phong tới pháo, hết pháo tới truyền đơn, hết truyền đơn lại pháo.  Vậy mà cậu vẫn không chịu đầu hàng!  Cuối cùng tụi tớ phải bỏ cuộc!  Gớm thật!

   Sau câu, "Gớm thật!" ông ta vỗ đùi đánh "độp!" một cái, rồi nhìn tôi, tán dương,

      - Lì thật!  Tớ khen cậu đó!

      Tiếp theo, khách thao thao về chiến tích của trung đoàn chủ công giải phóng Buôn Ma Thuột tháng Ba 1975 và màn bôn tập Quân Đoàn 2 Ngụy trên đường rút chạy.  Với chiến công này, ông trung tá trung đoàn trưởng CSBV đã được thăng cấp thượng tá.  Khách nói nhiều hơn chủ nhà.  Khách nói say mê, miên man, trong lúc chủ nhà chỉ ậm ừ.  Ông ta là kẻ chiến thắng, có thế để nói.  Tôi là người thua trận, mở miệng mắc quai. Trên môi khách là nụ cười tự hào.  Trên môi tôi, nụ cười như mếu.

      Trong dịp gặp mặt ngày hôm ấy, ít nhất, đã ba lần, ông ta thắc mắc,

      - Động cơ nào khiến cậu chiến đấu một cách ngoan cường, lì lợm như thế?

      Tôi chỉ trả lời thật gọn,

   - Vì chữ hiếu!

      Nghe vậy, ông ta có vẻ không thỏa mãn với câu trả lời của tôi, nhưng ông ta cũng không gặng hỏi thêm.

      Cuộc thăm viếng chấm dứt, tôi tiễn người khách không hẹn gặp ra về.  Nơi bực cửa, khách nhìn vào mặt tôi, dịu giọng như thông cảm,

      - Tôi còn ở Sàigòn ít lâu nữa.  Tôi được đề cử vào đây dự lễ nhận huân chương do Bác Tôn trao tặng.  Trước lúc chia tay, tôi muốn nói với anh rằng, chúng ta đã đánh nhau hai lần trên Tây-Nguyên, hai lần bất phân thắng bại.  Cuối cùng, anh là người thua trận.  Dù rằng anh là lính Ngụy, tôi vẫn coi trọng anh, vì anh là một ngôi sao sáng hiếm hoi.  Tôi với anh như Sao Hôm với Sao Mai, anh sáng thì tôi tối, anh tối thì tôi sáng.  Hôm nay tôi đến thăm anh, an ủi đôi lời.  Thương cho anh, một vì sao rụng.

       - Cám ơn ông.

      Vào lúc người sĩ quan Cộng-Sản cất bước, tôi cố với theo,

      - Ở suối Mé ông giết hụt tôi.  Ở làng Xổm tôi giết hụt ông. Thế là hòa.  Còn trận Plei-Me ba mươi tư ngày đêm, thì ông thua tôi rành rành.  Về cái vụ Ban-Mê-Thuột, tôi công nhận, ông đã chiến thắng.  Nhưng người đánh nhau với ông ở Ban-Mê-Thuột không phải là tôi.

   - Anh nói đúng.  Trong trận Buôn-Ma-Thuột không có "Thằng Hai Nâu".  Và trong số những người bị tôi bắt, không có anh…

      Khi thốt ra những lời cuối cùng này, mặt ông ta hơi sầm lại, ngượng ngùng.

      Vài phút sau, hai chiếc xe con của Quân-Đội Nhân-Dân Việt-Nam và người khách không mời rời con hẻm.



--o--

   Đầu năm 1988 tôi được tha từ trại cải tạo Z30D Hàm-Tân, Thuận-Hải.

       Tháng 11 năm 1988, tôi nộp đơn xin xuất cảnh sang Hoa-Kỳ tỵ nạn.

      Từ tháng giêng 1990, những người bạn nộp đơn xin xuất cảnh cùng thời với tôi như Phan trần Bảo (Cảnh Sát), Đỗ Dũng (KQ), Lý ngọc Châu (BĐQ) vân vân, đều đã lên danh sách, chờ ngày phỏng vấn.  Riêng hồ sơ của tôi và hai anh bạn Nguyễn thanh Danh (k19VB) và Lê văn Để (BĐQ) vẫn bặt vô âm tín.  Tháng 8 năm 1990 tôi tới sở Công-An Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh để hỏi hồ sơ của mình thì được biết, cô Huyền, người nữ Công-An phụ trách hồ sơ của tôi đang nghỉ phép đẻ.  Sau khi đẻ, cô ta lại chuẩn bị theo học một lớp Anh-Văn kéo dài nửa năm.  Một anh bạn gốc Không-Quân đã giúp tôi rút hồ sơ ra để chuyển lên Sở Ngoại-Vụ.  Anh Danh và anh Để cũng vừa lấy được hồ sơ ra, họ rủ tôi đi Hà-Nội làm thủ tục xuất cảnh để được cứu xét nhanh hơn.  Người ta nói rằng, nếu đem hồ sơ ra Hà-Nội nộp cho Phòng Xuất Cảnh Bộ Ngoại-Giao, sẽ lướt qua ít nhứt vài ba danh sách.

      Hà-Nội, với tôi, cũng có chút kỷ niệm riêng tư thuở ấu thơ.  Tôi vẫn mong một dịp nào đó trong đời, về lại chốn này, tìm dư hương ngày cũ.  Tôi đạp xe một vòng quanh Sàigòn, gặp người quen, xin viện trợ.  Trung tá Bùi văn Huấn, cựu liên đoàn trưởng Liên đoàn 22/ Biệt Động Quân giúp tôi 100 nghìn đồng.  Bạn tôi, (TQLC) Mai văn Tấn (k21VB) cho tôi 100 nghìn đồng.  Và anh Vũ văn Ích, một người anh con dì con già của tôi cũng giúp tôi 100 nghìn đồng nữa.  Thế là tôi có đủ lộ phí lên đường về Hà-Nội.

   Hà Nội, một ngày tháng 8 năm 1990…

      Tôi xuống ga Hàng-Cỏ vào buổi chiều.  Thành phố thật rộn rịp đông vui, đầy người qua, kẻ lại.  Loa phóng thanh trên cột điện bên đường và trên cổng vào ga đang oang oang phát đi những bài hùng ca thời chiến tranh chống Mỹ.  Tôi bước vội qua đường, vì nhìn thấy bên phải con đường đâm thẳng vào cổng ga có cái bảng hiệu một khách sạn bình dân.  Tôi vừa đặt chân trên lề phố bên kia, một người đàn ông lớn tuổi đã đứng chờ, dơ tay ngoắc,

      - Tìm nhà trọ phải không?

      - Phải…

   - Phòng ngủ quốc doanh bẩy nghìn một đêm, nước tắm giới hạn, khổ lắm! Về nhà tôi, năm nghìn một đêm, nước nôi thả cửa…

      Tôi không tin lời người đàn ông này.  Tôi vào phòng ngủ quốc doanh.

      - Một người, bẩy nghìn một đêm, cứ thêm một người, tính thêm ba nghìn... tiếp viên phòng ngủ quốc doanh cho giá cả một cách dứt khoát.

      Tôi bước ra cửa, người đàn ông đứng tuổi đã chờ sẵn,

      - Bên kia đường...theo tôi…

      Tôi theo chân người chủ nhà vào khu cư ngụ của công chức về hưu, đối diện với khách sạn quốc doanh. Khu cư xá này có khoảng trên dưới chục căn phòng.  Ông chủ nhà trọ dẫn tôi vào căn phòng bên trái cư xá,

      - Nhà tôi đây…

      Rồi ông ta chỉ cho tôi cái sạp gỗ bên phải buồng ngủ,

      - Chú ngủ ở đây.  Cái tủ đứng có năm ngăn, ngăn thứ nhất dành cho chú, chìa khóa nằm trong ngăn tủ, đi đâu nhớ khóa ngăn của chú lại.  Tắm giặt thì ra đằng sau nhà, có mười phòng tắm, nước chảy cả ngày.  Bên khách sạn quốc doanh không có nước phông ten, tắm theo tiêu chuẩn, một thùng hai chục lít.  Bên này, chú tắm chán thì thôi…

      Ông chủ dẫn tôi ra sau nhà, nơi đây có một dãy mười phòng tắm có vòi hoa sen tươm tất sạch sẽ.  Tôi thay bộ quần áo đi đường đầy bụi bặm chuẩn bị đi giặt.  Ông chủ nhà lại ra đi.  Tôi tắm giặt xong, quay về buồng thì ông chủ cũng trở lại, theo chân ông là một khách đàn bà.  Cô ta sẽ nằm trên cái sạp đối diện với tôi.  Hộc tủ thứ nhì của chiếc tủ đứng thuộc quyền cô ta. Một cái sạp, một ngăn tủ, tắm giặt thả giàn, năm nghìn một đêm, rẻ chán!  Ông chủ nhà ngủ trên cái sạp sát tường, cách đầu giường tôi và đầu giường cô gái một lối đi rộng hai thước. Ba cái sạp kê thành hình chữ "U".  Ba người nằm trong một căn phòng hẹp, một người phát ngôn, hai người kia đều nghe rõ…

      - Này!  Chú em nhà ở đâu mà phải ngủ ghé, không về?  ông chủ nhà gợi chuyện.

      - Hải-Dương

      - Hải-Dương xe chạy cả đêm, sao không về?

      - Tôi có việc phải ở Hà-Nội vài ngày…

      - Ừ hử!  Vậy chứ chú em làm nghề gì?

      - Buôn bán làng nhàng, theo tầu, ngược Bắc, xuôi Nam…

      - Có thường ghé Sàigòn không?

      - Chuyến nào mà chẳng ghé…

      - Ba, bốn năm nay anh không ghé Sàigòn, bây giờ chắc đông, vui lắm nhỉ?

      - Vâng, đông lắm, vui lắm...vậy chứ bác đã ở Sàigòn hở?  Bác làm gì trong đó?

      - Tớ dậy học.  Tớ dậy Đại-Học Khoa-Học…

      - Ủa!  Vậy ra bác là giáo sư…

      - Tớ dậy đại học từ bẩy nhăm (1975) tới tám nhăm (1985).  Tám nhăm thì tớ về hiu…

      - Tám nhăm, bác còn trẻ, sao về hưu sớm thế?

      - Về vườn thì đúng hơn.  Mới giải phóng, chúng nó cần mình.  Sau...chúng nó thải mình, cho họ hàng, bà con, anh em, con cái chúng nó thay mình, kiếm ăn…

      - Bác dạy môn gì trong thời gian đó?  Chắc bác có bằng cao học, hay tiến sĩ?

      - Bằng cấp con khỉ mốc! Tớ đang học lớp ba, chưa thi Sơ-Học Yếu-Lược (thời Tây) thì xảy ra cách mạng.

      Ba mươi năm theo Đảng, vốn liếng của tớ chỉ có mớ lý thuyết Cộng-Sản thuộc nằm lòng.  Giải phóng Miền Nam xong, Đảng ủy yêu cầu tớ dậy Lý Thuyết Đảng cho học sinh đại học.  Lúc đầu tớ cũng khớp, không dám nhận.  Sau đó tớ đánh liều.  Mà quả thật, có ai biết mình là thằng dốt đâu?  Mười năm, nhờ ơn Đảng, tiếng nói của một thằng i tờ rít như tớ tự nhiên có trọng lượng... học sinh nghe theo răm rắp…

      - Rồi sau đó…

      - Rồi sau đó ư?  Tụi nhỏ du học Liên-Xô, Tiệp-Khắc trở về.  Chúng nó thay chân những tên i tờ như tớ... tớ về hiu, xin được căn hộ này để ở.   Già rồi, không ai thèm thuê mướn, tớ đành kiếm khách lỡ độ đường, cho họ trọ qua đêm, kiếm cơm…

      - Chắc cuộc sống của bác cũng khấm khá?

   - Bữa no, bù bữa đói.  Mưa thuận gió hòa thì có đồng ra, đồng vào.  Giông bão vài ngày, không có khách, là meo mỏ rồi.  Sung sướng gì đâu em ơi!

      Tôi trải cái bản đồ thành phố Hà-Nội trên sạp, dò tìm con phố Hàng Bài.  Cô khách trọ cùng phòng tò mò rướn cổ sang theo dõi,

      - Tìm cái gì đấy hở?...

      - Phố Hàng Bài…

      - Hơi xa đấy nhá!  Cứ gọi xích lô là đến ngay!  Tìm làm gì cho mệt xác!

      Ông chủ nhà nằm ngửa, mắt lim dim nhìn trần nhà, miệng cười khì khì,

      - Chú em đi buôn đường Sàigòn, Hà-Nội mà không biết phố Hàng Bài ở đâu thì có ngày lớ ngớ đem hàng nộp cho dinh Thủ-Tướng…

      Tôi đành nhỏ giọng, thú thật,

      - Tôi là sĩ quan của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, cựu tù cải tạo.  Tôi ra Hà-Nội để nộp đơn đi Mỹ…

      - Tôi cũng đã nghi như thế, khi nghe giọng nói của chú em không còn thuần túy Hải-Dương.  Chỉ vì tôi cũng là dân Hải-Dương.  Trước chú, đã có đôi người của chế độ Sàigòn cũ ghé đây, ngủ trọ, nộp đơn, chờ ngày ra đi.  Mỹ quốc là thiên đường cho những người sa cơ, lỡ vận.  Đời chú như thế là may mắn lắm rồi…

      Ông giáo sư đại học về hưu thở dài,

      - Con đường của chú đi, thấy sai mà đúng.  Con đường của chúng tôi đi, thấy đúng lại sai…

      Đêm xuống đã lâu, phố phường bớt người qua lại, nhưng trên đài phát thanh Hà-Nội, Tô-Lan-Phương còn đang biểu diễn bài "Cô Gái Vót Chông".  Giọng cô Ca Sĩ Nhân Dân cao vút, nhọn hoắt như những ngọn chông tre.  Những ngọn chông tre thời chống Mỹ, từ trên cột đèn và cổng nhà ga, theo nhau tới tấp lao vào màng nhĩ khách bộ hành.  Ông chủ nhà thắp ngọn đèn dầu đặt trên nóc tủ.  Ông tắt điện, căn phòng chợt tối.  Cánh cửa gỗ khép lại, cài then.  Gỗ cửa khá dày, những ngọn chông Tô-Lan-Phương bị chặn lại ngoài hiên.

      Sau mấy ngày ngồi gật gù trên xe lửa, tôi thấy cái sạp gỗ của nhà trọ êm ái quá.  Tôi nằm duỗi thẳng cẳng để cảm thấy xương cốt mình như đang mềm đi, đang giãn ra.  Từ giường bên kia, giọng cô gái trẻ bắt đầu, "Anh ở đầu sông, em cuối sông..."  Giọng cô ta không cao vút, không nhọn hoắt, nhưng tôi chỉ nghe được câu đầu của bài ca, hai mi mắt tôi đã sụp xuống rồi. Một đêm qua êm đềm, không mộng mị.

--o--

   Mười giờ sáng hôm sau, tôi rời phố Hàng Bài khi vừa hoàn tất việc nộp hồ sơ xin xuất cảnh. M ột ngày rảnh rỗi, tôi lang thang trên ba mươi sáu phố phường Hà-Nội.  Ở đây chỉ có những con đường nhỏ hẹp như đường phố cổ Hội-An trong Nam.  Tiếng chuông xe điện "leng keng...leng keng..." làm cho thành phố này già nua thêm.  Mặt trời đứng bóng, nắng hanh, tôi tạt về hướng hồ Hoàn-Kiếm.  Xung quanh một gốc si cổ thụ, khách quây quần bên những gánh quà vặt, chè, thạch, óc đậu, kem quay, bánh tôm, bún chả, cháo lòng, thịt bò khô, khoai ngô nướng, nước chè tươi …

      - Chè đỗ đen đi chú em…

      - Cho tôi một bát.

      Bà bán hàng đang múc chè vào bát, chợt ngừng tay, reo lên,

      - Ông đại tá tới rồi, chè đỗ đen nhá?

      Tôi giựt mình, "Chẳng lẽ bà này quen mình, gọi đùa mình là đại tá?"

      Nhưng tôi lầm, bà bán chè vừa nói với một phu xích lô mới ngừng bên lề.  Trả lời bà, một giọng đàn ông oang oang,

      - Bát to đấy nhá!  Để lấy sức cuốc một ngày.

      -Vâng, bát to.  Mỗi ngày một bát chè to cho ông đại tá Điện-Biên, Tây-Nguyên lấy sức đánh...xích lô.

      Ông phu xích lô ghé đít xuống chiếc ghế con, chiếc ghế quá nhỏ, so với cái mông đồ sộ của ông.  Đưa tay quẹt mồ hôi trên trán, người phu xe già than thở,

   - Hôm nay ế ẩm, từ sáng tới giờ chưa được cuốc nào.  Chán bỏ sừ…

       - Đại tá mua gạo tháng này chưa?  Dạo này tem phiếu giá chui cao quá…

      - Nhà này ăn đong từng ngày.  Tiền đâu mà mua tem, mua phiếu...  Mẹ kiếp!  Hồi xưa đánh Tây đánh Mỹ, nó cần mình.  Bây giờ hòa bình, nó duỗi mình ra, nó ăn cả, đồ chó má!  Thấy tôi trố mắt theo dõi câu chuyện đổi trao giữa hai người, bà bán chè giải thích,

      - Ông đại tá một đời theo Đảng.  Anh hùng Điện-Biên, Tây-Nguyên đấy!  Đáng nhẽ ra, những người có công với tổ quốc, với cách mạng như ông phải được chiếu cố đặc biệt mới đúng.  Ai đời!  Anh hùng quân đội nhân dân mà sáu chục tuổi đầu còn phải đi đạp xích lô để kiếm sống thì quả là tội nghiệp quá!

      Người phu xe già thở dài,

   - Chúng nó vắt chanh bỏ vỏ.  Lớp chúng tớ hết thời rồi.  Bây giờ, thân tớ ví như... một vì sao rụng.

      Tôi giật mình, bốn tiếng "một vì sao rụng" hình như tôi đã nghe một lần ở đâu đó, lâu rồi…

      Tôi vừa nhướng mắt quan sát, vừa moi trí nhớ, xem ông già này có nét gì quen không, thì bên bờ hồ có tiếng gọi,

      -Xích lô!  Xích lô!

Người phu xe chống hai tay lên đùi lấy đà, nhổm dậy thật nhanh,

      - Mai tôi giả tiền nhớ!  Có khách, không lẹ cẳng, thằng khác nẫng tay trên…

      - Được mà! Khách quen, mai giả cũng được mà…

      Tôi đang tính bắt chuyện với ông đại tá thì ông đã nhanh chân đẩy xe sang bên kia đường rước khách.  Tiếc rằng cuộc hội ngộ mười lăm năm trước (tháng 5/1975) quá ngắn ngủi, tôi không nhớ rõ nét mặt của người khách lạ đã tới căn lầu đúc trong hẻm TK9, phường Nguyễn cảnh Chân, Quận 2 thăm tôi, một tuần lễ sau ngày Sàigòn thất thủ.  Tôi cố ôn chuyện cũ trong óc, gợi lại hình dáng năm xưa của ông thượng tá. Ông thượng tá Điện-Biên, anh hùng Quân-Đội Nhân-Dân Việt-Nam có đôi vai ngang, người phu xe già... cũng có đôi vai ngang.  Thêm vào đó, thân hình người phu xe già cũng vạm vỡ, cao lớn, tiếng nói cũng oang oang, lơ lớ như ông thượng tá con quan Lang xứ Cao-Bằng.

      Khi chiếc xích lô lẫn trong dòng xe nườm nượp giữa thủ đô, tôi cũng đứng dậy tiếp tục lang thang quanh bờ hồ.

      Suốt ngày hôm ấy, trong óc tôi cứ lởn vởn hình ảnh người phu xe già, với câu than thở, "Bây giờ, thân tớ ví như...một vì sao rụng"

--0--

   Đêm thứ nhì, cũng là đêm cuối cùng trên đất Thăng-Long, tôi đứng bên này đường, trong ánh điện mờ.  Bên kia đường là ga Hàng-Cỏ.  Nơi này, bố tôi đã đưa tiễn mẹ con tôi lên tàu hỏa xuôi Hải-Dương, ngày tôi tròn bốn tuổi.  Hôm ấy bố tôi bế tôi trên tay, tôi bập bẹ bài hát trẻ con đương thời hay hát, "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em..."

   Bố bịt mồm tôi lại,

   - Con ơi!  Đừng hát bài này, bài hát không hay...  Con hãy hứa với Bố, con sẽ không hát bài này nữa nhá!

      Mẹ tôi gạt nước mắt, bế tôi lên tàu.  Đứng bên đường, cạnh chiếc xe đạp, bố vẫy tay.

   Bố con tôi, từ đó, cho tới suốt đời tôi, không còn gặp nhau nữa.  Vì hai năm sau, bố tôi đã bị giết.  Những người mê say "bài hát không hay" đã giết bố tôi…

      Mới đó, mà hơn bốn mươi năm qua!  Đêm nay, trước ga Hàng-Cỏ, đứng bên cái cột đèn, nơi ngày xưa bố tôi đã đứng vẫy tay, tôi gọi thầm trong nước mắt,

      - Bố ơi!  Bố ơi!... Con nhớ Bố ! Con thương Bố! Bố ơi! …

      Năm giờ sáng hôm sau tôi phải vào ga để lên tàu về lại Sàigòn.  Ông chủ nhà dậy sớm khui gói chè móc câu Thái-Nguyên pha tiễn khách.  Tôi bắt tay, nói lời cám ơn người chủ nhà trọ, rồi bước ra đường.

      Sáng mùa Thu Hà-Nội, buồn hắt hiu.  Heo may nhè nhẹ.  Điện đường lập lòe.  Quán hàng còn đóng cửa.  Vài chiếc xích lô vội vàng đưa khách vào ga.  Còi tàu rúc từng hồi.  Loa phóng thanh trên cột đèn và trên cổng ga còn im tiếng, vì chưa tới giờ phát đi những "bài hát không hay".

      Đứng trên sân ga Hàng-Cỏ, lòng tôi man mác bâng khuâng.  Vừng dương đang lên.  Sao Mai mờ dần.  Chân trời hừng đông mầu tím nhạt.  Có đôi vì sao đang rơi trong không trung mờ ảo mênh mông...


--0--


Vuong Mong Long-bay gio.jpg
Bây giờ!


Vương Mộng Long

Cựu học sinh Trung-Học Trần Quý Cáp, Hội-An.
Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 20 Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam.
Chức vụ sau cùng: Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân.
Từ 1975 tới 1988 tù “cải tạo” (13 năm) từ Nam ra Bắc.
Từ 1993 định cư tại Thành Phố Seattle, Tiểu Bang Washington, USA.
Năm 2003 tốt nghiệp University of Washington, cấp bằng B.A SocialSciences and Communication.
Gia cảnh hiện nay: Một vợ, 4 con, 1 cháu nội, 3 cháu ngoại.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét