HIỆU MINH - “Con đường Việt Nam” mua vũ khí…Mỹ
Vũ khí sát thương Mỹ. Ảnh: internet
Thấy các bloggers bàn về “Con đường Việt Nam” theo nhiều góc độ khác nhau. Nhưng không ai nghĩ “Con đường” lại có thể mua vũ khí…Mỹ.
Tổng Cua từng viết về những “đòn gió” tháng 8-2009 khi TNS Jim Webb đến Hà Nội.
Hôm Jim đến thì buổi tối VTV1 phát những lời trên video “thú tội và xin khoan hồng” của mấy anh Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim và Lê Công Định.
Video “nhận tội” được chiếu cho 85 triệu người Việt Nam xem trước sự chứng kiến của Jim, Đại sứ Michalak, cả hai thạo tiếng Việt, không phải ngẫu nhiên.
Từng là nhà báo trước khi thành chính trị gia, Jim nổi tiếng về dân chủ và nhân quyền. Phát biểu ở đâu cũng thích nhắc đến mấy từ này. Thân cận với Barack Obama, trước khi đến Hà nội, người ta dự báo rằng, chủ đề này sẽ được Jim đưa lên bàn nghị sự.
Thế nhưng Jim bỏ qua tất cả, chỉ bàn với chính quyền Hà Nội về biển Đông và sự cân bằng với Trung Quốc, ý Jim muốn Việt Nam mạnh lên mới có đối trọng trong khu vực. Nhân quyền chỉ là câu chuyện nhỏ.
Trong chuyến thăm mấy tháng trước tại Hà Nội, TNS John McCain cũng nhắc khéo, nếu Hà Nội muốn mua vũ khí sát thương của Mỹ, cần cải thiện về nhân quyền. Cải thiện thôi chứ chưa cần đến mức phải tuyệt đối tuân thủ về nhân quyền.
Sau vụ đó, nghe tin Ls Lê Công Định sắp ra tù và sẽ sang Mỹ định cư. Tưởng là ra trước tết, đợi mãi đợi mãi, chẳng thấy đâu.
Cải thiện một chút bằng cái tin ngắn, BBC và cả VOA đều đăng. Blog rộn lên, rồi mọi chuyện lại đâu vào đó. Lê Công Định vẫn đang trong tù.
Vụ anh Điếu Cày cũng định đưa ra xử nhưng hình như chuyện thế nào ấy, cuối cùng chẳng xử nữa. Đợi vô thời hạn.
Tuy thế, quan hệ Mỹ Việt vẫn nhộn nhịp. Hillary tuyên bố quyền lợi của Mỹ ở biển Đông, rồi ông chủ Lầu Năm Góc sang thăm vịnh Cam Ranh, Thủ tướng Dũng thẳng thừng yêu cầu Mỹ bán vũ khí. Nghe nói đang bàn cho Obama sang thăm Việt Nam vào tháng 11 sau khi tái đắc cử.
Nhưng phía bên kia bán cầu vẫn bảo, các anh cải thiện chút đi, bọn này sẽ bán cho vài quả bom, thả đâu trúng đó.
Kiểu buôn bán trao tay của cao bồi buôn ngựa và nông dân xứ văn minh lúa nước sông Hồng kiêm lái trâu luôn như thế. Ông đưa cái giò, bà thò chai rượu, cả hai phải có lợi mới nói chuyện tiếp.
Chả hiểu khi Panetta về nước thế nào mà bên ta tha tù anh Lê Thăng Long. Anh ra vài ngày đã lên BBC tuyên bố “Con đường Việt Nam”, kèm theo danh sách các vị được mời, gây nhiều nghi ngờ và tranh cãi.
Sau đó anh còn tiếp tục lên BBC giải thích “không có thế lực nào đứng sau”, “không phải là cạm bẫy”.
Cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng được lên BBC nói về “Con đường”. Blog nóng lên từng giờ.
Mới hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrew Shapiro lại sang Hà Nội bàn về hợp tác hai bên. Chuyến thăm nhằm khẳng định cam kết Mỹ – Việt về an ninh khu vực “an toàn và tự do hàng hải là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”.
Truyền thông đưa tin các bên bàn thảo về các vấn đề an ninh, quân sự và chính trị, bên cạnh chủ đề nhân quyền có cả phần về “thương mại quân sự”.
Tầu chiến Mỹ cập cảng Tiên Sa. Ảnh: internet
Bốn chữ “thương mại quân sự” ngang bằng “bốn tốt” của phương Bắc tặng dân ta.
Hôm anh Andrew đến Hà Nội, không có video nhận tội nào được phát trên VTV như thời Jim Webb. Chỉ có “Con đường Việt Nam” xuất hiện trên lề trái.
Đám bloggers rỗi việc, bàn tán, đoán già đoán non. Nhưng chưa ai nghĩ “Con đường Việt Nam” có thể mua được vũ khí Mỹ.
Thông điệp thả anh Lê Thăng Long và “Con đường VN” có thể là, Việt Nam đang cải thiện về vấn đề tế nhị mà Mỹ thường xuyên yêu cầu và phía ta thì chẳng bao giờ thừa nhận.
Vừa ra tù đã lên BBC, không bị ngăn cản, không bị bắt trở lại hay nhắc nhở. Đây là thỏa thuận giữa các anh Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long từ hồi trong tù. Là tù nguy hiểm mà được bàn về chính trị, còn được gặp nhau trong trại, rồi lên cương lĩnh, ra tù phát tán ngay.
TNS John McCain khuyên VN chỉ cần cải thiện nhân quyền sẽ được mua vũ khí Mỹ.
Việt Nam có bước đi tiến bộ rồi. Đề nghị Mỹ giữ lời hứa, bán vũ khí ngay, không chậm chễ.
Nếu chuyện này xảy ra, “Con đường” của anh Lê Thăng Long sẽ được nhiều chữ ký ủng hộ. Và bạn đọc sẽ hiểu tại sao Tổng Cua lại có cách nhìn khác người.
Hiệu Minh 21-06-2012
Trích vài nhận xét:
Tantruonghung says:
June 23, 2012 at 5:21 pm
Qua cả một chiều dài lịch sử có thể khẳng định con đường VN của lãnh đạo VN là con đường mù mờ.
Từ năm 1930 con đường dân tộc hay con đường vô sản đã đầy tranh cãi. Rồi CMT8 thực chất là CM giải phóng dân tộc hay CM để xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Hồ Chí Minh là ai? có phải là NAQ không cũng nửa kín nửa hở. Ngày 11/11/1945 ĐCS ĐD tuyên bố giải tán, chỉ còn là hội truyền bá chủ nghĩa Mác… Nhà nước VNDCCH chỉ rõ là nhà nước cộng sản sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời(1949).
Rồi Mặt trận Dân tộc miền Nam VN có là tổ chức của đảng CSVN? rồi quân giải phóng miền Nam là thế nào?…Chính vì vậy hôm nay vẫn còn tranh cãi bản chất cuộc chiến này. Là lực lượng chính nghĩa tại sao đến bây giờ vẫn không công khai số binh lính của mình chết trận, số binh lính miền Bắc tham chiến ở miền Nam? Trong khi đó Mỹ công bố từng người chết, mất tích trong cuộc chiến…
Lúc thì TQ là anh em lúc thì TQ là kẻ thù. Đối ngoại cũng luôn thay đổi.
Sau mấy chục năm xây dựng mà vẫn nói xây dựng CNXH phải hàng trăm năm nữa(trước đây còn không nói thời gian). Chưa kể trước thì không có kinh tế thị trường còn bây giờ thì kinh tế thị trường theo định hướng XHCN…
Chỉ nêu một số ý (không có tính hệ thống) để minh chứng cho nhận định trên.
Còn điều rõ ràng là gì? Đó là sự lãnh đạo toàn diện của ĐCSVN trong mọi thời kỳ và trong mọi tình huống.
Với 2 điều mù mờ và rõ ràng như vậy cho thấy trong tình hình hiện nay con đường này hay con đường kia chỉ là đối phó với tình thế(như đã xảy ra trong quá khứ). Chỉ khi nào người dân định đoạt được con đường thì con đường đó mới là con đường dân tộc.
Ông già Ba Tri says:
June 23, 2012 at 5:43 am
Mấy năm trước để ra khỏi danh sách CPC thì “con đường VN” là cho phép Thich Nhất Hạnh về giảng đạo, cầu hồn tử sĩ 2 bên, gặp Võ Nguyên Giáp, xây tu viện Bát Nhã; đồng ý cho tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại VN (Vesak) và lôi mấy tử tù chính trị khi xưa vào như Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát để màn diễn thêm hoành tráng. Đài, báo lề phải, lề trái lúc ấy đưa tin rầm trời. Khi thoát khỏi CPC rồi thì cho côn đồ (không phải công an mặc sắc phục) dẹp Bát Nhã. Tuệ Sĩ và LM Thát cũng “xong tuồng”. Giờ, người thì ở Làng Mai ngồi thiền, người ở Sài Gòn nằm võng nhìn mây trắng để chiêm nghiệm và “huệ nhãn” tấn tuồng vừa qua.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ qua VN, thăm Cam Ranh. Dư luận rộ lên Mỹ sắp trở lại CR. Chuyện đó chắc khó hoặc còn lâu mới xảy ra. Giả sử Mỹ quay lại CR thì sao? Chẳng can dự gì vào tranh chấp Biển Đông cả! Thì chính Mỹ đã nói họ có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông. Lợi ích đó là con đường hàng hải, không dính gì đến tranh chấp lãnh hải của các nước trong khu vực. Nhớ khi trận Hoàng Sa xảy ra đầu năm 1974, chính quyền VNCH nhờ Hạm đội 7 Mỹ vớt lính thủy bị chìm tàu, đồng minh Hoa Kỳ lúc ấy ngó lơ, chỉ có mấy tàu buôn vớt giúp!
Máy bay, tàu chiến của VN hiện nay đều mua từ Nga, những loại mà TQ cũng có, thậm chí với số lượng lớn hơn nhiều lần. Nếu cuộc chiến Trường Sa nổ ra bây giờ thì, dù có lạc quan cách mấy, cũng thấy thật… đáng ngại cho VN. Vì vậy, “con đường VN” lần nầy đúng là mua vũ khí của Mỹ và xoa dịu Mỹ về đề nghị của mấy ông nghị “nóng đầu” đòi đưa VN trở vào CPC. Mỹ đã nói muốn mua phải cải thiện nhân quyền. Và “con đường VN” chính là cái bong bóng nhân quyền với nhiều màu sắc. Một công đôi ba việc với cái giá quá hời: Thả trước 6 tháng (chính quyền chẳng mất gì và cũng chẳng ngại vì “đối tác” nằm trong tay) + Lộ diện công khai hết thảy những mầm mống chống đối bấy lâu nay. Xong việc rồi thì bong bóng xì hơi. Nhân vật phải trả giá chính là Lê Thăng Long và cái giá phải trả là sinh mệnh chính trị. Nhưng không sao, trước khi làm chính trị ông từng là một doanh nhân thành đạt mà!
nicecowboy says:
June 22, 2012 at 4:14 pm
Có người kia sau khi bị đột quỵ, tuy không đến nổi mất mạng nhưng đi lại rất khó khăn , phải dùng nạng mà cất bước.
Ngày nọ , ông đến gặp một thầy đông y sống ở chùa để xin trị bệnh. Người thầy cho thuốc uống và bảo chính bệnh nhân phải mỗi ngày có tấm lòng thành đi lên chùa lấy thuốc để uống thì mới hết . Chùa cách nhà gần 10 cây số, thầy thuốc bảo có khổ cực như thế thì tấm lòng thành tâm mới được Phật Trời chứng giám.
Bệnh nhân tin tưởng thuốc của thầy, và cũng có lòng tin Trời phật, hàng ngày chịu khó tự đi bộ lên chùa để lấy thuốc.
Quả nhiên, uống thuốc trong vòng một vài tháng, bệnh nhân hết hẳn di chứng sau đột quỵ, ông ta đi lại hoàn toàn bình thường.
Vậy thì hết bệnh có phải là do uống đúng thuốc, hay là do có lòng tin, hay là do “phải đi bộ gần 10 cây số mỗi ngày ” ?
Xã hội Việt nam sau này nếu có được dân chủ, tự do, hạnh phúc, độc lập…. có phải là nhờ mua súng đạn của Mỹ, hay chính là nhờ cái “giá” mà Mỹ yêu cầu chính quyền VN phải trả để có được số vũ khí đó ? cái giá có phải là cải thiện nhân quyền (hay những bài học thực tập về dân chủ dân quyền) mà Mỹ thường đưa ra làm điều kiện để thiết lập quan hệ với nhà nước VN, đê bán vũ khí cho VN.
Đôi khi, cái mà ta tưởng là chỗ dựa vững chắc để chúng ta chiến thắng, đạt mục đích … thật ra chỉ là bài thuốc ảo, không tác dụng mấy , chỉ nhằm trấn an tinh thần bệnh nhân (trong y hoc gọi là ‘giả dược’). Sức mạnh của dân tộc VN không phải là ở mớ vũ khí mua của Mỹ, mà sức mạnh thật sự ở ngay bản thân chúng ta mà mình không nhìn ra, nhưng người Mỹ thì biết, và họ như ông thầy thuốc trong truyện ở trên, bán thuốc cho bệnh nhân nhưng bắt bệnh nhân phải hàng ngày tự đi mua thuốc .
Chính quyền VN bày kế “CĐVN” để mua vũ khí tối tân của Mỹ ? Mỹ biết, và cũng tương kế tựu kế bán vũ khí cho VN để dần dần người dân VN được quyền thực tập những bài học dân chủ. Ôi dù sao thì tất cả các bên đều hài lòng.
Một giấc mơ đẹp ! nếu là thực thì tốt quá.
Vĩnh Hảo says:
June 22, 2012 at 8:30 pm
-Thưa Bác Cao bồi ! Người Mỹ có thể hiểu được người VN ? Tôi đồng ý. Bác ví von câu chuyện bài thuốc ảo ? Tôi phản đối. Vì lẽ ! Tôi là người VN. Người Mỹ có thể làm thầy chúng ta về những tiến bộ khoa học kỹ thuật, còn những giá trị về Di sản Phương Đông người Mỹ đừng nằm mơ. Theo tôi,đòn giả hay giả dược được xem là đặc sản Phương đông.
Kính Bác vài câu.
Mr Kitchenhand says:
June 23, 2012 at 1:21 am
Chào bác NCB,
Cách tiếp cận vấn đề của bác NCB rất thú vị. Tuy nhiên, tôi lại thấy chưa hoàn toàn đồng ý.
Thứ nhất: Mang việc chữa bệnh của nhà sư ra để phân tích sự việc nhân quyền của Việt Nam thì chưa ổn. Bản thân trong cùng một bệnh, nhưng với những bệnh nhân khác nhau thì các thầy thuốc đông y cũng đã cân nhắc một sự điều chỉnh cần thiết.
Tất nhiên, ví dụ bác đưa ra chỉ mang tính chất hình tượng. Nhưng chính vì điều này, bài viết của bác chỉ mang lại cảm giác dễ chịu cho người đọc, mà thật khó để giải thích vì sao có cái cảm giác đó; cảm giác đó có thực hay không? Và nó sẽ còn kéo dài trong bao lâu?
Chính trị vốn rất phức tạp, bản thân nó đã là “một trò chơi bẩn thỉu”. Chính quyền Hà Nội có đủ các tố chất chính trị để duy trì một mối quan hệ với Hoa Kỳ; mà ở đây tôi không biết đặt tên cho quan hệ này là gì.
Còn nếu cho rằng chính quyền Hà Nội, rộng hơn là đất nước Việt Nam đang là một bệnh nhân; và nếu như bệnh nhân ấy đang thực sự cầu thị; THÌ đâu cần đến “thang thuốc sát thương”?
Thứ hai: Lợi ích quốc gia
Người làm chính trị luôn tìm cách thỏa mãn lợi ích cá nhân họ bằng nhiều cách tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể, ví dụ như thể chế chính trị, luật pháp, các giá trị văn hóa, …. Có người đặt lợi ích quốc gia lên trên; có người đặt lợi ích đảng phái, bè nhóm lên trên; và có những người đặt lợi ích cá nhân của họ lên trên hết. Kết quả cuối cùng, họ đều tối ưu hóa lợi ích cá nhân trong ngắn hạn hoặc dài hạn, bằng vật chất hoặc tinh thần, … còn đất nước hoặc hưng thịnh, hoặc làng nhàng; hoặc khủng hoảng,…
Chính khách Hoa Kỳ và Việt Nam cũng vậy. Nhưng những khác biệt giữa hai quốc gia buộc một bên phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết; trong khi phía bên kia còn đang phải cân đo giữa mọi mảng lợi ích. Nếu như một bên người dân có quyền thực sự trong lá phiếu của mình để quyết định vận mệnh chính trị của một cá nhân, qua đó lợi ích quốc gia được tôn trọng; THÌ ở phía bên kia các chính trị gia không quá bận tâm với sức ép từ dân chúng – tức lợi ích quốc gia.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì?
Người dân Mỹ có phải muốn chi tiền thuế của họ cho mục đích cải thiện nhân quyền ở Việt Nam hay không? Hay nhân quyền chỉ là con bài được cả hai bên cùng lợi dụng?
Vì vậy, rất cần thiết cho việc làm rõ lợi ích cốt lõi chi phối trong quan hệ bang giao này!
Cuối cùng: Nội lực
Nếu như chúng ta cùng đồng ý với luận điểm “nội lực có vai trò quyết định, trong khi ngoại lực là yếu tố quan trọng”, thì mối quan tâm nên dành cho những yếu tố nội tại của đất nước; tất nhiên là đặt trong bối cảnh bang giao với cá quốc gia khác.
Trong các yếu tố nội tại thì chính con người Việt Nam có vai trò quyết định. Con người ấy, điển hình ở văn hóa – đời sống tinh thần, ở thể chất, ở trình độ khoa học – kỹ thuật, … mà tất cả lại thể hiện ở hành vi ứng xử đối với mọi diễn biến xung quanh một cá thể, lớn hơn là cộng đồng làng xã, vùng miền, và ở tầm quốc gia.
Vậy, con người Việt Nam ứng xử như thế nào với các vấn đề thời cuộc?
Đất nước đang ở giai đoạn khó khăn, nhưng chúng ta không thể có cách mạng như ở Bắc Phi, hay Trung Đông; mà ngay trong khối ASEAN, chúng ta cũng không thể có cách mạng như ở (the) Philippines, Indonesia, hay Burma.
Vậy, chúng ta phải làm gì?
Tôi không biết! Các bạn có biết không?
Ví dụ về “Con đường Việt Nam”. Tôi rất ủng hộ! Nhưng chỉ là về mặt nhận thức; và tôi biết rằng, sẽ có rất nhiều hệ lụy cho ai đó nếu như họ tham gia vào con đường ấy.
Đó,
.. cái bản thân tôi, sự sợ sệt trong tôi, sự cảnh giác trong tôi, sự không giám hy sinh bản thân mình của tôi, sự lo lắng cho gia đình tôi, …tất cả, tất cả đã bộc lộ phần nào cái văn hóa vùng miền của tôi, bản chất an phận thủ thường của tôi, sự hèn nhát của tôi, …
Và một bên là gì? Là danh vọng, là những lời tán tụng của họ hàng làng mạc dành cho tôi, là ánh mắt hạnh phúc của bố mẹ, của vợ con, của những người thân khác xung quanh tôi. Họ an toàn, họ hạnh phúc, họ có cơ hội công việc, danh vọng, địa vị xã hội, ….tất cả là do tôi mang lại cho họ.
Vậy tôi có dám đánh đổi hay không?
Có bao nhiêu người như tôi?
Nhân quyền, dân chủ, hay độc tài, … cũng từ đây mà ra.
Thế đấy!
Lời kết:
Đất nước này sẽ tốt hơn nếu như hạng người như tôi bớt đi tham vọng cá nhân, bới đi bổng lộc, bớt đi bè phái, bớt đi cái gọi là gia đình trị, …bớt đi sự hèn nhát, nhu nhược!
Nhưng tôi không làm được, đó là sự thật!
Với tôi, lý luận của các bạn chẳng ăn thua gì cả! Các bạn có đủ dũng khí cầm súng bắn vỡ sọ tôi không? Hoặc chí ít, chỉ với mục tiêu ủng hộ Quốc hội – rất chính đáng nhé – các bạn có dám xuống đường tuần hành vào ngày Chủ Nhật (1/7) hay không? Và để xem khả năng các bạn ủng hộ cho “con đường Việt Nam” như thế nào?
Câu trả lời về nhân quyền ở chính tôi và các bạn!
Chúc bác NCB và bạn đọc sức khỏe!
Nguồn: Hiệu Minh Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét