Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Hoàng Cơ Định - Kỷ Niệm Về Một Người Anh Trong Thời Niên Thiếu



Hoàng Cơ Định - Kỷ Niệm Về Một Người Anh Trong Thời Niên Thiếu



Hôm nay là đầu tháng 3. Cứ vào dịp này mỗi năm tôi lại nhớ lại kỷ niệm 30 năm về trước, tới ngày 8/3/1982: Ngày Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam công bố Cương Lãnh.

Cả tuần lễ trước, chúng tôi bồn chồn chờ đợi, không biết công việc sẽ diễn tiến ra sao. Ngày Công Bố Cương Lãnh đó đã đem lại nhiều thay đổi trong đồi sống chúng tôi... Với ông Hoàng Cơ Minh, kể từ ngày đó ông không còn đơn thuần là một người Việt tỵ nạn, một cựu Tướng Lãnh trong quân lực VNCH. Có một điều không đổi là ông vẫn tiếp tục là "Anh Minh" của tôi như bao năm trước…

Hôm nay tôi xin kể lại với quý bạn "Kỷ Niệm về một người Anh trong thời niên thiếu".
Hoàng Cơ Định
***


Anh Hoàng Cơ Minh hơn tôi 5 tuổi, anh sinh ngày 20 tháng 6 năm 1935 tại Hà nội, Bắc Việt. Những kỷ niệm thời thơ ấu tôi đã có với anh là hồi tản cư trong chiến tranh chống Pháp.
Gia đình tôi hồi đó tản cư lên tận Việt Bắc, sau vì không chịu được bệnh tật nơi vùng rừng núi và không có nguồn sinh kế nên đã phải tìm về nhà cũ tại Hà Nội lúc đó trong vùng do quân đội Pháp kiểm soát. Vì việc vượt tuyến từ vùng Việt Minh qua vùng Pháp chiếm đóng có nhiều rủi ro, nguy hiểm nên gia đình tôi đã chia làm 2, một nửa theo thân mẫu tôi về Hà nội trước, nửa kia tạm ở lại hậu phương (danh từ gọi chung vùng Việt Minh kiểm soát vào thời bấy giờ). Với thân phụ chúng tôi, anh Hoàng Cơ Minh và tôi ở trong số nửa ở lại này.

Với 4 anh chị em, bà chị lớn 17, anh Minh 12, tôi 7 tuổi và một chú em lên 5, anh Minh và tôi trở nên đôi bạn thiết đi đâu cũng có nhau, hay đúng hơn, anh đi đâu chơi tôi cũng lẽo đẽo theo. Thú vui lớn nhất của chúng tôi là lội xuống ao xúc cá, đây vừa là trò chơi vừa là nhu cầu vì anh em tôi có nuôi một con cò, cần đi kiếm đồ ăn cho cò... Tôi theo anh Minh lội xuống các ao, hồ trong vùng, khẽ lùa chiếc rổ dưới lớp bèo rồi từ từ nhấc lên... Cứ như vậy trong nửa buổi hai anh em, cũng bắt được một vốc tay cá và tôm tép núp dưới lớp bèo. Có lần chúng tôi bắt được một chú rắn nước, anh Minh nhanh nhẹn chộp lấy cổ con rắn và hôm đó chú Cò của chúng tôi được thưởng thức một món ăn khó nuốt và lạ miệng.
Anh Minh là người rất bạo, anh có thể cầm thẳng mấy con sâu mà không ghê tay, nhưng hình ảnh anh ngày hôm đó nắm cổ con rắn với cái đuôi quằn quại đã tạo cho tôi rất nhiều ấn tượng... Với sự chênh lệch tuổi tác là 5 tuổi, anh Minh thường phải “hạ mình” để có thể vui chơi những trò vừa với lứa tuổi của tôi như chua me, cỏ gà. Mô tả trò chơi cỏ gà hơi khó, giải thích làm sao chơi chua me dễ hơn. Chua me là loài thảo thân mềm với một chiếc lá duy nhất có 4 cánh, nhác trông như một cành sen thu nhỏ. Lõi của thân cây chua me là một sợi giống như sợi chỉ. Sau khi bóc đi phần ngoài, thì chỉ còn lại chiếc lá tâm điểm gắn vào “sợi chỉ”. Hai bên giao đấu mỗi bên cầm 1 sợi chua me và ngoắc 2 chiếc lá vào với nhau rồi kéo, bên nào “đứt chỉ” là thua. Anh Minh chịu khó kiếm được những cây chua me lớn và già, tôi luôn luôn thua, cho tới hôm tôi nẩy ra ý gian lấy một sợi chỉ thật buộc vào một lá chua me và giựt đứt đầu 3 “chiến tướng” của anh. Khám phá ra, anh rất giận tát cho tôi một bạt tai nên thân, và tôi nhớ đó là lần duy nhất tôi bị anh đánh đòn trong suốt thời thơ ấu.

Tôi cũng học được ở anh Minh trò chơi phức tạp hơn là làm thuốc pháo. Phía sau đình làng có 1 bức tường, trên mặt tường xuất hiện một lớp bột trắng chỉ cần cạo nhẹ là hứng lấy được. Bột này trộn lẫn với than cây tán nhỏ sẽ có thể dùng làm thuốc pháo. Lúc đầu anh Minh giữ bí mật không cho tôi biết lấy thứ “bột trắng” này từ đâu, sau vì tôi quan sát thấy bột trắng đó có lẫn vôi quét tường nên bạ tường nhà ai cũng cạo ra xem có làm được thuốc pháo không, anh thấy tội nên đã chỉ cho tôi bức tường bí mật và bí quyết của anh (không biết là học được từ sư phụ nào). Sở thích của tôi về môn hóa học phần nào cũng bắt nguồn từ đó. Sau này tôi mới biết chất bột trắng chính là chất salpêtre thường thấy trên tường chuồng ngựa do nước tiểu ngựa bị phân hủy mà thành. Còn chất salpêtre anh em tôi cạo được tại sau đình làng thì không có nguồn gốc từ ngựa mà từ… mấy bác nông phu !

Có một việc anh Minh rất giỏi là bắt cua, cua đồng anh bắt về không những đủ để nấu riêu cả nhà cùng ăn, mà còn dư để chị tôi ướp muối làm “nước mắm cua” nữa. Tôi không dám bắt chước vì chỉ lo đó là hang rắn, mà có gặp cua cũng sợ bị cua cắp…

Cuộc sống an nhàn và nên thơ của chúng tôi kéo dài cho tới khi chiến tranh lan tới làng Đa Lộc nơi chúng tôi tản cư. Lính Tây tới, mấy tự vệ xã nhanh chân trốn hết, buổi tối Tây rút đi họ lại cầm loa ra đình làng khoe thành tích đuổi giặc... Nhưng hôm sau, cảnh tượng những ngôi nhà tranh với đụn rơm kế bên bị cháy đen và tiếng khóc thảm thiết của những gia đình có người thân bị bắn chết đã khiến cho thân phụ tôi quyết định phải tìm đường về Hà Nội sớm. Tôi không còn nhớ rõ chi tiết nhưng vẫn còn ghi lại hình ảnh chúng tôi di chuyển băng đồng vào nửa đêm, lâu lâu lại thấy vài tia đạn lửa bay như đom đóm, tới sáng thì tới đồn kiểm soát của Tây và gia đình chúng tôi cùng vô số dân hồi cư khác ngồi thành hàng đoàn để được khám xét trước khi cho di chuyển vào vùng Tây kiểm soát, từ đây, chúng tôi đi bộ thêm khoảng nửa ngày thì về tới Hà Nội, gia đình chúng tôi được đoàn tụ sau hơn một năm tản cư lên mạn ngược. Sau chuyến tản cư này, gia đình tôi tuy không có ai mang thương tích vì chiến tranh nhưng ai cũng bị sốt rét, chị lớn của tôi bị nặng hơn cả, về tới Hà Nội cả năm sau còn bị ngọng. Còn tôi thì ghẻ lở cùng mình, nhiều tháng sau nhờ có nước máy Hà nội và xà bông, thay vì nước ao ở vùng quê, nên mới dần dần hết.

Tại Hà Nội tôi học trường Nguyễn Du, phố Hàng Vôi gần nhà, anh Minh và anh Long học tại trường Chu Văn An ở phố Hàng Cót. Về tới Hà Nội anh Minh không còn thân với tôi nữa, phần lớn thì giờ anh chơi với anh Long, chỉ cách anh 1 tuổi, thay vì thằng em thua anh những 5 tuổi, trẻ nhỏ chênh nhau 5 tuổi là nhiều lắm. Cũng tại Hà Nội, từ vị trí bạn, anh Minh trở thành thầy giáo của tôi, có lẽ là "phụ giáo" thì đúng hơn vì anh chuyên dạy tôi tập viết và đọc rồi kể truyện Tàu cho tôi nghe. Anh Minh rất kiên nhẫn và chìu "học trò", để khuyến khích tôi chịu khó tập viết, anh bỏ công lấy lông ngỗng vót thành ngòi bút để tôi thấy viết chữ cũng như một trò chơi. Vì tôi đánh vần còn chậm nhưng lại thích truyện Tầu, anh Minh "hy sinh" đọc trước rồi kể lại cho tôi nghe, anh kể truyện hấp dẫn và có trí nhớ rất tốt, tôi đã không mất công đọc mà còn tha hồ quay lại coi chi tiết các đoạn cũ ...Ngoài vai trò Thầy Giáo, anh Minh và anh Long hồi đó cũng đóng vai "thần hộ mạng" cho tôi. Do phần nào ảnh hưởng của truyện Tầu, hồi nhỏ chúng tôi có xu hướng hay đánh nhau với trẻ lối xóm, nhất là khi tôi được đi giữa anh Long và anh Minh thì không còn biết sợ ai nữa, có nhiều lúc hai anh bị lôi vào vòng chiến chỉ vì chú em anh hùng rơm. Tính hiếu chiến của tôi chỉ bớt đi sau một lần ba anh em chúng tôi thất bại khi bầy kế nhử "địch" ra đánh. Hai anh nấp ở đầu đường, còn tôi thì một mình tới trước nhà đối phương khiêu khích để nhử cho thằng bé đó ra ngoài, nó "trúng kế" nên chạy ra đánh tôi một trận nên thân, xô té xuống cống rồi chạy trở lại vào trong nhà. Khi 2 anh chạy tới tiếp cứu thì trận đánh đã kết thúc, chỉ còn dìu chú em quần áo lấm bùn bê bết, vừa đi vừa khóc trên đường về nhà. Từ đó tôi cũng bớt dám khiêu khích mọi người vì đã trải qua kinh nghiệm là không có sự bảo vệ nào là toàn hảo cả.

Sau 2 năm sống tại Hà Nội, anh Minh, anh Long và tôi được theo học lớp chữ Nho tại Đền Ngọc Sơn vào mỗi sáng Chủ Nhật do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức, lớp học đủ mọi lứa tuổi được giảng dậy bởi một Nhà Nho uyên bác là cụ Tử An Trần Lê Nhân, tác gỉa tập Cổ Học Tinh Hoa. Lối dậy học của cụ Tử An rất khoa học và dễ hiểu, nhưng một chi tiết khác đặc biệt về cụ mà tôi nhớ mãi là cụ cho các học trò tự quyết định lúc nào thì hết giờ ra chơi để trở lại lớp học, vì vậy mà chúng tôi có những giờ chơi kéo dài cả tiếng mỗi tuần để chạy chơi quanh Đền. Lúc này tôi không còn là cậu bé ngờ nghệch từ quê ra tỉnh nữa và đã trở nên khá tinh khôn. Đám học trò nhỏ chúng tôi chia làm 2 phe chơi nấp bắn nhau, lớn nhất là anh Minh, tôi tuy nhỏ nhưng Trời cho khéo tay hơn cả, nên đã làm súng cung cấp cho cả 2 phe, khẩu súng tốt nhất bao giờ cũng dành cho anh Minh. Tôi không ngờ hơn 30 năm sau tôi cũng được giao một trách nhiệm gần như vậy đối với đoàn quân Đông Tiến…

Vào tháng 7/1954 gia đình chúng tôi di cư từ Bắc vào Nam, anh Minh di chuyển với Đoàn Sinh Viên Đại Học Hà Nội. Vào tới Miền Nam một thời gian ngắn, anh giã từ đời sống sinh viên để nhập ngũ binh chủng Hải Quân, tôi ít gặp anh nhưng mỗi lần anh về phép cùng các bạn là niềm vui cho cả gia đình. Anh Hoàng Cơ Minh là mẫu mực người con hiếu thảo trong gia đình, hơn thế nữa, anh có lối biểu lộ tình cảm rất tự nhiên và chân thành, thân mẫu tôi rất thương anh, có thể nói là thương nhất nhà cũng không quá. Cả gia đình không ai ganh tỵ với anh vì chẳng ai... làm được như anh. Chúng tôi vẫn gọi đùa anh là ông "Lão Lai", một nhân vật trong sách Nhị Thập Tứ Hiếu, vào tuổi 70 còn nhẩy múa để làm trò vui cho Cha Mẹ. Không những với thân mẫu chúng tôi, ngay cả người giúp việc trong nhà cũng thích nấu ăn cho anh. Có món gì vừa miệng là anh trầm trồ khen ngợi, ăn thêm tới 2, 3 chén cơm, khiến người làm bếp cũng thấy bõ công và... mát ruột.

Vào khoảng năm 1956, anh Hoàng Cơ Minh đang tham dự hành quân tại Cà Mau thì được kêu đột ngột về Sài gòn, gia đình rất vui nhưng cũng ưu lo vì lực lượng quan trọng của Bình Xuyên rút từ Sài gòn Chợ lớn vẫn đang chiếm cứ vùng Rừng Sát, đe dọa thủy lộ dẫn vào cảng Sài gòn. Ai cũng đoán sớm muộn cũng sẽ có đụng độ quan trọng. Đoàn giang thuyền của anh Minh vừa về tới vùng Bình Lợi thì vài thủy thủ đi phép không biết vì phạm lỗi gì đã bị đồn cảnh sát tại Thị Nghè bắt giam. Anh Minh đã giải quyết vấn đề theo cách của một ông Thiếu Úy trẻ vừa trở về từ tiền tuyến, anh đã mang một đơn vị tới vây đồn cảnh sát đòi thả ngay các thuộc cấp đang bị nhốt tù với một lý do rất đơn giản: Chỉ có quân cảnh mới được quyền bắt nhốt lính, cảnh sát không có quyền đó. Lập luận này đã được hậu thuẫn bằng một toán lính vừa từ mặt trận về vũ khí đằng đằng nên cảnh sát đành nhượng bộ. Anh Minh rất hài lòng vì kết qủa “không tốn một viên đạn” và thủy thủ đoàn của anh đã không thiếu một ai khi ngày hôm sau đoàn tầu được lệnh tiến vào Rừng Sát tham gia chiến dịch Hoàng Diệu.

Tuy nhiên, luật vẫn là luật, sau chiến thắng Rừng Sát gần một năm, câu chuyện vây đồn cảnh sát Thị Nghè tưởng đã hoàn toàn là quá khứ, nhưng không, anh Minh đã bị triệu tập tới Toà Án và bị… tống giam ngay hôm đó vì tội “phá rối trị an” trước đó một năm. Anh không hề bị tạm giữ tại một quận cảnh sát nào đó mà bị giam vào khám Chí Hoà. Câu chuyện xẩy ra như sét đánh ngang tai, chưa bao giờ tôi thấy thân mẫu của tôi đau buồn đến như vậy. Các bạn trong Hải Quân của anh Minh hồi đó đều còn ít tuổi và không có kinh nghiệm giao thiệp với guồng máy tư pháp nên chúng tôi không biết nhờ cậy vào ai. Đến bây giờ nghĩ lại tôi không hiểu tại sao trong thời gian mới bị giam, trong gia đình không ai nghĩ tới việc liên lạc nhờ Luật Sư Hoàng Cơ Thụy là ông anh con Mẹ Già của tôi. Mãi sau này, khi ra Toà xử án, lúc đó Luật Sư Thụy mới chính thức phụ trách bào chữa. Vậy mà khi hay tin này, có người bà con còn lật đật tới khuyên không nên, vì vào thời gian đó anh Hoàng Cơ Thụy đã bị coi là một chính khách đối lập với chính quyền Ngô Đình Diệm, sợ rằng anh Minh sẽ bị án tù nặng vì lập trường chính trị của anh Thụy. Theo lời yêu cầu của anh Minh, gia đình không ai tham dự phiên toà, ngoại trừ tôi đến để quan sát. Anh Minh xuất hiện trước Tòa trong y phục đại lễ Hải Quân, thái độ kính cẩn nhưng không sợ sệt. Phiên tòa đã diễn ra một cách ôn hoà, công tố viện không kết án gay gắt và anh Thụy hôm đó đã bào chữa rất hùng hồn. Cuối cùng Tòa đã tuyên án tương đối nhẹ, anh Minh được trả tự do ngay vì thời gian tạm giam đã lâu hơn bản án.

Việc bị “bỏ tù” của anh Minh không phải là điều hoàn toàn không hay, trong khám Chí Hoà anh đã có dịp làm quen với nhiều chính khách nổi tiếng cũng bị bắt giam cùng thời như các ông Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường… và còn có thì giờ viết hồi ký của anh về trận đánh Bình Xuyên trong Rừng Sát và học thi đậu một chứng chỉ Luật năm đó. Anh cũng có nhiều kỷ niệm trong tù kể hoài không hết. Mỗi khi có mặt Mẹ tôi mà nói chuyện “hồi anh Minh ở tù” hay “hồi anh Minh bị nhốt trong Chí Hoà” là cụ rất khó chịu, bạn bè và anh em thường nói trại ra là “hồi anh Minh đi nghỉ mát” để khỏi làm cụ chướng tai…
 
Vào năm 1960, anh Minh và tôi chia tay nhau một thời gian dài, anh Minh qua Monterey, California tu nghiệp còn tôi thì được học bổng đi Pháp. Thời gian tôi du học bên Pháp không được sống gần anh Hoàng Cơ Minh, nhưng vẫn còn nhớ hộp thuốc lá pipe 79 anh gửi làm quà cho tôi từ bên Mỹ, anh còn hẹn sẽ tiếp tế đều đặn cho tôi khiến tôi phải dứt khoát từ chối để anh khỏi mất công quá đáng, vì thuốc lá này bên Pháp tuy khá đắt nhưng cũng có cách mua được. Một điều đặc biệt ở anh Minh và sau này cả ở chị Bích Vân, hiền thê của anh, là cả hai anh chị đều rất thảo, cá nhân tôi đã từng nhận được những món quà hậu hĩnh từ anh chị khi mà đồng lương của họ chẳng là bao nhiêu. Các con tôi đều rất vui thích mỗi khi nhận tiền mở hàng đầu năm của bác Minh, vì nó thường nhiều bằng 3 lần từ bất cứ đâu tới…

Tôi từ Pháp về nước vào năm 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân, lúc đó anh Minh đã lập gia đình, cả 3 anh em (anh Minh, Hoàng Cơ Trường và tôi) đều ở chung dưới mái nhà của Mẹ tôi ở đường Phan Kế Bính. Mới đặt chân tới Sài gòn được 2 tuần thì là trận Tổng Công Kích đợt 2, địa điểm giao tranh chỉ cách nhà cỡ 1 Km. Hôm đó Hoàng Cơ Trường trực trong bệnh viện, tôi ngồi cạnh anh Minh nghe các loại súng nổ, mỗi lần hỏi anh tiếng súng đó là của phe ta hay Việt cộng, anh thường trả lời… của Việt cộng khiến tôi cảm thấy cồn cào trong dạ. Tôi đã mất thói quen nghe tiếng súng từ 8 năm qua, nhất là tiếng súng của địch chỉ cách đó không xa.

Về Việt Nam được hơn 1 năm, tôi bắt đầu có những thảo luận dài với anh Minh và chú Trường về thời cuộc. Tuy hoạt động trong ngành khoa học, nhưng liên tục từ năm 1963 tôi có tham dự các sinh hoạt chính trị của sinh viên và đồng bào tại Pháp. Tôi ở trong một nhóm chống cộng, nhưng lại không ủng hộ chính phủ Nguyễn Cao Kỳ theo “tiêu chuẩn Quốc Gia” thời bấy giờ nên đối với đồng bào trong nước thì có vẻ… “thiên tả”. Cũng may tôi sống chung mái nhà với một Trung Tá Hải Quân và một Trung Úy Y Sĩ Thủy Quân Lục Chiến nên không bị loại ngộ nhận đó và chỉ một thời gian ngắn sau, 3 anh em chúng tôi cùng lập ra một tổ chức chính trị không công khai và cũng chưa có cơ chế, tên là “Lực Lượng Quần Chúng Việt Nam Tự Giải Phóng”. Gs Trần Tuấn Nhậm, nay đã mất, là một đồng chí của chúng tôi. Anh Nhậm còn rành về nghề in, anh mua chữ bằng chì và đã dậy chúng tôi sắp chữ để in bản Cương Lãnh. Sau 30/4/1975 anh em phân tán mỗi người một nơi và không còn tiếp tục hợp tác, một trong những người trong tổ chức hồi đó nay được biết tới nhiều là Bs Nguyễn Đan Quế.

Tôi trở lại làm việc và gần gũi mật thiết với anh Hoàng Cơ Minh vào năm 1979 khi được anh giao cho trách nhiệm nghiên cứu thực hiện một hệ thống phát thanh đặt tại vùng biên giới Thái Lào đủ công suất để nghe được ở trong nước. Tôi không phải là một chuyên gia về điện tử, nhưng vẫn được anh Minh tín nhiệm vì... chẳng biết nhờ ai, vả lại anh căn cứ vào thành tích hồi nhỏ tôi có ráp được một máy thâu thanh 1 đèn (vào đầu thập niên 50 radio còn chạy bằng đèn), anh bảo "Nhỏ mà làm được máy thâu thanh thì lớn làm được máy phát thanh". Tôi đã đáp lại được lòng tín nhiệm của anh sau 3 năm nghiên cứu, hệ thống phát thanh của đài Việt Nam Kháng Chiến do tôi thực hiện đã chính thức hoạt động vào ngày 27/12/1983. Trong suốt thời gian Đài hoạt động, chúng tôi không dám đề cập gì tới thành quả kỹ thuật này vì luật của Thái cấm không cho phát thanh trên lãnh thổ của họ và địch có thể phá hệ thống phát thanh dễ dàng. Tôi cũng còn nhớ vào lúc Đài sắp hoạt động thì một nhân vật chống cộng nổi tiếng thời bấy giờ có chỉ trích Mặt Trận rất nặng lời là vì ông ta thấy Mặt Trận đã không lo làm sao có được phương tiện phát thanh. Ông ấy không biết rằng, tướng Hoàng Cơ Minh đã nghĩ tới và tìm cách giải quyết vấn đề này từ 3 năm trước, và khi ông ta lên tiếng phê bình thì các phương tiện trang bị đã có tại chỗ.

Trong thời gian anh Minh hoạt động tại Đông Nam Á, tôi thường là người lo đón anh mỗi khi anh trở qua Hoa Kỳ, lần nào anh cũng đau nặng vì chứng sốt rét. Cứ mỗi lần như vậy là hai ông “bạn già” của anh là Bác Sĩ Võ Tư Nhượng và Giáo Sư Nguyễn Tư Mô lại lặn lội lái xe 5 tiếng đồng hồ từ Nam Cali lên thăm anh. Dường như Bác Sĩ Nhượng có tiếng cười trị bá bệnh, khi có mặt Bác Sĩ thì anh Minh khoẻ mạnh hoàn toàn, nhưng tiễn Bác Sĩ Nhượng và Giáo Sư Mô ra về rồi là… chứng nào tật nấy, chỉ khổ cho “y tá” Hoàng Cơ Định. Tôi làm thêm việc y tá để lo sức khoẻ cho anh, nói là "lo" nhưng ngoài chuyện chuyền nước biển cũng chỉ quanh quẩn bóp đầu cho anh bớt nhức. Nhiều khi tôi cầm gọn trong bàn tay vầng trán nóng và dấp mồ hôi của anh mà lòng ưu lo khôn xiết, tôi biết tôi đang nắm trong tay nguồn nghị lực vô bờ, là trí tuệ dẫn dắt cả công cuộc đấu tranh mà bệnh hoạn có thể cướp đi bất cứ lúc nào! Những lúc đó tôi lại ao ước được trở lại 40 năm trước, hai anh em cùng đi trên các bờ ruộng của làng Đa Lộc. Anh Minh không có thói quen dắt tay hay khoác vai khi hai anh em cùng đi với nhau, anh thường "dắt" tôi bằng một bàn tay rất lớn đặt lên gáy và nắm gọn cổ chú em. Bằng cách đó tôi buộc phải đi nhanh bằng anh, mà nếu có vấp cũng chẳng có thể té.

Sau khi biến cố Nam Lào xảy ra vào cuối năm 1987, chúng tôi làm mọi cách để tìm kiếm tin tức của anh và các chiến hữu trong đoàn quân Đông Tiến. Mỗi lần ghé Washington DC tôi thường đến thăm 2 người bạn cũ của anh là các ông Richard Armitage và James Kelly, cả hai đều có vị trí quan trọng trong hành pháp Hoa Kỳ và hy vọng có thể giúp trong những liên hệ với Thái Lan. Gia đình ông Kelly là bảo trợ của gia đình anh Minh khi mới tới Mỹ, hai bên thân và quý nhau như bà con trong họ. Armitage là bạn cũ của anh Minh từ Việt Nam, hai người cùng có vai trò quan trọng trong việc triệt thoái đoàn tầu của Hải Quân rời khỏi Việt Nam vào tháng 4/1975. Richard Armitage là một nhân vật đặc biệt trong chính trường, nói tiếng Việt hoạt bát và có tên tiếng Việt là Phú. Anh Minh có kể lại cho tôi một mẩu đối thoại trong lần gặp anh Phú, lúc anh Minh sắp qua Thái Lan thảo luận để lập khu chiến:

- Ông Phú! Ông đi đâu mà lâu lắm tôi không gặp ông?

- Thì làm sao tôi dám gặp ông khi trong tay tôi chẳng có gì để tặng ông!

- Thế trong tay ông hôm nay có cái gì đây?

- Trong tay tôi vẫn chẳng có gì cả, nhưng tôi vẫn gặp ông vì điều ông cần ở tôi thì… ông đã có rồi!

Sau này, một lần trong chuyến công tác, trên đường về tôi có ghé Nhật Bản, ngồi quanh các chiến hữu, chúng tôi ôn lại kỷ niệm về anh, những kỷ niệm thời mới thành lập Mặt Trận. Một chiến hữu kỳ cựu có nhắc tới căn gác trọ năm xưa khi anh em trong tổ chức Người Việt Tự Do gặp Tướng Quân Hoàng Cơ Minh lần đầu tiên… Đột nhiên tôi có ý tưởng muốn viếng thăm căn gác đó dầu nhiều anh em cho rằng khu đó nay đã giải tỏa hay nếu còn thì người khác đang mướn, mình cũng chẳng vào được bên trong. Hôm sau tôi ra bến xe lửa sớm, cùng đi có chiến hữu Lý Thái Hùng, để tìm về nơi đã khai sinh ra Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Điều ngạc nhiên là khi tới nơi, cảnh vật vẫn như xưa, may mắn là căn phòng còn bỏ trống chưa có ai thuê, ông chủ căn phố còn nhận ra chiến hữu Lý Thái Hùng và mời cứ tự nhiên vào thăm… Chiến hữu Hùng không dấu được cảm động khi bước chân lên chiếc cầu thang nhỏ dẫn lên lầu. Anh nói: Tôi vẫn nhìn thấy hình ảnh Thầy đứng đón tôi ở cuối cầu thang trên kia… Tôi xin phép chiến hữu Hùng để được đứng đúng vào vị trí đó chụp một tấm hình kỷ niệm :

Anh Minh thường đứng đây để chào đón các chiến hữu vào những ngày đầu tiên thành lập Mặt Trận

Vào tới bên trong là một căn phòng trống trải, tôi có bầy tỏ cảm nghĩ này thì chiến hữu Hùng cho biết: Khi Thầy còn ở đây, căn phòng cũng không có đồ đạc gì khác, rồi anh chỉ vào một chỗ dưới sàn: Thầy thường ngồi đây, chỗ kia là Ngô Chí Dũng, tôi và Linh ngồi chỗ này… Một lần nữa tôi lại xin được ngồi vào vị trí của anh Hoàng Cơ Minh để cảm thông được sự cô đơn của con người tiên phong đi làm Kháng Chiến Giải Phóng Đất Nước, anh không có gì cả, ngoài tấm lòng son sắt đối với Tổ quốc và Đồng bào.

Tôi đã ngồi vào chỗ của anh Hoàng Cơ Minh để trong giây lát cảm nhận được nỗi cô đơn của con người đã vượt bao khó khăn đi tìm đường giải phóng Tổ quốc

Hôm nay ngồi viết lại vài dòng kỷ niệm về anh Hoàng Cơ Minh, tôi cố sắp xếp lại nhưng cũng vẫn thấy khó trình bầy vì anh vừa là một người anh lớn, một người bạn, một ông thầy và một vị lãnh đạo. Trong bốn vai trò này, tôi thấy vai trò một vị lãnh đạo là thích hợp hơn cả. Giữa anh và tôi không phải chỉ có tình anh em, kỷ niệm bạn bè, tương quan thầy trò, anh đã mở ra con đường cho tôi và hướng dẫn tôi để có thể tự vẽ ra đoạn đường tiến tới cho chính mình, thử hỏi còn tấm gương lãnh đạo nào đáng quý hơn?

Hoàng Cơ Định



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét