Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

XÂY DỰNG LẠI LÒNG YÊU NƯỚC TỪ BÀI HỌC CỦA NGƯỜI MỸ VÀ NGƯỜI NHẬT








XÂY DỰNG LẠI LÒNG YÊU NƯỚC TỪ BÀI HỌC CỦA NGƯỜI MỸ VÀ NGƯỜI NHẬT

Phạm Hoài Nam



Ai cũng biết chỉ có lòng yêu nước mới có thể giúp cho dân tộc VN thoát ra khỏi bế tắc hiện nay và để được sống đúng với nhân phẩm con người.

Sự khác biệt về giàu nghèo, có hãnh diện về đất nước của mình hay không - chủ yếu là do lòng yêu nước mà ra.

Cũng vì lòng yêu nước mà từ đầu thế kỷ 18, đã có những phong trào trí thức người Nhật tìm cách thoát khỏi quỹ đạo văn hóa của người Trung Hoa, đứng đầu là hai nhà tư tưởng Ogyo Sorai và Motoori Norinaga.

Lòng yêu nước đã thúc đẩy người Nhật đi khắp bốn phương học hỏi những tinh hoa của thế giới trở về tạo ra cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân để bắt kịp các nước Tây Phương và thoát được thân phận nô lệ.

Lòng yêu nước đã khiến cho người Nhật phải biết nhẫn nhục chịu đựng, cố gắng làm việc để vươn lên từ đống tro tàn.

Lòng yêu nước đã thúc đẩy người Nhật đồng lòng chung sức đương đầu trong cơn khốn khó như cuộc động đất vừa mới xảy ra tại Sendai vào đầu năm nay.

Lòng yêu nước đã nhắc nhở người Nhật phải luôn luôn gìn giữ thể diện dân tộc…

Và chính lòng yêu nước đã tạo ra một nước Nhật vĩ đại…

Sự khác biệt giữa đất nước chúng ta và nước Nhật cũng chính từ sự khác biệt về lòng yêu nước. Cùng là một nước ở Á Châu, diện tích, dân số, tài nguyên gần như nhau nhưng một nước thì giàu có và được cả thế giới kính nể, còn nước kia thì ngược lại…

Làm sao để xây dựng lại lòng yêu nước? Đây là câu hỏi mà những ai còn có chút quan tâm đến đất nước đều phải ưu tư suy nghĩ.

Trước khi trả lời câu hỏi đó, thiết nghĩ chúng ta phải đặt câu hỏi: tại sao lòng yêu nước của người Việt Nam suy sụp?. Phải chăng nó phát xuất từ hệ lụy của một nền văn hóa yếu kém, những chế độ chính trị khắt nghiệt, những chính sách cai trị thất nhân tâm và những đổ vỡ liên tục của niềm tin!!!.

Lòng yêu nước và niềm hãnh diện dân tộc có mối liên hệ mật thiết với nhau. Người ta không thể hãnh diện về những gì mà mình không yêu thương và cũng rất ít ai có thể yêu thương những gì mà mình không hãnh diện.






Người Việt Nam ngày nay không còn mấy ai hãnh diện về đất nước và dân tộc của mình, ngoài những yếu tố nêu trên, có thể vì trong chính con người Việt Nam của chúng ta, theo quan điểm của người viết, đã thiếu sót một phẩm cách vô cùng cần thiết – đó là tinh thần hào hiệp mã thượng.

Hãy nhìn lại suốt chiều dài lịch sử của đất nước, chúng ta có được bao nhiên tấm gương của tinh thần này, chúng ta chỉ có lập rồi phá chớ không có tiếp nối, và sau mỗi lần lật đổ một triều đại hay một chế độ là những cuộc giết hại công thần, thanh trừng đẫm máu, những sự trả thù tàn bạo, “nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc” chưa đủ mà có khi còn phải “tru di tam tộc” và nó tiếp tục như thế từ đời này sang đời khác.

Tinh thần hào hiệp mã thượng không phải chỉ thiếu sót ở người lãnh đạo mà càng rõ nét hơn trong những sinh họat tập thể của người Việt Nam, càng đứng trước những thử thách thì khuyết điểm này của người Việt Nam càng hiện ra rõ hơn.

Trong phạm vi ngắn gọn của bài viết này, người viết chỉ có tham vọng rất khiêm tốn là hy vọng rằng qua bài học về lòng yêu nước của người Mỹ và Nhật chúng ta có thể rút được vài điểm nào đó để tìm cách xây dựng lại lòng yêu nước của người Việt Nam.


Bài học từ người Mỹ

1/ Cách đối xử giữa người thắng trận và người bại trận sau cuộc nội chiến:

Nước Mỹ chỉ mới lập quốc được có 235 năm, một đất nước rất trẻ so với nhiều nước khác trên thế giới trong đó có nước VN, nhưng người Mỹ có cả ngàn lý do để họ hãnh diện về đất nước của mình. Từ những người đầu tiên viết ra bản hiến pháp xác nhận một chính quyền thật sự vì dân và do dân, trong đó quyền tự do là quyền thiêng liêng không thể tước đoạt, cho đến vị Tổng thống đầu tiên George Washington, mặc dầu có công lãnh đạo dành lại độc lập từ người Anh, nhưng vẫn một mực làm đúng 2 nhiệm kỳ như hiến pháp đã quy định, cho đến một Abraham Lincoln cam đảm bãi bỏ chế độ nô lệ dù phải trả giá bằng cuộc nội chiến, cho đến một Franklin Roosevelt chấp nhận mọi thử thách đứng về phía chính nghĩa để chống lại chế độ Phát xít cho dù chiến tranh xảy ra bên kia bờ Đại Tây Dương, cho đến một Ronald Reagan quyết tâm khôi phục lại lòng tự tin của người Mỹ sau cuộc chiến VN bằng lòng yêu nước mãnh liệt của mình…. Và vô số những tấm gương khác, từ đủ mọi thành phần trong xã hội. Trong bất cứ thời đại nào, người Mỹ không bao giờ thiếu những con người giàu lòng nhân ái như John Rockefeller, như Bill Gate, như Warren Buffett, như Steve Jobs (vừa mới qua đời)... Họ là những người vượt qua khỏi biên giới hạn hẹp của quốc gia, của màu da chủng tộc, để nghĩ đến nỗi bất hạnh của người nghèo khổ trên toàn thế giới.

Trong lịch sử của nước Mỹ, biến cố gây ấn tượng mãnh liệt nhất, có lẽ là cách mà tổ tiên của họ đã đối xử với nhau sau cuộc nội chiến Nam-Bắc chấm dứt vào năm 1865.

Vào ngày 7/5/1975, có nghĩa là chỉ có 1 tuần sau khi quân đội Miền Bắc chiếm được Miền Nam, trong lễ ăn mừng chiến thắng tướng Trần Văn Trà đã nói trước mặt mọi người: “Trong cuộc chiến này, cả Miền Bắc và Miền Nam đều chiến thắng, chỉ có người Mỹ bại trận”.

Không biết vô tình hay chủ ý, câu nói này tương tự như lời phát biểu của Tướng Ulysses Grant sau khi tướng Lee tuyên bố đầu hàng và Tướng Grant đã ghi lại trong quyển hồi ký của mình “Personel Memoir of U. S. Grant”: “Trong cuộc chiến này, chỉ có nước Mỹ chiến thắng, chớ không có ai thắng ai thua. ”

Hai câu nói hình thức gần giống nhau nhưng ý nghĩa lại khác nhau hoàn toàn: Tướng Grant nói thật lòng mình để xoa dịu nỗi đau khổ của người bại trận sau cuộc nội chiến kéo dài bốn năm. Trái lại câu nói của tướng Trần Văn Trà là câu nói mị dân, nằm trong mục đích tuyên truyền của chế độ để gạt tất cả những quân dân cán chính của VNCH, tin vào chính sách “khoan hồng của Đảng”, tin rằng chỉ có 10 ngày “học tập”, nhưng sau đó ra đi không biết ngày trở lại và mãi đến hôm nay sự trả thù như thế vẫn chưa chấm dứt .

Có một điểm đặc biệt là trong cách thể hiện lòng yêu nước của người Mỹ đều có chan chứa tinh thần hào hiệp mã thượng.

Nói về tinh thần hào hiệp mã thượng của người Mỹ, cựu thủ tướng Tony Blair của Anh, trong quyển hồi ký “The Journey” mới xuất bản gần đây đã viết như sau:

“Trong phẩm cách của người Mỹ có tinh thần mã thượng hào hiệp, được hun đúc qua nhiều thế kỷ, phát xuất từ tinh thần khai phá biên cương để lập nghiệp, và nhiều đợt di cư của các sắc dân khắp thế giới đổ về đây, từ cuộc chiến đấu để dành độc lập, đến cuộc nội chiến, từ nhiều biến cố lịch sử, cũng như những sự kiện tình cờ. Tất cả đã làm thành một nước Mỹ vĩ đại.

Cái tinh mã thượng hào hiệp này, không có nghĩa là người Mỹ tử tế hay thành công hơn những dân tộc khác. Nó chính là cảm nghĩ của họ về đất nước của mình. Chính lòng nhiệt tình đối với xứ sở đã phá bỏ được những ngăn cách về màu da, giai cấp, tôn giáo hay quá trình trưởng thành. Lý tưởng của người Mỹ là những giá trị đạo đức mà họ ấp ủ. Lý tưởng này gồm có tự do cá nhân, tôn trọng luật pháp, dân chủ. Nó cũng nằm trong quá trình thành đạt của mỗi cá nhân: hễ giỏi là được trọng dụng, phải tự làm lấy và nếu siêng năng chịu khó tất sẽ thành công. Song có lẽ điểm quan trọng nhất phải nói là mọi người Mỹ đều ao ước duy trì cho được những giá trị trên và ráng bảo vệ những giá trị đó. Họ coi những giá trị đó là ưu tiên hàng đầu cho cá nhân mình, sau đó là cho đất nước. Chính những giá trị đạo đức này giúp cho nước Mỹ cương quyết sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách. Vì những lý tưởng đó mà binh lính Mỹ chấp nhận hy sinh. Vì nó mà mọi người Mỹ, dù giàu sang hay nghèo hèn đều sẵn sàng đứng nghiêm trang chào khi bản quốc ca “The Star-spangled Banner” được trỗi lên. Dĩ nhiên là những lý tưởng đó không phải lúc nào cũng thực hiện được, song mọi người Mỹ đều cố gắng thực thi cho bằng được. ”(1)

Nếu cuộc nội chiến Quốc-Cộng vừa qua đã để lại hệ lụy phân hóa kéo dài đến ngày hôm nay, thì sau cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ đã làm cho người Mỹ yêu nước hơn, đoàn kết hơn và hãnh diện về đất nước của mình nhiều hơn.

Họ hãnh diện không phải chỉ vì bãi bỏ được chế độ nô lệ, đúng với nguyện vọng mà tổ tiên họ đã đề ra trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”, mà còn hãnh diện vì tinh thần hào hiệp mã thượng được thể hiện bởi người chiến thắng lẫn người chiến bại sau khi cuộc chiến kết thúc.

Không có một hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh tướng Robert E. Lee gặp tướng Ulysses S. Grant tại Thị Xã Appamatox, thuộc tiểu bang Virginia ngày 9 tháng 4 năm 1864.



Bức hình lịch sử : Tướng Lee (trái) gặp tướng Grant



Trước đó một ngày, tướng Lee chỉ còn trông chờ vào chiến thắng của một tướng trẻ can trường, để hy vọng tìm cách xoay chuyển được tình thế, nhưng khi hay tin tướng Gordon đã bị đánh bại, mọi hy vọng của Tướng Lee coi như tiêu tan. Quân của tướng Lee tại tiểu bang Virginia đang bị bao vây tứ phía, tiến không được mà lùi cũng không xong. Binh sĩ đã kiệt sức, lương thực đã cạn, đạn dược đã hết và nguồn tiếp tế cũng bị cắt đứt. Trong tình huống đó ông không còn chọn lựa nào khác là phải triệu tập bộ Tham mưu và nói thật ngắn gọn: “Tôi sẽ đến gặp tướng Grant, cho dù điều đó quá nhục nhã đối với tôi” (nguyên văn câu nói của ông: I will go and see General Grant and I would rather die a thousand deaths).

Ngay lập tức ông đích thân soạn một lá thư gởi tướng Grant để yêu cầu sắp xếp một buổi gặp mặt càng sớm càng tốt vì ông không muốn hy sinh thêm bất cứ một sinh mạng nào nữa.

Tại địa điểm hẹn gặp nhau, tướng Lee đến trước bằng ngựa với một sĩ quan tùy viên, hiên ngang trong trong bộ quân phục màu xanh dương, bên hông mang kiếm, thể hiện khí phách của người anh hùng dù bại trận vẫn không khuất phục. Khoảng nửa giờ sau tướng Grant, đại diện cho quân đội chiến thắng Miền Bắc tới. Ông mặc quân phục như một người lính bình thường, giày và quần vẫn còn dính bùn, không đeo kiếm. Hai người chào nhau, và tướng Grant tiếp tướng Lee thân mật như giữa một người Mỹ với một người Mỹ, chớ không phải giữa một người chiến thắng với kẻ chiến bại. Với ông làm nhục một người bại trận dù với bất cứ lý do gì cũng là làm nhục nước Mỹ. Sau này ông thú nhận là lúc đầu ông phải nói chuyện dài dòng với tướng Lee, nhắc lại những kỷ niệm xưa khi hai người cùng chiến đấu chung với nhau trong trận chiến Mexico, lý do là vì ông rất ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải nói với Tướng Lee về chuyện đầu hàng. Cuối cùng chính tướng Lee là người đã nêu ra mục đích của buổi gặp mặt, và yêu cầu tướng Grant đích thân thảo bản văn kiện đầu hàng.

Thật sự thì văn kiện đầu hàng Tướng Grant đã soạn sẵn trước khi đến điểm hẹn và tự tay trao cho tướng Lee xem lại.

Đọc qua xong, lần đầu tiên gương mặc của tướng Lee tươi hẳn lên khi biết rằng binh sĩ dưới quyền ông được trở về nguyên quán sinh sống như một người dân bình thường, không phải chịu bất cứ một hình thức trả thù nào. Ông nói: "Điều này có một tác động rất tốt đối với tất cả mọi người, đặc biệt là sẽ giúp rất nhiều cho người của chúng tôi. "

Tuy nhiên ông có thêm 2 yêu cầu:

1/ Cho phép binh sĩ của ông được mang ngựa, lừa về quê quán để sử dụng trong nông trại, vì không giống như quân đội miền Bắc, đây là tài sản của riêng họ mang theo khi gia nhập quân đội.

2/ Ông đang giam giữ hơn một ngàn tù binh quân đội miền Bắc và không còn lương thực cho họ, ngay cả binh sĩ của ông cũng đang đói.

Cả hai yêu cầu này của tướng Lee đều được tướng Grant đồng ý ngay lập tức. Riêng yêu cầu thứ hai, tướng Grant ra lệnh cung cấp ngay cho các tù binh và binh sĩ miền Nam 25, 000 khẩu phần ăn.

Tướng Grant hỏi: “Như vậy, đủ chưa?”

Tướng Lee trả lời: "Thưa đại tướng, như vậy là quá đủ. "

Nói xong tướng Lee đứng dậy bắt tay tướng Grant, nghiêng người chào mọi người rồi bước ra khỏi phòng họp.

Bên ngoài hội trường các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đang có mặt đều đưa tay kính cẩn chào vị tướng bại trận.

Trên đường trở về doanh trại, các binh sĩ miền Nam nghiêm chào vị tướng lãnh mà họ ngưỡng mộ, có người đã bật khóc, tướng Lee cũng không cầm được nước mắt. Về đến doanh trại, trước mặt nhiều sĩ quan và binh sĩ đang chờ đợi, tướng Lee nói: “Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được. Các anh em hãy trở về quê quán bây giờ và nếu sống được như những công dân tốt như các anh em đã từng chiến đấu như những chiến sĩ thì các anh em sẽ thành công. Tôi luôn luôn hãnh diện vì các anh em. Chào tạm biệt. Thượng đế phù trợ cho tất cả. " (Boys, I have done my best for you. Go home now. And if you make as good citizens as you have soldiers, you will do well. I shall always be proud of you. Goodbye. And God bless you all. )

Tin đầu hàng của tướng Lee lan ra nhanh chóng, tiếng súng của binh sĩ Miền Bắc vang lên khắp nơi để reo mừng chiến thắng. Ngay lập tức tướng Grant ra lệnh phải ngưng ngay tức khắc: “Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chiến tranh đã chấm dứt. Họ là đồng bào của chúng ta, chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ. ”

Theo điều kiện trong văn kiện đầu hàng, ngày 12 tháng 4 là ngày quân đội Miền Nam sẽ nộp súng ống và cờ xí cho quân đội Miền Nam. Tướng Grant giao việc này cho Đại tá Joshua Chamberlain phụ trách. Còn phía Miền Nam thì tướng Gordon nhận trách nhiệm. Ngày hôm ấy đã xảy ra một cảnh tượng hết sức cảm động. Khi các binh sĩ Miền Nam đi theo đội ngũ tới địa điểm để giao súng ống và cờ xí, Đại tá Chamberlain đã ra lệnh binh sĩ của mình đứng nghiêm chào các anh hùng bại trận đang đi ngang qua để bày tỏ lòng kính trọng. Sau này tướng Gordon đã ghi lại như sau: “Trong giây phút đó, không hề có một tiếng kèn hay tiếng trống, không một tiếng reo mừng, không một lời nói, không cả một tiếng thì thầm, không một cử động, nhưng là một sự tĩnh lặng khủng khiếp, mọi nhịp thở như ngừng lại và như thể họ đang nhìn những hồn tử sĩ đi qua” và ông gọi Chamberlain là “người sĩ quan hào hiệp nhất của quân đội Miền Bắc. ”

Sau 4 năm nội chiến đã làm 620 ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người bị thương, các đô thị ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ bị tàn phá nặng nề và đương nhiên cũng không khỏi những đắng cay của người bại trận. Nhưng những người lãnh đạo của bên thắng trận lẫn bên bại trận đều lấy tình dân tộc, sự bao dung rộng lượng và lòng hào hiệp để đối xử với nhau. Chính điều này đã làm cho người Mỹ vô cùng hãnh diện về xứ sở của mình.

Sau cuộc chiến, những người lãnh đạo kế tiếp của nước Mỹ vẫn làm theo tinh thần của tướng Lee và tướng Grant, họ không bao giờ bàn đến đến chuyện ai đúng ai sai, ai chính nghĩa, ai không chính nghĩa, mà chỉ nghĩ đến làm sao để hàn gắn lại vết thương của chiến tranh và xây dựng lại đất nước. Các nghĩa trang dành cho liệt sĩ bắt đầu được dựng lên ở hai miền đất nước, bên nào bên đó tự lo lấy, xấu đẹp tùy sức.

Ngày nay khi viếng thăm Nghĩa Trang Arlington ở thủ đô Washington DC, chúng ta sẽ thấy khu nghĩa trang dành cho binh sĩ Miền Bắc và Miền Nam đều trang nghiêm giống nhau và trong tất cả các bảo tàng viện khắp nước Mỹ, hình ảnh quân đội hai bên được trưng bày trân trọng như nhau, để nhắc nhở người Mỹ xem đó như một bài học cho các thế hệ mai sau.

Trên nóc Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ hiện nay có một bức tượng phụ nữ cao 10 mét - tượng trưng cho hình ảnh bà mẹ của Miền Nam có con hy sinh trong cuộc nội chiến.

Bốn năm sau cuộc nội chiến, tướng Grant đắc cử tổng thống và làm 2 nhiệm kỳ (1869-1877), còn tướng Lee vẫn tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ liên bang.

Tướng Lee dù là tướng bại trận, không giữ được chức vụ cao như tướng Grant, nhưng bù lại, càng về cuối đời, tình cảm và lòng kính trọng của người Mỹ dành cho ông càng tăng lên, có thể nói còn cao hơn cả tướng Grant. Ngày nay tượng đài của tướng Lee có mặt nhiều nơi trên nước Mỹ và Robert Lee là tên đường quen thuộc trên một đất nước luôn luôn cố gắng lấy “lòng bao dung xóa bỏ hận thù”.

Nhận xét về con người của tướng Lee, sử gia Benjamin Harvey Hill đã viết như sau:

"Tướng Lee là một đối thủ không có thù hận; một người bạn không phản bội, một người lính không tàn ác, một nạn nhân không than khóc. Một sĩ quan không sa đọa, một công dân không làm điều sai trái, một láng giềng không chỉ trích, một người Công giáo không đạo đức giả, một con người không thủ đoạn. Ông là một Caesar không có tham vọng, một Frederick không có chuyên quyền, một Napoleon không ích kỷ và một Washington không có phần thưởng. "

(General Robert Lee is a foe without hate; a friend without treachery; a soldier without cruelty; a victor without oppression, and a victim without murmuring. He was a public officer without vices; a private citizen without wrong; a neighbour without reproach; a Christian without hypocrisy, and a man without guile. He was a Caesar, without his ambition; Frederick, without his tyranny; Napoleon, without his selfishness, and Washington, without his reward. )

Thật khó có người nào được lời khen như thế, nhưng đó là con người thật của Robert Lee. Với những người lãnh đạo như thế đương nhiên quốc gia họ phải hùng mạnh.

Tưởng cũng nên nhắc lại là khi cuộc nội chiến vừa mới xảy ra, tướng Lee được đề cử chỉ huy quân đội Miền Bắc nhưng ông đã từ chối và gia nhập quân đội Miền Nam, vì ông nói rằng ông không thể phản bội lại cái nơi mà ông đã sinh ra và lớn lên.

2/ Cách đối xử của người Mỹ với cựu thù Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến:

Tướng Grant và Tướng Lee đối xử với nhau hết sức tử tế sau cuộc chiến, có thể giải thích vì là người cùng một nước, cùng hấp thụ một nền văn hóa, cùng một màu da, cùng một ngôn ngữ, và cùng nghĩ đến tương lai của đất nước Hoa Kỳ, nhưng đến trường hợp người Mỹ đối xử tử tế không kém đối người Nhật sau Đệ Nhị Thế Chiến thì chắc chắn không phải vì những lý do nêu trên. Người Mỹ hành xử như thế chỉ vì lòng hào hiệp mã thượng cố hữu mà họ đã hấp thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác và đã ăn sâu vào máu xương. Trong lúc đó, người Nhật dù bại trận nhưng vẫn không để mất tinh thần võ sĩ đạo samurai, lòng yêu nước và lòng tự trọng của dân tộc.

Trước khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, Nhật và Mỹ vẫn còn là hai nước kẻ thù không đội trời chung. Trong 4 năm chiến tranh ác liệt tại Thái Bình Dương, đã làm cho người Mỹ hy sinh khoảng 360, 000 binh sĩ và nhiều vết thương khác, nhưng điều đó không làm cho họ nuôi mối thù với người Nhật sau khi chiến tranh chấm dứt.

Hai quả bom nguyên tử rớt xuống Hiroshima và Nagasaki đã làm cho 150, 000 người chết ngay lập tức, nhưng không vì thế mà người Nhật nuôi mối căm hờn. Trái lại cả người Mỹ và người Nhật cùng hợp tác để xây dựng lại một nước Nhật từ đống tro tàn.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên chiến hạm Missouri, đại diện của các nước Đồng Minh và chính phủ Nhật Bản chính thức ký văn kiện đầu hàng.

Sau khi ký xong, đại diện của Đồng Minh là tướng MacArthur đọc bài diễn văn ngắn gọn, nhưng chứa đựng tất cả tinh thần cao thượng của người Mỹ, ông kết bài diễn văn như sau: “Đây là hy vọng thiết tha nhất của tôi, và thật sự cũng là hy vọng của toàn thể nhân lọai, rằng từ sự kiện trang nghiêm này một thế giới tốt đẹp hơn sẽ hiện ra từ máu và sự chém giết nhau trong quá khứ - một thế giới sẽ phục sự cho nhân phẩm con người và để hoàn thành ước nguyện cao cả nhất cho tự do, lòng bao dung và sự công bằng. ”.

(It is my earnest hope, and indeed the hope of all mankind, that from this solemn occasion a better world shall emerge out of the blood and carnage of the past - a world dedicated to the dignity of man and the fulfillment of his most cherished wish for freedom, tolerance and justice).

MacArthur không phải chỉ nói như thế để xoa dịu nỗi đau khổ của người Nhật lúc đó, hay vì phép lịch sự của một nhà ngoại giao, mà ông nói thật lòng mình. Gần 6 năm cai trị nước Nhật đã chứng minh rằng ông không phải chỉ làm có thế, mà còn làm nhiều hơn thế nữa. Ông đã giúp cho nước Nhật vượt qua được cơn khốn khó, trở thành một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ và đặt nền tảng cho một cường quốc kinh tế sau này.

Tướng MacArthur thay mặt cho người Mỹ cai trị từ ngày 15/8/1945 cho đến ngày 11/4/1951 với tư cách là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của các lực lượng Đồng Minh (the Supreme Commander of the Allied Powers), nói là lực lượng Đồng Minh nhưng thật sự là chỉ có quân đội Mỹ. Ngay sau khi đặt chân đến Tokyo, MacArthur ra lệnh cho các binh sĩ dưới quyền ông không được trả thù người Nhật vì bất cứ lý do gì và ưu tiên hàng đầu của ông phải lo cho người dân Nhật qua khỏi cơn đói rách do các hậu quả của chiến tranh.

Việc chọn lựa tướng Tướng MacArthur trong vai trò này là một quyết định sáng suốt của Tổng Thống Truman và là một may mắn cho người Nhật. Trong số tướng lãnh của Mỹ lúc bấy giờ, MacArthur là người có hiểu biết nhiều nhất về văn hóa Nhật Bản, cuộc đời binh nghiệp của ông trải qua phần lớn ở Á Châu. Chính yếu tố này giúp ông dễ dàng thực hiện các cải tổ cần thiết cho nước Nhật và được người Nhật kính trọng mặc dầu truyền thống của Nhật Bản khó có thể chấp nhận ngoại quốc cai trị mình.

MacArthur là một trong những danh tướng lỗi lạc nhất trong lịch sử của nước Mỹ. Ông tốt nghiệp thủ khoa của trường Võ Bị West Point và cho đến ngày nay chỉ có 2 người tốt nghiệp cao điểm hơn ông. Ông tham gia cả ba trận chiến lớn: Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến và Cuộc Chiến Cao Ly. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông đều thể hiện là người chỉ huy can trường và bản lãnh, nhưng quan trọng hơn thế nữa ông còn là một người Mỹ kiểu mẫu, một người Mỹ mang lý tưởng của tinh thần hào hiệp, cho dù đối với kẻ thù.

Trong 5 năm rưỡi điều hành nước Nhật, MacArthur đã thực hiện những cải cách toàn diện về hành chánh, xã hội, giáo dục, cách thức bầu cử và điền địa (land reform)... Về phương diện kinh tế ông chủ trương một mô hình kinh tế tự do cạnh tranh giống như ở Mỹ và khuyến khích người Nhật tham gia vào thương trường để tạo ra một tầng lớp trung lưu.

Hiến pháp mà nước Nhật sử dụng cho đến ngày hôm nay là do MacArthur và bộ tham mưu soạn thảo. Hiến pháp mới này dựa Hệ thống của Anh (Westminster System). Trong đó những quyền tự do của con người được tôn trọng triệt để. Hiến pháp này cũng xác định là Nhật Hoàng chỉ là biểu tượng tinh thần giống như Vua hay Nữ Hoàng của Anh.

Trong thời gian từ 1945 đến 1951, với chương trình viện trợ Marshall, người Mỹ đã đổ vào nước Nhật hàng tỉ đô la, cộng với những ý kiến sáng suốt và những chương trình cải cách thiết thực của Tướng MacArthur - đã để lại một dấu ấn sâu đậm và ảnh hưởng lâu dài đối với nước Nhật. Nhờ vậy chỉ 25 năm sau chiến tranh nước Nhật trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới. Dĩ nhiên kết quả này phần lớn cũng do sự nỗ lực làm việc, sự hy sinh và tinh thần của dân tộc Nhật Bản.

Một quyết định sáng suốt khác của tướng MacArthur trong giai đoạn này là ông chống lại việc đưa Nhật Hoàng Hirohito ra Tòa Án Quốc Tế như một tội phạm chiến tranh sau khi chiến tranh chấm dứt. Bản án này nếu xảy ra sẽ từ chung
thân tới tử hình.





Nhật Hoàng Hirohito


Điều này không những chỉ gây một chấn động tâm lý mà còn là một sỉ nhục quá lớn đối với người Nhật. Nhật Hoàng là biểu tượng tinh thần của người Nhật. Phá vỡ biểu tượng này tức là phá vỡ kỹ cương truyền thống và cấu trúc xã hội của nước Nhật đã được gìn giữ liên tục trong suốt mấy ngàn năm.

Cuối cùng sau khi rời khỏi nước Nhật, tướng MacArthur chẳng những không bị oán ghét mà còn được dân Nhật xem như là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nên một nước Nhật hiện đại.

Khi nắm quyền quản trị nước Nhật, MacArthur có tham vọng sẽ biến nước này trở thành một nước Mỹ lý tưởng, một nước Thụy Sĩ của Á Châu. Tham vọng này cuối cùng không thành công trọn vẹn vì người Nhật không muốn để mất hồn tính dân tộc của mình.

Một cuốn sách nghiên cứu công phu của học giả Sakaiya Taichi, có tựa là “12 người lập ra nước Nhật”. Theo tác giả, đó là 12 người có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với nước Nhật và tác giả sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng của từng người từ 1 đến 12.

Đây là một cuốn sách rất có giá trị và cũng rất thích thú để đọc. Có điểm đặc biệt là trong 12 người này, không có một danh tướng có công đánh đuổi ngọai xăm, tạo những chiến tích lẫy lừng hay thống nhất đất nước. Cũng không có vị vua khai quốc công thần, ngay cả Minh Trị Thiên Hoàng (người có công lớn nhất trong cuộc Cách Mạng Duy Tân) cũng không có tên.





12 người mà tác giả Sakaiya Taichi chọn là những người có công đóng góp về tôn giáo, tư tưởng, là những người đã làm thăng hoa giá trị tinh thần của người Nhật. Họ cũng là những đưa ra những quan niệm về chính trị, kinh tế và xã hội cho nước Nhật mà ảnh hưởng của họ vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Trong số này chỉ có một vị tướng và là một người ngoại quốc duy nhất – đó là tướng MacArthur. Đứng thứ 10 trong số 12 người, với các tựa bài là “MacArthur:

Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng”.

Tôi nghĩ rằng chọn lựa này vô tư và hợp lý và Tướng MacArthur rất xứng đáng được như thế.

Tác giả Sakaiya Taichi phân tích tất cả những cải cách của MacArthur đã ảnh hưởng đến nước Nhật và người Nhật như thế nào.

Trong đó cũng ghi lại lời nói của MacArthur: “Nhật Bản sẽ trở thành một nước như Mỹ, nhưng nước Mỹ ở đây không phải là nước Mỹ hiện bây giờ mà là một nước Mỹ lý tưởng”.

Cuối cùng tác giả kết luận như sau: “Trong dòng lịch sử Nhật Bản, đột nhiên xuất hiện nhân vật thống trị MacArthur từ nước ngoài đến, một người chưa có hiểu biết chính xác về Nhật Bản, nhưng đã ôm giấc mơ biến Nhật Bản thành một nước Mỹ lý tưởng.

Những tham vọng của MacArthur có cái đã thành công mỹ mãn, có cái đã đi quá trớn. Nhưng tựu trung, chúng đã để lại ảnh hưởng mãnh liệt trong xã hội Nhật Bản cho đến ngày hôm nay”.

Sau 6 năm giúp nhiệt tình, đến khi thấy rằng nước Nhật đã “đủ lông đủ cánh” vững vàng về cả 3 phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, người Mỹ và người Nhật ký Hiệp Ước San Francisco ngày 8/9/1951 trao trả độc lập lại người Nhật.

Người Mỹ đã giúp người Nhật vượt qua được cơn khốn khổ và trở thành một quốc gia giàu mạnh, chỉ vì là đồng loại và không phải là thù địch. Đây là nghĩa cử quá cao quý của con người. Đất nước chúng ta cũng đã từng có những cơ hội tương tự nhưng đáng tiếc là chúng ta đã không biết tận dụng cơ hội đó giống như người Nhật, người Nam Hàn, người Đài Loan hay người Do Thái!

Nhật Bản được như ngày hôm nay không phải do một ngày một buổi, mà là kết quả của một quá trình lịch sử mấy ngàn năm. Từ những người lãnh đạo đầu tiên như Thái Tử Shotoku, sau cuộc chiến tôn giáo giữa hai dòng họ Sogo và Mononobe, mặc dầu chiến thắng nhưng vẫn bao dung rộng lượng với kẻ thù và còn cho phép đạo của dòng họ Mononobe tiếp tục được truyền bá, cho đến một Minh Trị Thiên Hoàng quyết tâm bắt kịp các nước Tây Phương, đến một Nhật Hoàng Hirohito, chấp nhận chịu cái nhục “không thể chịu đựng nổi” để đổi lấy sự sống còn cho các thế hệ tương lai.

Từ năm 1885 cho đến nay, nước Nhật có đến 95 lần thay đổi thủ tướng (tức trung bình mỗi thủ tướng tại chức chỉ có 1.3 năm), chưa bao giờ xảy ra chuyện tham quyền cố vị. Chỉ cần một lỗi lầm thật nhỏ là thủ tưởng phải từ chức nhường quyền lại cho người khác. Thay đổi liên tục như thế nhưng không hề ảnh hưởng đến guồng máy điều hành quốc gia mà ngược lại còn giúp cho chính phủ luôn luôn giữ được niềm tin của người dân.

Xã hội Nhật Bản là một xã hội có tôn ti trật tự, có trước có sau, có trên có dưới, nơi mà người lớn được kính trọng, người trẻ được khuyến khích, trong cơn khốn khó mọi người đồng lòng chung sức đối phó, trong lúc chiến thắng không quá tự phụ kiêu căng và mọi người đều coi trọng danh dự. Chính vì thế mà trong thời chiến có rất ít lính Nhật bị bắt làm tù binh, trong thời bình có nhiều giám đốc tự tử vì không chu toàn trách nhiệm. Đối với họ đó là cách để bảo toàn danh dự cá nhân.

Mặc dầu giai cấp Samurai đã chấm dứt từ năm 1870, tức là cách đây hơn 140 năm, nhưng cho đến nay tinh thần võ sĩ samurai vẫn còn ăn sâu trong máu xương của người Nhật Bản. Người Nhật thường ví vẻ đẹp của người võ sĩ giống như vẻ đẹp của Hoa Anh Đào: sống và chết đều thể hiện nét đẹp.

Nắng xuân chiếu xuống làm cho Hoa Anh Đào đang khép nép bỗng trở mình khoe sắc cho mọi người chiêm ngưỡng… rồi một ngọn gió thình lình thổi đến, Hoa Anh Đào lại dâng hiến cho người thưởng ngoạn những phút giây tuyệt trần với những cánh hoa bay phất phơ theo gió.





Hoa Anh Đào tiêu biểu cho nét đẹp thanh cao, dù mong manh ngắn ngủi. Hoa đẹp trên cành nhưng khi cánh rụng xuống hương vẫn còn thơm, nhụy vẫn còn đẹp. Người võ sĩ cũng phải như thế: sống trong danh dự và nếu có chết tiếng thơm vẫn còn lưu danh muôn thuở.

Người Mỹ và người Nhật có một đặc tính giống nhau là đều có tinh thần hào hiệp mã thượng.

Trong một quyển sách nói về tinh thần của võ sĩ samurai, học giả Inazo Nitobe nói rằng: “Đạo võ sĩ là đạo luật ghi rõ những phương châm sinh tồn và tiến hoá của hạng người có tinh thần thượng võ, ngoài lòng dũng cảm, người võ sĩ còn phải biểu lộ đức nhân từ đối với kẻ thù đã ngã ngựa và phải biết hổ thẹn khi phạm đến điều gì tổn hại đến danh dự”.

Có rất nhiều câu chuyện kể về võ sĩ samurai, dưới đây chỉ là một câu chuyện khá tiêu biểu: Vào Thế kỷ thứ 12, chủ soái Sadato bại trận, bị rượt đến bờ sông Koromo, tướng quân Yoshire rượt theo Sadato và hô lớn: “Bị kẻ thù rượt đuổi không quay mặt lại là không biết nhục!” Sadato ung dung ngồi trên lưng ngựa, không quay lại, đọc một câu thơ, tướng Yoshire thình lình bỏ đi không cho quân đuổi theo, khi quân sĩ hỏi, ông trả lời: “Ta không thể làm nhục một người trong khi bị kẻ thù đuổi theo vẫn ung dung giữ được tinh thần võ sĩ đạo”.

Lịch sử Nhật Bản là lịch sử của những sự tiếp nối hài hòa, không có cảnh trả thù khi thay đổi một triều đại hay một chế độ. Trong gần 700 năm, từ giữa thế kỷ 12 cho đến giữa thế kỷ thứ 19, quyền hành của nước Nhật nằm trong tay các Shogun, phía dưới là giai cấp samurai, thế nhưng Triều đình Nhật Hoàng vẫn được duy trì. Sau khi Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi, tất cả các Shogun dần dần đều bị dẹp bỏ, quyền binh được phục hồi cho Triều đình Trung ương, nhưng tất cả các Shogun không phải chịu bất cứ một sự trừng phạt nào, trái lại họ còn được bền bù thỏa đáng cho những gì đã mất, các võ sĩ samurai được ưu tiên tuyển dụng vào quân đội Hoàng gia. Chính yếu tố này đã góp phần cho sự thành công của cuộc Cách Mạng Minh Trị Duy Tân.

Kinh tế của Nhật đang đứng hàng thứ ba trên thế giới (vừa xuống hạng năm rồi, nhường ngôi vị thứ hai cho Trung Quốc). Sức mạnh này không phải chỉ nhờ ở những giá trị truyền thống mà còn nhờ ở người Nhật biết tiếp nhận những giá trị tự do và dân chủ của người Tây Phương, như nhà nghiên cứu người Nga Yury Tavrovsky đã nhận định: “Sau chiến tranh Thế Chiến Thứ Hai, những ‘phép lạ kinh tế’ của Nhật gắn liền với những ‘phép lạ chính trị’ ở nước này, điều mà nhiều người không chú ý tới. Chính Hiến pháp Nhật Bản sau chiến tranh đã bảo đảm một chế độ chính trị dân chủ nên mới có được những ‘phép lạ kinh tế’”.

Người Nhật không phải chỉ học về tự do dân chủ, mà còn học từ người Tây Phương ở nhiều lãnh vực khác, từ kinh tế, xã hội, tôn giáo, cho đến giáo dục, khoa học, kỹ thuật…Nói một cách khác là người Nhật biết cách biến cái hay của người khác thành cái hay của mình. Và mặc dầu thiết tha với những giá trị truyền thống nhưng khi cần thiết vẫn sẵn sàng dứt bỏ những gì không còn thích hợp. Họ đã bỏ lịch của người Trung Hoa và sử dụng lịch của Tây Phương từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, ăn Tết theo người Tây Phương và đàn ông Nhật đã bắt đầu mặc áo vest, quần tây, tại công sở từ thời đó. Nhà tư tưởng Fukuzawa còn viết cả một cuốn sách “Thoát Á” vào năm 1885, kêu gọi người Nhật phải tách hẳn ra khỏi quỹ đạo văn hóa của người Trung Hoa để gia nhập vào thế giới văn minh Tây Phương.

Lý do tại sao người Nhật có tư tưởng phóng khoáng về tôn giáo và tiếp thu những cái mới từ bên ngoài một cách dễ dàng như thế?

Nó phát xuất từ tư duy của một con người: Thái tử Shotoku (572-622).

Di sản vô giá của Thái tử Shotoku để lại cho dân tộc Nhật Bản.

Người Nhật không bao giờ hiểu được tại sao người ta có thể chém giết nhau tại Bosnia-Herzegovina, Ấn Độ, Pakistan, Trung Đông... chỉ vì lý do tôn giáo. Họ có một quan niệm rất phóng khoáng về tôn giáo, một người có thể theo nhiều tôn giáo trong cùng một lúc, hay một người theo đạo Phật không có lý do gì để không đi dự lễ ở đền Thần đạo. Sự khác biệt về tôn giáo đối với họ chỉ là đặt trọng điểm tín ngưỡng ở đâu mà thôi.

Phật giáo đã tạo ra một cuộc tranh luận khi mới du nhập vào nước Nhật, dòng họ Mononobe có nhiệm vụ chính thức thờ phụng Thần Đạo chống lại sự du nhập này. Cuối cùng đã xảy ra một cuộc chiến giữa dòng họ Sogo (theo đạo Phật) và dòng họ Mononobe. Cuộc chiến chấm dứt sau khi trưởng tộc của dòng họ Sogo là Umako thắng trận Shigisen năm 587. Đó là cuộc chiến tranh tôn giáo đầu tiên ở Nhật và có lẽ cũng là lần cuối cùng.

Năm năm sau Trưởng tộc Umako lập cô của thái tử Shotoku lên ngôi, tức là Nữ hoàng Suiko. Đến năm 593, thái tử Shotoku được phong chức nhiếp chính (Regent), kể từ đó trở đi Nữ hoàng Suiko chỉ còn là một biểu tượng tinh thần, mọi quyền hành cai trị đều nằm trong tay thái tử Shotoku.



Thánh Đức Thái tử, Shotoku Taisi cùng em trai (trái: Hoàng tử Eguri) và con trai trưởng (phải: Hoàng tử Yamashiro)


Thái tử Shotoku là một người chịu khó học hỏi, uyên bác về mọi lãnh vực và được thần dân kính trọng vì lòng nhân từ và đức độ của ông. Ông là một người rất sùng đạo Phật sau khi theo học đạo với một cao tăng từ Đại Hàn, chính Thái tử đã dựng lên chùa Tứ Thiên Vương, chùa Horuji, tạc rất nhiều tượng Phật và viết chú giải cho nhiều kinh điển Phật Giáo. Ông đích thân truyền bá đạo Phật và có thể coi là người uyên bác nhất về đạo Phật tại Nhật thời bấy giờ. Với lòng mộ đạo và quyền hành nằm trong tay, thay vì biến Phật Giáo trở thành quốc giáo, thái tử Shotoku lại chủ trương - mọi tôn giáo đều bình đẳng, thậm chí còn nâng đỡ Thần Giáo nữa, điển hình chính ông là người tự soạn ra “Kính Thần Chiếu”, để bày tỏ lòng biết ơn đối với các Thần Cổ Lai của Nhật Bản.

Thái tử cũng nghiên cứu cả Khổng Giáo để học hỏi về cách cai trị thần dân, những quy tắc của đạo đức và những khuôn mẫu của cách xử thế. Ông đã mở đường cho Khổng Giáo du nhập vào nước Nhật.

Thời kỳ Thái tử Shotoku nắm quyền tại Nhật cũng là thời kỳ suy tàn của Đế Quốc La Mã tại Âu Châu và là thời kỳ cực thịnh của đất nước Trung Hoa. Lúc này Trung Hoa đang dưới thời nhà Đường, là quốc gia lớn nhất, có tổ chức xã hội và chính trị hay nhất và có nền văn minh cao nhất thế giới. Cả Phật giáo và Khổng giáo đều phát triển mạnh trong thời này. Triều đại nhà Đường rất hiếu khách, mở rộng vòng tay đón tiếp khách thập phương trong đó có nhiều quan lại từ Nhật do Thái Tử Shotoku gởi sang để học hỏi.. Kinh đô mới Kyoto sau này của Nhật được xây dựng dựa trên kiến trúc của thành phố Tràng An.

Những kiến thức mà Thái Tử Shotoku và các quan lại Nhật học được từ người Trung Hoa về chính trị, tôn giáo, kỹ thuật và nghệ thuật… đã được áp dụng rộng rãi vào đất nước của họ trong một thời gian rất dài. Những đóng góp đó đã tạo những thay đổi đáng kể đối với đất nước Nhật Bản và được sử sách ghi lại khá đầy đủ, nhưng đóng góp to lớn nhất của Thái Tử Shotoku đối với người Nhật là “Tư tưởng gộp đạo: Thần-Phật-Khổng”.

Nhận xét về điều này, học giả Sakaiya Taichi đã viết: “Thái Tử Shotoku là nhà tư tưởng duy nhất trên thế giới đã khởi xưởng ra tư tưởng gộp đạo. Tư tưởng này đã ăn sâu vào xưởng tủy người Nhật cho tới ngày nay.”

Tư tưởng này có thể giải thích ngắn gọn như sau: một người theo tôn giáo này không nhất thiết phải từ bỏ tôn giáo kia.

Người Nhật lúc bấy giờ muốn tiếp nhận Phật Giáo và Khổng Giáo như là những nền văn hóa mới từ một nước văn minh tiến bộ. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là phải chối bỏ việc thờ phụng ông bà tổ tiên thể hiện qua Thần Đạo.

Đối với Thái tử Shotoku, một người vừa theo Phật Giáo, hay Khổng Giáo vừa có thể giữ lại Thần Đạo, không có gì sai trái cả mà còn là một cách thiết thực để học được cái hay từ bên ngoài. Với kiến thức uyên bác, cộng với lòng nhân từ rộng lượng, Thái tử Shotoku đã thuyết phục được đa số người Nhật thời đó chấp nhận quan điểm này. Gần 15 thế kỷ đã trôi qua, quan niệm này ngày nay không những được đại đa số người Nhật chấp nhận ở phương diện tôn giáo mà còn được áp dụng rộng rãi ở nhiều lãnh vực khác.

Đó cũng là lý do tại sao mà tác phẩm “12 người lập ra nước Nhật” của tác giả Sakaiya Taichi, Đặng Lương Mô dịch ra tiếng Việt, đã xếp Thái Tử Shotoku là người đầu tiên trong số 12 người này, với tựa bài: “Thái Tử Shotoku: nhà tư tưởng chủ trương gộp đạo: Thần-Phật-Khổng”. Tác giả Sakaiya Taichi đưa ra tất cả những lý do chính đáng cho việc chọn lựa này và cho rằng Thái tử Shotoku là người có công đóng góp lớn nhất để tạo nên một nước Nhật như ngày hôm nay.

Cuối cùng ông kết luận: “Người Nhật coi việc tiếp nhận văn hóa mới không nhất thiết là vứt bỏ nền văn hóa cũ”.

“Trong suy nghĩ của người Nhật bây giờ, trong cấu trúc của xã hội Nhật ngày nay, có mối quan hệ sâu sắc của phương cách “chọn lọc cái hay” vốn phát xuất từ “tư tưởng gộp đạo” của Thái tử Shotoku.

“Ngày nay, cái phong cách “chọn lọc cái hay”, tức là phương pháp áp dụng văn hóa một cách chọn lọc, chính là ảnh hưởng lớn lao nhất mà người Nhật tiếp nhận được từ thái tử vậy.”

Hirohito - tấm gương của tinh thần trách nhiệm

Đồng Minh hy sinh 75,000 binh sĩ mới chiếm được Okinawa ngày 21/6/1945 sau 82 ngày giao tranh đẫm máu, phía Nhật Bản tổn thất hơn 100,000 binh sĩ. Đồng Minh càng tiến vô gần nước Nhật thì binh sĩ Nhật Bản càng chiến đấu dũng cảm hơn.

Mặc dầu các thành phố lớn của Nhật lúc đó gần như đã trở thành bình địa sau những trận mưa bom của phi cơ Đồng Minh, nhưng phía Đồng Minh ước tính rằng muốn chiếm được nước Nhật, họ phải hy sinh hơn 1 triệu binh sĩ. Chính vì thế họ quyết định thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9/8/1945.

Trước tình hình như thế, chính phủ Nhật chia làm 2 khuynh hướng, một khuynh hướng chủ trương chiến đấu đến người lính cuối cùng và khuynh hướng kia chủ trương chấp nhận đầu hàng. Nhật Hòang cuối cùng đã ngả theo khuynh hướng thứ hai. Đây là quyết định vô cùng can đảm vì nếu không, có thể nước Nhật phải chịu thêm vài quả bom nguyên tử nữa. Sau khi hay tin Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, biết bao binh sĩ Nhật ngồi hướng về mặt trời mổ bụng tự tử để bày tỏ lòng trung thành với Thiên Hoàng và tổ quốc.

Bài diễn văn đầu hàng của Nhật Hoàng Hirohito đọc ngày 15/8/1945 đã làm xúc động tất cả người Nhật, cho đến nay họ vẫn thường nhắc lại mỗi khi đương đầu với thử thách, trong đó có một đoạn như sau:

“Chúng tôi thấu hiểu những cảm xúc sâu xa của tất cả các thần dân, tuy nhiên theo tiếng gọi của hoàn cảnh và định mệnh, buộc lòng chúng tôi phải đi tìm một giải pháp hòa bình trường cửu cho các thế hệ mai sau bằng cách phải cam chịu những điều không thể cam chịu nổi và chịu đựng những điều không thể chịu đựng nổi…

Hãy tập trung tất cả sức lực của thần dân để xây dựng tương lai.” (We are keenly aware of the inmost feeling of all of you, our subjects. However, it is according to the dictates of time and fate that we have resolved to pave the way for a grand peace for all generations to come by enduring the unendurable and suffering what is insufferable…

Unite your total strenght to be devoted to the contruction for the future."

Đầu hàng, đối với người Nhật, là chịu đựng một cái nhục không thể chịu đựng nổi. Trong suốt dòng lịch sử, họ chưa bao giờ biết đầu hàng trước ngoại bang, ngay cả quân Mông Cổ thời cực thịnh đã hai lần đem quân đến đây đều bị đánh bại. Ngoài ra, đất nước đối với họ không phải chỉ có đất đai sông núi mà còn là một di sản thiêng liêng thừa hưởng từ tổ tiên.

Nhật Hoàng Hirohito không chỉ có nói như thế, mà trong thời hậu chiến ông trở thành tấm gương tập trung mọi ý chí của toàn dân để xây dựng lại một nước Nhật từ đống tro tàn. Ông là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với dân tộc Nhật Bản từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay.

Không thắng được ở chiến trường, người Nhật chuyển qua chinh phục thế giới bằng kinh tế. Sử gia người Mỹ Herbert P. Bix đã bỏ ra nhiều công phu để hoàn thành tác phẩm “Hirohito and the Making of Modern Japan” cho thấy là sự thành công kinh tế của nước Nhật thời hậu chiến có công đóng góp rất lớn của Nhật Hoàng Hirohito. Chính Hirohito đã thỏa thuận ngầm với tướng MacArthur qua trung gian của Thủ tướng Shigeru Yoshida để tạo điều kiện dễ dàng cho danh tướng người Mỹ hoàn thành những chương trình tái thiết nước Nhật.

Theo điều kiện đầu hàng, Nhật Hoàng Hirohito bị tước bỏ danh hiệu Thiên Hoàng (State Shinto) và chỉ còn làm một biểu tượng tinh thần giống như các Hoàng gia ở Âu Châu. Tuy nhiên người Nhật vẫn xem ông là Đại diện của Quốc gia (Head of state) và lòng kính trọng của họ dành cho Nhật Hoàng vẫn không thay đổi.

Sau chiến tranh, ông không còn khép kín như trước mà hoạt động tích cực trong lãnh vực xã hội và có mặt thường xuyên trong các nghi lễ... ông không chỉ là biểu tượng tinh thần mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết của quốc gia và ý chí của dân tộc Nhật Bản trong cơn khốn khó. Xét cho cùng thì sự đóng góp đó không phải là nhỏ.

Đối với quốc tế, ông sớm hồi phục lại uy tín của mình, bằng chứng là trong những chuyến công du ra ngoại quốc, ông luôn luôn được tiếp đón như một quốc khách, được Nữ Hoàng Elizabeth tiếp đón tại Anh ngày 7/10/1971, gặp Tổng Thống Nixon tại Alaska và được Tổng thống Ford tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc ngày 2/10/1975.

Nhật Hoàng Hirohito qua đời ngày 7/1/1989 và được tổ chức quốc táng có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó đương nhiệm Tổng thống George H. W. Bush, Tổng thống Francois Mitterand…

Kết

Tinh thần của người Mỹ và người Nhật đã góp phần tích cực cho sự thăng hoa của con người, và họ cũng chứng minh cho thế giới thấy rằng quốc gia có giàu mạnh hay không là nhờ ở yếu tố con người, con người là tài sản lớn nhất của một đất nước, chớ không phải là tài nguyên, đất đai hay một yếu tố nào khác.

Chính lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng bao dung và hào hiệp của những con người như các danh tướng Ulysses Grant, Robert Lee, MacArthur, Thái tử Shotoku, Nhật Hoàng Hirohito… đã làm thay đổi hẳn số phận của hai đất nước và đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong dòng lịch sử, khiến cho mỗi khi nhắc đến mọi người đều cảm thấy tràn đầy niềm hãnh hiện về đất nước của mình. Và đó cũng chính là động lực thúc đẩy họ phải gìn giữ và phát huy truyền thống thừa hưởng từ thế hệ cha ông.

Đó cũng là tấm gương cho người Việt Nam học hỏi.


Phạm Hoài Nam




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét