Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

TRỊNH KIM TIẾN: ĐÔI ĐIỀU VỀ NGÀNH CÔNG AN




Đôi điều về ngành công an







Trịnh Kim Tiến - Có quá nhiều điều để viết, nhưng tôi không biết mình nên viết về điều gì. Cứ nâng bút lên, rồi đặt xuống, đắn đo và suy nghĩ. Cuối cùng tôi chọn điều  mà tôi không muốn nghĩ đến nhất để viết, vì tôi nghĩ mình không thể không viết về điều đó.

Đọc bài báo Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tới thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tổng cục xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trên VNExpress, lại đọc thấy những khẳng định của tướng Trần Đại Quang, cùng những lời của Tổng Bí thư sau khi đọc được tin tức “Thêm một can phạm chết tại nhà giam” cá nhân tôi thấy rõ ràng có sự mâu thuẫn, bất nhất đang diễn ra.

Từ ngày bác Phục cùng chị Tuyền và tôi cùng đồng đơn tố cáo và yêu cầu Quốc hội lên tiếng về vấn nạn công an đánh chết dân đến nay đã được nửa tháng. Nửa tháng im lặng. Mỗi ngày im lặng. Dường như mọi thứ liên quan giữa dân và đại diện của dân ở đất nước tôi vẫn ngày ngày trôi qua trong im lặng. Cầm trên tay tờ giấy báo phát vào ngày 20/03, tôi luôn chờ đợi một ngày không xa sẽ nhận được câu trả lời cho những cái chết oan khuất. Nhưng lời giải đáp chưa có mà những  oan khuất cứ tiếp nối nhau diễn ra.

“Thêm một can phạm chết tại nhà giam” - Từ “thêm” mà báo Người Lao Động sử dụng, không phải là sự ngẫu nhiên. Từ “thêm” này đủ để khẳng định được một điều, nạn dịch đang lan tràn, sức lây lan và truyền nhiễm của nó ngày càng mạnh.

Đồn công an - vào sinh ra tử! Có người đã viết trên mạng như vậy. Ngày sẽ càng có nhiều những người dân vô tội đã, đang và sẽ chết tức tưởi trong đồn công an nếu vấn nạn này không được ngăn chặn ngay lập tức.

Chúng tôi chờ đợi pháp luật, chờ đợi Quốc hội, chờ đợi những vị đại biểu của dân mà chúng tôi bầu lên, nhưng sự chờ đợi đó phải chăng là vô vọng? Mà tại sao chúng tôi phải chờ đợi? Tại sao đó không phải là nghĩa vụ mà các ĐBQH có trách nhiệm phải trả lời người dân chúng tôi? Trước sự im lặng của Quốc hội, mỗi ngày tôi lại lo sợ, sẽ có thêm một người dân lành chết vô cớ trong đồn công an, khi điều đó đang diễn ra liên tục.

Mới đây thôi, cái chết đầy nghi vấn của anh Lê Đình Trọng (25 tuổi, xóm Hồng Tân, xã Thiên Lộc, tỉnh Can Lộc Hà Tĩnh khiến cho người dân bức xúc  tấn công, đập phá trụ sở xã còn chưa lắng dịu sự bức xúc, phẫn uất trong dư luận thì lại có thêm những cái chết kì lạ khác. Người chết gần đây nhất theo bài báo trên VnExpress là anh Tăng Hồng Phúc (1986, ngụ đường Lương Văn Can, quận 8. Nguyên nhân chết do đột tử phù phổi cấp trong buồng giam. Lại một cái chết “ đột tử”, một lý do kết thúc mạng sống của một con người.

Trong khi tướng Trần Đại Quang khẳng định “xây dựng lực lượng công an vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “lực lượng công an phải phát huy cao độ ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống trong sạch lành mạnh, đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép, ứng xử có văn hóa...” thì vấn nạn trên chính là một quả bom phá tan những nỗ lực và cố gắng của lực lượng công an mà lãnh đạo ngành đã đưa ra.

Chỉ nhìn vào hình ảnh Hai học sinh ở Nghệ An bị công an xã giam giữ, đánh đập tàn nhẫn chỉ vì 10m dây điện thì làm sao người dân có thể tin tưởng họ sẽ mang lại  bình yên và hạnh phúc cho mình?

“Ông Dương đã xách tóc mai em Lâm, xách tai Hải và tát 2 em nhiều cái, buộc phải khai.


Khoảng giữa trưa thì ông Mão, công an xã xuất hiện, người nồng nặc hơi men, liên tục tát túi bụi vào đầu, vào mặt 2 em.

Hải đang ngồi trên ghế, bị ông Mão tát ngã đập đầu xuống nhà, cằm bị sứt chảy máu đến nay còn bị dấu vết. Ông Mão còn kẹp chân hai chân vào cổ Lâm rồi tát, làm em chảy cả máu miệng.

Quá đau đớn và sợ hãi, hai em van xin “đừng đánh đập cháu nữa, cháu đau quá”, nhưng ông Mão vẫn liên tục đánh, tát.

Buổi trưa, 2 em được ăn một gói mì tôm và bị giam giữ trong phòng. Quá đau bụng, Lâm xin ra ngoài nhưng không được. Dù bị đánh đập, đe dọa nhiều giờ liền, nhưng hai em chỉ biết kể lại nội dung sự việc như đã nói ở trên. Đến chiều, công an xã mới thả 2 em về nhà.”

Đó là những hành động xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do thân thể của người khác, không nói đến họ là công an, những hành động của họ không phải những con người có thể làm được. Những công an đó, họ có xứng đáng với những lời khen tặng, với danh hiệu chiến sĩ công an nhân dân?

“Theo lời kể của 2 em, sáng ngày 25/3/2012, vào ngày nghỉ học, 2 em đi lên bứt cỏ. Trên đường đi lên núi qua mỏ đá của Công ty Lâm Lộc đóng trên địa bàn xã, 2 em bắt gặp 1 đoạn dây điện khoảng 10 m một đầu đã bị đứt, mộtu còn buộc vào cọc. Nghĩ rằng đoạn dây điện ai đó vứt đi không sử dụng, 2 em liền kéo xuống, bật lửa đốt để lấy lõi đồng. Đang đốt thì có tiếng người quát hỏi, 2 em sợ hãi bỏ chạy, vứt lại cả cái liềm.


Sau đó, bảo vệ công ty Lâm Lộc đến báo với gia đình em Hải, bố em Hải  là anh Nguyễn Văn Phúc đã trách mắng và đưa con đến xin lỗi và thông cảm với công ty. Đến ngày 27/3, khoảng 9 giờ, 2 em đang học thì cô Thư, Phó Hiệu trưởng xuống gọi 2 em lên văn phòng. Tại đó, ông Dương, công an xã đã yêu cầu 2 em lấy xe đạp về trụ sở xã để làm việc.”

Nếu bỏ đi những từ công an trong đoạn văn trên, có ai tin nỗi đây là câu chuyện về một công an không? Có ai nghĩ rằng đây là một người "nêu cao tinh thần tận tụy trong công tác, vượt mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân" như ông Bộ trưởng Công An vừa mới tuyên bố không? "Lực luợng công an là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ"- đó là nhan đề của bài báo trên VnExpress. Nhưng đối với nhân dân thì lực lượng công an là gì?

Thậm chí còn có những sự việc gây phẫn uất tột cùng, trái luân thường đạo lý Hiếp dâm thiếu nữ tâm thần, bị tố- công an ném mìn vào nhà dân  đang diễn ra.

“Mặc dù đang là Công an viên, nhưng trót cưỡng dâm với một thiếu nữ cùng xã dẫn tới mang bầu và không thể “giải quyết” được, Kính đã chỉ đạo người ném mìn lên nhà người thân của thiếu nữ này để trả thù.”


Thật là không thể tưởng tượng nổi, điều đáng lên án hơn nữa là cô gái đó bị hạn chế về nhận thức, không được bình thường như người khác.

Những người công an vừa mới ra trường như thế này thì sẽ bảo đảm trật tự xã hội, bảo vệ dân lành ra sao?:Cảnh sát đi ngược chiều, đánh nhau với doanh nhân"

“Ngày 8/3/2012, ông Đào Quốc Vũ (giám đốc Doanh nghiệp vận tải Mận Vũ, thị trấn Kỳ Anh) khi điều khiển xe ô tô rẽ xuống đường Việt Lào thì gặp hai thanh niên đi xe máy ngược chiều và lắc võng.


Tưởng hai thanh niên đó là em trai của người quen, ông Vũ quay xe lại bám theo, khi thấy xe ông Vũ sau lưng thì hai thanh niên vù ga chạy vào quán quán và bị trượt nghiên xe máy đúng lúc xe ô tô ông Vũ tiến tới.


Người nhà ông Vũ cho biết đã có xô xát xảy ra, ông Vũ bị một trong hai thanh niên vật ngã xuống và dẫm lên người. Họ nói ông Vũ lúc đó đi một mình.


Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan điều tra công an huyện Kỳ Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt giam đối với ông Đào Quốc Vũ. Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Xuân Minh (giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ánh Dương, xã Kỳ Tân, Kỳ Anh), em rể của bị can Đào Quốc Vũ cũng bị bắt tạm giam.


Hiện tại, bị can Phạm Xuân Minh đang bị giam, còn bị can Đào Quốc Vũ thì đang điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội.”

Một chuyện ngược đời nhưng là sự thật đang xảy ra. Kẻ sai phạm, hành hung người khác thì không sao, trong khi người bị hại lại bị bắt giữ? Có lý nào như thế?

Có những vết nhơ có thể rửa được, có thể chùi sạch được. Nhưng cũng có những vết nhơ không thể xoá đi khi nó có đi chung với máu và sinh mạng của con người.

“Thêm một can phạm chết tại nhà giam” - Điều đó có nghĩa là thêm một vết nhơ không tẩy xoá được của ngành công an.

Thêm một ngày im lặng của các đại biểu trước những đơn tử của người dân. Điều đó đồng nghĩa với thêm một ngày người dân chúng tôi sống trong nỗi lo sợ, cái lo sợ về hình ảnh của một nơi mà ai cũng có thể... khi đi không người đưa tiễn, khi về 3, 4 kẻ khiêng.

Thêm... Xin đừng viết thêm “thành tích" với sinh mạng của người dân vô tội nữa!







| 4.4.12





Bản tin video sáng 04-04-2012  







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét