Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Cảm nhận sau bài nói của Thủ tướng tại quốc hội Việt Nam ngày 25/11/2011





Cảm nhận sau bài nói của Thủ tướng tại quốc hội Việt Nam ngày 25/11/2011


Posted on 05/12/2011








Nguyễn Nghĩa (danlambao) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tuyên bố, một tuyên bố nửa vời. Thủ tướng đã dũng cảm khẳng định HS, TS là của VN, và khẳng định TQ đã chiếm HS của VN năm 1974. Tuy vậy Thủ tướng cũng rơi vào bẫy mà TQ mong muốn : kéo dài việc thu hồi HS, TS bằng phương pháp hòa bình. Từ khi loài người có chữ viết, không có 1 trang nào dám viết là : 1 đất nước bị xâm lược chỉ được phép đấu tranh bằng hòa bình với nước vừa cướp đất, cướp biển của anh...


*


Ngày 25/11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có phát biểu quan trọng về 4 vấn đề lớn của Việt Nam trên Biển Đông tại Quốc hội VN.


1. Vấn đề thứ nhất, về đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.


2. Vấn đề thứ hai, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền, đó là vấn đề quần đảo Hoàng Sa.


3. Vấn đề thứ ba, quần đảo Trường Sa.


4. Vấn đề thứ tư, liên quan tới cam kết quốc tế là nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện đúng Công ước Luật biển năm 1982 và tuyên bố DOC bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở Biển Đông.


Bài báo này sẽ đề cập đến 2 vấn đề mà dư luận VN quan tâm chính : chủ quyền VN tại Hoàng Sa, Trường Sa.



1. Dẫn bài


Ngày 14/9/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký bức công hàm nhân danh chính phủ VN Dân chủ cộng hòa, nhân danh nhà nước Bắc VN, công nhận những đòi hỏi của TQ qua công hàm của Chu Ân Lai ngày 4/9/1958.


Vấn đề là ở chỗ, công hàm của họ Chu tuy để khẳng định chủ quyền của TQ đối với lãnh hải 12 hải lý, có lồng “mẹo” chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa, Trường Sa, 2 quần đảo đang thuộc chủ quyền của Việt Nam cộng hòa.


Từ bấy tới nay, chính quyền VNDCCH, và sau đó CHXHCN VN đều im lặng, hay phản đối chiếu lệ, giới hạn phổ cập trên thông tin đại chúng, khi :


- 1974, TQ dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ tay chính quyền VNCH.

- 1988, TQ dùng vũ lực chiếm 7 đảo do CHXHCN VN nắm chủ quyên.

- 1992, TQ dùng vũ lực chiếm cứ thêm 1 đảo tại Trường Sa.


Không những lãnh đạo cao cấp VN, từ thế hệ này, sang thế hệ khác không nói đến HS, TS, mà họ không cho người dân thường VN nói đến HS, TS. Blogger Nguyễn Văn Hải bị bắt do tham gia chăng khẩu hiệu HS-TS-VN, năm 2007. Gần đây các cuộc biểu tình mùa hè 2011, khi TQ gây hấn trên Biển Đông qua các vụ Bình minh02 và VIKINH 2 cũng liên tục bị công an VN đàn áp.


Hai từ Hoàng Sa, Trường Sa là 2 từ thuộc lĩnh vực “nhậy cảm”, mà ĐCS VN không cho người dân thường, được tự do bầy tỏ lòng yêu nước đối với vấn đề chủ quyền VN tại HS, TS.


Như vậy, điều dễ hiểu là những gì xẩy ra với HS, TS không được trí thức VN đào suy kỹ lưỡng, do chính sách đàn áp, đầu hàng TQ của VN.


Vi vậy, ngay cả từ dùng cho xung đột của VN với TQ về chủ quyền tại 2 quần đảo này cũng chưa chính xác. Xung đột này thường được mô tả là tranh chấp chủ quyền tại HS, TS. Từ " tranh chấp" đem cho người đọc 1 cảm nhận sai lệch là VN và TQ là 2 chủ thể cân bằng nhau, cùng có yêu cầu về chủ quyền như nhau, ít nhất là trong quãng thời gian phát biểu chủ quyền tương đương nhau.


Thực tế thì VN không tranh chấp với TQ về chủ quyền tại HS, TS.


Chủ quyền tại HS, TS của VN đã được VN thực hiện ít nhất từ 3 thế kỷ nay.

Hoàng Sa, Trường Sa không phải là 2 quần đảo các đảo vô chủ, mà các nước khác có quyền tuyên bố sự phát hiện của mình, và tuyên bố chủ quyền nơi đây. Hoàng Sa, Trường Sa đã nằm trong bản đồ VN từ nhiều thế kỷ trước, đã được các nước trên thế giới mặc nhiên công nhận từ hàng trăm năm nay. Hoàng Sa, Trường Sa đã như những ngọn núi của dãy Hoàng Liên Sơn, như những ngọn núi của dãy Trường Sơn, như những sông Hồng, sông Thu Bồn, sông Sài Gòn, như các địa danh Lào Cai, Yên Bái, Ải Mục Nam Quan, thác Bản Giốc, Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng , Nha Trang, Qui Nhơn, Khánh Hòa, Lâm Đông, Phú Quốc......là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.


Các hành động dùng vũ lực của TQ năm 1974, 1988, 1992 là hành động xâm lược trắng trợn, là hành động cướp đảo của kẻ cướp, là những hành động xâm lấn lãnh hải của VN, môt nước độc lập có chủ quyền, đã được hầu hết các nước trên thế giới công nhận, là trái với tất cả các công ước quốc tế về chung sống hòa bình.


Như vậy ta sẽ không gọi những đấu tranh cho HS,TS trở về với VN là tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nữa, mà ta gọi là cuộc chiến đòi 2 quần đảo HS, TS của Tổ quốc VN.


2. Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc chủ quyền VN từ lâu đời


Những bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng tỏ Hoàng Sa, Trường Sa đã được nhà nước phong kiến VN khẳng định chủ quyền, khai thác một cách hòa bình, liên tục hàng trăm năm nay, nhiều đến nỗi bạn đọc có thể tìm thấy trên bất cứ trang mạng tiếng việt nào. Sở dĩ chúng ta có được số lượng bằng chứng nhiều như vậy, từ các chỉ dụ của các nhà vua, từ các việc thành lập các hải đoàn Hoàng Sa và Bắc Hải khai thác HS,TS dưới triều nhà Nguyễn, hay việc tổ chức lập bia chủ quyền trên 2 quyần đảo này, đến những phong tục tập quán của đảo Lý Sơn, hay các địa danh được chính quyền phong kiến chỉ định bảo vệ và khai thác HS, TS, như mộ gió, như tục lệ mỗi người lính mang theo một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây lạt và một tấm thẻ Bài có khắc tên họ, bản quán để phòng xa, nếu chẳng may hy sinh thì đồng đội sẽ bỏ xác vào chiếu thả trôi trên biển. Trước khi lên đường, thường là vào tháng Hai Âm lịch, thì làm lễ gọi là "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa"...đã nói lên 1 điều : Đã hàng trăm năm nay, Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc VN.


Dưới đây tôi chỉ đơn giản một vài các sự kiện để bài viết có tính chặt chẽ.


2.1. Những chứng cứ lịch sử pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


- Thời Lê Thánh Tông (1460-1497), "Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư" đã vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, gọi là "bãi cát vàng" và "Vạn lý Trường Sa". (Nguyên bản này hiện đang lưu giữ tại Tokyo Nhật Bản).


- Thế kỷ thứ XVIII, trong "Đại Nam nhất thống toàn đồ" ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là một trong những đảo của Việt Nam.


- Lê Quý Đôn (1726-1786) trong cuốn "Phủ biên tạp lục" đã tả kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.


- Phan Huy Chú (1782-1840) trong sách "Lịch triều hiến dương loại chí" và "Hoàng Việt địa dư chí" mô tả việc quản lý Hoàng Sa,Trường Sa của Việt Nam.


Ngoài ra, các sự kiện sau liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.


- Thời thuộc Pháp : Từ ngày 6/6/1884, sau khi triều Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Giáp Thân, công nhận sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Từ đó, Pháp thực hiện chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.


- Năm 1887, Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Bắc Việt Nam và Trung Quốc “Convention relative à la delimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin.” : Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, không nằm trong tranh chấp, có địa lý thuộc Miền Bắc VN / le Tomkin/.


- Ngày 15/6/1938, toàn quyền Đông Dương I.Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định tổ chức hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

- Ngày 21/12/1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.


- Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền của Bảo Đại quản lý. Hôm đó, Tướng Phan Văn Giáo lúc đó là Thủ hiến Trung Phần đã đích thân đến đảo Hoàng Sa để chủ tọa buổi lễ.


- Tháng 9/1951, tại Hội nghị San Fransisco, ông Trần Văn Hữu - Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại, trưởng phái đoàn của Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Nhật đã trả lại tất cả lãnh thổ họ đã chiếm cứ trong chiến tranh thế giới thứ hai, 51 quốc gia tham dự, không hề có ý kiến phản đối.


2.2. Một số tài liệu nước ngoài.


Tại kho lưu trữ của Pháp có tài liệu đề ngày 10/4/1768 mang tên là "Note sur l'Asedemandés pas M. de la bonde à M. d' Etaing" cho biết là hồi đó hải quân Việt Nam tuần tiễu đều đặn giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa. Đô đốc d'Estaing tả hệ thống phòng thủ của Việt Nam có nhiều đại bác, mang huy hiệu Bồ Đào Nha, ghi năm 1661, có những khẩu nhỏ hơn, mang hiệu xứ Campuchia dấu khắc tên "Anh Quốc Ấn Độ công ty" (Brifish company of India). Những khẩu pháo nhỏ này đã được thu lượm ở Hoàng Sa.


Ngoài ra còn có các tác giả Le Poivre (1740), J Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlagip (1840)… cũng từng khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Có cả các tác giả người Trung Quốc trước đây cũng từng viết sách nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.


Nhà sư Thích Đại Sán trong cuốn Hải ngoại ký sự viết năm 1696 đã xác nhận các chúa Nguyễn hàng năm cho thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở vùng Vạn lý Trường Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam).


Tập tài liệu của Trung Quốc "Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên" do Hàn Chấn Hoa chủ biên, trang 115 thiên thứ nhất, cũng ghi chép dấu vết trên đảo Vinh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa có miếu gọi là Hoàng Sa tự. (Hoàng Sa tự được vua Minh Mạng triều Nguyễn cho xây dựng).


2.3. Việc thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.


Để quản lý về hành chính, ngày 29/2 năm Bảo Đại thứ 12 (30/3/1938), nhà vua đã ra Chỉ dụ số 10, sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên.


Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Ngày 22/10/1956, VNCH đã ra Sắc lệnh số 143/NV quy định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 3/7/1961, Ngô Đình Diệm - Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ký quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc Thừa Thiên - Huế, nay thuộc tỉnh Quảng Nam và gọi là xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang. Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn ký Nghị định số 420/BNV-HCDB-26 sáp nhập Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.


Sau khi thống nhất đất nước, ngày 9/2/1982, Hội đồng Bộ trưởng CHXHCN VN đã ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai.


Ngày 28/12/1982, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết đưa huyện Trường Sa sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hoà).


Từ khi chiếm lĩnh được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông cha ta đã cho người ra cắm mốc chủ quyền. Khi chính quyền Pháp còn bảo hộ, họ cũng đã cắm bia chủ quyền ghi: "Cộng hòa Pháp - Đế quốc An Nam quần đảo Hoàng Sa".


Năm 1938, Phòng (Service) Khí tượng Đông Dương xây dựng một trạm khí tượng tại đảo Itu Aba hoạt động dưới quyền Pháp. Đây là trạm thời tiết rất quan trọng nên đã được mang ký hiệu quốc tế là 48919. Đến thời chính quyền Sài Gòn quản lý, trạm khí tượng này vẫn hoạt động. Hiện nay 4 người còn sống, đó là các cụ: Nguyễn Văn Như, Trần Huynh, Phạm Miễn, Võ Như Dân.


2.4. Những chứng tích lịch sử về việc thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa được lưu truyền sâu đậm trong dân gian.


Khi nhà vua cử các đội đi Hoàng Sa, đã biết rằng cuộc ra đi vô cùng khó khăn, nên đã cho mỗi người lính mang theo một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây lạt và một tấm thẻ Bài có khắc tên họ, bản quán để phòng xa, nếu chẳng may hy sinh thì đồng đội sẽ bỏ xác vào chiếu thả trôi trên biển. Trước khi lên đường, thường là vào tháng Hai Âm lịch, thì làm lễ gọi là "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa". Đồng thời làm những "ngôi mộ gió", nơi chôn những hình nhân tượng trưng cho những người lính hy sinh ở Hoàng Sa. Một trong những người lính đó là Anh hùng Phạm Hữu Nhật cách đây hơn 170 năm đã có bia mộ trên triền núi ở Lý Sơn "Phục vị vong Cao Bình Quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh vị. Sanh Giáp Tý (1804), Giáp Dần (1854) tôn diệt phong tự".


Như vậy là cách đây hơn 3 thế kỷ, ông cha ta đã xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, những việc đó được ghi trong cả sách của ta, của quốc tế và ngay cả của Trung Quốc. Ông cha chúng ta cũng đã biết cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ xây miếu, đào giếng, trồng cây, xây trạm dự báo thời tiết, và hàng năm cử người ra để kiểm tra và thu hồi sản vật trên vùng đất mà nước mình quản lý.


Cho đến nay, thế giới biết rằng, vào năm 1956, khi người Pháp rút, bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lợi dụng lúc đó, Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm đảo Phú Lâm phía Đông Hoàng Sa, quân đội Sài Gòn phải chạy về đóng tại phía Tây Hoàng Sa. Ngày 20/1/1974, lợi dụng quân đội Sài Gòn đang thua trận (do Mỹ đã rút khỏi Việt Nam), Trung Quốc đưa quân đánh chiếm nốt phía Tây để chiếm toàn bộ Hoàng Sa của Việt Nam. Trong trận chiến đó Trung Quốc bị cháy và hỏng 2 chiến hạm, 2 tàu chiến. Quân đội Sài Gòn bị cháy 2 tàu, hỏng 2 tàu, 18 người chết, 43 người bị thương, 175 người mất tích.


Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hàng thế kỷ. Trung Quốc đã dùng bạo lực quân sự để đánh chiếm và xâm lược.


Đây là những cơ sở pháp lý và lịch sử thường thức mà mỗi công dân Việt Nam, mỗi một thành viên của thế hệ trẻ Việt Nam cần nắm được.


Hoàng Sa , Trường Sa do ông cha ta khai khẩn bằng công sức ngàn lần khó khăn. Bằng cả tính mạng với việc ra khai thác Hoàng Sa, Trường Sa là gần đồng nghĩa với hi sinh. Mộ của họ là vùng biển cả mênh mông Hoàng Sa, Trường Sa. Trên đất quê hương, họ chỉ có "mộ gió" chôn hình nhân tượng trưng mà thôi.


Bởi lẽ vậy, thế hệ trẻ, toàn dân tộc Việt Nam không thể thờ ơ với bất cứ 1 lực lượng chính trị nào muốn bán Biển Đảo của Việt Nam, muốn làm ngơ trước sự xâm lược Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.


3. Hoàng Sa, Trường Sa không nằm trong khái niệm địa lý Trung Quốc


3.1. Các thư tịch cổ của Trung Quốc không nói 1 từ nào trực tiếp về Hoàng Sa, Trường Sa. Các học giả đương đại Trung Quốc không tìm ra được 1 chứng cớ lịch sử nào thuyết phục để trình bầy trong các hội nghị quốc tế.


Trong cuốn Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ, bản đồ Trung Quốc đời Thanh, xuất bản năm 1894 ghi chú rõ: "Điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, Quảng Đông, độ Bắc cực 18o13”. Còn quyển Quảng Đông dư địa toàn đồ, bản đồ tỉnh Quảng Đông, xuất bản năm 1897 cũng ghi: "Điểm cực Nam tỉnh này là mỏm núi bên ngoài cảng Du Lâm 18o09'10"". Trong Đại Thanh đế quốc, bản đồ toàn Trung Quốc trong tập bản đồ mang tên "Đại Thanh đế quốc toàn đồ", xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910, cũng chỉ rõ phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Những bản đồ trên đây đều khẳng định cho đến thế kỷ XX, lãnh thổ Trung Quốc không bao giờ gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Như vậy chúng ta đã thấy mặc dù có lịch sử bành trướng gần 5000 năm của dân tộc Trung Quốc, người Trung Quốc phong kiến chưa bao giờ biết đến, và chưa bao giờ coi Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh hải của họ.


Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, do mưu đồ chiến lược, muốn ngăn chặn Hoa Kỳ từ khơi xa, và muốn có bàn đạp bành trướng ra Ấn Độ Dương, đã thực thi âm mưu chiếm 2 quần đảo thuộc lãnh hải VN từ lâu đời.


Từ Mao tới Hồ hôm nay, Trung Quốc luôn ngụy tạo bằng chứng lịch sử. Thí dụ Trung Quốc nói rằng :"Công ước Mãn Thanh-Pháp 1887-1889 công nhận chủ quyền của họ trên HS,TS", là ngụy biện.


Cả bản Công ước không có 1 từ nào nói về HS hay TS. Điều này thật dễ hiểu, vì đây là Công ước hoạch định biên giới trên đất liền miền Bắc và trên vịnh Bắc Bộ của VN với triều đình Mãn Thanh. Không đưa HS, TS vào những điểm tranh chấp là mặc nhiên TQ công nhận HS, TS thuộc miền Trung VN, thuộc VN.


Đôi khi do thiếu bằng chứng thật, TQ còn nêu ra trường hợp đường lưỡi bò 1947 do 1 cá nhân nào đó vẽ ra trên 1 tờ báo, hay việc 1 sĩ quan hải quân TQ ra HS và có 1 số mô tả về HS, làm bằng chứng lịch sử. Đây là các trường hợp mang tính cá nhân, không đại diện cho 1 quốc gia, không có tính lịch sử để tuyên bố chủ quyền.


Các việc này cũng như 1 khách du lịch VN hôm nay, sang TQ tham quan 1 ngọn núi không có người ở. Sau đó về VN, và viết trên Blog của mình những gì nhìn thấy, nghe thấy tại đỉnh núi đó. 100 năm sau, chính phủ VN dựa trên trang Blog này đưa ra yêu sách chủ quyền với ngọn núi mà nhà du lịch VN đã mô tả. Đây chỉ xứng đáng là chuyện hài lề phố, không có giá trị bằng chứng quốc gia.


3.2. Cho đến 1/12/1943, Hoàng Sa, Trường Sa không có trong khái niệm lãnh hải của Trung Quốc.


Tại Hội nghị Cairo, Ai Cập năm 1943, nguyên thủ 3 quốc gia đồng minh gặp nhau: Tưởng Giới Thạch, Franklin Roosevelt và Winston Churchill, nhằm bàn kế hoạch tác chiến chống phát xít Nhật tại khu vực Thái Bình Dương. Các đoàn quân sự ba nước cũng họp song song. Sau hội nghị, liên minh ba nước ra tuyên bố (1.12.1943):


“Quyết tâm giải phóng tất cả các lãnh thổ, hải đảo tại khu vực Thái Bình Dương đã bị Nhật xâm chiếm từ Chiến tranh thế giới I; trả lại cho Trung Hoa các lãnh thổ đã bị Nhật chiếm như Đài Loan, Bành Hồ, vv ”. http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn


Đoạn tuyên bố trên đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa không có trong khái niệm địa lý của Tưởng Giới Thạch và của phái đoàn Trung Quốc dự Hội nghị này. Tưởng Giới Thạch lúc này chỉ quan tâm đến việc thu hồi các đảo Trung Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng. Tưởng Giới Thạch đang muốn giải phóng Trung Quốc khỏi ách chiếm đóng của Nhật Bản. Rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa không phải là các quần đảo trung quốc bị Nhật chiếm, nên không được nêu ra. Họ Tưởng lúc này chỉ nghĩ đến việc thu hồi những gì đã là của Trung Quốc mà chưa có sức nghĩ đến việc bành trướng. Do vậy chỉ có Đài Loan và Bành Hồ được nêu ra trong tuyên bố trên.


Giả sử trong tuyên bố Hội nghị Cairo Ai Cập này, Tưởng Giới Thạch tuyên bố thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa về với Trung Quốc, thì đây sẽ là 1 bằng chứng pháp lý quan trọng để sau này Chu Ân Lai dành chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa năm 1951 tại Hội nghị San Francisco, Mỹ.


Đây không phải là cái may cho Việt Nam, mà thực sự Hoàng Sa, Trường Sa không nằm trong khái niệm địa lý của Trung Quốc.


3.3. Sau quyết định của Hội nghị Poczdam, năm 1946, Trung Hoa Dân Quốc tiến hành tước vũ khí của Nhật Bản tại Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó họ ở lỳ trên 2 quần đảo này, do hiểu được tính chiến lược của Hoàng Sa, Trường Sa, từ các công trình quân sự mà Nhật Bản xây dựng trên Hoàng Sa, Trường Sa.


3.4. Cộng hòa nhân dân Trung Quốc thất bại thảm hại khi nêu ra đòi hỏi chủ quyền tại Hoàng Sa tại Hội nghị San Francisco Hoa Kỳ 1951.


Tại Hội nghị này, do không được mời dự, Trung Quốc thông qua Liên Xô đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Lý do tuyên bố chủ quyền là “ Trung Quốc đã thay thế Trung Hoa dân quốc, tiếp quản 2 hòn đảo trên Hoàng Sa, Trường Sa.” Đề nghị chủ quyền trên Hoàng Sa, Trường Sa không có tính pháp lý này, đã được bỏ phiếu với 48 phiếu chống, chỉ có 3 phiếu ủng hộ là Liên Xô và 2 nước Cộng sản khác theo Liên Xô.


Cũng trong Hội nghị này, Thủ tướng Việt Nam Trần Văn Hữu đã tuyên bố chủ quyền không chối cãi được của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Cả Hội nghị đã đồng thuận với tuyên bố này, không có 1 quốc gia nào phản đối kể cả Liên Xô.


4. Trung Quốc ăn cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam năm 1974, 1988 và 1992


Thất bại tại Hội nghị San Francisco, Trung Quốc lẽ ra phải cư sử như một quốc gia văn minh là tôn trọng việc bỏ phiếu của 51 quốc gia Đồng minh chống Nhật Bản tại Hội nghị này. Do văn hóa trịch thượng, bá quyền là bản chất, do bành trướng là mục đích của ĐCS TQ, ngày 4/9/1958 Chu Ân Lai dụng kế " Từ không biến thành có". Bộ chính trị Đảng cộng sản VN đã đặt quan hệ với TQ lên cao hơn sự bất khả xâm phạm của lãnh hải Việt Nam, và nhanh nhẩu lấy lòng Trung Quốc bằng công hàm Phạm Văn Đồng nổi tiếng.


Năm 1974, lợi dụng 2 miền Nam Bắc Việt Nam đang tăng cường chiến tranh, Trung Quốc chiếm hoàn toàn của Việt Nam Hoàng Sa. Kế đến 1988, Trung Quốc lại chiếm của Việt Nam 7 đảo tại Trường Sa và thêm 1 đảo nữa vào năm 1992.


Rõ ràng là Trung Quốc đã cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mà chủ quyền đã được Việt Nam thực thi trong hàng trăm năm nay. Chủ quyền này còn được thế giới công nhận tại Hội nghị San Francisco 1951.


Trung Quốc là kẻ xâm lược chứ không phải là người có yêu cầu chủ quyền. Yêu cầu chủ quyền của Trung Quốc đã bị cộng đồng thế giới bác bỏ.


5. Thái độ của ĐCS VN trong vấn đề Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa


Kể từ công hàm 14/9/1958, nói chung là ĐCS VN im lặng và cố ý phủ im lặng lên vấn đề này. Hoàng Sa, Trường Sa là hải đảo của Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc xâm lược.


Đây là vấn đề an ninh quốc gia, đây là vấn đề bất khả xâm phạm của lãnh hải Việt Nam.


Đây là vấn đề quan trọng bậc nhất của nhà nước Việt Nam.


ĐCS VN trong cái gọi là độc quyền lãnh đạo đã coi thường, bưng bít dư luận đại chúng và không phản ứng 1 cách xứng đáng với tầm vóc sự việc.


Chính sự nhu nhược này của ĐCS VN mà Trung Quốc luôn lấn tới, và đã chiếm 1 cách ngoạn mục gần hết 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.


Công hàm ngày 14/9/1958 do Phạm Văn Đồng ký. Nội dung là do sự thống nhất của BCT ĐCS VN mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo, chịu trách nhiệm chính.


Giả sử thời điểm này, Việt Nam có phe đối lập mạnh mẽ thì công hàm với nội dung công nhận cho Trung Quốc chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa chắc chắn không thể xuất hiện dưới ánh sáng mặt trời được. Chắc chắn là không xẩy ra cuộc xâm lược Hoàng Sa do Trung Quốc thực hiện 1974. Việc Đặng Tiểu Bình được phục chức và chỉ vài ngày sau khi nắm quyền, được Mao trực tiếp giao việc duyệt kế hoạch tác chiến và chỉ huy trận hải chiến xâm lược từ 17 đến 19 tháng 1 năm 1974 này, nói lên Trung Quốc cần 1 lãnh đạo nhiều kinh nghiệm chiến trận chỉ huy, cần 1 lãnh đạo quân đội ở bậc cao nhất, 1 lãnh đạo có uy tín nhất để cuộc xâm lược tiến hành thành công nhất, nhanh nhất. Điều này chứng tỏ Trung Quốc sợ cuộc xâm lược kéo dài. Nếu Phạm Văn Đồng và BCT ĐCS VN đã không nhu nhược, thì dứt khoát Trung Quốc không dám xâm lược Việt Nam như vậy.


Để Trung Quốc hung hăng bành trướng là lỗi của ĐCS VN.


Do Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chính trong việc đặt quan hệ thân thiện với Trung Quốc lên trên tính bất khả xâm phạm của lãnh hải Việt Nam, mà hàng chục năm sau này, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục xâm lược Trường Sa của Việt Nam, nhà nước Việt Nam đã không phản ứng như mong đợi của nhân dân Việt Nam.


ĐCS VN phải biết rằng, việc chiếm 2 quần đảo HS, TS của TQ thành công là do có sự đồng lõa ngầm của họ.


ĐCS VN không thể giấu diếm nhân dân VN việc này được.


Độc quyền lãnh đạo là có kèm theo đòi hỏi trách nhiệm cao trước việc bảo vệ bất khả xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc VN.


ĐCS VN đã không xứng đáng với trọng trách này. Đến hôm nay, Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng vẫn cố ý tránh né vấn đề Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông , gây họa chiến tranh với VN, và đặt tầm cao quan hệ với TQ, ý thức hệ cộng sản, lên trên việc đấu tranh đòi lại lãnh thổ, lãnh hải VN đã bị TQ xâm lược.


Đặt quan hệ với Trung Quốc lên trên hết, ĐCS VN còn tuân theo ý chỉ của Trung Quốc cấm người dân Việt Nam nói đến HS-TS-VN. Trường hợp đàn áp các cuộc biểu tình năm 2007 và mùa hè năm 2011, việc bắt Blogger Nguyễn Văn Hải ... đã khẳng định tính nhu nhược đến mất cả độc lập tự do của ĐCS VN.


Từ 2 năm trở lại đây, do sự bành trướng quyết liệt của TQ tại Biển Đông, như công bố đường lưỡi bò lên LHQ /2009/, tuyên bố đường lưỡi bò là lợi ích cốt lõi của TQ / 1-2010/, tuyên bố các địa điểm cắt cáp tầu Binh minh02 và VIKING 2 trong hải phận 200 hải lý của VN, là hải phận của TQ / 5/2011/,...các lãnh đạo cao nhất VN, như CT nước Nguyễn Minh Triết tại đảo Bạc Long Vĩ đầu tháng 4 năm 2010, cũng chỉ nói được : “Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhượng.”


Tân Chủ tịch nước CHXHCNVN - ông Trương Tấn Sang tuyên bố vào ngày 25 tháng 7 năm 2011: “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…"


Ngày 8/6/2011 Thủ tướng VN đã có phát biểu quan trọng tại Nha Trang : "Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”


Những ngày hôm nay, trước Quốc hội VN, một lần nữa Thủ tướng VN đã tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của VN, và lần đầu tiên, từ 1958 tới nay, tuyên bố rõ ràng :" Năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên hợp quốc can thiệp."


Công hàm 14/9/1958 là của 1 thủ tướng VN. Đây là văn kiện ngoại giao giữa 2 quốc gia. Phát biểu ngày 25/11/2011 của Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng trước Quốc hội VN có ý nghĩa quốc tế, có ý nghĩa đối nội.


Tuyên bố trước Quốc hội 1 Việt Nam thống nhất, về mặt đối ngoại, pháp lý, có tác dụng vô hiệu hóa công hàm Phạm Văn Đồng .


Về mặt đối nội, tuyên bố đã chính thức công nhận những sai trái của chính phủ VN trong việc đàn áp những người biểu tình, trong việc không có những cố gắng đấu tranh trên quốc tế cho chủ quyền VN tại Hoàng Sa, Trường Sa; gián tiếp tuyên dương những biểu hiện yêu nước đối với Hoàng Sa, Trường Sa của nhân dân VN.


6. Hạn chế của Tuyên bố trước Quốc hội VN ngày 25/11/2011 của Thủ tướng


Hạn chế của Tuyên bố này là cụm từ "đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp Hiến chương LHQ, Công ước luật biển, Tuyên bố DOC.”


Có 2 vấn đề được đặt ra ở đây:


1. Thủ tướng nói : đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa" và

2. "bằng biện pháp hòa bình".


Không phải VN "đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa". Việt Nam đã có chủ quyền trên Hoàng Sa từ lâu đời. Năm 1951, cộng đồng quốc tế với 51 nước họp ở San Francíco đã đồng thuận với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa, và bác bỏ yêu cầu chủ quyền của Trung Quốc trên 2 quần đảo này. Trung Quốc không tôn trọng tài phán này và Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực HS, TS của Việt Nam vào các năm 1974, 1988, 1992...Việc TQ dùng vũ lực để cướp đoạt lãnh thổ, lãng hải của VN, là việc sai trái với luật pháp quốc tế, là phi nghĩa.


Chính từ xuất phát điểm sai lệch này, Thủ tướng VN đã có biện pháp chính trị sai: "Đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình".


Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại xem cư sử của Philippiné ra sao khi tầu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Philippiné ? Đây là quốc gia nhỏ hơn TQ.


Quốc gia mạnh hơn TQ là Hoa Kỳ.


Sự kiện ngày 11/9/2001 đã đặt vấn đề an ninh quốc nội của Hoa Kỳ dưới dấu chấm hỏi. Để đảm bảo an ninh cho lãnh thổ mình, nhà nước Hoa Kỳ đã tiến hành 2 cuộc chiến tranh ngoài lãnh thổ là Irăk và Afgahnistan và 1 cuộc chiến sức mạnh mềm chống chủ nghĩa khủng bố trên khắp thế giới.


Cha ông VN ta, thì Lý Thường Kiệt đã tấn công Châu Ung, Châu Khâm nhằm tiêu diệt chuẩn bị của nhà Tống trước đe dọa xâm lược VN. Hoàng đế Quang Trung đã công khai tỏ ý định đòi 2 Quảng thời Càn Long nhà Thanh.


Lịch sử VN đã chứng kiến 9 lần đánh bại xâm lược Trung Quốc của phong kiến VN.

Liệu việc thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa về với VN "bằng biện pháp hòa bình" sẽ kéo dài bao lâu ? Từ 1974 tới nay đã là 37 năm. 'Biện pháp hòa bình" đã mang lại kết quả gì?


Ta chỉ thấy TQ ngày càng mạnh dạn hơn trong việc xâm chiếm lãnh hải VN. Năm 1974 họ chiếm cả Hoàng Sa. Năm 1988, họ chiếm 7 đảo của VN tại Trường Sa. Năm 1992, Trung Quốc lại tiếp tục dùng vũ lực chiếm thêm 1 đảo tại Trường Sa. Năm 2007 , Trung Quốc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào huyện Hải Nam. Năm 2009, Trung Quốc trình "đường lưỡi bò" lên LHQ. Đầu năm 2010, Trung Quốc tuyên bố "đường lưỡi bò" là lợi "ích cốt lõi" của CHNN TQ. Tháng 5/2011, Trung Quốc cắt cáp 2 tầu Việt Nam đang hoạt động trong lãnh hải 200 hải lý và tuyên bố các địa điểm 2 tầu Bình minh và VIKING hoạt động là lãnh hải Trung Quốc.


Hoàng Sa, Trường Sa là cái lõi để TQ vẽ nên đường lưỡi bò. Không có HS,TS, Trung Quốc không vẽ nổi đường lưỡi bò. Vì vậy việc thu hồi HS,TS phải là vấn đề thời gian nhanh nhất có thể đối với VN. Con đường mà Thủ tướng nói : bằng biện pháp hòa bình, thực chất có tính câu thời gian, chỉ có lợi cho TQ mà thôi.


Đứng trước Trung Quốc với tuyên bố “Không có gì để đàm phán cả. Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc chưa bao giờ là đề tài tranh chấp và Việt Nam đã thừa nhận điều này trong quá khứ” thì " biện pháp hòa bình của ĐCS VN" có thể đồng nghĩa với việc để TQ làm chủ lâu dài tại HS, TS.


An ninh quốc nội VN đang hàng ngày hàng giờ bị đe dọa từ khi TQ chiếm HS, TS. Ngực VN, bờ biển VN, đang hàng ngày hàng giờ giơ trần trụi ra trước các dàn tên lửa Trung Quốc từ ngoaì khơi, từ Hoàng Sa, Trường Sa, từ các tầu Hải giám TQ, từ các tầu Hải chính TQ, từ các loại tầu chiến, tầu ngầm,tầu sân bay TQ.. chĩa vào. Việc thu hồi HS, TS trong thời gian nhanh nhất nằm trong quyền lợi quốc gia tối thượng, nằm trong an ninh lãnh hải, lãnh thổ VN, nằm trong chủ quyền bất khả xâm phạm của quốc gia VN.


Chính vì vậy, 1 tuyên bố mà mọi người Việt Nam mong đợi là có nội dung cụ thể hơn:


"Hoàng Sa và Trường Sa là 2 quần đảo của Việt Nam từ lâu đời. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền và khai thác tại HS, TS một cách hòa bình, liên tục hàng nhiều thế kỷ nay, được các nước lân bang, thậm chí cả Trung Quốc phong kiến công nhận.


Hoàng Sa, Trường Sa đã là máu của cơ thể Việt Nam, đã là thịt của Tổ quốc Việt Nam. Từ 1974 tới nay, bành trướng Trung Quốc đã liên tục dùng bạo lực xâm lược dần 2 quần đảo này. Người dân VN, từ các chiến sĩ hải quân CHMN VN đến các chiến sĩ hải quân CHXHCH VN đã hi sinh bao xương máu cho Hoàng Sa, Trường Sa.


Dân tộc Việt Nam nguyện mang tất cả tính mạng và của cải, tinh thần và nghị lực, đoàn kết đòi lại nhanh nhất Hoàng Sa, Trường Sa trở về với Việt Nam."


7. Những việc VN cần làm trong tương lai gần


Đã 37 năm kể từ khi TQ xâm lược HS của VN, tới nay, TQ càng xâm lược nhiều hơn nữa các đảo của VN tại TS. Sách lược đòi chủ quyền tại HS, TS bằng hòa bình của ĐCS VN đã trở thành sách lược đầu hàng, nhượng biển đảo VN cho TQ.


Chỉ mới đây thôi, đầu tháng 10/2011, Tổng bí thư ĐCS VN vẫn tiếp tục đặt ý thức hệ Chủ nghĩa cộng sản, 1 chủ nghĩa đã lỗi thời, bị nhân loại tiến bộ đặt ngang hàng với chủ nghĩa Phát xít, lên trên sự toàn vẹn lãnh hải của VN, lên trên các vấn đề HS, TS.


Hôm nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tuyên bố, 1 tuyên bố nửa vời. Thủ tướng đã dũng cảm khẳng định HS, TS là của VN, và khẳng định TQ đã chiếm HS của VN năm 1974. Tuy vậy Thủ tướng cũng rơi vào bẫy mà TQ mong muốn : kéo dài việc thu hồi HS, TS bằng phương pháp hòa bình.


Từ khi loài người có chữ viết, không có 1 trang nào dám viết là : 1 đất nước bị xâm lược chỉ được phép đấu tranh bằng hòa bình với nước vừa cướp đất, cướp biển của anh.


Việt Nam có quyền dùng mọi biện pháp đấu tranh để đòi lại HS, TS kể cả chiến tranh mà không 1 nước nào trên thế giới có quyền phản đối. Đây là quyền thiêng liêng của dân tộc VN, đã được ghi trong Thiên Thư. Đây là quyền thiêng liêng của tất cả các dân tộc bị xâm lược trên thế giới chống trả xâm lược. Không 1 đế quốc hùng mạnh nào có thể thay đổi được điều này.


Trung Quốc rất tích cực tận dụng phương pháp đấu tranh hòa bình này của VN. Bởi vì hòa bình này đồng nghĩa với bắt giam những người yêu nước VN kêu gọi HS-TS-VN. Bởi vì phương pháp hòa bình này cho phép TQ giấu bộ mặt xâm lược, giơ bộ mặt cùng hệ tư tưởng, cùng đồng chí, cùng anh em giai cấp, để diễn biến hòa bình với VN.


Trong các hội nghị quốc tế về Biển Đông, bao giờ TQ cũng tham dự, nhiều khi rất đông đảo với các nhân vật cao cấp nhất như Phó chủ tich Quốc hội TQ.


Các bài báo của nhà khoa học TQ, đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín lớn, thường đăng kèm bản đồ Biển Đông có hình lười bò trung quốc, dù có thể bài báo không liên quan tới chủ quyền Biển Đông...


Trung Quốc đang dùng tiền của để ngụy tạo bằng chứng lịch sử, ngụy tạo bằng chứng pháp lý bằng mọi thủ đoạn, trong khi ĐCS VN đàn áp nhân dân VN biểu tình chống TQ bành trướng ra Biển Đông.


Đây chẳng phải nối giáo cho giặc sao?


Cuộc đấu tranh đòi lại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa về với Tổ quốc VN cần nỗ lực to lớn của cả dân tộc VN.


Chỉ có cải cách dân chủ, VN mới có đầy đủ nội lực làm việc này.


Đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa không phải là việc riêng của ĐCS VN.


Những gì trong 37 năm qua, ĐCS VN đã làm, là tiệm cận với đầu hàng TQ, việc mà các nhà nước phong kiến VN không bao giờ làm.


Tại đây xin gửi tới bạn đọc đóng góp ý kiến của tác giả bài báo "Hướng đi tới cho tranh chấp HS-TS" đăng trên BBC ngày 1 tháng 12, 2011. Tôi chỉ thêm 1 ý nhỏ là trước hết, trong những ngày tới, có thể Chủ tịch Trương Tấn Sang gửi công hàm cho Hồ Cẩm Đào đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa, trước khi đưa vấn đề này ra LHQ. Đã có tiền lệ, khi VN phong kiến đòi nhà Thanh thời Ung Chính 40 dăm đất biên giới Việt-Trung.





_____________________________________

Tham khảo


2. ĐĂNG VŨ.Chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

3. Bài nghiên cứu của các tác giả: Dương Trung Quốc, Lam Điền, Hãn Nguyên Nguyên Nhã, Hoàng Mai Anh, Đặng Trung Hội, Mai Hạnh, Nguyễn Nhã, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Hồng Thao, Hoàng Trọng Lập, Đức Huy.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét