Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Phạm Trần - Càng định hướng, càng làm thuê và lệ thuộc Trung Quốc



Phạm Trần - Càng định hướng, càng làm thuê và lệ thuộc Trung Quốc





Babui-Loi tran troi cuoi nam cua Trong lu.jpg



VRNs (06.03.2015) – Washington DC, USA – 30 năm qua, từ khi có chủ trương được gọi là Đổi Mới năm 1986, đảng Cộng sản Việt Nam đã nói đi nói lại trong suốt 11 khoá đảng từ VI đến XI về khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” , nhưng càng định hướng kinh tế Việt Nam càng nằm gọn trong vòng tay  Trung Quốc và tiếp tục không làm nổi con ốc vít.


Vậy mà vào buổi sáng mùa Xuân ngày 28/02/2015 , tại Thủ đô ngàn năm văn vật Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung Ương-nơi quy tụ những “nhà  tư tưởng siêu việt Cộng sản to đầu nhỏ óc ” vẫn có thể điềm nhiên phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức tọa đàm để  “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN” để ghi vào dự thảo Báo cáo chính trị của Trung Ương tại Đại hội Đảng 12.


Vậy họ đã nói gì và dự tính sẽ làm gì để cứu Việt Nam ra khỏi vũng lầy lạc hậu cả về tư tưởng lẫn hành động?


Trước hết, hãy lắng nghe ông tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói lạc quan: “ Thực tiễn 30 năm đổi mới đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội.


Nền kinh tế liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, phát triển ổn định; tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, bền vững và ấn tượng, được cộng đồng thế giới công nhận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.”


Ông khoe tiếp: “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.


Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò, hiệu quả, sức cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế được nâng lên. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn.


Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Hầu hết các loại giá cả hàng hóa, được xác lập theo nguyên tắc thị trường.”


Tòan lý thuyết viển vông không bằng chứng cụ thể và chỉ lập lại những điều của tập thể  lãnh đạo đã phô trương trong ngót 30 năm qua.


Hãy nêu ra đây một bằng chứng không thể chối cãi: Tại  Đại hội IX (năm 2001)  đảng CSVN đề ra  mục tiêu “đến năm 2020, Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”, nhưng bây giờ thời gian chỉ còn  1,825 ngày (5 năm) nên giấc mộng vàng đã tan thành mây khói.


Lý do thất bại vì Việt Nam chỉ muốn xây nhà trên bãi cát thay  vì phải có nền móng vững vàng dựa vào quy trình giáo dục và đào tạo có bài bản.


Hãy nghe bài giảng của Giáo sư Hòang Tụy, Nhà Toán học nổi tiếng thế giới của Việt Nam: “Khi mô tả sự phát triển kém cỏi của đất nước, chúng ta hay dùng từ lạc hậu hay tụt hậu, nhưng theo tôi để phản ánh đúng hơn thực chất phải nói ta đang trì trệ trong tụt hậu. Nếu tụt hậu mà đang đi lên thì cũng không quá lo lắng nhưng trì trệ trong tụt hậu thì đáng lo thật, mà biểu hiện rõ nhất sự trì trệ này là ngay về chỉ số đổi mới sáng tạo, theo đánh giá của quốc tế, Viêt Nam còn thua cả Lào và Campuchia. Nếu chỉ kể về mức độ lạc hậu, Lào và Campuchia hiện xếp sau Việt Nam nhưng nếu họ cứ tiếp tục đứng trên ta về chỉ số đổi mới sáng tạo thì với đà này, chẳng mấy chốc thứ tự đó sẽ đảo ngược, chắc chắn họ sẽ bỏ lại ta ở phía sau.” (Trích Tạp chí Tia Sáng, ngày 10/02/2015)


Cảnh báo của Giáo sư Hòang Tụy có làm cho Bộ Chính trị 16 người, đứng đầu bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giật mình chăng, hay cứ mãi ca lên phương châm vẩn vơ “qúa độ lên xã hội chủ nghĩa”  mà chưa biết, nói theo ông Trọng, “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”?


Như vậy thì có hướng đâu mà định. Đó là lý do tại sao Giáo sư Hòang Tuy đã nói thẳng: “ Suy ngẫm về đường lối công nghiệp hóa, phải nhìn nhận chúng ta đã thất bại, nói nhẹ hơn là chưa thành công. Sai lầm của chúng ta là muốn xây dựng ngay những ngành công nghiệp lớn, sản xuất những thành phẩm phức tạp, tinh vi, như công nghiệp ô tô, đại cơ khí, điện tử… mà không qua bước phát triển công nghiệp phụ trợ, nên sau nhiều thập kỷ mà rôt cuộc ngành nào cũng chỉ mới dừng lại ở trình độ lắp ráp.”


Nói đúng ra là làm thuê cho nước ngòai, bởi vì hầu hết các Doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất được đồ phụ tùng cần thiết cho các Công ty có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.


Bài học Tập đòan Samsung của Nam Hàn ở Việt Nam không tìm được con ốc vít do Việt Nam làm để khỏi phải mua của nước khác tốn kém hơn không còn là chuyện thuần túy yếu kém về khả năng kỹ thuật của Việt Nam mà danh dự người Việt đã bị tổn thương.


Báo điện tử ZING.VN viết: “Ngày 11/9 (2014), tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp VN và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung, do Tập đoàn Samsung tổ chức ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp thừa nhận chưa thể đáp ứng điều kiện để cung cấp linh kiện cho Samsung, dù chỉ là ốc vít…”


Lý do vì các doanh nghiệp Việt Nam không đủ máy móc, khả năng chuyên môn và trình độ kỹ thuật.


Theo bài báo thì: “Đại diện Samsung cũng giới thiệu có tám điều kiện cơ bản cho nhà cung cấp, nổi bật là công nghệ phải có đăng ký sáng chế, có hạ tầng cho nghiên cứu phát triển. Chất lượng phải có chứng nhận ISO (International Organization for Standardization (ISO)—Tiêu chuẩn Quốc tế ) . Giao hàng phải đáp ứng thời hạn, ngay cả khi có yêu cầu sản xuất nhanh hơn.


Về giá cả phải cạnh tranh, có thể điều chỉnh theo hướng tích cực. Tài chính phải đáp ứng về tỷ lệ nợ, tỷ lệ vốn lưu động. Phải đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, quyền con người… Ngoài ra, Samsung cũng đưa ra 13 mục tiêu phải tuân thủ như: bơm dập cháy tự động, vật liệu xây dựng chống cháy, phải có thiết bị chống ô nhiễm không khí, có công trình xử lý nước thải…”


Giáo sư Hòang Tụy nói thêm: “Chúng ta đã nhận được sự đầu tư của các hãng sản xuất công nghiệp nổi tiếng thế giới như Toyota, Samsung…; riêng Samsung đã rót vào Việt Nam hàng tỉ đô la, kết quả là ta đã có nhà máy lớn, hiện đại, sản xuất điện thoại di động xuất khẩu khắp thế giới. Tuy nhiên điều đáng buồn là mức đóng góp của Việt Nam trong sản phẩm xuất khẩu của Samsung mới chỉ ở khâu lắp ráp, tức là lao động với năng suất thấp nhất, còn tất cả chi tiết, phụ tùng, từ cái đơn giản nhất cũng chưa làm đuơc mà đều phải nhập khẩu. Thậm chí đã từng có chuyên gia nước ngoài nhận xét cả nước Việt Nam không tìm đâu ra nơi nào sản xuất nổi cái đinh vít cho đúng với tiêu chuẩn quốc tế.”


“Tương tự, với ngành công nghiệp xe hơi cũng vậy. Vừa qua báo chí đăng tin có mấy doanh nghiệp Việt nam định hợp tác sản xuất xe hơi nhãn hiệu Việt Nam, nhưng khi xem xét kỹ chiếc xe hơi do công ty Trường Hải ở Đà Nẵng mới chế tạo thì hóa ra cũng chỉ là lắp ráp các chi tiết, phụ tùng nhập khẩu chứ phần làm ra thật ở Việt Nam chẳng có mấy. Như thế thì giá thành không thể rẻ, chất lượng không thể cao, làm sao cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế. Đành rằng rồi sẽ cải tiến dần, nhưng con đường đó vừa lâu vừa không hiệu quả.”


Với những tỷ dụ vừa kể thì dù không phải là chuyên viên ai  cũng thấy Việt Nam phải có lớp chuyên viên giỏi cả về kiến thức, ngọai ngữ và tay nghề để xây dựng đất nước, nhưng giáo dục của Việt Nam lại không đặt nặng nền tảng cơ bản và rất cần thiết này.


Vì vậy, Giáo sư Hòang Tụy mới bảo: “Thời đại ngày nay muốn đổi mới sáng tạo trong bất cứ ngành hoạt động sản xuất nào cũng cần  đến công nghiệp phụ trợ. Phải học bảng chữ cái rồi mới viết ra văn được chứ. Nước nào đi lên công nghiệp hiện đại cũng đã trải qua bước này còn chúng ta thì đang theo quy trình ngược, chưa có công nghiệp phụ trợ phát triển đã đòi xây dựng công nghiệp hiện đại thì làm sao thành công được.


Huống chi ngày nay chẳng còn mấy ai làm công nghiệp từ A đến Z, nước đi sau chỉ có thể đi lên bằng cách phấn đấu chen chân vào các khâu có giá trị gia tăng cao dần trong các chuỗi cung ứng. Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu trên nên tảng công nghiệp phụ trợ là vì thế.”


Nhưng tại sao trong suốt 30 năm qua, qua 5 đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng mà chẳng có ai nghĩ ra “làm nổi con ốc vít” cho đất nước?


150306003


(Còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét