Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

RSF xếp Việt Nam vào nhóm 5 Nhà nước kẻ thù của internet





RSF xếp Việt Nam vào nhóm 5 Nhà nước kẻ thù của internet





Logo ngày Quốc tế chống kiểm duyệt mạng, do
RSF - Phóng Viên Không Biên Giới tổ chức, 12/03/2013.
Ảnh RSF


Hôm nay, 12/03/2013, nhân Ngày Thế giới chống kiểm duyệt internet, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới – RSF - đã công bố một bản báo cáo đặc biệt về tình trạng theo dõi, kiểm duyệt internet trên thế giới. Với nhan đề : « Kỷ nguyên của những tên lính đánh thuê trong lĩnh vực tin học », bản báo cáo tập trung tố cáo 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, được coi là kẻ thù của intenet và 5 doanh nghiệp bị cáo buộc như những tên lính đánh thuê trong việc theo dõi và kiểm duyệt mạng.



Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, tính đến hôm nay, trên thế giới, có gần 180 công dân mạng bị giam giữ chỉ vì họ có các hoạt động thông tin, viết bài trên mạng.


Năm nay, 2013, Phóng Viên Không Biên Giới lập danh sách cụ thể 5 Nhà nước được coi là kẻ thù của internet. Đó là Syria, Trung Quốc, Iran, Bahrain và Việt Nam. Các Nhà nước này đã tiến hành một chính sách theo dõi trên mạng một cách có hệ thống, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Có thể coi đó là những Nhà nước « gián điệp », huy động nhiều nỗ lực để theo dõi các tiếng nói bất đồng chính kiến. Mặt khác, nhiều vụ tấn công tin học, đột nhập vào các website, blog, cài đặt virus tin học đã liên tiếp diễn ra trong thời gian qua.


Tuy nhiên, nếu không có công nghệ tin học tiên tiến, các Nhà nước chuyên chế nói trên không thể kiểm soát được internet, theo dõi công dân của mình. Do vậy, năm nay, lần đầu tiên, Phóng viên Không Biên Giới công bố danh sách 5 công ty tin học được coi là kẻ thù của internet, « những tên lính đánh thuê trong kỷ nguyên tin học » : Đó là Gamma (Anh Quốc), Trovicor (Đức), Hacking Team (Ý), Amesys (Pháp) và Blue Coat (Hoa Kỳ). Các sản phẩm của những công ty này – trên danh nghĩa được coi là những công cụ « tối ưu hóa mạng hoặc chống tội phạm » - trên thực tế, đã và đang được chính quyền các nước chuyên chế sử dụng để đàn áp, vi phạm nhân quyền và tự do thông tin.


Ông Christophe Deloire, tổng thư ký tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nhấn mạnh : « Việc theo dõi trên mạng trở thành một mối nguy hiểm ngày càng lớn đối với các nhà báo, nhà báo công dân, blogger và những người tranh đấu bảo vệ nhân quyền ». Các chế độ tìm cách kiểm soát thông tin chủ trương hành động một cách kín đáo hơn, với những kiểm duyệt tinh tế và bí mật theo dõi, thay vì tiến hành ngăn chặn thông tin, kém hiệu quả và dễ bị lên án.


Theo lãnh đạo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã có thể xẩy ra nhờ việc sử dụng các thiết bị hoặc công nghệ theo dõi, do các doanh nghiệp đặt tại các nước dân chủ cung cấp, và đã đến lúc, lãnh đạo các nước dân chủ này cần phải lên án một cách chính thức những vụ vi phạm quyền tự do ngôn luận trên internet, đề ra các biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt là thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các vũ khí tin học này sang các nước đang chà đạp lên các quyền cơ bản của công dân.


Các cuộc đàm phán giữa các chính phủ về chủ đề này đã được tiến hành từ nhiều năm qua. Tháng 7/1996, thỏa thuận Wassenaar đã được ký kết, nhằm thúc đẩy việc minh bạch hóa và trách nhiệm trong các chuyển giao vũ khí và sản phẩm lưỡng dụng. Đến nay, đã có 40 nước tham gia thỏa thuận này trong đó có Pháp, Anh, Mỹ.


Để giúp những người sử dụng internet tiếp cận, cung cấp thông tin, tránh được sự kiểm soát và tin tặc tấn công, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có những hướng dẫn cụ thể, tại địa chỉ WeFightCensorship.org.


Cũng nhân Ngày Thế giới chống kiểm duyệt tin học, vào lúc 18 giờ, hôm nay, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và tập đoàn Google trao giải thưởng Công dân mạng 2013 cho blogger Việt Nam Huỳnh Ngọc Chênh, tại trụ sở chi nhánh Google France, ở số 8 phố Londres, quận 9 Paris.






Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và tập đoàn Google trao giải thưởng Công dân mạng 2013 cho blogger Việt Nam Huỳnh Ngọc Chênh, tại trụ sở chi nhánh Google France, ở số 8 phố Londres, quận 9 Paris.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét