Chủ tịch ASEAN: Biển Đông là vấn đề của ASEAN và Trung Quốc
Quốc Việt, Thông tín viên RFA, Phnom Penh
2012-04-04
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 20 diễn ra hai ngày, từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 4 tại thủ đổ Phnom Penh đã bế mạc.
Photo Quốc Việt RFA
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại ASEAN 2012
Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và giải quyết vấn đề biển Đông trong khu vực. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình như sau:
Bế mạc Hội nghị ASEAN lần 20 tại Campuchia
Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết tại cuộc họp báo sáng ngày 4/4 rằng tại Hội nghị thưởng đỉnh ASEAN lần 20, lãnh đạo các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã bàn về chương trình kết nối ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển ASEAN tiến tới thị trường chung; thực hiện xây dựng lộ trình cộng đồng ASEAN trong giai đoạn 2009 – 2015; thúc đẩy hợp tác bảo vệ quyền lao động di cư; khắc phục và kiểm soát thiên tai, biến đổi khí hậu; nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực nhằm đạt được mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN năm 2015.
Theo Chủ tịch ASEAN, lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các khuôn khổ ASEAN +1, ASEAN +3, phối hợp lập trường của ASEAN tại Cấp cao G20, khuyến khích các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào các mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực …v.v.
Các nước ASEAN nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN thông qua các khuôn khổ ASEAN +1, ASEAN +3, phối hợp lập trường của ASEAN tại Cấp cao G20, khuyến khích các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào các mục tiêu chung là hòa bình, an ninh
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, trước Hội nghị thượng đỉnh diễn ra đã có rất nhiều ý kiến và báo chí đăng tải liên quan vấn đề tranh biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam, Brunei, Philippines và Malaysia. Dường như họ coi đó là cuộc chiến giữa Trung Quốc và các nước đang tranh chấp nhưng đây là vấn đề chung của ASEAN.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 20 tại Campuchia. AFP 4 tháng 4,2012
Vì vậy, vấn đề biển Đông vẫn là một những đề tài nóng được bàn tại Hội nghị.
Vướng mắc về vấn đề Biển Đông tại ASEAN 20
Vẫn theo Thủ tướng, Tuyên bố về cách ứng xử biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc, cho nên bất cứ tại Hội nghị nào cũng phải thảo luận vấn đề biển Đông, nhưng điều quan trọng là cuộc thảo luận đó tiến tới đâu và đạt được gì. Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo các nước ASEAN không đạt được sự thống nhất chung trong việc tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) dù có một số lãnh đạo đòi hoàn tất dự thảo trước khi đàm phán với Trung Quốc, trong khi đó nước chủ nhà Campuchia muốn có Trung Quốc cùng tham gia dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trước khi tham gia đàm phán.
Chủ tịch ASEAN Hun Sen nhấn mạnh: “Diễn đàn biển Đông là diễn đàn giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Điều này không thể chối cải. Lý do, đã có 10 nước thành viên ASEAN ký Tuyên bố về cách ứng xử biển Đông với Trung Quốc. Do đó, không thể nào giải quyết vấn đề biển Đông với bất cứ nước nào khác ngoài ASEAN và Trung Quốc. Campuchia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và can thiệp không cho phép bất cứ nước nào ngoài ASEAN và Trung Quốc tham gia giải quyết vì nó dẫn đến sự phức tạp hơn nếu quốc tế hóa.”
Trong vấn đề bàn cách lập Bộ quy tắc ứng xử biển Đông, lãnh đạo Philippines và Thái Lan tỏ ra quan điểm khác nước chủ nhà Campuchia. Lãnh đạo hai nước vừa nói đòi hoàn tất dự thảo trước khi đàm phán với Trung Quốc.
“Diễn đàn biển Đông là diễn đàn
giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.
Điều này không thể chối cải.
Lý do, đã có 10 nước thành viên ASEAN ký
Tuyên bố về cách ứng xử biển Đông với Trung Quốc.
Do đó, không thể nào giải quyết vấn đề
biển Đông với bất cứ nước nào khác
ngoài ASEAN và Trung Quốc.”
Chủ tịch ASEAN Hun Sen
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa trả lời báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 20, ngày 2/4/2012. (Photos: Quốc Việt,RFA)
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alberto del Rosario cho biết dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) phải bao gồm các hướng dẫn mà các nước có liên quan phải hành xử ở biển Đông; các cơ chế về giải quyết tranh chấp bao gồm cấu trúc thích hợp để thực hiện hiệu quả các cơ chế; làm rõ và phân chia khu vực tranh chấp và không tranh chấp theo luật quốc tế; các quy định liên quan đến các hoạt động hợp tác thích hợp ở khu vực tranh chấp.
Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario nói thêm: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trước khi ngồi đàm phán với Trung Quốc. Hơn nữa, phải mời Trung Quốc đến đàm phán…”
Trước đó, Tuyên bố về cách ứng xử biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm 2002. Bản thỏa thuận về hướng dẫn thực thi DOC được đưa ra hồi năm 2011 tại Hội nghị ở Indonesia. Hiện nay Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đang là mục tiêu hướng đến của các nước tranh chấp.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải soạn thảo
Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)
trước khi ngồi đàm phán với Trung Quốc.”
Ngoại trưởng Philippines
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói rằng tranh chấp Biển Đông, còn gọi là Biển Nam Trung Hoa, là một trong những đề tài gây tranh cãi nhất và đã được nêu lên trong cuộc họp. Các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC. Ông nói rằng các nước ASEAN phải lắng nghe quan điểm của Trung Quốc để phát triển lập trường nhất quán trước khi đưa dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) cho Trung Quốc.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói: “Nó sẽ có lợi ích cho chúng ta nếu chúng ta được thông báo về quan điểm của Trung Quốc về vấn đề. ASEAN phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm cách thức và phương tiện để có được quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp.”
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 20 đã thông qua Tuyên bố Phnom Penh “ASEAN: một cộng đồng, một vận mệnh”; Nghị sự Phnom Penh về xây dựng cộng đồng ASEAN; Tuyên bố về ASEAN không ma túy năm 2015 và Phong trào ASEAN ôn hòa toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét