Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

SỔ TAY THƯỜNG DÂN - TƯỞNG NĂNG TIẾN: THỜI ĐẠI BUÔNG RÈM





SỔ TAY THƯỜNG DÂN - TƯỞNG NĂNG TIẾN: THỜI ĐẠI BUÔNG RÈM


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến







Tuy được che kín bởi bức màn sắt nhưng người khiếm thị vẫn có thể hình dung ra được bên trong Bắc Hàn là một xứ sở tan hoang, và một dân tộc hoàn toàn suy kiệt. Đây cũng là hình ảnh của Việt Nam trong tương lai (rất) gần, nếu những người cộng sản vẫn còn tiếp tục cầm quyền ở đất nước này.


Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6 là ngày kỉ niệm ra đời của báo ‘Thanh niên’ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập 21.6.1925. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có ‘Gia Định báo’ và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Nhưng báo ‘Thanh niên’ đã mở ra một dòng báo chí mới: báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi có báo ‘Thanh niên’, báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5.2.1985 lấy ngày 21.6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21.6.2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.”
[Thông tin trong bài (hay đoạn) này không thể kiểm chứng được do không được chú giải từ bất kỳ nguồn tham khảo nào].
Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia




Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chúc mừng và cảm ơn các nhà báo nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn



Đã có lần, tôi nghe ông Phùng Quán than thầm:

Có những lúc ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!


Vì không biết làm thơ nên vào những lúc ngã lòng, tôi hay nghĩ đến Bắc Hàn để vịn vào xứ sở này mà đứng dậy. Cứ so với nước XHCN anh em khốn khổ và khốn nạn này thì cuộc sống ở Việt Nam văn minh (hoặc đỡ man rợ) hơn nhiều lắm. Bắc Hàn luôn bị bịt kín bên trong bức màn sắt – ngột ngạt muốn chết mẹ luôn – chứ nào có được thư thả (đi ra đi vào) và dễ thở như ở nước ta, nơi chỉ bị bao quanh bởi những tấm rèm rất mỏng manh và vô cùng thanh nhã!


Hơn nữa, nhà nước VN cũng chưa bao giờ phải che đậy những chuyện rùng rợn – kiểu như những loại vũ khí hạt nhân, hay những vụ chết đói tập thể – như chính phủ Bình Nhưỡng. Quá lắm thì Hà Nội cũng chỉ lấp liếm vài vụ “cưỡng chế đất đai nho nhỏ”, mấy cuộc “đàn áp lai rai” những sắc dân thiểu số, hoặc những sự cố không quan trọng gì mấy – như chuyện rò rỉ ở đập thuỷ điện Sông Tranh 2, chả hạn.


Ấy thế mà vẫn có điều tiếng eo sèo, này nọ. Hôm 11 tháng 6 năm 2012, phóng viên Nam Khang (Tuổi Trẻ Online) than phiền:


Có lẽ đến bây giờ chưa vấn đề xã hội nào gây sự đặc biệt chú ý của dư luận tại Quảng Nam, mà ở đó báo chí bị thách đố như chuyện sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2... Các nhà báo đi nhờ xe UBND tỉnh Quảng Nam đến hiện trường, bảo vệ tại đây kiểm tra kỹ, ông nào là nhà báo thì không cho vào... Bức xúc quá, trong một cuộc họp giao ban, các nhà báo đã đề nghị UBND tỉnh tác động với Ban quản lý thủy điện này để anh em vào tác nghiệp dễ dàng. Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, nói: “Đất đã giao cho họ, nhà họ đã làm, nên cho vào hay không là quyền của họ, tỉnh cũng chịu nên anh em thông cảm!”


Thì rồi cũng phải “thông cảm” thôi chớ còn biết làm sao nữa. Chuyện nhỏ mà. Ngay cả sinh hoạt Quốc Hội mà còn phải buông rèm thì nói chi đến những chuyện vớ vẩn, hay linh tinh khác:

“Bây giờ, làm báo nhiều khi cũng sướng. Cái gì tế nhị cứ TTXVN mà phang, tội đâu ‘thằng TTX’ nó chịu. Nhưng đến cỡ Tuổi trẻ cũng lấy lại TTX thì mình nghĩ các báo khác cần quái gì đăng lại, tốn tiền bạn đọc, có lẽ lần sau chỉ cần đưa rằng ‘Tin họp thường vụ QH mời bạn đọc tìm đọc trên TTX’... Nhưng cái gì cũng buông rèm thì biết lấy gì mà viết. Dù là viết kiểu bị buồng rèm! (Đào Tuấn - Báo Chí Thời Buông Rèm).


Viết được thì tốt, không viết thì đừng nhưng chớ có dại mà vén rèm là bỏ mẹ, hoặc (không chừng) dám bỏ mạng luôn. Phóng viên Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Khương – chắc chắn – đã không bị vướng vào vòng lao lý, nếu họ biết thêm chút đỉnh về lịch sử báo chí nước nhà.


Hơn nửa thế kỷ trước, trên báo Văn  có bài viết (Đống Máy) của tác giả Minh Hoàng. Xin trích dẫn một đoạn ngắn để rộng đường dư luận:


Đời thuở nhà ai, vô duyên vô cớ cho khuân ầm ầm một lô một lốc tinh những máy đắt tiền về chất một đồng sù sụ giữa trời nắng chang chang thế kia .... Cứ nắng, mưa, mưa, nắng ngập ngụa mãi thế này, đến lúc máy móc mọc thành cứt sắt cả, ngồi trơ mắt ếch một lũ với nhau, mới chạy đến đây mà khắc phục chắc? Là máu là thịt của nhân dân mà sao các ‘bố” ấy cứ nhởn nhơ như không, chả thấy xót xa là gì...


Hễ nói động đến “các bố ấy” là lôi thôi lắm, lôi thôi lớn, lôi thôi lâu, và lôi thôi liền tức khắc – theo ghi nhận của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân:

“Tuần báo ‘Văn’  bị xử thua, bị đóng cửa sau số 37 (ngày 17/01/1958), mặc dù nội dung số Tết 1958 đã được chuẩn bị và đưa tin chi tiết trên một vài tờ báo hàng ngày ở Hà Nội. Vả chăng, việc quy tội cho tuần báo ‘Văn’cũng chỉ là cái cớ để người ta ra tay trừng phạt những nhà văn nhà báo đã từng liên can ít nhiều đến báo ‘Nhân văn’và các cuốn ‘Giai phẩm’, kết cục là có gần một chục người bị án tù với tổng cộng trên 50 năm tù giam và hàng chục năm bị quản chế; vài người bị buộc ra khỏi Ban chấp hành Hội, ba người bị khai trừ hội tịch vĩnh viễn, một số khá đông bị cảnh cáo; tất cả họ đều bị treo bút vài ba năm song trên thực tế thời gian cấm đăng tải bị kéo dài dường như vô hạn nếu không có thời đổi mới (1986-88).”



Nguồn ảnh: Văn Hoá Nghệ An



“Đống Máy” xuất hiện trên Văn vào ngày ngày 27 tháng 12 năm 1957. Nó là tiền thân của những đống đồng nát Vinashin và sắt vụn Vinalines hiện nay. Và đây là hệ quả tất yếu của chính sách buông rèm mà nhà đương cuộc Hà Nội đã kiên trì và xuyên suốt theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua.


Tuy thế, Thiếu Tướng Nguyễn Viết Nhiên – phó tư lệnh quân chủng hải quân, người (có lẽ) vừa trở về từ sao hoả – vẫn tỏ vẻ (rất) băn khoăn và (vô cùng) thất vọng:

- Hết Vinashin đếnVinalines đổ, ăn nói thế nào với nhân dân?

- Dễ không à. Cứ bịt miệng dân thì tha hồ làm bậy tha hồ ăn nói.


Câu trả lời của nhà văn Nguyễn Quang Lập quả là chính xác và hoàn toàn phù hợp với “Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng,” vừa được phổ biến vào hôm 11 tháng 6 vừa qua.


Về sự kiện này, bác Hà Sĩ Phu đã có lời bàn (ra) như sau :

Nghị định cứ như  là sự khai triển điều 88 luật hình sự vào phạm trù Internet vậy.Nếu dự thảo Nghị định này được thông qua và áp dụng thành công thì toàn bộ hệ thống tạm gọi là ‘thông tin lề trái’ bấy lâu nay, như cửa ngõ mở ra với nền báo chí văn minh, với những blog được nhân dân yêu mến có số người đọc vượt xa các tờ báo chính thống, đều bị quy kết vi phạm luật, có thể  sẽ bị kiểm duyệt để trở về số phận chung với hơn 700 tờ báo ‘lề phải’ dưới cái gậy chỉ huy của cùng một Tổng biên tập? Có lẽ nào?”


Còn “lý” với “lẽ” gì nữa, cha nội? Rành rành, trước sau như một, trên đã có chủ trương buông rèm (xuống) và bịt mồm thiên hạ (lại) rồi cứ thế cắm cúi mà ăn chia với nhau thôi.

Khoẻ!

Tình trạng này đã kéo dài lâu nhưng e không thể kéo dài luôn được. Tọa thực băng sơn. Ngồi ăn núi lở. Vừa ăn, vừa phá, vừa đục khoét, tẩu tán mọi thứ ra nước ngoài thì rừng vàng bạc bể nào mà chịu đời cho thấu!


Câu hỏi cần được đặt ra là liệu Chính Sách Buông Rèm ở Việt Nam hiện nay còn có thể kéo dài thêm bao lâu nữa? Và quê hương này sẽ còn lại gì sau khi mọi tấm rèm đã được kéo lên?


Tuy được che kín bởi bức màn sắt nhưng người khiếm thị vẫn có thể hình dung ra được bên trong Bắc Hàn là một xứ sở tan hoang, và một dân tộc hoàn toàn suy kiệt. Đây cũng là hình ảnh của Việt Nam trong tương lai (rất) gần, nếu những người cộng sản vẫn còn tiếp tục cầm quyền ở đất nước này.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét