Bản đồ “của những thằng xỏ lá” HPI 2012 (Nguồn: NEF)
Việt Nam được đánh giá là nước hạnh phúc thứ 2 thế giới (?)
NGUYỄN TƯỜNG THỤY - TIỂU PHẨM HÀI HƯỚC: - MÀY THÌ THIẾU ĐÉO GÌ TIỀN !
.
Ba mươi năm tôi mới trở lại hòn đảo tự do bên kia Thái Bình Dương. Ngồi trên máy bay, tôi tưởng tượng ra đủ chuyện khi gặp lại cảnh cũ người xưa, lòng rạo rực khôn tả. Hảnh khách cùng bay đã ngủ gà ngủ gật hết cả, chẳng có lý do gì để ngồi hớn hở một mình, tôi thiếp đi …
Chúng tôi quá cảnh tại Pari rồi nhằm đích bay thẳng.
Đất nước Cu Ba tươi đẹp kia rồi. Máy bay từ từ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Lahabana.
Năm nay, kỷ niệm 30 năm ra trường, chúng tôi tổ chức họp lớp. Chẳng biết trên thế giới này có lớp nào họp mặt cầu kỳ như chúng tôi không. Không phải ở Hà Nội hay tỉnh thành nào đó, cũng không ở một nước láng giềng mà là ở tận Cu Ba xa xôi bên kia bán cầu. Không nói, ai cũng biết đi họp như thế là tốn kém như thế nào rồi. Cũng may vợ tôi làm giám đốc một công ty sân sau cho mấy ông lớn nên kinh tế cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Thị đưa cho tôi mười nghìn đô:
- Thôi anh cứ đi. Cả đời mới đi chơi một chuyến xa, không sao. Biết đến khi kỷ niệm 40 năm có còn sức mà đi không. Coi như đi du lịch, nhất cử lưỡng tiện. Sang đó chơi mươi ngày cho nó thông thoáng đầu óc.
Lớp tôi hồi ấy có 32 đứa sinh viên thuộc khoa xây dựng dân dụng nhưng đủ các quốc tịch. Việt Nam thì có mình tôi, các nước khác có Bungari, Rumani, Triều Tiên, vài thằng ở châu Phi như Ma rốc, Angola … Tất nhiên là sinh viên Cu Ba đông hơn cả.
Trong số sinh viên Cu Ba lần này về họp mặt có một thằng thân với tôi nhất. Tên Cu Ba nó dài lắm nên tôi đặt cho nó cái tên Việt Nam để dễ gọi là Kều vì nó cao nhất lớp. Bọn Cu Ba chơi thân với sinh viên Việt Nam chúng tôi vì hồi ấy hai nước đều là tiền đồn của phe XHCN, thay nhau canh giữ hòa bình thế giới. Nấp sau chúng tôi hô hào, cổ vũ và tuồn vũ khí sang cho chúng tôi đánh nhau là Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên cùng 7 nước Đông Âu anh em. Cũng vì vậy mà bọn Cu Ba hòa hợp với chúng tôi rất nhanh. Đến năm thứ 3 thì thằng nào cũng nói được tiếng Việt, lại biết cả văng tục nữa mới kinh. Từ khi có mạng Internet, chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên hơn, lập ra hẳn một trang web của lớp. Qua đó, tôi biết thằng Kều sau khi ra trường được mấy năm thì trốn sang Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ. Sau này, nó thành Cu Kiều yêu nước, đi về Cu Ba như đi chợ (không biết người Cu Ba định cư ở nước ngoài thì gọi là gì, nên tôi tạm gọi theo kiểu của Việt Nam).
Họp lớp lần này có 15 đứa. Trong hoàn cảnh sinh viên ở khắp nơi trên thế giới mà có mặt được từng ấy là thành công lớn rồi. Gặp nhau mừng rỡ vui vẻ như thế nào, điều này khỏi phải kể ra đây cho dài dòng.
Chúng tôi ở chung một khách sạn. Hàng ngày đi uống cà phê và đi ăn cùng nhau. Có một điều tôi rất khó hiểu là chúng nó ăn uống xong thản nhiên đứng dậy, chả băn khoăn gì về chuyện thanh toán, kể cả thằng Kều công dân Mỹ, nước giàu nứt đố đổ vách cũng lờ tít. Còn trơ lại mình tôi, tất nhiên là tôi phải nhận lấy cái hãnh diện được bao chúng nó.
Hồi còn sinh viên, chúng nó thương tôi lắm. Biết là Việt Nam vừa nghèo, vừa phải đánh Mỹ cho cả nhân loại nên mỗi lần rủ nhau đi uống nước hay đi ăn cái gì đó, chúng nó toàn tranh nhau trả tiền. Có cái gì cũng thấm thúi cho tôi, từ cái bánh bao ăn trộm được của nhà bếp đến khúc mía bẻ ở nông trường lúc vắng người. Hay là vì vậy mà bây giờ, chúng nó tìm cách đòi lại? Hôm đầu tiên, tôi nghĩ thôi thì đã từng 5 năm cùng ở ký tuc xá, cùng học với nhau, cho nhau cóp bài thi, bây giờ chẳng lẽ chỉ vì vài ngàn đô mà mất đi tình bạn. Mà từ giờ đến lúc chết, chắc chẳng khi nào có cơ hội gặp nhau nữa.
Đến ngày thứ năm thì tiền tôi chỉ còn đủ mua vé máy bay về, góp tiền phòng và mua cho vợ mấy món quà. Kiểu này có khi chúng nó bắt mình bao cả tiền phòng chứ chẳng chơi. Khoản tiền này tôi quyết định không chi nữa để phòng thân. Tôi cố lấy giọng tự nhiên:
- Hôm nay quốc vương Căm Pu Chia chi nhé. Mỗi thằng năm chục đô đưa đây.
Tất cả 14 cặp mắt trố ra nhìn tôi như nhìn một thằng keo kiệt, bủn xỉn. Thăng Kều bảo:
- Mày thì thiếu đéo gì tiền.
Thì ra chúng nó tưởng tôi nhiều tiền lắm. Tôi làm gì có gan khoét ngạch vào ngân hàng. Tôi đành giở cái bài ca muôn thủa ra thanh minh, nào là nước tao 30 năm chiến tranh, nào là xuất phát điểm tiến lên CNXH lạc hậu, nào là nước tao thu nhập quốc dân không bằng một phần trăm nước Mỹ chúng mày. Mày không có tiền thì thằng nào có …
Hình như chẳng thằng nào thèm nghe. Vẫn giọng thằng Cu Kiều:
- Nước mày hạnh phúc thứ nhì thế giới, trên chúng tao những 109 bậc. Tiền chúng mày thiếu đéo gì.
Trời ơi! Tôi hiểu ra vì sao rồi, tay buông cái ly rượu rơi xuống nền vỡ choang. Tôi ngồi phịch xuống ghế để định thần. Không may ngồi trượt, tôi ngã chổng kềnh ra sàn. Mấy mảnh thủy tinh vỡ nhân cơ hội cắm ngay vào mông. Tôi cố nén đau, hốt hoảng túm chặt túi áo ngực, nơi giấu mấy nghìn đô còn sót lại, sợ chúng nó xông vào cướp đến nơi, la lớn:
- Tiên sư cái thằng NEF nhá. Tổ chức quốc tế đéo gì chúng mày. Chúng mày hại ông rồi.
Vợ tôi nhỏm dậy:
- Anh làm cái trò gì thế! Bỏ ngay tay ra. Già rồi mà còn đú đởn!
Tôi choảng tình, thấy tay mình đang túm chặt ti vợ. Tôi vội buông ra, quệt mồ hôi đang vã ra khắp trán:
- Anh xin lỗi, anh vừa nằm mơ …
- Cái gì? Mơ làm sao?
- Anh mơ bị chúng nó trấn lột. Chúng nó tưởng nhà mình giàu thứ nhì thế giới.
.
18/6/2012
He he, mời nghiên cứu lại:
“Việt Nam là nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét