Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Nguyễn Xuân Nghĩa - Tốc Váy Nữ Oa



Nguyễn Xuân Nghĩa - Tốc Váy Nữ Oa




Muốn đấu trí với Trung Quốc thì cần trí tuệ - và sự dũng cảm   




* Tâm tầm đều kém, đởm lược đều nông - chỉ có tham vọng là đáng kể *




Ngày xưa, có một bác Tôn đã dạy rằng “Ta đông gấp mười thì vây. Đông gấp năm thì tấn công. Đông gấp đôi thì đánh. Ngang sức thì chia. Ít hơn thì thủ. Yếu hơn thì lặn”. Bác Tôn đây không là con khỉ Tôn Ngộ Không hay Tôn Dật Tiên mà là Tôn Tử. Ông ta là người gốc nước Tề làm quan cho nước Ngô của Hạp Lư vào thời Xuân Thu bên Tầu nên cũng được gọi là Ngô Tôn Tử. Lý luận về binh pháp của ông là một túi khôn cho nhân loại về sau, trong nhiều lãnh vực nằm ngoài quân sự.

Tuần qua, khi đọc Bạch Thư Quốc Phòng của Bắc Kinh, người viết này nhớ đến binh pháp Tôn Tử và… xiêm y đàn bà. Vì miên man nghĩ đến một thiên tài toán học vừa tạ thế hôm 24 trong một tai nạn xe cộ lảng nhách. Đó là John F. Nash Jr.

Sinh năm 1928 tại Hoa Kỳ, Giáo sư Nash là một người điên thật. Ông mắc bệnh “tâm thần phân liệt” và thường nghĩ rằng mình bị ai đó rình mò ám hại. Nhưng khi tỉnh, ông là nhà toán học phi thường, đã đoạt nhiều giải thưởng cao quý nhất về toán và còn lãnh giải Nobel Kinh tế.

Cũng dị! Làm toán mà lãnh Nobel kinh tế? Khách ngồi bên có kẻ tò mò gặng hỏi. “Mà nhà bác này, chuyện ấy ăn nhậu gì tới cuốn Bạch Thư của Trung Quốc hay xiêm áo đàn bà?”

Có chứ! Cứ hay nóng ruột…

***

Chỉ vì từ khi còn trẻ, đang là sinh viên tại Đại học Princeton, ông Nash đã nguệch ngoạc ra một số lý luận có thể làm Tôn Tử giật mình mà viết thêm một thiên trong bộ Binh pháp khét tiếng của ông.

Về sau, một giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Hung là John Harsanyi đã khai triển lý luận của Nash với những đóng góp bằng tâm lý học và kinh tế học thành một nhánh quan trọng của “thuyết đấu trí” hay “game theory”. Nói gọn cho dễ hiểu thì khi địch tính thế này thì ta tính thế nào để đánh ít mà được nhiều? Cao điệu hơn cả là khỏi đánh mà cũng được! Thế rồi, Giải Nobel Kinh tế năm 1994 đã lọt vào tay hai giáo sư Nash và Harsanyi cùng kinh tế gia Đức là Reinhard Selten nhờ những đóng góp cho thuyết đấu trí.

Nhưng người ta chú ý nhất đến “mô hình” hay “Trận thế Nash-Harsanyi”.

Để trả lời sự nóng lòng của khách ngồi bên - và độc giả trước mắt -  xin khởi đi từ phạm vi thương thảo kinh tế hay kinh doanh. Nhưng ai chẳng biết rằng mọi việc thương thuyết dù là ngoại giao hay kinh tế, đều bị chi phối bởi chính trị, là yếu tố mà ta không thể xao lãng.

Sở dĩ như vậy, các nước nói chung đều tham gia đàm phán cho việc hợp tác trong môi trường lý tưởng là có pháp quyền, với tinh thần minh bạch tôn trọng các luật lệ và cam kết. Sự thể thực tế thường không được như vậy và càng không hề có với Trung Quốc, một quốc gia mắc hai bệnh tự tôn và tự ti. Tự tôn về văn hóa – Binh pháp Tôn Tử là một thí dụ - mà tự ti về kỹ thuật vì còn quá chậm tiến nếu so với các đối tác hay đối thủ Âu-Mỹ-Nhật.

Nói về truyền thống thì người Việt đã có hơn hai ngàn năm đấu trí để tồn tại và còn giành lại độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc. Phải nói rằng ít có dân tộc nào lại có nhiều kinh nghiệm ứng xử trong một chiều dày văn hóa và lịch sử như vậy. Kinh nghiệm tích lũy đó đã trở thành một phần hồn của dân tộc và là một kho kiến thức của tập thể mà mình nên nhắc lại và giáo dục cho các thế hệ.

Cho nên những gì đang xảy ra từ mấy chục năm nay, từ khi có đảng Cộng sản Việt Nam thành hình trong bóng tối Trung Quốc, chỉ là một giai đoạn ngắn thôi. Đấy là giai đoạn mà đảng và nhà nước ta tự chụp lấy váy của bà Nữ Oa lên đầu.


Ở bên ngoài, ta nên tốc váy người đẹp mà vạch ra trận thế khác.

Về chuyện hiện đại thì giải Nobel Kinh tế 1994 đã mở thêm một học thuyết mới về thuật đấu trí. Nếu áp dụng thuyết này, nhiều người có thể nhìn ra cách đàm phán thắng lợi với Bắc Kinh.

Trước nhất, cuộc đấu trí hoặc đàm phán có nhiều đối tác chứ không chỉ có hai quốc gia. Trong vụ Đông Hải nổi sóng, có 10 nước trong Hiệp hội ASEAN tại Đông Nam Á rồi Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và Hoa Kỳ, tức là ít ra cũng là 16 nước. Khi Hà Nội đi đêm và đòi nói chuyện song phương với Bắc Kinh thì họ vẫn nằm trong vùng tối của mụ Nữ Oa.

Dân ta phải khác.

Trong thế trận tập thể ấy, hãy tưởng tượng đến giải pháp thương thuyết của từng cặp hai nước căn cứ trên quan hệ song phương của họ, ví dụ như Mỹ với Việt Nam, hay Nhật với Trung Quốc. Bước thứ ba mới là nghĩ đến thế liên kết đa phương để từng nước tranh thủ hay đấu tranh với nhau, ví dụ như giữa ba nước dân chủ theo kinh tế thị trường là Mỹ, Nhật, Hàn, hoặc giữa ba nước Đông Dương Việt, Miên, Lào hay giữa 10 nước ASEAN bên cạnh Trung Quốc.

Từ đó thì từng nước hay từng đối tác đã có nhiều chiến lược khác nhau trong tinh thần biến hoá là liên kết hay đối lập với nhau.

Nghĩa là ta phải nghĩ rộng ra ngoài chứ không chỉ có hai xứ, như Việt Nam và Trung Quốc đang nói thầm với nhau theo kiểu bán chác trên đầu người dân. Ngay trong cuộc đàm phán này còn có nhiều nước cũng liên hệ có thể làm thay đổi chiến lược của từng nước. Tức là ta phải vận dụng được các nước làm lợi thế thương thuyết của mình vì mở ra nhiều chiến lược khác, kể cả chiến lược hăm dọa.

Cái điểm hăm dọa ấy mới là nội dung chủ chốt của trò đấu trí.

Sau khi tính ra nhiều chiến lược khác nhau mà từng nước khả dĩ áp dụng về lý thuyết khi đàm phán thì mình vẫn trở lại chuyện “thế” và “lực”.

Từng nước phải nghĩ đến các phương tiện kinh tế hay quân sự có thể huy động được từ bên trong, hoặc vận dụng từ các nước ở vòng ngoài. Như trong vụ Hoàng Sa Trường Sa hay việc đầu tư khai thác năng lượng ngoài thềm lục địa của Việt Nam, người ta không chỉ có Hải quân Việt Cộng đối diện với Hải quân Trung Cộng có bộ chỉ huy ở huyện Tam Sa mà còn có hải quân của các nước khác. Hoặc không chỉ có tập đoàn dầu khí CNOOC của Bắc Kinh với các tổ hợp dầu hỏa Mỹ mà còn có nhiều quyền lợi kinh tế khác của ASEAN, Ấn Độ, Nhật, Nga, v.v...

Bước thứ sáu là trong lối tính toán về huy động và vận dụng ấy, phải nghĩ đến quyền lợi có thể chia cho nước khác căn cứ trên sự đóng góp của họ, thế gian không có chuyện hợp tác hay yểm trợ miễn phí. Sau cùng và quan trọng nhất trên một trận thế có nhiều giải pháp và chiến lược khả dụng, từng nước phải châm thêm yếu tố rủi ro, hoặc khả năng chịu đựng rủi ro trong cách tính toán về quyền lợi của mình. Nếu chỉ nghĩ đến giải pháp ta cho là thuận lợi nhất mà không lý đến rủi ro hay thiệt hại thì mình bị nhược điểm duy ý chí trong cuộc đấu trí.

“Qua bảy tám bước tính toán này, nhà bác nói đến sự tình phức tạp như một trận đồ bát quái vậy!”

Khách bắt đầu thấy mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm! “Thế thì cái trận thế Nash/Harsanyi có giúp gì cho chúng ta không nào?”

Thưa rằng có, vì mô hình đấu trí Nash/Harsanyi nêu ra một nghịch lý đáng sợ.

Đó là người ta cứ lầm tưởng rằng trong mọi cuộc đàm phán như vậy, đôi bên đều biết tiến thoái để sau cùng nhường nhau một phần quyền lợi hầu đạt được một tỷ lệ chia chác hay nhượng bộ quân bình là 50-50. Tức là đôi bên cùng có lợi, còn hơn là chẳng được gì, là mất hết. Nghịch lý ở đây là trong mọi cuộc đấu trí, duy nhất có một kết quả chung cuộc là tỷ lệ 65-35, tức là một phe lại được nhiều hơn. Ông Harsanyi giải thích nghịch lý mà nhà toán học John Nash tìm ra: đó là vì một phe có khả năng chịu đựng rủi ro thấp hơn – cho nên chỉ vì sợ mà nhượng bộ nhiều hơn.

Chúng ta trở lại khả năng hăm dọa và xảo thuật thương thuyết của Trung Quốc.

Lãnh đạo Bắc Kinh biết tháu cáy và dọa già nên có cái thế lớn hơn cái lực. Trong khi ấy, ở bên trong họ lại rối trí vì rất nhiều nan đề nội bộ. Thực chất là Trung Quốc có nền kinh doanh ăn cắp, nền kinh tế ăn cướp và chính sách đối ngoại bá quyền bao trùm lên sự ung thối trong nội tạng mà vẫn cứ ra vẻ văn minh hiếu hòa trong đàm phán. Nếu các nước nhìn ra bản chất ấy và không nhượng bộ mà cũng chẳng hãi sợ thì chính lãnh đạo Bắc Kinh sẽ lùi vì họ biết ra và rất khéo vận dụng quy luật "mềm nắn rắn buông".

Trở lại chuyện Việt Nam, ta thấy lãnh đạo xứ này có mức chịu đựng rủi ro thấp hơn cả vì sợ bị mất quyền nên sẵn sàng nhượng bộ để tìm lợi riêng. Đây không phải là một sự phê phán võ đoán mà là thực tế khi lãnh đạo Hà Nội ngăn cản và cầm tù những ai biểu tình kết án Trung Quốc. Đáng lẽ phản ứng đó của người dân tạo thêm lợi thế quốc gia và quốc tế cho Việt Nam vì phơi bày bản chất của Trung Quốc và dễ huy động công luận thế giới khi cần đàm phán. Lý do là Trung Quốc còn có thêm nhược điểm là cái danh, là nỗi sợ hãi bị mất thể diện. Và căn bản nhất, kinh tế xứ này rất cần thế giới chứ không thể bế môn tỏa cảng hay tự tung tự tác ở bên ngoài.

Đâm ra - khách thở hắt ra chiều buồn bã - “chuyện chính không là cái trí mà là cái dũng”. Không biết sợ thì mới khá. Hèn gì, nhà bác cứ hay vén váy mụ Nữ Oa! Lổm ngổm bên trong thấy mấp máy bốn anh bồi Tầu xưng danh Hùng Dũng Sang Trọng….

Hình như cái gì họ cũng có - chỉ thiếu khí.


Nguyễn-Xuân Nghĩa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét