2011 : Cách mạng Hoa Sen tại châu Á
Đức Tâm
Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi phát biểu tại Rangoon ngày 10/12/2011 trong lễ kỷ niệm 20 năm được trao giải Nobel hòa bình.
REUTERS/Soe Zeya Tun
Giới báo chí thường hay thi vị hóa, hình tượng hóa các cuộc cách mạng trên thế giới. Làn gió cuộc cách mạng hồi mùa Xuân 2011, được ví von là cách mạng Hoa Nhài, đã thổi bay một vài chế độ độc tài, toàn trị trong thế giới Ả Rập và ở châu Phi. Tại châu Á, làn sóng dân chủ hóa, tuy lan tỏa chậm, được gọi là cuộc cách mạng Hoa Sen, cũng đã gặt hái được những thành công, đặc biệt là trường hợp của Miến Điện.
Từ cuối năm ngoái đến nay, đất nước Miến Điện đã chứng kiến nhiều thay đổi ngoạn mục : Tổ chức tổng tuyển cử, cho dù phương Tây coi đây là một trò hề, lãnh đạo đối lập, giải Nobel Hòa bình Aung Sann Suu Kyi được trả tự do, tập đoàn quân sự cầm quyền tự giải tán và một chính phủ “dân sự” được thành lập mặc dù Tổng thống và các thành viên chủ chốt trong chính phủ này là cựu tướng lĩnh. Khoảng 200 tù chính trị được thả, chính quyền ban hành luật biểu tình, luật đình công, thừa nhận quyền lập công đoàn, bãi bỏ một số chính sách kiểm duyệt báo chí, Tổng thống Miến Điện khẳng định đã lắng nghe ý kiến của người dân khi quyết định đình chỉ việc xây dựng một con đập do Trung Quốc tài trợ…
Đương nhiên, con đường đưa Miến Điện tới đích dân chủ hóa thật sự vẫn còn dài. Đất nước này còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc và hiện vẫn có từ 500 đến 1.600 tù chính trị bị giam cầm.
Giới phân tích tỏ thái độ thận trọng nhưng đồng thời cũng thừa nhận là xu hướng cải cách tại Miến Điện là không thể đảo ngược được.
Ông Jim Della-Giacoma, giám đốc dự án Đông Nam Á, thuộc tổ chức International Crisis Group, được AFP trích dẫn, nhận định: “Những nhượng bộ nhỏ nhoi mà chúng ta đã nhìn thấy nằm trong đà chuyển đổi rộng lớn cho thấy là các cuộc cải cách quan trọng sẽ diễn ra trong tương lai”.
Bà Bridget Welsh, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Quản trị Singapore (Singapore Management University) khẳng định rằng ngoài trường hợp Miến Điện, xu hướng mở cửa cũng đã xuất hiện tại một số quốc gia vốn được coi là những nước khép kín nhất khu vực châu Á. Bà dự báo: “Nếu như tiến bộ đã xuất hiện tại những góc tối nhất của nền dân chủ thì điều chắc chắn là tiến bộ sẽ hiện diện tại những nơi có ánh sáng”.
Trong cuộc bầu cử hồi tháng Năm vừa qua, Đảng Nhân dân Hành động (PAP), cầm quyền ở Singapore từ nửa thế kỷ qua, thu được tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ thấp nhất kể từ khi quốc đảo này giành độc lập, trong khi đó số đại diện của phe đối lập tại nghị viện đã tăng gấp ba, cho dù chính quyền nước này vẫn áp dụng chính sách hạn chế các quyền tự do chính trị.
Tại Malaysia, hồi tháng Bẩy, hàng ngàn người đã biểu tình ở thủ đô Kuala Lumpur để đòi cải cách bầu cử. Các cuộc biểu tình đã bị trấn áp mạnh mẽ, thế nhưng Thủ tướng Najib Razak buộc phải thông báo hủy bỏ đạo luật về an ninh quốc nội (ISA), vốn được áp dụng từ khoảng 50 năm qua và cho phép giam giữ người mà không cần xét xử. Sắp tới, nhiều đạo luật hạn chế hoặc vi phạm các quyền tự do của công dân cũng sẽ được xóa bỏ.
Giải thích về những thay đổi tại châu Á, chuyên gia Ernest Bower, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Center for Strategies and International Studies – SCIS) cho rằng “các chính phủ này tiến hành cải cách để tiếp tục nắm quyền” chứ không phải để chia sẻ quyền lực với phe đối lập và bảo đảm tiến trình thay đổi chính trị.
Thế nhưng, tại châu Á, vẫn còn nhiều nơi mà hương sen chưa lan tỏa tới. AFP nêu trường hợp của Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên. Những nước này tiếp tục củng cố chế độ độc đảng lãnh đạo, trấn áp giới ly khai, tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông và người dân.
Lo ngại ảnh hưởng của cuộc cách mạng Hoa Nhài trong thế giới Ả Rập lan sang Trung Quốc, đặc biệt qua internet, từ đầu năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành chiến dịch bắt giữ, giam cầm các nhà ly khai. Trong tháng Hai, an ninh Trung Quốc đã thẳng tay giải tán các cuộc tụ tập theo lời kêu gọi được đăng trên internet, đến từ các tổ chức ẩn danh. Từ đó đến nay, giới ly khai Trung Quốc bị bịt miệng. Tuy vậy, giáo sư Hồ Tinh Đẩu, ở Học viện Công nghệ Bắc Kinh vẫn tỏ ra lạc quan: “Làn sóng dân chủ rất cao … và Trung Quốc sẽ phải theo phong trào này”.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là những thay đổi, cải cách ở châu Á sẽ diễn ra theo nhịp độ nào? Phải chăng hương sen lan tỏa chậm hơn hương nhài?
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét