Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Một đời minh quân vạn cổ ca tụng


Một đời minh quân vạn cổ ca tụng


( 3:43 PM | 25/10/2010 )



Đường Thái Tông Lý Thế Dân xuất thân là gia đình quý tộc. “Thế dân” mang hàm nghĩa là “Tế thế an dân”. Ông chí hướng to lớn, thông minh oai vũ, luôn tràn đầy nhuệ khí hóa gia vi quốc, khai sáng nước Đại Đường thịnh vượng, khiến 4 dân tộc tâm phục, chính thực là một vị anh hùng cổ kim hiếm có.




Đường Thái Tông, một trong những nhân vật nổi tiếng và được kính trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc.






Một: Khởi binh dẹp loạn, bình định Thiên hạ




Thời thiếu niên Lý Thế Dân mỗi ngày đều học văn và luyện võ. Năm 18 tuổi, Lý Thế Dân tại Thái Nguyên theo cha là Lý Uyên khởi binh, phát hịch văn bố cáo thiên hạ trách Tùy Dương Đế nghe lời sàm tấu, sát hại trung lương. Lý Thế Dân trị quân nghiêm minh, bắt được Công hạ Tây Hà cùng với tên quan tham là Quận thừa Cao Đức Nho, Lý Thế Dân nổi giận nói: “Chúng ta dấy binh, chính là để cứu dân trong nước sôi lửa bỏng, tiêu diệt bọn nịnh thần các ngươi!”. Sau đó đem bọn chúng ra chém đầu, cuộc chiến Tây Hà kết thúc tốt đẹp.




Sau đó, lúc tại Nam Hạ tấn công Hoắc Ấp, bởi vì lương thực đã hết, sau lưng lại nghe tin quân Đột Quyết thừa cơ tập kích Thái Nguyên, Lý Uyên quyết định quay về Thái Nguyên tính kế lâu dài. Lý Thế Dân phân tích tình thế, cho rằng quân thủ thành Hoắc Ấp tuyệt nhiên không đáng sợ, nên tấn công diệt trước, sau đó tiến thẳng về Hàm Dương mà hiệu lệnh Thiên hạ, mới có thể tranh thủ chiến lược chiếm được ưu thế chủ động, nhưng Lý Uyên không nghe.




Thấy quân đội đã bắt đầu quay về, Lý Thế Dân vội vàng ở trước trướng khóc lớn. Lý Uyên trong trướng nghe được bèn đến hỏi, Lý Thế Dân khóc khuyên cha: “Bây giờ chúng ta khởi binh chính nghĩa, tiến đánh chắc chắn sẽ thắng. Nếu lui về phía sau sẽ bị tiêu tán, kẻ địch thừa cơ công kích sau lưng, chắc chắn không thể tránh được việc binh bại nhân vong, cho nên đau buồn mà khóc”. Lý Uyên tỉnh ngộ, hạ lệnh truy hồi số quân đã cho quay về.




Không lâu sau lương thực được vận chuyển tới, cha con Lý Uyên dẫn quân tấn công Hoắc Ấp, chỉ một trận là thành công. Sau đó tiến thẳng về Trường An, tướng giữ thành mở cửa thành đầu hàng. Năm 618 sau công nguyên, Lý Uyên xưng đế tại Trường An, đổi quốc hiệu thành Đường, Lý Thế Dân được phong làm Tần Vương.




Vào lúc triều đại nhà Đường được kiến lập, cũng là lúc các phe phái quân sự chiếm giữ các vùng đang hỗn chiến đến cao trào. Lý Thế Dân 20 tuổi dũng cảm khởi binh đi bình định thế lực các phương, gánh trên vai trọng trách thống nhất toàn quốc.




Ông mỗi lần tác chiến luôn xung phong dẫn đầu binh sỹ, lúc nghỉ ngơi thì tướng sỹ cùng ăn cùng ngủ, đồng cam cộng khổ. Có một lần, ông mang 500 kỵ binh đi xem xét địa hình tiền phương, kết quả bị kỵ binh của quân địch bao vây. Tướng địch là Đan Hùng Tín cầm thương tấn công Lý Thế Dân, tướng Trì Kính Đức cưỡi ngựa tiếp chiến, đánh Đan Hùng Tín ngã ngựa, yểm hộ Lý Thế Dân đột phá vòng vây.


Một lần trong khi truy kích quân địch, Lý Thế Dân từng 2 ngày không ăn uống gì, giáp trụ cũng 3 ngày không cởi. Tướng sỹ đều rất mệt nhọc đói khát, nhưng lúc ấy chỉ có một con dê, Lý Thế Dân với tướng sỹ cùng ăn, cho nên tướng sỹ đều cảm động ân nghĩa ấy không thôi, mọi người tranh nhau dẫn đầu truy kích.




Quân của ông có nhuệ khí rất cao, đánh luôn luôn thắng. Trước sau Lý Thế Dân đã chỉ mất có 10 năm để hoàn thành đại nghiệp thống nhất nước nhà.



Lý Thế Dân còn thành lập ra một Văn học quán tại phía Tây cung Tần Vương, chiêu mời học giả bốn phương. Nổi tiếng nhất có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối cùng với 18 vị học sỹ khác. Ông lại chia các vị học sỹ làm 3 đợt, luân phiên nhau tự quản lý, còn bản thân lúc có thời gian liền đến Văn học quán, cùng các vị học sỹ thảo luận các câu chuyện lịch sử cho đến tận đêm khuya. Văn học quán trong xã hội danh tiếng rất lớn, nếu ai được là học sỹ, thì người ta liền nói là người ấy “đăng Doanh Châu” (Doanh Châu là một ngọn núi trên thiên đình, chiểu theo truyền thuyết Trung Hoa).




Hai: Đại lượng nghe lời khuyên can, chỉ thu nhận hiền tài



Đường Cao Tổ Lý Uyên





Công nguyên năm 627, Lý Uyên tự xưng Thái Thượng Hoàng, Lý Thế Dân kế vị, sử sách gọi là Đường Thái Tông.


Đường Thái Tông lấy thái độ khoan dung đối đãi với những người theo phái của Thái tử trước kia, cho nên rất nhiều người ở phía đối lập có thể có được cơ hội chuyển sang, trở thành những tài năng hữu dụng trong việc quản lý quốc gia. Ngụy Chinh chính là một người hết sức nổi tiếng trong số đó. Ngụy Chinh đề xuất với Đường Thái Tông 200 ý kiến, đều được chấp thuận. Ngụy Chinh chết, Đường Thái Tông hết sức đau buồn, nói: “Bởi có chiếc gương đồng, có thể chỉnh đốn được tác phong; lấy cổ làm gương, có thể biết được thịnh suy thế gian; lấy người làm gương, có thể biết được điều đúng điều sai. Ngụy Chinh chết rồi, ta đã mất đi một tấm gương”.




Đường Thái Tông túc trí đa mưu, nhưng trong việc trị quốc không phải là người cơ hội, hoặc đùa giỡn. Ông thành tâm lắng nghe ý kiến phê bình của các đại thần, nói rằng: “Trực ngôn cương nghị, khiến Thiên hạ thái bình“. (Trinh quan chính yếu – Luận cầu gián). Có một lần, ông lại muốn quần thần đề xuất ý kiến với mình, bọn người Trưởng Tôn Vô Kỵ bèn nói Hoàng thượng không làm gì sai sót cả. Đường Thái Tông nghe xong rất mất hứng, phê bình bọn họ rằng: “Ta hỏi việc các vị, ta đâu có trách phạt, nhưng các vị lại a dua nịnh nọt với ta. Ta muốn liệt kê những điều hay dở của các vị ngay trước mặt các vị, cho các vị từ bỏ cái bệnh nói lời xu nịnh đi”. Tiếp đó Đường Thái Tông nói hết ra ưu khuyết điểm của mỗi vị đại thần.




Có người lo rằng khuyên can thẳng thắn có thể làm tổn hại đến uy nghiêm của thiên tử, Đường Thái Tông nói: “Người ta không dám nói, oán khí khó tiêu, khó biết được tình cảnh thực sự, đó mới là điều làm ta lo lắng nhất. Nếu ta thất Đức, các vị hãy nhất nhất chỉ ra, ta quyết không trách tội. Không tự biết cái sai của mình thì thật là khổ!”. (Đường Thái Tông ký). Trăm quan được giải trừ lòng nghi sợ, đều trình tấu mọi điều được mất trong chính sự.




Trung lang tướng Thường Hà không giỏi viết văn, cho nên nhờ người khách nghèo sống trong nhà mình là Mã Chu viết hộ, viết ra 20 điều tấu sự để trình lên Hoàng đế. Mã Chu trong tấu chương kể rõ những chỗ yếu kém của quốc gia, Đường Thái Tông không tin những điều trong đó lại do một võ tướng viết ra được, liền gạn hỏi. Thường Hà kể hết đầu đuôi sự việc, Đường Thái Tông nghiêm túc ra lệnh: “Bản tấu này không phải là khanh tự viết, cho nên cần phải ghi rõ tên họ của Mã Chu lên đó, như thế mới hợp lý. Ta chân thành cầu người khuyên can, khanh cũng nên dụng tâm như thế”. Thường Hà mấy lần thúc giục Mã Chu tới diện kiến Hoàng đế, Thái Tông sau khi nói chuyện lập tức lệnh phong Mã Chu làm quan trong triều, sau này trở thành một vị Đại thần hết sức nổi tiếng.




Đường Thái Tông tuyển mộ quan lại tuy là rất rộng cửa, nhưng không bởi vì cầu hiền mà hạ thấp tiêu chuẩn, ông sử dụng người hiền tài đều là dựa vào tài năng và phẩm hạnh của người ấy mà nghiêm khắc cân nhắc lựa chọn.


Ông cũng giỏi dùng người đúng chỗ, hiểu rõ tài riêng của từng người, khiến cho họ đều có thể phát huy được hết sở trường của mình. Trong lịch sử nổi tiếng nhất có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối là những điển hình, những người này không giỏi xử án hoặc xử lý tạp vụ, nhưng lại rất giỏi mưu cơ và quyết định quốc gia đại sự, cho nên dùng bọn họ làm Tể tướng. Còn với Đới Trụ thì ngược lại, ông ta không thông kinh sử, nhưng làm việc chính trực, cho nên để cho ông ta làm Đại Lý tự Thiếu khanh, phụ trách xử án, kết quả ông ta làm việc hết sức tốt đẹp, rất đúng như Đường Thái Tông trông đợi.




Để tuyển quan Thứ sử giỏi, Đường Thái Tông đã bỏ rất nhiều công phu, ông cho viết tất cả tên họ cùng với thông tin cá nhân của các quan Thứ sử trong cả nước lên tấm bình phong trong phòng ngủ của mình, căn cứ vào đủ loại tin tức kịp thời ghi chép lại công quả của mỗi người trong số họ, căn cứ vào đó để khảo hạch và tuyển chọn. Ông còn lợi dụng chế độ khoa cử, cho những người đọc sách có cơ hội tốt để được vào cung. Mỗi lần ông nhìn thấy đông đảo những người đỗ đạt tân khoa, đều cao hứng nói rằng, “Hiền tài trong thiên hạ đều đã đến để phục vụ quốc gia”.


Ba: Làm lợi cho dân, thực hành tiết kiệm và kỷ luật.



Bức thư pháp của Đường Thái Tông trên bia đá đời Đường




Đường Thái Tông đưa ra tư tưởng “Dân là cái gốc của quốc gia”, chế định rất nhiều sáng kiến để phát triển kinh tế: khuyến khích chế độ quân điền (mỗi người được cho một khoảnh đất như nhau để canh tác), khích lệ khẩn hoang: ban hành mức thuế mới để giảm nhẹ gánh nặng cho dân ;khuyến khích tăng dân số, phát triển sản xuất; phát triển hệ thống thủy lợi, nạo vét sông và kênh mương .



Có người lo rằng lợi dân như thế thì tiền thuế của quốc gia sẽ không đủ, cho nên can gián nói rằng: “Hiện tại quốc gia đúng là lúc cần dùng tiền, nếu chỉ lo an dân, nhiều việc quốc gia đại sự không thể tiến hành được”.




Đường Thái Tông nhân dịp này liền bảo quần thần: “Để dựng nước, trước tiên phải có được lòng dân, để quốc gia giàu mạnh, trước tiên phải làm cho bách tính ăn mặc có dư. Dân oán không trừ, đó là mối nguy lớn của quốc gia, ngoài ra đều không có gì quan trọng”.




Ông còn chủ trì việc chế định ra “Trinh Quán luật”, có chế độ thưởng phạt công minh, tăng cường việc thiết lập nền pháp chế.




Thời thái bình thịnh trị đến rất nhanh chóng, lương thực nhiều năm liên tiếp bội thu, giá cả nhanh chóng hạ xuống. Trăm họ bắt đầu an cư lạc nghiệp, quốc gia giàu có thịnh vượng.




Đường Thái Tông tại phương diện đề xướng việc thực hành tiết kiệm cũng đã làm gương mẫu cho quần thần. Cung điện ông ở cũng là xây dựng từ đầu thời đại nhà Tùy, đều đã cũ nát. Ông ra lệnh cấm quan lại xa xỉ lãng phí. Cho nên, trong các đại thần hình thành được một tác phong tiết kiệm, xuất hiện rất nhiều đại thần thanh liêm cần kiệm. Như Thượng thư bộ hộ Đới Trụ, bởi khi còn sống cuộc sống nổi tiếng giản dị, thậm chí sau khi chết trong nhà không tìm thấy chỗ nào trang trọng để mà thờ cúng. Về phần Ngụy Chinh càng như thế, cả đời không có được một ngôi nhà đúng nghĩa.


Đường Thái Tông còn chú trọng sự tu dưỡng của bản thân. Tài năng thơ văn của ông rất cao, nhưng bởi vì ông khiêm nhường không nặng danh tiếng, nên vẫn cấm người khác biên tập thơ văn của mình thành bộ. Ông nói: “Văn tự của Trẫm , nếu quả thật có ích đối với bách tính, lịch sử sẽ ghi lại, như thế có thể lưu lại trăm đời về sau. Nếu không có gì hay, biên thành tập có tác dụng gì?! Lương Vũ Đế, Trần Hậu Chủ, Tùy Dương Đế đều có tập truyện văn lưu lại cho hậu thế, người nào cũng không có khả năng cứu vãn vận mệnh diệt vong! Làm người sợ nhất là không có Đức chính, văn chương như thế đối với xã tắc thì dùng để làm gì!”.


Sau này người triều đại nhà Thanh biên tập thơ văn của ông đưa vào “Toàn Dương thi” và “Toàn Đường văn”, cùng với 7 quyển Kế văn, 5 bài phú, 1 quyển thơ gồm 69 bài.


Như trong bài thơ “Hoàn thiểm thuật hoài” của ông :
Khái nhiên phủ trường kiếm, tể thế khởi yêu danh.
Tinh kỳ phân điện cử, nhật vũ túc thiên hành.
Biến dã truân vạn kỵ, lâm nguyên trú ngũ doanh.
Đăng sơn huy vũ tiết, bối thủy túng thần binh.
Tại tích nhung qua động, kim lai vũ trụ bình”


Những người viết sử cảm thụ được tiết tháo cao thượng cùng với hoài bão kiến lập đại nghiệp của ông: “Tâm tùy lãng nhật cao, chí dữ thu sương khiết” (trong “Kinh phá tiết cử chiến địa”).




Bốn: Giúp các Dân tộc thuận hòa, xây dựng thời thịnh trị



Đường Thái Tông (626-649) đã nhận Ludongzan, sứ giả Tây Tạng vào trong triều; bức tranh được vẽ vào năm 641 sau công nguyên bởi Yan Liben





Bởi nỗ lực của Đường Thái Tông, người Hán và các dân tộc thiểu số đều đối xử hòa thuận với nhau. Ông cũng dùng một số quan lại người dân tộc thiểu số. Ông chấp thuận dân tộc thiểu số trong thiên hạ, định cư tại Trường An. Thời ấy tại Trường An dân tộc Đột Quyết có đến cả vạn gia đình. Công nguyên năm 630, thủ lĩnh các cộng đồng dân tộc vùng Tây Bắc cùng thỉnh cầu được gọi Đường Thái Tông là “Thiên khả Hãn”, được Đường Thái Tông đồng ý, từ đó về sau hay dùng chiếc ấn khắc chữ “Thiên khả Hãn” trong các chiếu thư cho các dân tộc vùng Tây Bắc.




Một lần Thái thượng hoàng Lý Uyên cùng với Đường Thái Tông yến tiệc với quần thần, Lý Uyên để cho Hiệt Lợi khả Hãn vũ múa để giúp vui, lại để cho thủ lĩnh dân tộc phương Nam là Phùng Trí ngâm thơ, không khí vô cùng hào hùng sôi nổi. Lý Uyên cao hứng nói: “Hồ Việt một nhà, xưa nay chưa từng có!”.




Sau này, Đường Thái Tông hỏi quần thần: “Như thế nào mới có thể giải quyết từ căn bản vấn đề quan hệ giữa các dân tộc?”. Các câu trả lời của các vị đại thần đều không làm ông thỏa mãn, cuối cùng ông tự tổng kết ra được 5 điều kinh nghiệm, trong đó điều quan trọng nhất là: “Cần phải yêu chuộng người Hán và người các dân tộc khác như nhau”.


Thời đó Đường triều tại các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa mọi phương diện đều là có địa vị đứng đầu thế giới, biên cương rất rộng lớn, cai trị thời Trinh Quan đã vẽ nên một bức tranh hết sức mỹ lệ huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc.




Đường Thái Tông đối nội thực hành chính sách mềm dẻo, cùng dân nghỉ ngơi, hiền tài đều được trọng dụng, đất nước không có án oan. Về đối ngoại lấy Đức thu phục người, văn hay võ tùy dùng từng lúc, khiến Trung Quốc không chỉ trở thành quốc gia hùng mạnh và giàu có thịnh vượng nhất trên thế giới, mà còn là đất nước văn minh bậc nhất, các nước lân cận đều rất ngưỡng mộ. Rất nhiều quốc gia thậm chí còn sử dụng trực tiếp mô hình chính sách của nhà Đường. Xã hội Nhật Bản thời cổ về chính trị và kinh tế tựa hồ như là phiên bản của Đường triều. Rất nhiều sứ thần, lưu học sinh cùng với nghệ nhân, tăng lữ từ Á châu, Phi châu đều đến Đường triều, đến Trường An, khiến Trường An thời bấy giờ trở thành một đô thành có tính quốc tế. Văn hóa thời đại nhà Đường, tôn giáo đều đạt đến thời kỳ cực thịnh. Bởi địa vị của Đường triều trên thế giới vào lúc ấy, các sứ giả và thương nhân Trung Quốc cũng xuất hiện tại khắp các quốc gia Á châu, cho nên người nước ngoài liền gọi chung người Trung Quốc là “Đường gia tử” (”Người nhà Đường”). Ngày nay người phương Tây vẫn gọi người Trung Quốc là “Đường nhân” (”Người Đường”).


Vào những năm chiến tranh Lý Thế Dân luôn tuyển chọn những anh hùng hào kiệt có võ công cao cường nhất vào đội ngũ kỵ binh của mình, thời bình thì tập trung những học giả ưu tú nhất về phủ Tần Vương, nắm giữ thiên hạ, thống lĩnh quần hùng sáng lập nên cẩm tú sơn hà, xã hội phồn vinh, cùng một nền văn hóa sáng lạn. Mọi người tưởng nhớ vĩnh viễn trong ký ức một Thiên triều vĩ đại, vô hạn kính ngưỡng khí chất chính nghĩa, lòng nhân ái, sự khiêm tốn và hoài bão to lớn của Hoàng đế Đường Thái Tông.

(theo minhhue.net)


Ba điều ước cuối cùng của Alexander Đại đế

( 9:44 AM | 11/12/2011 )

Alexander là một vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sỹ quan của mình: "Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước. Các ngươi cần phải thực hiện những gì ta bảo". Các vị tướng tuân lệnh trong dòng nước mắt.







"Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái hòm rỗng của ta về một mình". Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp: "Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng, bạc và châu báu trong kho tàng của ta trên suốt dọc đường đến nấm mồ khi các ngươi mang quan tài của ta ra nghĩa địa". Sau khi quấn mình trong chiếc áo khoác và nghỉ một lúc, ông nói tiếp: "Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài".




Mọi người xung quanh ông tất cả đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân. Vị sủng tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi: "Thưa đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?".







Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời: "Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta đã học được. Để cho người thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình là để người ta nhận ra rằng một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho người ta. Nhất là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng phải trân quý cuộc sống của họ.




Mong ước thứ hai của ta là để nhắn nhủ mọi người rằng không nên giống như ta theo đuổi mộng giàu sang. Ta tiêu tốn cả đời chạy theo sự giàu có, nhưng ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian của đời người. Mong ước thứ ba của ta là để người đời hiểu rằng ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn tay trắng", nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng.

Lý Mạnh



3 bức tượng bằng vàng

( 9:40 AM | 09/12/2011 )



Viên sứ giả yên lặng, bởi vì câu trả lời hoàn toàn đúng.






Ngày xưa, một nước nhỏ nọ phái sứ giả đến Trung Quốc và dâng lên ba bức tượng tạc hình người bằng vàng giống hệt nhau. Hoàng đế Trung Quốc rất lấy làm hài lòng. Nhưng vị sứ giả kia lại đặt ra một câu hỏi: "Bức tượng nào là đáng giá nhất?". Nếu các viên quan trong triều không đưa ra được câu trả lời đúng, ông ta sẽ lấy lại 3 bức tượng và điều đó chẳng khác nào một sự sỉ nhục với hoàng đế và các quan lại Trung Quốc.




Hoàng đế thử nhiều cách khác nhau, ông cho thợ kim hoàn kiểm tra cả 3 bức tượng, nhưng trọng lượng và chạm trổ của chúng lại giống nhau như hệt. Phải làm sao đây? Một nước lớn như thế lại không thể tìm ra câu trả lời cho một câu đố đơn giản như thế ư? May thay, cuối cùng một vị lão quan nói rằng ông có một cách để nhận ra bức tượng nào đáng giá nhất.




Vị sứ giả và các viên quan khác được mời đến hoàng cung để cùng chứng kiến. Vị lão quan cầm trên tay ba cọng rơm, ông nhét một cọng rơm vào tai của bức tượng hình người đầu tiên, cọng rơm liền xuyên sang bên tai kia. Rồi ông lại xuyên cọng rơm vào tai bức tượng thứ hai, lần này cọng rơm xuyên ra ngoài miệng tượng. Cuối cùng ông xuyên cọng rơm vào bức tượng thứ ba, cọng rơm rơi xuống bụng của bức tượng mà không phát ra tiếng động nào. Vị lão quan quả quyết nói: "Bức tượng cuối cùng là quý giá nhất".


Vị sứ giả yên lặng, bởi vì câu trả lời hoàn toàn đúng.


Bức tượng đầu tiên cọng rơm xuyên vào tai này rồi chui sang tai kia gợi nhớ đến câu thành ngữ: "Nghe tai này, lọt tai kia", gợi nhớ về một người không biết lắng nghe. Bức tượng thứ hai tượng trưng cho những người thích ngồi lê đôi mách, khi nghe được điều gì miệng họ sẽ chẳng giữ được yên. Bức tượng thứ ba thể hiện một người cao quý, khi nghe được điều gì đó, họ giữ nó trong lòng mà không ba hoa với người khác.




Câu chuyện này nói với chúng ta rằng, người đáng quý nhất không nhất thiết là một người giỏi ăn nói. Thượng Đế cho chúng ta hai cái tai và một cái miệng vì Ngài muốn chúng ta nói ít hơn và nghe nhiều hơn. Làm một người biết lắng nghe, đó là phẩm chất cơ bản nhất của một con người chín chắn.


(Theo Kanzhongguo)



Stanislav Petrov – Vị anh hùng của thế giới

( 9:02 AM | 03/12/2011 )




Trung tá Stanislav Petrov có nhiệm vụ sử dụng máy tính và vệ tinh để cảnh báo Liên Xô nếu có bất kỳ một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân nào của Hoa Kỳ. Trong trường hợp như vậy, chiến lược của Liên Xô là ngay lập tức khởi động toàn bộ vũ khí hạt nhân tấn công đáp trả Hoa Kỳ.



Ông đã ngăn chặn một thảm họa diệt vong toàn nhân loại. Tất cả chúng ta và con cháu của chúng ta đã nợ ông, mãi mãi…



Năm 1983 ở Nga, ông đã trở thành người anh hùng “vô danh” đối với nước Mỹ và toàn thể thế giới, và có lẽ là người anh hùng vĩ đại nhất mọi thời đại. Do bí mật quân sự, và các khác biệt về chính trị và quan hệ quốc tế, hầu hết người dân thế giới đều chưa từng nghe nhắc đến ông. Ông là Stanislav Petrov.


Sự kiện lạ lùng mà đã khiến ông trở thành anh hùng, đã xảy ra gần thủ đô Moscow của Liên Xô cũ, lúc rạng sáng ngày 26 tháng 9 năm 1983. Vì sự khác biệt múi giờ, lúc đó vẫn đang là buổi chiều Chủ nhật ngày 25 tháng 9 theo giờ Mỹ.


Trong cuộc Chiến Tranh Lạnh vào thời gian này, Mỹ và Liên Xô là những kẻ thù không đội trời chung. Hai siêu cường thế giới đã không tin tưởng lẫn nhau, và mối ngờ vực ấy đã dẫn đến một hậu quả nguy hiểm: Họ chế tạo hàng ngàn vũ khí hạt nhân, sử dụng chúng để chống lại nhau nếu một khi cuộc chiến giữa họ bùng nổ. Nếu xảy ra một cuộc chiến như thế, thì những quốc gia này rất có thể đã tàn phá lẫn nhau và phần lớn thế giới từ lâu, kết quả có lẽ đã là cái chết của hàng trăm triệu người.



Vào cái ngày đặc biệt ấy, có điều gì đó đã nhầm lẫn. Máy tính đột nhiên nổi chuông báo động, cảnh báo một tên lửa của Mỹ đang hướng về phía Liên Xô. Trung tá Petrov cho rằng đã xảy ra một lỗi máy tính, bởi lẽ Hoa Kỳ không thể chỉ khởi động một tên lửa để tấn công Liên Xô – nó phải khởi động nhiều tên lửa mới đúng. Hơn nữa, hệ thống vệ tinh đang được sử dụng rất thiếu tin cậy. Vì thế ông đã bỏ qua cảnh báo, và kết luận rằng thực ra không có bất kỳ tên lửa nào đã được phóng từ Hoa Kỳ cả.


Nhưng chỉ một lát sau, tình huống trở nên rất nghiêm trọng. Lần này hệ thống máy tính cho biết một tên lửa thứ hai đã được Hoa Kỳ phóng đi và đang tiếp cận Liên Xô. Sau đó nó hiển thị tên lửa thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm. Chuông báo động vang lên inh ỏi. Nút “Khởi động” trước mặt trung tá Petrov lúc ấy đang nhấp nháy sáng, có lẽ nó ngụ ý nhắc nhở Liên Xô phải khởi động một cuộc tấn công ồ ạt chống lại Hoa Kỳ.




Mặc dù trung tá Petrov có một cảm giác day dứt là hệ thống máy tính nhầm lẫn, nhưng ông không có cách nào để biết chắc chắn. Không có gì khác để xác minh. Rađa mặt đất của Liên Xô không có khả năng phát hiện bất kỳ tên lửa nào ở độ cao quá mức, và đến khi rađa mặt đất nhận được tín hiệu thì sẽ là quá muộn. Tồi tệ hơn, ông chỉ có một vài phút để quyết định báo cáo điều gì với lãnh đạo Liên Xô. Ông đã đưa ra quyết định cuối cùng: ông tin vào trực giác của mình và tuyên bố đó là một báo động giả. Ông nhận thấy rằng, nếu ông sai thì những tên lửa hạt nhân của Hoa Kỳ sẽ sớm rơi xuống Liên Xô.




Ông chờ đợi. Một phút rồi hai phút trôi qua. Mọi thứ vẫn yên tĩnh – không một tên lửa, không một sự phá hủy nào cả. Quyết định của ông đã đúng. Stanislav Petrov đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Ông là một anh hùng. Những người xung quanh ông đã chúc mừng sự phán đoán tuyệt vời của ông.







Nhưng ông đã không làm theo thủ tục quân sự, đã bất chấp sự cảnh báo của máy tính. Và chính vì điều đó, ông đã bị cấp trên tra khảo gay gắt về hành động của ông trong tình huống cực kỳ căng thẳng đó. Có lẽ bởi vì ông phớt lờ những cảnh báo đó, ông đã không còn được coi là một sĩ quan quân đội đáng tin cậy nữa. Trong quân đội quân lệnh luôn luôn phải được thực hiện, không được hỏi.




Cuối cùng, quân đội Liên Xô đã không khen thưởng hay tuyên dương hành đồng của Stanislav Petrov. Họ cũng không trừng phạt ông. Nhưng sự nghiệp quân sự đầy triển vọng của ông đã chấm dứt. Ông đã bị điều đến một vị trí ít nhạy cảm hơn rồi nhanh chóng bị cho nghỉ hưu sớm. Ông vẫn tiếp tục sinh sống ở Nga bằng tiền lương hưu còm cõi.


Nhờ hành động của Stanislav Petrov vào cái ngày năm 1983 ấy mà Trái Đất tránh khỏi một thảm kịch bi đát nhất trong lịch sử nhân loại. Stanislav Petrov cho biết ông không tự xem mình là một người anh hùng vì điều mà ông đã làm vào ngày hôm đó. Nhưng, với vô số sinh  mạng được cứu thoát cùng với hành tinh xanh của chúng ta, không thể phủ nhận ông là một trong những vị anh hùng vĩ đại nhất mọi thời đại.


Còn có một điều may mắn kỳ lạ cho nhân loại chúng ta. Vào cái đêm định mệnh ấy, nhẽ ra Stanislav Petrov không ở đó. Ban đầu ca trực ấy vốn thuộc về người khác, nhưng sau vì một nguyên do bí ẩn nào đó, ông đã được lựa chọn trực máy để thay thế cho người kia. Nếu ông không ở đó mà là một sĩ quan chỉ huy khác, thì người đó sẽ không nghi ngờ gì về hệ thống báo động của máy tính, và thế giới đáng ra đã chìm vào một cuộc thảm sát hạt nhân hủy diệt toàn nhân loại. Đó là điều may mắn không thể nghĩ bàn đối với nước Mỹ và cả thế giới. Nhưng đối với Stanislav Petrov, sự kiện đó đã hủy hoại sự nghiệp, sức khỏe và sự yên bình trong tâm hồn ông. Đó là một món nợ mà thế giới này không bao giờ trả hết.

Sử Minh


Nguồn:
>> 3 bức tượng bằng vàng
>> Stanislav Petrov – Vị anh hùng của thế giới
>> Tài đức của lãnh đạo và vận mệnh của nhân dân
>> Sự cao quý châu Âu (2)
>> Thay đổi số mệnh
>> Hành trình về phương Đông (kỳ 1)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét