Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN 2012 - ĐÀI CHÂN TRỜI MỚI - BẢN TIN NHANH SỐ 3 - SỐ 4 - SỐ 5 - SỐ 6 VỀ THỈNH NGUYỆN THƯ “Triệu Con Tim Một Tiếng Nói” ĐƯỢC CHUYỂN ĐẾN BỘ NGOẠI GIAO CÁC NƯỚC: NA UY - ĐỨC - BỈ - ANH QUỐC




Tin Nhanh Số 3:
Thỉnh Nguyên Thư Triệu Con Tim Một Tiếng Nói được chuyển đến Bộ Ngoại Giao Na Uy (Norway)






Vào trưa ngày 07-12-2012, một phái đoàn người Việt tại Na Uy đã gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Na Uy, ông Torgeir Larsen, và viên chức trách nhiệm Á Châu Sự Vụ để đưa tận tay bức thỉnh nguyện thư "Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói" với 125 ngàn chữ ký của những người quan tâm đến Nhân Quyền cho Việt Nam trên khắp thế giới.


Phái đoàn cũng đưa ra ba đề nghị cụ thể:


1) Thỉnh cầu chính phủ Na Uy bày tỏ thái độ một cách công khai đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong lãnh vực Nhân Quyền; Cấp thiết bảo vệ các nhà dân chủ đang đứng lên đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam.


2) Thỉnh cầu chính phủ Na Uy tham gia vào tiếng nói chung của nhiều nước đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ điều khoản 79 và 88 trong bộ luật hình sự của họ. Đây là 2 khoản luật luôn bị nhà cầm quyền lạm dụng để trấn áp những người dân đứng lên đòi hỏi Nhân Quyền.


3) Thỉnh cầu chính phủ Na Uy gởi đặc sứ đến Việt Nam để yêu cầu được đi thăm các nhà bất đồng chính kiến trong tù, quan sát tại chỗ tình trạng nhà tù vô cùng tệ hại ở Việt Nam hiện nay, và thẩm định sự công minh của tòa án đối với người bị xét xử.


Đáp lời, ông Torgeir Larsen cho biết, hàng năm giữa Na Uy và Việt Nam có cuộc hội thoại về Nhân Quyền. Qua các hội thoại này, Na Uy đã và sẽ tiếp tục nêu lên vấn đề then chốt là Nhân Quyền giữa hai nước. Bản Thỉnh Nguyện Thư với hàng trăm ngàn chữ ký này sẽ là nền tảng rất tốt để Na Uy nhấn mạnh thêm nữa nhu cầu tôn trọng Nhân Quyền tại Việt Nam.






Vào sáng cùng ngày, phái đoàn người Việt cũng đã tiếp xúc và trao Thỉnh Nguyện Thư "Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói" đến ông Heikki Holmaas, Bộ trưởng Bộ Phát triển. Hiện nay Na Uy đang có một số chương trình viện trợ cho Việt Nam và có thể đặt điều kiện Nhân Quyền vào các khoản viện trợ này. Bộ trưởng Holmaas chia xẻ rằng ông biết chính đại sứ Na Uy tại Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu được tham dự các phiên tòa xét xử các nhà dân chủ, nhưng ngay cả các yêu cầu đó cũng không được đáp ứng. Ông Heikki Holmaas đồng ý về sự phi lý của điều 79 và 88 luật hình sự và sẽ suy nghĩ cách vận động các nước khác cùng tạo áp suất lên nhà cầm quyền CSVN phải hủy bỏ hoặc ngưng lạm dụng các điều luật đó.


Cuối cùng, ông Heikki Holmaas đề nghị các tổ chức phi chính phủ người Việt tại Na Uy nên thường xuyên góp ý với chính phủ Na Uy để Na Uy có một chính sách hoàn hảo hơn trong nỗ lực giúp phát triển Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam.



Sĩ Việt
Tường trình từ Oslo ngày 7/12/2012


***

Tin Nhanh Số 4:
Thỉnh Nguyện Thư Triệu Con Tim vào Bộ Ngoại Giao Đức


Để cùng tạo tổng lực đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, ngày 07/12/2012, một phái đoàn người Việt tại Đức đã vào Bộ Ngoại Giao Đức Quốc để trao bản Thỉnh Nguyện Thư Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói.






Tiếp đón phái đoàn là các viên chức: ông Markus Löning, Đặc sứ Liên Bang phụ trách Nhân Quyền và Trợ Giúp Nhân Đạo, bà Melanie Moltmann, Trưởng phòng Nam Á Sự Vụ, đặc trách vùng Nam Á, Úc và Thái Bình Dương, ông Felix Schwarz, Chánh văn phòng của Đặc sứ Löning.






Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong không khí niềm nở và đầy cảm thông về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Phía Bộ Ngoại Giao Đức đặc biệt chú ý đến tổng số 125.000 chữ ký từ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới trong vòng 2 tháng, được đóng thành 3 tập sách rất dày mà Đặc sứ Löning trân trọng đón nhận.



Văn Các
Tường thuật từ Đức Quốc ngày 7/12/2012


***

Tin Nhanh Số 5:
Bộ Ngoại Giao Vương Quốc Bỉ (Belgium) đón nhận Thỉnh Nguyện Thư Triệu Con Tim Một Tiếng Nói






Lúc 3 giờ chiều ngày 7/12/2012, ông Patrick Herman, Trưởng ngành Ngoại Thương và Ngoại Giao Kinh Tế thuộc Bộ Ngoại Giao Bỉ, và ông Tom Vandenkendelaere, Tùy Viên đặc trách Việt Nam – Philippines-ASEM, đã niềm nở đón tiếp phái đoàn người Việt tại trụ sở Bộ Ngoại giao.


Khi được trình bày về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và mục tiêu của bản thỉnh nguyện thư Triệu Con Tim Một Tiếng Nói, các vị này đều bày tỏ niềm cảm thông và đồng thuận vì cả hai ông đã đến Việt Nam nhiều lần và chứng kiến tận mắt. Hai ông cũng ngạc nhiên về con số 120 ngàn chữ ký trong 3 tập sách dày. Ông Herman đặc biệt bày tỏ lòng trân quí những người Việt đã xa quê hương nhiều thập niên, sống trong tự do, nhưng không hề quên số phận đồng bào mình tại quê nhà.


Phái đoàn đặc biệt đề nghị đại diện Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam hãy đến tham dự phiên tòa xử 17 thanh niên Công Giáo sắp tới, đến thăm những tù nhân lương tâm trong lao tù và gia đình họ. Hai ông Herman và Vandenkendelaere ghi nhận và sẽ báo cáo những việc làm tiếp nối để đáp ứng các đề nghị này trong buổi họp kế tiếp với phái đoàn.



Hoàng Bảo
Tường thuật từ Vương Quốc Bỉ ngày 7-12-2012


***

Tin Nhanh Số 6:
Luật sư Anh Tuấn và phái đoàn mang "Triệu Con Tim" Vào Bộ Ngoại Giao Anh Quốc






Dưới thời tiết ướt mưa hôm nay, ngày 7/12/2012, Luật sư Anh Tuấn, đại diện cho đài SBTN từ Hoa Kỳ, và phái đoàn người Việt tại thủ đô Luân Đôn đã đến Bộ Ngoại Giao Anh để chuyển bức thỉnh nguyện thư Triệu Con Tim Một Tiếng Nói.


Tiếp kiến phái đoàn là ông Taranjit Jhita,  Trưởng phòng đặc trách về Việt Nam, và hai viên chức khác thuộc Vụ Đông Á & Thái Bình Dương. Cuộc họp kéo dài khoảng 1 giờ 15 phút.


Phái đoàn người Việt trình bày về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện nay và lý do dẫn đến bản thỉnh nguyện thư mang 125 ngàn chữ ký trên bàn, trong đó có hơn 5000 chừ ký từ Việt Nam và khoảng 1000 chữ ký của những người đang sống trên đất Anh.


Phía Bộ Ngoại Giao Anh cũng xác nhận là tình trạng vi phạm nhân quyền đang leo thang tại Việt Nam. Chính phủ Anh đã tích cực cùng một số nước khác vận động Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền  trong những năm gần đây. Các nỗ lực này được ghi rõ trong báo cáo FCO năm 2011 và cập nhật quý 1, 2 và 3 năm 2012 của Bộ Ngoại Giao Anh quốc.


LS Anh Tuấn và phái đoàn đã nêu nhiều trường hợp của những nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động xã hội dân sự bị gán ghép tội hình sự để xử tù, như: LM Nguyễn Văn Lý; 17 Thanh niên Công Giáo (đặc biệt nhấn mạnh trường hợp anh Paulus Lê Sơn); bà Trần Thị Thuý và cô Đỗ Thị Minh Hạnh đang bị hành hạ trong nhà tù; TS Nguyễn Quốc Quân; các nhạc sĩ Việt Khang & Trần Vũ Anh Bình; các bloggers Điếu Cày, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần; các mục sư Dương Kim Khải & Nguyễn Công Chính, v.v.


Phái đoàn cũng nhấn mạnh về tình trạng lạm dụng các điều luật hình sự 88 và 79 của nhà cầm quyền Việt Nam để đàn áp tất cả những tiếng nói lương tâm, những người đấu tranh bất bạo động cho các quyền con người.


Sau hết, phái đoàn đề nghị đại diện sứ quán Anh tại Việt Nam thường xuyên cử người viếng thăm các tù nhân lương tâm trong tù và tham dự các phiên toà xử các nhà hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự tại Việt Nam trong tương lai.



Đình Sơn
Tường thuật từ Vương Quốc Anh ngày 7-12-2012


DienDanCTM




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét