Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Phan Đỉnh Thiên - Viết tặng cho các bạn trẻ Việt Nam



Phan Đỉnh Thiên - Viết tặng cho các bạn trẻ Việt Nam







PHẦN I: CHÚNG TA Ở VỊ TRÍ NÀO SO VỚI THẾ GIỚI BÊN NGOÀI?


1. Nhật Bản: từ trên đống tro tàn của kẻ chiến bại nhục nhã trong Thế chiến thứ Hai, đất nước không còn gì ngoài những miệng núi lửa và đống hoang tàn đổ nát sau chiến tranh trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới;


2. Hàn Quốc: vượt lên nỗi đau chia cắt, đến những năm 70 của thế kỷ trước còn được biết đến là 1 đất nước nghèo nàn lạc hậu với nền nông nghiệp lạc hậu và nền thương mại đơn thuần thì nay trở thành một trong 12 nền kinh tế lớn thuộc nhóm OECD; là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 15 trên thế giới;


3. Vùng tô nhượng Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan những năm 50, 70 của thế kỷ trước được xem là vũng lầy của thế giới thì nay vũng lầy đó như những con rồng cất cánh; mức sống và thu nhập người dân được xếp top các quốc gia thịnh vượng;


4. Singapore: quốc đảo sư tử với diện tích chỉ bằng huyện Cần Giờ, không đủ cho một vòng lượn máy bay, nước ngọt phải nhập khẩu, dân số dăm triệu người lại trở thành một nền kinh tế năng động và giàu sức cạnh tranh bậc nhất thế giới;


5. Và Việt Nam : Người VN cần cù, thông minh, chịu khó, ham học hỏi,...giàu tài nguyên, rừng vàng, biển bạc, đất đai phù nhiêu... nhưng chúng ta vẫn nghèo, được đánh giá là "nước khó phát triển", hàng năm vẫn nuốt nhục vào trong ngửa tay đi xin từng đồng vốn viện trợ ODA, NGO....


6. Tại sao đi từ Nam ra Bắc đất nước chúng ta không có một công trình nào như Chùa Vàng ở Mianma, Hoàng cung của Thái Lan, Angkor wat của Campuchia, thành phố gọn gàng ngăn nắp như Viêng Chăn của Lào? (Không dám ví với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản chứ chưa nói đến các công trình lớn ở Tây Âu vì sẽ bị nói là khập khiễng)



PHẦN II: NHÌN RA THẾ GIỚI

- Chúng ta thường tự hào đất nước ta có rừng vàng và biển bạc; giờ rừng đã tàn mà biển cũng kiệt.


- Chúng ta vẫn nói dân tộc ta rất cần cù và thông minh nhưng thế giới đánh giá lực lượng lao động của chúng ta không được đào tạo bài bản, thiếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.


- Chúng ta tự hào có đội ngũ GS, TS, Thạc sĩ, cử nhân hùng hậu nhưng thực tế là vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài với gia công phụ thuộc; Việt Nam được xếp vào hạng xuất khẩu lao động tay chân hàng đầu thế giới.


- Hiện nay, chúng ta phấn khởi vì tốc độ phát triển kinh tế hằng năm tăng trưởng nhanh, tăng trung bình xấp xỉ 6 - 10 % mỗi năm. Đó là điều đáng mừng. Nhưng thử hỏi 8% hay 10% là thực tăng được thêm bao nhiêu tỉ USD mỗi năm, trong khi GDP bình quân đầu người của chúng ta mới đạt hơn 1000 USD/người, xếp vào ngưỡng nghèo đói của thế giới.


- Chúng ta tự hào vì có được một trang sử hào hùng, vẻ vang chói lọi, nhưng thế giới không dựa vào đó để đánh giá vị thế chúng ta trên đấu trường quốc tế.

PHẦN III: HÃY LUÔN ĐẶT CÂU HỎI TẠI SAO!?

- Có bao giờ các bạn tự đặt câu hỏi cho chính mình: Hãy thôi/bớt tự hào chúng ta đánh thắng oanh liệt 2 đế quốc lớn, mà hãy cúi mặt biết xấu hổ khi chúng ta còn lẹt đẹt là 1 nước nghèo khó phát triển, bởi chúng ta thắng ở lịch sử nhưng thua trên đấu trường kinh tế.


- Có bao giờ chúng ta cảm thấy quá tự hào vì quá khứ mà ngủ quên rằng hiện tại chúng ta đang ở đâu. Chúng ta đừng lấy quá khứ để lấp liếm cho hiện tại, bởi nó không giúp ích đc gì cả và thay vì lấy quá khứ lấp liếm bào chữa cho hiện tại hãy chấp nhận thực tại mình đang ở đâu, và tìm lối thoát cho mình.


- Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao chúng ta nghèo như vậy không? Sao lại không phát triển được như vậy không?


- Có bao giờ các bạn đặt câu hỏi tại sao: nhiều nước có xuất phát điểm giống nhau nhưng sau một thời gian thì người ta bứt phá lên được còn nước mình lại rơi vào trạng thái tuy có phát triển nhưng không có sự bứt phá - hay vẫn cứ nghèo nàn lạc hậu hay không!? (Có thể so sánh với Hàn Quốc về tương quan lịch sử, nền kinh tế...).


- Có bao giờ các bạn tự hỏi - Tại sao muốn xây một công trình lớn thì phải qua hàng chục cửa quan hành hẹ đủ kiểu của các cơ quan công quyền?


- Tại sao người Việt cứ làm việc nhóm với nhau thì y như rằng luôn nói xấu, chê bai, dìm hàng nhau, thích trù dập nhau, dẫm đạp lên nhau để không ai hơn nổi mình, không ai dám ra quyết định, dám làm, vì cứ quyết một cái thì một nhóm xúm vào bới móc?


- Tại sao có nhiều thứ không công bằng, bẩn thỉu, cơ hội và đê tiện bỉ ổi như vậy mà vẫn được gọi là văn minh là hiện thân của đạo đức chuẩn mực?


- Tại sao giữa 1 đất nước như vậy, tin tức được đọc nhiều nhất lại là: sốc-sếch-sến, hiếp dâm, cướp giật, lộ hàng, giết người?


- Tại sao trước những nổi đau, bất công như vậy mà chúng ta lại thản nhiên thờ ơ và mặc nhiên không quan tâm, cay đắng hơn là không thể bật khóc trước nỗi nhục của đất nước!?

PHẦN IV: VÌ SAO CHÚNG TA NGHÈO

Muốn hiểu sâu vấn đề này và có câu trả lời thoả đáng, mời đọc thêm về thuyết "Nguồn lực xã hội" (GS Trần Văn Thọ; giáo sư kinh tế tại trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản; từng là thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật; sáng lập viên và giám đốc điều hành Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC)...) Cốt lõi vấn đề ở đây không phải là các nguồn lực bên ngoài, quan trọng nhất chính là yếu tố Con Người (giải quyết tốt 3 vấn đề sau thì một quốc gia sẽ tiến rất nhanh dù họ chẳng có tài nguyên gì: Lãnh đạo - Trí thức - Cơ chế). Bây giờ là thời đại của nền kinh tế Tri Thức chứ không phải chỉ dựa vào tài nguyên, sức lao động... Cứ nhìn Microsoft, Nokia, Docomo, Samsung, Apple... thì biết.



Theo DĐSVVN




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét