Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

LÂM MẠNH DI - Tháng 4 - Những giòng chữ cho Freddy Lâm Gia Nghi









Tháng 4 - Những giòng chữ cho Freddy Lâm Gia Nghi

Lâm Mạnh Di



Hơn 30 năm về trước, bà Nội con lũ lượt theo giòng người bỏ xứ ra đi, mang theo bố con trong bụng, một thai nhi vừa đươc vài tháng, và bác Huy của con lúc đó vừa tròn 7 tuổi.

Lần đầu tiên trong đời ông mới biết thế nào là đau khổ của sự chia ly. Có lẽ dùng chữ đau đớn mới đúng. Ví ai biết được có còn ngày tao ngộ ?

Và ông cũng chẳng ngờ, trong đời ông lại có 1 đứa cháu nội mang 2 giòng máu, đứa cháu nội thật xinh, có cặp mắt to với hàng lông mi cong vút. Mỗi lần con theo cha mẹ con về thăm ông, dẫn con ra đường chẳng ai biết là 2 ông cháu, ai cũng khen con hiền va đẹp, cứ ngỡ ông là người giúp việc cho 1 gia đình người ngoại quốc nào đó.

Trong cuộc sống khép kín cô đơn của ông, dường như ông chỉ vui được vài tuần ngắn ngủi khi bố mẹ con dẫn con về thăm ông. Về lần cuối thì con cứ huyên thuyên nói với ông bằng tiếng Tây Ban Nha, thay vì tiếng Mỹ như thường lệ, làm ông chẳng hiểu cứ ôm cháu vào lòng mà cười. Cái nghề nghiệp cứ bắt bố con vài năm là lại phải đi đến 1 nước khác làm việc kể cũng tốt cho con.

Thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông, có lẽ đó là lúc bố con về VN làm việc, lúc đó con vừa thôi bú mẹ. Ông chăm sóc con cẩn thận lắm, cứ cầm quạt phe phẩy cho con suốt ngày vì sợ có con muỗi nào nó chích vào da thịt non nớt của con. Ba năm trời được sống bên con, bên cha mẹ con, là những giờ phút ông luôn có nụ cưới, làm ông quên được những tháng năm sống trong hẫm hiu đau khổ. Và ông cũng chẳng ngờ, càng lớn con càng quấn quít ông hơn bố mẹ con, lúc nào hai ông cháu mình cũng cứ quanh quẩn bên nhau.

Ba năm trời qua nhanh như 1 giấc mơ, rồi ông phải ngậm ngùi chia tay những người mình thương yêu nhất đời. Hôm đưa gia đình con trở lại Mỹ, đó là một ngày mưa tầm tã. Mẹ con dù là người phương Tây cũng rơi lệ, tim ông quặn đau khi con cứ nắm chặt tay ông không chịu rời. Phi trường Tân Sơn Nhất hôm đó sao mà ảm đạm… rồi bóng dáng 3 người thân yêu cứ xa dần, xa dần .. Ông còn nghe tiếng con gào khóc sau bức tường cách ly của phi trường.

Thế là hai ông cháu mình xa nhau thật rồi, nước mắt ông dàn dụa.. và ông ngã quỵ trong tay hai người bạn cùng đi theo. Về lại nhà, ôi sao mà trống vắng, tiếng cười nói của con còn loáng thoáng đâu đây. Ông nằm liệt giường cả tuần, chẳng màng đến cơm nước….

Bây giờ con đã 8 tuổi, một học sinh thông minh và hiền hậu. Con có đôi mắt thật buồn của bà Nội, có chuyện vui buồn gì cũng gọi điện thoại cho ông. Bố con biết ông thích bài Bên Cầu Biên Giới nên nhờ thầy dạy nhạc dạy cho con đàn bài này… nghe tiếng đờn piano của con qua điện thoại, ông cũng hát nhỏ theo „ Bên cầu biên giới …Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi..Sông nước xa xôi..mây núi khắp nơi.. Không tỏ một đôi lời …“

Freddy, ông biết con thương ông lắm. Cả bố mẹ con nữa, mọi người đều muốn ông rời VN để theo gia đình.. Khi nào con đủ lớn khôn có lẽ con sẽ hiểu vì sao ông không muốn bỏ Sài Gòn mà ra đi. Chính phủ này là 1 CP tàn bạo trong các CP tàn bạo trên thế giới, họ đã làm gia đình mình và hàng triệu gia đình tan nát. Nhưng ông vẫn chọn cuộc sống ở đây chỉ vì ông thương yêu bao nhiêu là kỷ niệm. SG là quê hương của ông, nơi đây ông gặp bà Nội và đó là lần đầu tiên ông biết yêu. Những con đường, những hè phố, những buổi trưa nắng oi ả, những người bạn thân thương, những quán cóc bên đường …. là tất cả những gì ông còn giữ lại cho đời mình.

Ông không biết mình sẽ làm gì trong 1 không gian xa lạ, nếu ông rời VN. Rồi khi cha mẹ con đi làm bận rộn, con phải đi học, có lẽ ông sẽ co ro 1 mình trong phòng..

Cháu ngoan, con ráng học hành cho giỏi nhé. Và nhớ mỗi năm theo bố mẹ về thăm ông vài tuần, như vậy là ông vui lắm rồi. Ông sẽ cố gắng đi học tiếng Tây Ban Nha, để về kỳ tới có thể chuyện trò với con, hay ít ra ông có thể dịch lá thư này để mai mốt con đọc.

Ông viết lá thư này vào những ngày tháng 4, thời gian này cũng là thời điểm của những bọn lố nhố lăng nhăng đang sửa soạn ăn mừng chiến thắng trên hàng triệu xác người. Ông chẳng màng đến họ, những con diều hâu đang rỉa thây dân tộc VN, vì ông bây giờ chỉ sống với hình ảnh con cháu, vui khi con cháu điện thoại về thăm ông. Đó là những sức mạnh của yêu thương, vực ông dậy để sống trong những ngày cô quạnh.


Thương con – LMD



Ps.: Bố mẹ mày lười quá, sao không tặng cho ông thêm vài đứa cháu như con ??



CẢM ĐỀ:

Quá khứ hằn sâu những dòng tâm tưởng
Nội kể cho con một nỗi đau thương
Bi khúc đoạn trường ông bà đã trải
Để con trân quý trọn vẹn yêu thương!

(Hoa Cỏ May)


***





Biết Bao Giờ Trở Lại
ca sĩ: Trần Thái Hòa - sáng tác: Ngô Thụy Miên


        



Biết Bao Giờ Trở Lại



Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại
Sàigòn ơi, sao em còn mãi trong tim tôi
Ôi những con đường ngày nào còn nghe lá rơi
Nụ cười còn tươi nét môi
Hay áo mầu phai úa rồi

Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại
Hỏi lòng nhau cơn mưa nào xóa đi thương đau
Bao tháng năm dài miệt mài đời như khói sương
Nghìn trùng giòng sông vấn vương
Để nhớ thương lệ mắt buồn

Tôi vẫn mơ thành phố cũ lối xưa đi về
Dù hồn nghe tái tê,
tìm đâu thấy những cơn mộng mê
Một ngày nào đó như cánh chim bạt gió
Có nghe mùa thu qua xót xa tình phôi pha

Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại
Để cùng em rong chơi tìm những cánh sao rơi
Cho tiếng hát buồn ngày nào nhịp vang phố vui
Nụ cười về trên nét môi
Hạnh phúc tôi, một góc trời   





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét