Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

PHẠM DIỄM HƯƠNG - NGÚT TRỜI THƯƠNG ĐAU (PHẦN CUỐI)







NGÚT TRỜI THƯƠNG ĐAU (PHẦN CUỐI)


Phạm Diễm Hương


(Phóng tác dựa theo tác phẩm “All Honor To You” của Đức Ông Peter Nguyễn Quang. Xuất bản năm 2002
Đức Ông Peter Nguyễn Quang hiện là Cha Chánh Xứ của nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức ( Our Lady of Lourdes) tại Denver, Colorado.)

****

Đất liền vẫn xa tít mù khơi. Gió thổi mạnh, cái bụng tui óc ách nước trộn dầu, có hồi tui thở hổng muốn nổi, mắt tui đổ đom đóm, mấy lần muốn lật nhào. Bỗng tui nghe có tiếng khóc: “Cứu con tui với, con tui bất tỉnh rồi”. Tui quay quắt ruột gan, tui trông chờ tiếng của Quang, chỉ có ổng mới sáng trí trong lúc này. Quang nói: “Bạn ơi, tàu của chúng ta không còn thức ăn nước uống. Chỉ có một chút nước chưng cất từ nước biển dành cho trẻ em thấm lưỡi. Bây giờ tôi biết làm sao?” Yên lặng một lát, tiếng Quang chậm rãi nhỏ nhẹ: “Bạn ơi, chỉ còn một cách để cứu sống con bạn là hãy cắt sâu vào ngón tay bạn và nhỏ những giọt máu thiêng liêng lên môi con”. Nín thinh. Tui khóc rống lên. Đất trời ơi, cái tình phụ tử, mẫu tử của con người sao mà nó thiêng liêng quá! Cha mẹ hy sinh cho con đến nước này là tận cùng cái sức chịu đựng của tui rồi.

Đêm khuya, trời lấm tấm sao, nhưng gió thổi lạnh ngắt làm như sắp có giông vậy, tui vẫn phải chạy để tìm cho ra cái bến để cứu hai đứa nhỏ. Đang ráng chạy, tui nghe đau thốn phía dưới, lòng máy nồng nặc mùi khét, khói đen phun ra làm tui ho sặc sụa. Tui nghẹt thở, đứng sựng lại, muốn chết giấc. Quang ôm hông tui lắc mạnh, mắt ổng đứng tròng, tui hiểu tui chết máy thì cả đoàn người sẽ chết theo. Trời xanh ơi, sao cay nghiệt quá! Tui gào tui khóc mà nước mắt không còn. Hai con mắt tui khô cứng, tui nhìn Quang và ba người thanh niên đang hớt hải kéo mấy cây tre gác hai bên hông, để làm cột buồm, rồi cột cái mền mỏng không biết của ai, để làm lá buồm cho tui hứng gió đi tiếp đoạn đường gian truân. Tui mang ơn Quang nhiều lắm. Ổng đã cứu tui, giúp tui giữ lời hứa đưa bà con mình tới bến bờ bình an.

Cỡ chừng gần trưa ngày thứ  mười, tui nghe trong gió làm như có tiếng còi hụ. Tui chưa kịp định thần thì tiếng còi áp tới, gấp gáp hơn. Hai cái tàu đang chạy thiệt nhanh ở phía sau. Tui quýnh quáng như bị ma đuổi. Nhìn Quang tui biết ổng đang cầu nguyện và mong có tàu tới cứu như lần trước. Nhưng tui lo lắm, tim tui đập liên hồi, phải chi tui là tàu đi biển, phải chi tui không bị cháy máy, tui đã soải lẹ về phía trước rồi. Gió muốn đứng, tui không cựa quậy gì được. Đâu chừng năm phút sau, bọn họ bắt kịp và cặp hai bên hông tui. Bọn người trên hai tàu lạ đứng lố nhố chỉ tay về phía tui cười hả hả. Nước da họ cũng đen bóng giống bọn người tui gặp đợt trước. Mọi người khi nhìn ra cũng thất kinh hồn vía. Đàn bà con nít bắt đầu khóc. Tui thấy Quang hốt hoảng đứng như trời trồng. Bọn người lạ nhảy lên mình tui, sặc mùi rượu. Môt đám cột hết đàn ông lại với nhau, một đám đem hết phụ nữ qua tàu họ, một đám khác mang súng và dao vừa lục soát, vừa giận dữ nói như chửi thề. Bọn họ không tìm được vàng bạc, vì chúng tôi chỉ có phẩm giá, mà họ đã cướp đi và đang làm nhục!

Bất thình lình, những tiếng thét xé trời từ tàu lạ vọng qua. Lồng ngực tui muốn bể tan. Tui nhìn Quang và mấy người đàn ông bị trói ngồi dính chùm, mắt người nào người nấy đỏ lòm, muốn lồi ra vì phẫn nộ và bất lực. Họ cố mở trói, tui thấy có người vung được cánh tay lên máu chảy ròng ròng. Quang gục mặt giữa hai đầu gối, vai ổng rung lên từng chặp. Từ hồi ra khơi tới giờ, chuyện lớn chuyện nhỏ mọi người đều hỏi ổng, coi ổng như người hướng dẫn vậy, bây giờ tai họa xảy ra dồn dập kiểu này, biểu sao ổng chịu cho nổi? Tiếng thét khản đặc của người bị hại và tiếng cười man rợ của hải tặc như hai sợi dây thừng thi nhau quất vào tim mọi người.

Theo bóng mặt trời lặn, những tiếng thét cũng từ từ chết ngắt. Tui khắc khoải chờ mấy người chịu khổ nạn, có hồi tưởng như vô vọng. Thình lình một tấm ván đen thui được thả từ tàu lớn qua. Tui nín thở khi nhìn thấy mớ tóc dài bết nước rớt ra ngoài tấm ván. Tui run rẩy nhìn người của tui đã trở về. Những thi thể nín thinh như đã  rời khỏi những tâm hồn trinh bạch! Không ai nói với ai tiếng nào. Làm như mọi người bắt đầu chấp nhận tai hoạ như cái giá để đi tìm tự do. Nét mặt mọi người căng ra như chịu đựng, như thách thức. Bất thần một trận mưa rác đổ xuống. Đầu cá, xương cá, vỏ chuối rớt vung vãi. Tui nhìn lên, kịp thấy những thân hình đen bóng khét mùi dầu đang cố đổ cho hết bịch rác. Thân tui lắc lư chao đảo, mọi người lính quýnh đứng dậy, bò ngang bò dọc hè nhau lượm rác rồi chùi chùi rửa rửa và bỏ vào miệng. Tui thấy mấy người đàn ông mặt đầy nước mắt, cái miệng méo xẹo nhai trệu trạo. Có người run run đút cái đầu cá vô miệng người vợ nằm co ro như chết. Tui nghe tiếng nấc nghẹn, Quang gục đầu vào hông tui vật vã: “Chúa ơi, sao lại thế này? Sao Ngài để cho dân của con ăn rác thế này?” Tui cũng khóc theo Quang và muốn an ủi ổng rằng: “Là dân thương hồ đi đây đi đó, tui đã thấy mấy đưá nhỏ, mấy người già lượm đồ ăn thừa của mấy người chức quyền nhậu ở mấy cái quán bên sông, tui cũng đứt từng đoạn ruột, nhưng tính lại cũng tại đói mà! Mọi người cần có cái ăn đặng sống! đặng nuôi hy vọng nhìn thấy bến bờ Tự Do. Ai cũng biết ăn cái này là nhục, nhưng biết làm sao!”

Sau giây phút vội vã nhai nuốt, mọi người bắt đầu tìm chỗ ngồi, ăn chầm chậm, không ai nhìn ai. Tui quay quắt trước cảnh thương tâm nên cũng không biết hai cái tàu hải tặc rút đi từ lúc nào! Quang tỉnh táo lại, ổng giữ lái hướng tui đi theo một vì sao, ổng kêu là sao Hôm. Tui nương theo gió, ráng giữ thăng bằng trước những con sóng lớn. Bóng đêm chụp xuống che những nghiệt ngã, nhưng cũng là nơi thần chết ẩn nấp và cướp mạng của hai đưá nhỏ ngay trong đêm đó. Những giọt máu đậm đặc của cha mẹ đã không cứu nổi con. Tiếng khóc nhỏ rít tức tưởi của người mẹ xen lẫn tiếng cầu kinh Phật, kinh Chúa, khiến mọi vết thương bật máu. Có nhiều tiếng khóc đan chập vào nhau. Tui cũng muốn mọi người hãy khóc, khóc cho vơi bớt khổ đau, vơi bớt tội tình, vơi bớt nhục hình. Có tiếng Quang: “Chúng ta cùng cầu nguyện cho hai em bé và đến lúc phải tạm biệt!” Tim tui như bị ai bóp nghẹt. Tiếng khóc lớn hơn. Có tiếng gọi thảm thiết: “Con ơi, con ơi!” Dưới ánh sao Hôm, tui nhìn thấy thi thể hai đứa nhỏ chập chờn trồi sụt theo ngọn sóng như chào vĩnh biệt mọi người rồi chìm sâu xuống dưới. Đôi vợ chồng chới với quỵ xuống bên hông tui, Quang đang nắm chặt tay họ.

Tui lặng lẽ trôi trong đêm. Tui đâu ngờ thời gian mới mười ngày mà dài như cả thế kỷ. Những kinh nghiệm tui mới trải qua, như tích lũy của cả một đời người. Sức chịu đựng, tình người và niềm tin của mọi người trên tàu và hành động vô nhân đạo của hải tặc đã khiến tui trưởng thành nhiều lắm.

Mặt trời le lói cuối chân trời, baó hiệu một ngày nắng ráo. Cả tàu lặng yên, chắc mọi người đã thiếp đi sau cơn hoạn nạn. Quang đứng bên tay lái. Ổng thức suốt đêm với tui, tui xác xơ, ổng cũng không thua gì. Ổng ốm giơ xương. Lâu lâu ổng vỗ vai tui coi như tri kỷ. Một ngày bình yên sắp qua, đột nhiên có tiếng kêu: “Đau quá, cứu tôi với, cứu tôi với!”. Quang chạy bay xuống hầm tàu, tui bàng hoàng quýnh quáng. Cả tàu rúng động khi thấy Quang và hai thanh niên khác đang dìu một phụ nữ bụng bầu lên phía trên hứng chút gió, Quang nói trong xúc động: “Chị ơi, chị dựa vào thành tàu, ráng hít chút không khí, chị có thân nhân không?”, chị ta thì thào: “ Thưa thầy, con đi với chồng con”, “Ông ấy đâu?”, người phụ nữ dớn dác tìm quanh, rồi chỉ tay về phía góc cuối tàu, nơi một người đàn ông đang ngồi bó gối chống lại những cơn ói khan. Người phụ nữ lại la lên: “Thầy ơi, con đau quá, chắc là con phải sanh thôi”. “Chị có kinh nghiệm gì không?”, “Dạ đây là con đầu lòng của chúng con.” Tui nhìn Quang, mắt ổng trợn ngược, ổng nói: “Chị ơi, khoan khoan, tôi không hề biết làm việc này!” rồi ổng hỏi mọi người trên tàu có ai biết làm bà mụ không? Một người đàn bà trọng tuổi nhô đầu ra, bà chưa hồi tỉnh sau hai lần bị hải tặc, giọng bà yếu ớt: “Tôi có thể giúp chút đỉnh!”. Nghe vậy, lòng tui bỗng rộn ràng, mười mấy ngày qua, thảm cảnh dồn dập, bây giờ một em bé sắp chào đời, một sự sống được trao gởi trong tui. Tui rùng mình khi nghĩ đến niềm tin sẽ đến được bến bờ. Tui nghe Quang thì thầm: “Chúa ơi, Ngài đang ban sự sống cho chúng con. Con xin cảm tạ Ngài”

Tui lóng ngóng chờ đợi, thời gian đi chậm một cách lạ kỳ, bỗng có tiếng khóc oe oe lồng lộng trong gió. một con sóng lớn tạt ướt hết mình mẩy mà tui có cảm tưởng như được tưới nước Cam Lồ. Hạnh phúc đến thiệt bất ngờ và tự nhiên. Tiếng khóc oe oe trong veo in chừng con gái. Có tiếng Quang reo vui: “ Chị ơi, chị có con gái đầu lòng!” Tiếng khóc của con bé như tiếng gọi hồi sinh. Tui hăm hở bám gió để đi, ghìm gió để không bị lật. Nó khóc lớn đòi sữa. Một lát sau tui lắng nghe có tiếng hậm hực nhỏ xíu, rồi tiếng mút chùn chụt hối hả. Tui ứa nước mắt, con nhỏ vậy mà sướng, chào đời giữa sóng nước hiểm nguy, nhưng có mẹ ẵm bồng cũng coi như có phước. Tui lo không hiểu người mẹ làm cách nào đặng đủ sữa cho con, mười mấy ngày qua cả tàu đói khát, lại gặp nạn.

Tui hứng gió và trôi một mình, không thấy Quang đứng bẻ lái, cũng không có ai thay thế. Không gian yên lặng, làm như mọi người chỉ bừng tỉnh một chút vì có con bé ra đời, sau đó lại chìm vào hôn mê.  Gió mạnh đẩy tui trôi băng băng. Đêm nay có trăng, ánh sáng xanh làm con sóng óng ánh sắc bạc. Chợt tui nhìn thấy từ xa có con tàu lừng lững tiến về phía mình. Kinh nghiệm hai lần trước, tui run lập cập. Tui cầu nguyện Chúa Phật che chở  mọi người. Tui nghĩ tới con bé đỏ hỏn, nghĩ tới mẹ nó, tới người đàn bà trọng tuổi, tới gần 20 phụ nữ trên tàu. Phải chi tui còn máy chạy, tui sẽ quẹo hướng khác để trốn chạy bằng mọi giá, không để khổ nhục xảy ra một lần nữa. Có tiếng con nhỏ khóc ré lên, nó khóc mỗi lúc mỗi lớn. Tui đứt từng đoạn ruột, làm như không có ai dỗ nó. Quang đâu rồi? Thường ổng là người tỉnh nhứt mà!. Con nhỏ khóc liên hồi không giảm. Tui lính quýnh xoay chạy theo chiều gió. Cái tàu hồi nãy mới đó mà đã tới trước mũi tui rồi. Tui nghếch mặt nằm im. Trong tàu không có một tiếng động. Tui sợ xanh mặt, nhứt là không thấy Quang, tui nghĩ tới mấy điều thê thảm. Tui khóc rồng lên, không ai nghe. Không có tiếng động nào khác ngoài tiếng khóc ré oe oe của con bé. Tui liếc nhìn qua bên tàu lạ. Tui thấy làm như họ sửa soạn nhảy qua bên tui. Tui bất lực rồi! tui chết theo đoàn người đi tìm Tự Do, nhưng cầu xin họ cứu con bé.

Ba người đàn ông nhảy qua cột dây nối tui với đuôi tàu của họ. Một người khác nghe tiếng khóc chạy xuống tìm con bé.  Ông ta bồng nó lên, nét mặt ổng hiền hậu làm tui rớt nước mắt. Tui biết và tui tin dân đi biển cũng phải có người hiền lương! Con bé nhỏ xíu, nó sanh nhằm ngày trăng tròn, ông Quang đặt tên nó là Nguyệt Mặc, hèn chi cái mặt nó sáng trưng. Họ kéo tui tới bờ đá thì dừng lại. Sau đó tui thấy họ chuyển mọi người bên tàu tui qua tàu họ.  Tui nhìn từng người, từng người, cả Quang nữa, ai cũng bất tỉnh nhân sự. Tui hiểu tại sao khi tàu lạ tới mà mọi người vẫn nín thinh. Bất ngờ, họ cắt dây và nổ máy chạy. Tui chới với, tui gào khóc, hãy cho tui đi với dân của tui. Các người đem dân tui đi đâu? Đừng bỏ tui lại đây.

Tui ráng nhìn theo con tàu rẽ sóng, nó chạy một chút, thì cặp vào bãi cát, họ chuyển dân tui lên bờ, đặt nằm xếp lớp như phơi cá vậy. Tui biết họ đang cứu người mình. Tui chờ đợi tới phiên tui, chắc họ cũng sẽ kéo tui vào bờ.  Cái tàu quay đầu chạy về hướng tui, trời ơi, mừng không tả xiết. Tàu cặp bên hông tui, ba bốn người đàn ông nhảy qua tui, tui chờ họ cột dây kéo, nhưng ôi trời ơi, họ cầm cái cuốc lớn, bổ vào mình tui, cố sức làm lũng ruột tui, chỉ có mấy nhát cuốc, thân tui gần như nứt đôi. Ôi trời ơi, tui bỏ mạng nơi xứ lạ. Điều này tui có nghĩ tới trước khi ra đi, nhưng tình cảm quyến luyến chia ngọt xẻ bùi với người dân của mình ròng rã mười mấy ngày qua, khiến tui quên tuốt luốt. Tui quên tui chỉ là con ghe chở muối. Tui quên tui chỉ đưa người sang sông sang biển. Tui quên mình phải bỏ thân xứ người, không hồi cố quận. Chỉ tại tui quên, tui ngụp lặn trong tình người với dân tui…

Tui lướt tới bờ cát chào vĩnh biệt Quang và mọi người. Trời ơi, mọi người đang hướng về phía tui, họ khóc vì thương tui. Tui hiểu rồi, tui phải hy sinh chịu đâm lũng ruột để cứu dân mình. Nếu tui còn lành lặn, mọi người sẽ phải đi tiếp. Luật lệ Mã Lai chỉ cứu những người không còn phương tiện để tiếp tục cuộc hành trình. Tui đã làm xong sứ mạng. Vĩnh biệt! Chúc tất cả bình an! (PDH 3/12)


Phạm Diễm Hương Facebook



Xem Ngút Trời Thương Đau ( Phần 1)





Khánh Ly Đêm Chôn Dầu Vượt Biển  







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét