Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Ổn định chính trị hay ổn định thật sự cho nhân dân




Ổn định chính trị hay ổn định thật sự cho nhân dân


Song Chi




Từ trước đến nay, sự “ổn định chính trị” là một trong những “thành tựu” được nhà nước Việt Nam đưa ra để chứng minh (thực tế là bao biện) cho năng lực lãnh đạo, tính chính danh của đảng cộng sản suốt nhiều thập niên qua.





Mật vụ đang lùa bắt người biểu tình chống Trung quốc bá quyền ở Hà Nội lên xe buýt ngày 21 tháng 8, 2011. (Hình: IAN TIMBERLAKE/AFP/Getty Images)





Ngược lại, nhằm thoái thác về việc không muốn thay đổi hệ thống chính trị trở thành một quốc gia tự do dân chủ, đa nguyên, đa đảng, nhà nước Việt Nam thường viện dẫn lý do dân trí chưa cao, đa đảng sẽ dẫn đến hỗn loạn, v.v.



Ðiều đáng nói là do được nghe quen những luận điệu này, cộng với nỗi ám ảnh về những năm tháng chiến tranh đau thương kéo dài đã qua của đất nước, một số người dân cho đến tận thời điểm bây giờ cũng có những ý nghĩ như vậy. Rằng sự ổn định là quan trọng nhất.



Người ta sợ hãi chiến tranh, sợ hãi mọi cuộc cách mạng dù dưới hình thức nào, và hoài nghi mọi sự thay đổi. Một chế độ khác chắc gì đã tốt hơn? Và người ta tự an ủi, Việt Nam dẫu sao cũng bình an để mà làm ăn kiếm sống, không có biểu tình bạo động, khủng bố, đánh bom tự sát...



Thật ra ai cũng biết, ở Việt Nam sở dĩ có sự “ổn định chính trị” là do bàn tay cai trị hà khắc của nhà cầm quyền, đã làm tê liệt mọi ý thức phản biện, chống đối, đồng thời dập tắt ngay từ trong trứng nước mọi mầm mống phản kháng.



Trong khi bất cứ ai nếu đã từng sống qua chế độ cộng sản ở VN đồng thời lại có cơ hội sống dưới một chế độ tự do dân chủ khác để so sánh, sẽ hiểu rất rõ một cơ chế chính trị xã hội ổn định thật sự phải là ổn định về nhiều mặt. Và khái niệm ổn định chính trị ở Việt Nam có đem đến sự bình yên, an toàn thật sự cho người dân hay không.



Ở một quốc gia dân chủ pháp trị, có một hệ thống, đường lối chính sách điều hành quản lý đúng đắn, một bộ máy nhà nước làm việc hiệu quả từ trên xuống dưới. Thì dù có biểu tình bạo loạn, ông tổng thống này bị mất chức, ông thủ tướng kia bị bãi nhiệm, người này lên người kia xuống, cũng không gây ra những xáo trộn hay mất cân bằng nghiêm trọng.



Kể cả khi rơi vào tình trạng... không có chính phủ suốt một thời gian dài, gần 18 tháng, một kỷ lục thế giới, như nước Bỉ, kể từ sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 13 tháng 6, 2010! Do bất đồng giữa các chính đảng của cộng đồng người nói tiếng Pháp và cộng đồng người nói tiếng Hà Lan ở nước này!



Ở Việt Nam, ngoại trừ chính trị, tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội đều tiềm ẩn hoặc phơi bày rõ rệt sự bất ổn.



Mà ngay trong lĩnh vực chính trị cũng chỉ là sự ổn định trên bề mặt. Những sự bất bình, ấm ức, tức giận, ngao ngán của người dân đối với nhà cầm quyền đã thể hiện ra bên ngoài, cách này cách khác, trong thời gian qua.



Những vụ biểu tình khiếu kiện đất đai của nông dân. Những cuộc đình công đòi tăng lương cải thiện điều kiện làm việc của giới công nhân. Biểu tình đòi lại đất đai, tự do tín ngưỡng của giới Công Giáo. Biểu tình, gửi kháng nghị thư về các vụ án oan sai, hay bị đánh đập, giết chết một cách oan uổng... Tình trạng ngày càng nhiều blogger, trí thức, các nhà bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm... bị bắt, bị tù đày... Tất cả là minh chứng cho những cơn sóng ngầm bất ổn về chính trị.



Và nếu thường xuyên theo dõi các trang blog cá nhân, các diễn đàn độc lập... là tiếng nói thật lòng của người dân thuộc mọi lứa tuổi, thành phần trong xã hội, chúng ta có thể cảm nhận tâm trạng chung của người dân. Rằng họ nghĩ gì về chế độ, họ khao khát, mong muốn những gì cho đất nước, dân tộc.



Trong lĩnh vực kinh tế, tình trạng bất ổn thể hiện qua việc đồng tiền Việt Nam liên tục bị trượt giá, nạn lạm phát tăng liên tiếp trong nhiều tháng, từng có những giai đoạn cao nhất Châu Á. Và theo nhận định của Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội trong bản tin kinh tế vĩ mô số 5 (10.2011), Việt Nam nằm trong “nhóm 4 nước dẫn đầu trên thế giới về lạm phát tăng cao vào cuối năm 2011” (Dân trí ngày 27.11.2011).



Giá vàng và ngoại tệ lên xuống bất thường, nợ nước ngoài cao, không loại trừ rủi ro vỡ nợ. Tháng 7 năm 2010, Việt Nam đã bị công ty xếp hạng tín dụng Fitch hạ thấp mức tín nhiệm nợ (theo Voanews ngày 29 tháng 7, 2010). Tính tới tháng 3 năm 2011, Việt Nam là một trong 18 quốc gia có khả năng vỡ nợ cao nhất thế giới. (theo Business Insider). Việt Nam lại có dự trữ ngoại tệ quá mỏng nên nguy cơ này càng lớn.



Tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, nhập siêu ở mức cao là những căn bệnh kinh niên của nền kinh tế.



Chính sự điều hành quản lý kém hiệu quả, thiếu tư duy kinh tế và quyết tâm cải cách mạnh mẽ ở những người lãnh đạo đã đưa đến tình trạng này. Bên cạnh đó là hệ thống luật pháp không minh bạch, những chính sách kinh tế thiếu nhất quán khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài và ngay các doanh nghiệp trong nước cảm thấy bất an. Còn đối với người dân, chỉ riêng việc đồng tiền thường xuyên mất giá, giá cả sinh hoạt tăng nhanh cũng đủ khiến họ mệt mỏi.



Trong đời sống xã hội, một thể chế chính trị độc tài, công an trị đã tạo ra vô vàn sự bất ổn trên bề mặt cũng như trong chiều sâu. Nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực, sự bất công, khoảng cách giàu nghèo quá lớn, luật pháp không được tôn trọng...



Hậu quả là đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Giáo dục thì lạc hậu nên con người càng không có chỗ tựa, càng khủng hoảng niềm tin. Ngày nào trên TV và trên các tờ báo chính thức trong nước cũng tràn ngập thông tin về những vụ lừa đảo, tham nhũng, những vụ án mạng cướp giết hiếp... các kiểu.



Ðời sống tinh thần của người dân đã không được yên ổn do phải lao vào cuộc mưu sinh hàng ngày, phải chạy theo nạn lạm phát và những chính sách về kinh tế xã hội thường xuyên thay đổi của nhà nước.



Người dân lại phải lo lắng về đủ thứ chuyện do phải sống trong một chế độ không có các chính sách an sinh phúc lợi xã hội đầy đủ, và một môi trường sống không an toàn, tính mạng của con người không được bảo đảm.



Từ tỷ lệ tai nạn giao thông quá cao, con số tử vong lên đến 13-14 ngàn người mỗi năm, tai nạn lao động, cho đến muôn vàn những cái chết do những nguyên nhân “trời ơi đất hỡi” khác. Như trời mưa đi ngoài đường bị cây ngã đè, bị sụp hố ga, “hố tử thần”... nhà ở chung cư mới xây xong chưa bao lâu đã bị sập... Thậm chí đi xe gắn máy, xài điện thoại, máy giặt... cũng có nguy cơ phát nổ gây tai nạn nghiêm trọng như một số vụ do báo chí đưa tin gần đây.



Rồi môi trường thực phẩm không an toàn, hợp vệ sinh, hàng giả, hàng độc hại... tràn lan trên thị trường...



Nguyên nhân chủ yếu là do thói làm ăn chụp giựt, thiếu tinh thần trách nhiệm cộng với chính sách kiểm soát/quản lý/điều tiết lỏng lẻo của nhà nước và vấn nạn tham nhũng làm vô hiệu hóa mọi thứ.



Ðã vậy con người lại bị kềm kẹp không được tự do thoải mái về tư tưởng. Tự do dân chủ và nhân quyền không được tôn trọng nên người dân có thể bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày bất cứ lúc nào nếu muốn thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do biểu tình... mà hiến pháp Việt Nam đã ghi nhưng thực tế chưa bao giờ được thi hành.



Sống trong một môi trường như thế người dân có thực sự được bình an thanh thản trong lòng không?



Như vậy sự ổn định chính trị, thậm chí khái niệm ổn định chung chung mà nhà nước Việt Nam hay đưa ra để mỵ dân liệu có thực?



Và ngay cả nếu có “ổn định về chính trị”, liệu có đáng để đánh đổi muôn vàn sự bất ổn, bất an khác đã tồn tại bao nhiêu năm qua và ngày càng trầm trọng từ mô hình thể chế chính trị như hiện tại?




Theo Người Việt





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét