Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Blog NGUYỄN XUÂN DIỆN - TIN VUI: SÁNG NAY, QUỐC HỘI VIỆT NAM THÔNG QUA LUẬT BIỂN




Blog NGUYỄN XUÂN DIỆN - TIN VUI: SÁNG NAY, QUỐC HỘI VIỆT NAM THÔNG QUA LUẬT BIỂN






Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam


(VOV) - Sáng 21/6, với 495/496 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (đạt 99,2%), Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam.




Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật biển Việt Nam.


Cũng trong sáng nay, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Quảng cáo với 484 đại biểu tán thành (chiếm 97,39%) trong tổng số 487 đại biểu tham gia biểu quyết.


Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có 483 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó 478 đại biểu tán thành thông qua (95,79%).


Về Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 có 479 đại biểu tham gia biểu quyết, 473 đại biểu tán thành (94,79%).


Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vối 484/485 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 97,19%./.

Ngọc Thành/VOV online.


***


Blog Đào Tuấn đưa tin:

Tin nóng: CHỦ QUYỀN HOÀNG SA ĐƯỢC GHI NGAY TẠI ĐIỀU 1 LUẬT BIỂN

 


Với 495/496 đại biểu QH bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Biển Việt Nam với việc xác định chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…được ghi ngay trong điều 1.

Luật Biển chính là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, đồng thời sẽ là thứ « vũ khí pháp lý » để xử lý bằng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam đối với các cá nhân, tàu thuyền nước ngoài vi phạm.

Điều 3 của Luật ghi nhận rõ “biện pháp hòa bình” là nguyên tắc để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Theo báo cáo giải trình, việc ghi nhận nguyên tắc này hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng của nước ta, bởi vì ngay trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng thừa nhận quyền tự vệ chính đáng của cá nhân hay tập thể khi thành viên của Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang. Trong khi đó, khoản 1 Điều 5 quy định việc thực hiện các biện pháp cần thiết (bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng) nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo đã hàm ý Việt Nam có quyền sử dụng các biện pháp vũ lực, phòng vệ chính đáng khi cần thiết.

Luật Biển thừa nhận quyền qua lại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam nhưng quy định rất cụ thể các hành vi bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam:


a) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

b) Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc.

c) Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào.

d) Thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

đ) Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

e) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền.

g) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền.

h) Bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh.

i) Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển.

k) Đánh bắt hải sản trái phép.

l) Nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép.

m) Làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam.

n) Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.


Theo Luật Biển, Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng. Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.


Việc QH thông qua Luật Biển Việt Nam là một động thái mạnh mẽ, cần thiết trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Điểm đáng lưu ý nhất là dù các phiên thảo luận luật Biển là thảo luận kín. Nhưng đến hôm qua, báo chí đã có quyền tiếp cận toàn bộ bộ luật này.

Nguồn: Đào Tuấn Blog.


***

BBC: TRUNG QUỐC PHẢN ĐỐI LUẬT BIỂN CỦA VIỆT NAM





Trung Quốc ngay lập tức phản đối Luật Biển Việt Nam mà Quốc hội ở Hà Nội thông qua trong cùng ngày 21/6.


Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân đã triệu đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Thọ tới để "đưa ra phản ứng nghiêm khắc" về luật mà Trung Quốc gọi là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".


Báo chí Việt Nam cho hay ngay Điều 1 của Luật Biển đã quy định về quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ một phần cũng như quần đảo Hoàng Sa vốn hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc từ năm 1974 sau trận hải chiến mà Việt Nam Cộng hòa thua cuộc.


Trung Quốc luôn tuyên bố Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) thuộc về nước này.


Lời văn phản đối trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn: "Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: Tây Sa hải đảo và Nam Sa hải đảo là lãnh thổ Trung Quốc. Các đảo này và vùng phụ cận thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc.


"Bất cứ nước nào đưa ra đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và theo đó áp dụng bất cứ hành động nào đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa đều là phi pháp và vô hiệu."


Trong khi đó Luật Biển của Việt Nam cũng khẳng định "đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam".


Mặc dù vậy Luật cũng nói Việt Nam chủ trương "giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình" theo các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.


Báo chí trong nước nói Luật Biển Việt Nam đã được thông qua với sự đồng ý của 99,2% đại biểu.


Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải, đã chứng kiến nhiều sự cố trong thời gian gần đây trong đó các vụ bắt ngư dân đánh cá giữa các nước ngày càng tăng kèm theo những sự cố như vụ chạm trán gần đây giữa tàu chiến Philippines và tàu tuần tiễu Trung Quốc hay trước đó là vụ Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh cho tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.



Theo Blog Nguyễn Xuân Diện








1 nhận xét:

  1. Quốc Hội VN mới đây minh định trong Luật Biển VN ngay trong phần đầu tiên: Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam thì yêu cầu Chính Phủ VN thả ngay Cô Phạm Thanh Nghiên bị án tù 3 năm vì tọa kháng trước nhà với hàng chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam !!!

    Hãy làm việc nhỏ và cụ thể này để chứng minh văn kiện Quốc Hội có giá trị !!!

    Trả lờiXóa