Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Phạm Trần - Càng định hướng, càng làm thuê và lệ thuộc Trung Quốc (Tiếp theo và hết)



Phạm Trần - Càng định hướng, càng làm thuê và lệ thuộc Trung Quốc


(Tiếp theo và hết)



Nhưng tại sao trong suốt 30 năm qua, qua 5 đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng mà chẳng có ai nghĩ ra “làm nổi con ốc vít” cho đất nước?


150306003


TỪ CƯƠNG LĨNH ĐẾN HIẾN PHÁP

Nhưng cả 5 ông này đều rất hồ hởi cổ võ cho chủ trương “Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo”,  theo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, ngày 27-6-1991.

Đến Đại hội đảng XI (2011), Cương lĩnh được bổ sung nhưng vẫn hố hoán lên: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”

Cuối cùng, quan điểm làm kinh tế theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được viết vào Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 trong 2 Điều:

Điều 51

  1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

  1. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

  1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Điều 52

Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.

Như vậy từ năm 1991 (Đại hội đảng VII) cho đến Hiến pháp mới năm 2013, đảng CSVN chỉ nhắc đi nhắc lại chuyện làm “kinh tế thị trường” theo Chủ nghĩa Tư bản, nhưng lại thòng thêm cái đuôi “theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, hay Cộng sản cũng vậy và “Nhà nước phải lãnh đạo”, do đảng CSVN cai trị.

Chính mớ lý luận tổ ong vòng vo Tam quốc này mà kinh tế của Việt Nam đã bị còng tay và chỉ biết làm theo kiểu “mì ăn liền” không cần góp sức sáng tạo ra.

Nhưng ông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng vẫn bảo thủ trong lời phát biểu hôm 28/02/2015: “Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế-xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã từng bước phù hợp với cơ chế thị trường; hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.”

Nếu tốt đẹp như thế thì cần gì phải đổi mới tư duy để vẽ ra  định nghĩa mới ”về khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”  , nhưng vẫn không có lối thoát khỏi vũng lầy hiện nay?

Lý do phải thay đổi thì ai cũng đã nhìn thấy  vì sau 30 năm thực hiện, kinh tế Việt Nam đã hòan tòan lệ thuộc vào Trung Quốc để tồn tại và chỉ biết bắt dân làm công cho nước ngoài và xuất khẩu hàng thô, sơ chế sang Trung Quốc để sau đó lại nhập khẩu hàng chế biến từ những thứ mình xuất khẩu với giá cao hơn.

Vì vậy, ông Thắng mới nói: “Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình này còn có nhiều hạn chế, yếu kém và gặp không ít trở ngại, khó khăn.”

Nhưng đó có phải là lý do buộc những nhà lý luận của đảng phải đưa ra một “định nghĩa mới” cho  Dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ được Khóa đảng XI phân bua tại Đại hội đảng XII, dự trù vào tháng 01/2016, hay tư duy của Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đã cạn tàu ráo máng?

Theo tin TTXVN thì định nghĩa mới như thế này: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.”

Như vậy có khác gì nội dung của Cương lĩnh và Hiến pháp đâu. Tuy câu chữ có vài chỗ mới và thay đổi vị trí nhưng cơ bản “vẫn như cũ”, giống như “rượu cũ” đựng trong “bình mới” vậy thôi.

Chỉ có điều là độ rày, có thể bị áp lực từ Mỹ và nhiều nước trên thế giới chưa chịu nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên các “lão gia” tư tưởng của đảng muốn nói khác cho có vẻ màu mè thành thật.


Họ viết thêm: “ Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội.”

Có một điểm mới quan trọng là có lẽ các “nhà tư tưởng” đã nhìn ra cái đích biến Việt Nam “thành một quốc gia công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”  vào năm 2020 đã “xôi hỏng bỏng không” nên họ đã điều chỉnh lại.

Họ viết tiếp: “ Trên cơ sở thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần nêu trên, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII đã tiếp tục cụ thể hóa, nêu ra phương hướng mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Cụ thể, “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính dự báo được trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.”

Như vậy, khi từ bỏ mục tiêu “công nghiệp hóa” vào năm 2020 nhưng vẫn phải đeo hòn đá tảng “định hướng xã hội chủ nghĩa”  như Trung Quốc là đã mất tự chủ và thất bại ê chề rồi còn gì nữa?

Nhưng ngoài làm công cho nước ngoài để tồn tại, Việt Nam còn bị  nằm gọn trong tay Trung Quốc để được sống tiếp.

Lý do duy nhất vì Việt Nam đã tự biến mình thành “cây tầm gửi” chỉ biết ăn bám vào “mì ăn liền” của hàng Trung Quốc là thói quen lệ thuộc không còn tự hào dân tộc.

Báo Người Lao Động (NLĐ) ngày 09/12/2014 đã chứng minh tình trạng này: “Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua Trung Quốc đạt 13,5 tỉ USD nhưng phải tốn đến 39,9 tỉ USD để nhập lại các mặt hàng từ thị trường này. Kết quả trên đã làm tốc độ nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này tiếp tục tăng hơn 22,1% so với cùng kỳ năm trước (2013) với 26,4 tỉ USD.

Số liệu cụ thể được Tổng cục hải quan công bố, trong 10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã chi ra 403 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, hàng rau quả cũng “ngốn” hơn 337 triệu USD dù đây là mặt hàng Việt Nam sản xuất được, thậm chí dư thừa. Một số loại rau quả, trái cây Trung Quốc do bị người tiêu dùng quay lưng nên thường lập lờ gắn mác hàng Việt như khoai tây, bắp cải, lựu, hồng giòn, lê, táo, quýt… để tiếp cận được với khách hàng.”

Như thế thì  các Bộ, Ngành nhà nước có trách nhiệm an ninh và kinh tế-thương mại, đặc biệt về lĩnh vực kiểm sóat thị trường đang ăn lương của dân để phục vụ ai?

Quan ngại hơn, theo báo NLĐ: “Trong danh mục nông thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc, có đến 798 triệu USD tiền nhập khẩu gạo (dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới); 76,2 triệu USD nhập khẩu cà phê; hơn 759 triệu USD nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn.

Với mặt hàng bánh kẹo, dù không còn là nước nhập khẩu hàng đầu vào Việt Nam nhưng các sản phẩm bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc từ Trung Quốc cũng chiếm 33,5 triệu USD.”

Phản ảnh lời cảnh báo của Giáo sư Hòang Tụy, bài báo cho biết: “ Dẫn đầu trong các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phải kể đến nguyên phụ liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, máy vi tính các loại và linh kiện, các loại vải xơ sợi dệt… Trong đó, nhập khẩu xơ, sợi dệt các loại trị giá hơn 1 tỉ USD, hàng dệt may hơn 387 triệu USD, giày dép các loại là 426 triệu USD và nguyên phụ liệu dệt may da giày khoảng 95 triệu USD.

Tương tự, với các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam cũng tốn hơn 1,7 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Điện thoại các loại và linh kiện nhập khẩu trị giá 368 triệu USD. Điều này cũng dễ hiểu khi mà ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam thua xa các nước, trong khi các đại gia công nghệ như Samsung, LG… đang ngày càng mở rộng sản xuất ở Việt Nam, cần rất nhiều linh kiện, nguyên phụ liệu.”

Như thế rõ ràng đảng và nhà nước CSVN chẳng có kế họach kinh tế “tự lực cánh sinh” gì ráo trọi. Tất tất mọi thứ đều do Trung Quốc cung cấp như Chính phủ trung ương Bắc Kinh đang làm đối với các tỉnh, thành địa phương của Trung Quốc, chỉ khác là Việt Nam đã  xuất khẩu hàng hoá cho Trung Quốc để đổi lấy đồng tiền trả công làm ra sản phẩm cho các công ty nước ngòai sử dụng công nhân rẻ để  sản xuất hàng hóa ở Việt Nam.

Tiến Sỹ Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đã báo động trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn hồi tháng 5 năm 2014 rằng: “Nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các hàng thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao do công nghệ và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.”

Ông Thành  nói: “ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 30 triệu đô la Mỹ thì nhập khẩu từ quốc gia này 300 triệu đô la Mỹ mặt hàng nông sản cùng loại. Điều này cho thấy hoạt động quản lý thị trường hoặc chính sách thương mại của Việt Nam đang có vấn đề.”

Một trong hàng hà sa số “vấn đề” của Việt Nam đối với Trung Quốc là: “Hàng hóa Việt Nam nếu theo con đường tiểu ngạch thì do thương nhân Trung Quốc thu mua tận gốc với giá rẻ, nếu theo con đường chính ngạch thì mới chỉ thâm nhập vào các tỉnh ven biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà chưa thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc.

Trong khi đó ở Trung Quốc, công ty của Trung Quốc vào tận ruộng thu mua của nông dân với giá cao, xuất khẩu sang các nước khác.”

Như thế là Trung Quốc đã “chơi cha” trên mặt Việt Nam rồi còn gì nữa? Họ không thèm nhập khẩu hàng hóa qua cửa chính mà để cho lái buôn lẻ của mình đi vào tận làng thôn Việt Nam  đầu tư và đánh lừa nông dân, nhà sản xuất để mua hàng rẻ hoặc ghìm giá.

Sau đó, hàng chế biến từ các sản phẩm Việt Nam lại được  xuất khẩu qua các nước và  Việt Nam qua ngõ chính  với giá cắt cổ mà nhà nước Việt Nam vẫn “vui vẻ”  nhận hàng thì chỉ có hai ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới trả lời được!

Ngoài tình trạng kinh tế chênh lệch nguy hiểm này, Trung Quốc còn cho thương gia buôn lậu hàng nhập vào Việt Nam, và dán nhãn Việt Nam trên hàng Trung Quốc để phá họai các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng rất ngạc nhiên là không thấy Hội đồng Lý luận Trung ương gồm 42 người, đứng đầu bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương  Đinh Thế Huynh, đề ra kiến nghị nào cho đảng để đối phó với tai họa này từ 30 năm qua.

Hội đồng này đã được trao nhiệm vụ: “Là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng”, nhưng xem ra cũng đã mất định hướng và  “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” như “một số không nhỏ” đảng viên khác.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét