Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

HUYỀN THOẠI VỀ NIỀM TIN SỐNG


Nhà Văn Nguyễn Quang Vinh - cu Vinh


HUYỀN THOẠI VỀ NIỀM TIN SỐNG

Tháng Một 30, 2012 — nguyencuvinh

TRƯỞNG THÔN ĐÃ NHẬN ĐƯỢC KHÁ NHIỀU SỰ ỦNG HỘ CỦA CÁC BÁC CHO GIA ĐÌNH ANH VƯƠN, SAU 3 NGÀY NỮA SẼ TỔNG KẾT ĐỢT 1.

CÁC BÁC ƠI: NHANH LÊN NHÉ, VỘI VÀNG LÊN CHÚT NHÉ, NHANH NHANH LÊN TIN XUÂN SẮP CÓ RỒI- HE HE

ĐỂ ĐỘNG VIÊN CÁC BÁC ĐÓNG GÓP, GỬI TẶNG THÊM CÁC BÁC MỘT CHÂN DUNG ĐẶC BIỆT NỮA.



Nguyễn Đức Vệ và cô vợ hơi bị xinh


Đang là một bí thư chi đoàn thôn rất có uy tín, còn đúng hai ngày nữa thì anh được kết nạp đảng, không ngờ, một quả bom bi còn sót lại trong vườn nhà đã nổ tung, làm Nguyễn Đức Vệ đứt lìa cả hai cánh tay và cụt luôn cả chân trái. Dù với tấm thân tàn phế như thế, Nguyễn Đức Vệ không những không chịu khuất phục trước cuộc sống mà chính anh, bằng nghị lực phi thường, đã làm nên một huyền thoại đẹp như một khúc tráng ca về sự vươn dậy đáng kinh ngạc của một con người. Tôi tìm đến nơi anh sống- tìm đến khúc tráng ca huyền thoại- tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.


Khuôn mặt người đàn ông âý thật phúc hậu, hơn thế, chính từ đôi mắt của Vệ ánh lên vẻ cương quyết và mạnh mẽ. Anh ngồi bên tôi, đưa hai bàn tay đã được chắp nối bằng hai cánh tay làm bắt sắt, kẹp chặt ấm nước, kẹp chặt cốc nước, rót ra nhẹ nhàng trơn tru như hai bàn tay lành lặn. Tôi hăm hở quan sát, hăm hở hỏi chuyện, ngơ ngác trước những động tác thành thục ở đôi bàn tay sắt lạnh ấy và cứ thế, trong cảm giác ngơ ngẩn như bị cám dỗ của tôi, Vệ dẫn tôi trở lại 10 năm trước.


Vệ cuốc đất. Một quả bom bi sót lại nổ tung. ” Làng Quảng Đông của em trong chiến tranh là túi bom của Mỹ. Kia là cảng Hòn La. Trên đèo Ngang là trận địa pháo. Ngày mô, đêm mô cũng có máy bay đến thả bom. Trong làng sau chiến tranh vẫn còn nhiều người chết vì cuốc đất gặp bom. Em cũng vậy thôi. Không chết nhưng hai tay cụt, một chân cụt. Nằm bệnh viện Việt Nam-Cu Ba tám tháng tất cả anh ạ…”


Ngày Vệ bị, con trai đầu lòng của anh 7 tháng tuổi. Vợ anh không thể thả con ở nhà để theo anh đi bệnh viện được vì cháu đang bú mẹ. Cha anh theo cùng. Sau thời gian hôn mê, khi tỉnh dậy trên giường, Vệ biết rõ mình bị bom bi nhưng toàn thân cứng dại. Đến lúc hoàn toàn tỉnh táo, anh mới bàng hoàng nhìn xuống thân mình, hai tay không còn, chân trái không còn, nhìn tới nhìn lui rất nhiều lần mà anh vẫn không tin được.



” Làm răng mà tin được điều kinh khủng đó hả anh? Kể cách chi cũng không thể hết được cái cảm giác hoảng loạn điên khùng của em lúc đó. Tứ chi còn một chân này thôi anh nì…Sống mần răng? “. Ông Gia, cha đẻ của Vệ đưa bàn tay  lên rờ rẫm đôi mắt mù loà của mình, sụt sùi:” Tui thì mù. Cũng vì bom Mỹ. Tưởng hoà bình rồi, có thằng con trai cứng cáp, giỏi việc nước đảm việc nhà, sắp được vào Đảng nữa, mừng lắm chớ, nhưng có ai ngờ, nó lại mất tay mất chân như rứa. Sống mần răng?”. Mẹ của Vệ yếu ớt:” Phận làm vợ, nhìn chồng mù loà, đứt chín khúc ruột. Bây chừ lại phải nhìn thằng con mất cả hai tay một chân, đứt thêm mấy khúc ruột nữa đây hả chú. Cha mù, con trai tàn tật tứ chi như rứa…Sống mần răng?”. Ông Phương, người hàng xóm góp chuyện:” Ngày nớ, tui vô thăm chú Vệ trong bệnh viện. Tui bàng hoàng. Quả bom bi chỉ to như quả ổi, rứa mà làm thằng Vệ mất hai tay, một chân. Thằng Vệ thấy tui vô thăm, hắn khóc, hắn gào lên: Bác Phương, bác nói, bây chừ tui mần răng mà sống? Chú coi, hắn hỏi như rứa  thì tui biết trả lời hắn kiểu chi đây. Tui về kể lại với vợ tui tình cảnh của thằng Vệ. Vợ tui úp mặt vào bàn tay khóc và kêu lên: Thằng Vệ như rứa…Sống mần răng?”

Vệ rót tiếp cho tôi một cốc trà:” Trên đời, có nhiều hạng người tự tử. Có người vì thất tình, nhảy lầu chết, em khinh. Có người nợ nần chồng chất, để trốn nợ, tự tử, em cũng khinh. Có người vì ức giận chuyện đời, tìm đến cái chết, em khinh nốt. Nhưng em lại ba lần tìm đến cái chết. Vì lúc đó em cho làm thế là phải. Thân què cụt như em, đi lại chưa xong, cầm cái bát ăn cơm chưa xong, cha mẹ nghèo cực như rứa, vợ con nheo nhóc như rứa, ai nuôi báo cô mãi. Chết cho mình sướng, khỏi dằn vặt. Chết cho mọi người đừng vì em mà khổ thêm, cay cực thêm. Ba lần em ngồi trên xe lăn, ẩy xe lăn ra lan can tầng 4 của bệnh viện tính nhào người xuống đất chết. Ba lần cả thảy. Lần thứ nhất cha em ngăn kịp. Lần thứ 2 nhân viên trong bệnh viện ngăn kịp. Còn lần thứ 3…em tự ngăn em kịp anh ạ…Anh nói vì răng em đã quyết tâm tự tử lại còn ngăn mình lại à? Vì tiếng khóc của đứa con nít ở tầng 3. Đúng lúc em chuẩn bị lao đầu qua lan can thì nghe tiếng khóc của đứa con nít ở tầng 3. Em bủn rũn chân tay. Đứa con nít khóc những tiếng khóc yếu ớt và gọi cha ời ời…Em nghĩ đến con em. Tự dưng thế thôi, tự dưng em nghĩ đến con em thôi anh ạ. Thế là em lăn xe vào phòng, em hét lên với cha em: ” Về…Về…Về nhà…Cha cho tui về nhà…Tui ở thêm ngày nào là tui chết. Tui nhớ con tui lắm…Về …Về…Về…”. Rứa là ngay chiều hôm đó, cha tui làm giấy tờ cho tui xuất viện luôn.




Tiếng Vệ chùng xuống, già dặn, tựa như không phải anh kể chuyện mình mà đang dạy dỗ tôi:” Đàn ông chúng mình hay to mồm trách mắng vợ con. Ra đường, thằng nào mắt cũng xếch xác nhìn ngược ngó xuôi, mắt lượn như cá cảnh, thấy em nào trẻ trung đi qua cũng nuốt nước bọt. Về nhà, nhìn thấy vợ quản lý chặt quá thì chán ngán, thở ngắn than dài, so bì tỵ nạnh. Nhưng mà anh coi, sểnh ra khỏi bàn tay vợ là coi như bơ vơ như đứa mồ côi. Tui có được cảm giác đó rồi…”. Vệ ra viện, chui đầu vào mái tranh lúp xúp nhà mình thì thấy trống hoang trống hoác. Kêu vợ mấy tiếng không nghe trả lời. Mẹ anh lếch thếch chạy qua, tay nách thằng con trai của anh đang khát sữa khóc ngằn ngặt, mếu máo nói với con trai:” Con ạ…Về nhà cha mẹ đi con…”. Vệ gồng người lên quát hỗn với mẹ:” Nhà tui đây răng không ở mà phải đi ở nhờ cha mẹ chớ”. Mẹ anh gìm một tiếng khóc:” Con ơi, vợ con bỏ đi rồi. Nó đi rồi. Nó về nhà cha mẹ nó rồi, cả nhà đi vào Nam làm ăn rồi. Nó bỏ con rồi. Nó nói, chồng con tật nguyền què cụt như rứa không còn cách sống, nó đi. Nó đi rồi con ạ”. Vệ ngồi gục đầu trên xe lăn. Lúc này thực sự anh không muốn khóc nhưng nước mắt anh đã chảy ướt cả hai nắm tay xe lăn tự lúc nào. Vệ bừng tỉnh khi đứa con trai anh khóc váng lên. Anh ưỡn người, khều khào hai cánh tay cụt, trệu trạo nói với mẹ:” Mẹ ơi, cho con bế cháu..”. Anh ghì chặt đứa con trong đôi tay cụt của mình. Cha mẹ anh im lặng đẩy xe lăn đưa cha con anh về nhà. ” Vợ tui quá tệ bạc, đúng không? Cô ấy tệ bạc với tui cũng được nhưng sao cô ấy nỡ đành đoạn vứt bỏ cả đứa con đang khát sữa mà đi? Giận vợ, trách vợ như rứa nhưng anh biết không, mấy tháng trời, trong nhà không vợ, hai cha con tui côi cút, bơ vơ vô cùng. Trong khi tui què cụt, ăn nhờ ở bám cha mẹ mình, muốn tâm sự với ai cũng không có, đêm nằm ngủ trở mình, phía này là con, phía kia là khoảng giường trống hơ trống hác. Tui căm giận vợ bao nhiêu lại nhớ, lại cần cô ấy bấy nhiêu anh ạ”. Mấy tháng sau, vợ tui về làng một lần. Tui chạy sang. Gặp cả cha mẹ cô ấy. Tui xin. Tui khóc. Tui xin vợ tui hãy về với cha con tui. Nhưng không được chấp nhận. Cô ấy không chịu làm vợ tui nữa vì sợ đói, vì sợ khổ. Rứa là hết. Hôm đó tui lủi thủi về nhà, thấy đứa con đang ngồi bốc cát ăn, tui quỳ xuống bên con khóc. Con tui nhìn cái mặt tui dàn dụa nước mắt, nó lại nhe răng cười. Tui héo gan héo ruột. Đêm đó tui uống hết một chai rượu trắng. Tui đấm hai cánh tay cụt vào tường vôi nhà cha mẹ mình hét lên: Điên quá rồi. Đã thế thì tui sẽ làm ăn cho nó biết. Đã thế tui sẽ làm giàu cho ai còn coi khinh tui sáng mắt ra. Tui la hét. Đấm đá và uống rượu trắng đêm anh ạ. Máu chảy từ hai cùi tay cụt ròng ròng. Cha tui ghì lấy tui nói rất nhỏ mà hiệu lực ghê gớm:- Biết đứng lên, biết rèn giũa ý chí làm người mới khó, chớ la hét, chửi mắng thì dễ lắm con ạ. Con bị què cụt như rứa nhưng vẫn còn đôi mắt, vẫn còn cái đầu, vẫn còn một chân. Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây con ơi- Câu nói đẫm nước mắt của cha tui đã kéo tui lên được cái hố thẳm của số phận anh ạ”.


Vệ nói:” Anh tin khôn Sau khi quyết vùng lên để sống, tui cần vốn. Lúc đó chưa biết làm chi cả, nhưng phải có vốn, hoặc là mở hàng quán, hoặc là đi buôn, hoặc là….không biết, nhưng phải có vốn. Tui chống hai tay cụt vào đôi nạng, lết đến từng nhà, ngửa tay vay từng nhà. Mà trời ơi, một ngàn năm nữa tui cũng không thể quên ơn bà con nghèo làng tui. Nhà cho vay năm chục ngàn, nhà hai chục ngàn, có nhà năm ngàn thôi, cộng lại được 500 ngàn đồng. Cả ngày hôm đó tui cầm xếp tiền trên tay cứ lảm nhảm: năm trăm ngàn tức là nửa triệu. Cha tôi mắng: Con tính làm chi thì làm, sao cứ lầm bầm vậy. Tui nói: Cha ạ, con phải nhắc cho mình nhớ, 500 ngàn tức là nửa triệu bạc, làm chi cũng phải tính toán, không sinh lợi thêm thì chớ, quyết không thâm vào vốn. Nhưng làm chi? Tui thức trắng nhiều đêm. Tiền bỏ dưới gối nằm. Tính nhiều chuyện lắm. 500 ngàn với nhiều người chỉ là số tiền uống một bữa bia chứ mấy, đúng không? Nhưng với tui, 500 ngàn là nửa triệu.


Và Vệ đã làm nên huyền thoại với chính ” 500 ngàn tức là nửa triệu” của anh.


Nguyễn Đức Vệ có một câu tổng kết trong làm ăn rất hay và chí lý: một triệu tức là một ngàn lần của một ngàn cộng lại. Còn tôi lại văn chương rằng: Để có thể trở thành ông chủ có số vốn hàng trăm triệu như hôm nay, 10 năm qua là phép cộng của những giọt mồ hôi, nước mắt, của muôn ngàn niềm tin cháy bỏng vào cuộc sống, vào chính bản thân mình. Chị Thu Hà, người vợ xinh đẹp mới cưới của Vệ thì ví: Như động cát sau làng anh nờ, triệu triệu hạt cát vun lên thì thành động cát thôi. Chồng em tích cóp từng đồng, từng xu trong 10 năm mới nên được ngày hôm nay. Thằng con trai anh Vệ lại cười tít mắt nhìn cha và khen: Ba giàu hè?


Vẫn Vệ khẳng định: Đời người có bốn giai đoạn. Giai đoạn 1, làm chết xác, làm lăn lông lốc, làm trợn mắt trợn mũi mà vẫn đói. Giai đoạn 2, làm kệt sức, quần quật, hốc hác, trần ai nhưng no. Giai đoạn 3, làm nhàn nhã, thong dong nhưng đã dư dã. Giai đoạn 4, không cần đụng chân đụng tay, chỉ dùng mồm miệng chỉ huy mà vẫn dư thừa, giàu có. Bây giờ, sau 10 năm, kể từ ngày lết trên xe lăn từ bệnh viện về nhà, đến nay, Vệ đang ở giai đoạn 4 của một đời người.


Vệ kể:” Đầu tiên là phải cải tạo đôi tay cụt thành đôi tay hữu ích. Tui nghĩ mãi, rồi lần mò đi tìm hai ống sắt tròn, có thể đút cùi tay cụt vào được. Cánh tay tui đã được nối dài qua hai ống sắt. Với cách này, tui đã có thể tỳ hai tay sắt này vào hai cái nạng để lết đi được. Dù chỉ là những bước chân khập khừng, cao thấp, yếu ớt, nhưng trời ơi, tui mừng đến rú lên anh ạ. Vì tui không cần đến cái xe lăn nữa, không cần nữa. Tui tự đi được. Lúc đầu đi trong nhà, sau đi lấn ra ngõ. Đi quanh thôn, quanh làng. Những ngày đầu tiên, vành ống sắt cứa vào cùi tay chảy máu ròng ròng, đau không ngủ được. Tui độn thêm giẻ, lại nghiến răng nhét cùi tay vào ống sắt. Lại tập chống nạng đi. Hàng tháng trời như vậy cùi tay tui thành sẹo, dày như da trâu còn những bước chân của tui cũng đã vững vàng. Lúc đó tui bắt đầu sự nghiệp làm ăn…”. Công việc đầu tiên của Vệ không thể tính được là công việc gì. Vì anh tự bắt mình làm nhiều việc một lúc để kiếm tiền: Buôn củi, buôn phế liệu, buôn hàng tạp hoá, ớt, lạc, khoai sắn. Chỉ cần thứ nào có lãi là làm, lãi một ngàn cũng làm, vài ngàn càng phải làm, lãi đồng nào sau khi bóp mồm bóp miệng ăn đói mặc rách cho cả hai cha con, Vệ dồn hết vào vốn. Vốn dâng lên được vài chục ngàn thôi anh đã mừng hú. Ngày đó, thôn anh, xã anh chưa có điện lưới. Anh mua ngay cái máy phát điện đặt trong nhà, thắp sáng cho cả xóm, thu tiền điện hẳn hoi và coi như xóm anh có điện đầu tiên trong xã. Hơn thế, anh lại mua ti vi, đầu video, rồi thuê phim về chiếu bán vé hẳn hoi. Tối nào nhà anh cũng đông nghịt người xem phim. Anh lại bán kèm thêm cà phê, thuốc, rượu, bia, kẹo bánh. Thế là lại có tiền. Anh Vệ nhìn tôi cười:” Làm loăng quăng rứa thôi nhưng tôi tiết kiệm từng đồng, đêm mô cũng đếm tiền, đêm mô cũng sung sướng vì đồng vốn cứ cao dần, cao dần, quay qua quay về trong nhà bắt đầu có tiền triệu. Tức là đời tui đã sang giai đoạn 2 từ khi nào không biết. Dù vẫn làm ăn vô cùng gian nan nhưng bụng đã no anh ạ”.



Cuối năm 995, anh Vệ cùng đứa con trai ra Vinh, vào trung tâm chỉnh hình, mong mỏi có được một đôi tay nhân tạo. May mắn, đúng dịp đó, anh gặp được một tổ chức nhân đạo của Mỹ đang có mặt tại trung tâm chỉnh hình này và họ đã lắp cho anh đôi tay sắt do chính người Mỹ chế tạo. Đây là một đôi tay sắt có thể cử động được nhờ việc xúc tiếp với các cơ của bắp tay cụt. Tuy nhiên, để đôi tay này hoạt động theo ý muốn, người sử dụng phải có một ý chí tập luyện kiên cường. Anh Vệ nói:” Hồi đó ra ở cả tháng, hai cha con hết tiền. Tui chờ cho đến cuối giờ ăn ở bếp tập đoàn, tui nói với cô cấp dưỡng, hãy dồn tất cả cơm thừa ở các mâm cho cha con tui ăn vì cha con tui không có tiền nữa. Cô cấp dưỡng thương quá, báo cáo lên Ban giám đốc Trung tâm. Các anh ấy giúp cha con tui mỳ tôm, cả tiền, để ở thêm, nhằm bảo đảm cho người Mỹ lắp xong hai cánh tay  cho tui và ổn định chắc chắn trước khi về”. Với hai cánh tay sắt mới, Vệ về. Hàng tháng trời Vệ  bắt đầu tập luyện. Nhiều đêm, chỉ để thành thục một động tác cầm cốc nước thôi, Vệ phải tập hàng trăm hàng ngàn lần. Không biết bao nhiêu ly nước, bao nhiêu bát ăn cơm đã vỡ. Không biết bao nhiêu đêm Vệ nhẫn nại thức trắng chỉ để tập một cách thành thục những động tác mà ngay cả đứa bé con năm ba tháng tuổi cũng đã thành thục. Bây giờ thì Vệ đang biểu diễn cho tôi xem những cử động của đôi tay sắt mà nếu không để ý, cứ tưởng như tay anh đang lành lặn: viết, ký, pha trà rót nước, gọi điện thoại, mang cởi áo, điều khiển điện…Với đôi tay sắt thần kỳ ấy, Vệ đã một phần trở lại người bình thường và bắt đầu thực hiện những mơ ước lớn hơn: làm giàu.


Vệ nhớ lại:” Tui nhớ là công việc thắng lợi trong làm ăn đầu tiên  là việc tui quyết định mua xe công nông. Ngày đó ở địa phương này không ai có xe công nông. Trong khi nhu cầu vận chuyển cát, sạn, xi măng, sắt thép rất lớn. Tui vay mượn tiền mua xe. Anh biết không, xe của tui hoạt động hết công suất. Tiền thu vô nhiều lắm, sướng lắm. Chuyến năm ba chục ngàn thế thôi nhưng mỗi ngày hàng chục chuyến, chạy cả tháng, chạy quanh năm, tự dưng có hàng chục triệu trong túi lúc nào không hay anh ạ. Rồi bà con học tui, nhà nhà đua nhau mua  xe công nông. Khi đó thì tui lại chuyển hướng. Anh biết vì răng không? Vì có nhiều xe như rứa thì thế nào cũng phải hỏng hóc. Tui mở xưởng sửa chữa xe công nông. Tui đi tìm thợ giỏi về, trả lương cao, thuê thêm công nhân. Tui tính đúng. Xưởng tui khi nào cũng ngập việc. Công việc sửa chữa, thay thế phụ tùng lãi lắm. Sau đó nữa, tui tiến thêm một bước mới, mua sắm phụ tùng, máy, rồi gò, hàn, lắp ráp luôn xe công nông để bán, giá rẻ hơn thị trường hàng triệu bạc, lại chắc hơn, lại tự tui bảo hành miễn phí, bà con ai lại không mua. Xe tui xuất xưởng nhiều lắm, nhớ không xuể, mỗi chiếc lãi ròng hàng triệu bạc, lại nuôi được hàng chục công nhân, mỗi tháng họ được nhận lương từ 800 đến hơn 1 triệu đồng. Xưởng sửa chữa, lắp ráp xe công nông mang tên Đức Vệ ra đời từ đó đến nay và làm ăn ổn định anh ạ. Tôi bỗng thành ông chủ. Răng nữa? Thì mình là chủ một xưởng, có hàng chục công nhân. Có vốn, có kinh nghiệm, tui tiếp tục mở rộng hoạt động của mình: nhận thầu các công trình nhỏ, nhận cung cấp nguyên vật liệu tới chân các công trình, nhận bao thầu nhân công lao động cho các nhà thầu….Tôi bây giờ không phải lăn lộn như trước nữa mà chỉ bằng điện thoại liên hệ, rồi tính toán, rồi tổ chức sản xuất, tổ chức làm ăn cho anh em. Rứa là đời tui chuyển sang giai đoạn 4, nghĩa là chỉ ngồi, tính toán, chỉ huy bằng miệng, nhàn nhã, không phải đội nắng dầm mưa, thong dong mà lại bắt đầu thu nhập cao, nếu so với trong xã, thì bà con vẫn nói tui giàu. Quê tui, có vài trăm triệu bạc trong vốn liếng, tài sản là giàu rồi đó anh”.



” Nói rứa thì ai không nói được phải không anh? Nhưng với tui, để có được cái người đời gọi là tổ ấm: một vợ, một chồng, một con…như bây chừ, tui phải qua biết bao cay cực”. Vệ cưới cô Nguyễn Thị Thu Hà làm vợ. Nhà cô Hà bên kia đèo Ngang, thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hà rất xinh gái. Nghe tôi khen, Vệ nói:” Anh coi, cái thân què cụt như em mà đêm mô cũng thuê xe ôm vượt đèo Ngang, vô nhà Hà chơi hết. Cưa kéo cả năm trời mới được cô ấy đồng ý làm vợ đó anh ạ. Mà cũng đúng. Con gái người ta phơi phới như rứa, lại có thằng què cụt đến cưa, họ chưa đuổi ra khỏi nhà là may lại còn cho cưới làm vợ thì phúc đời tui quá. Hà vợ em rất hiền, đảm đang. Có vợ, em khoẻ hẳn ra. Bây giờ, em chỉ lo làm ăn nữa thôi, mọi chuyện ở nhà cô ấy cáng đáng được hết”. Hà bẽn lẽn kể:” Nhà em nói thiệt. Mấy đứa bạn của nhà  em  nghe tin em yêu anh Vệ, nói vào nói ra ghê lắm. Nhưng nhà em thương anh ấy. Nhà em lấy thôi. Ông bà mình nói, yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. Em thì nói, yêu nhau mất cả tam tứ chi cũng lấy. Miễn là yêu nhau anh hè? Không yêu nhau thì lành lặn chân tay cũng nỏ sống với  nhau được mô anh hè? “. Tôi mừng cho Vệ. Vệ ao ước:” Bây giờ, có vợ rồi, em mới ao ước, nếu em có ai tài trợ cho khoảng 200 triệu, em sẽ mở hẳn một xưởng học nghề, day nghề cho anh em thương tật, cho các cháu mồ côi, em sẽ tự dạy, tự nuôi, làm được rứa thì cứu được nhiều người nghèo khổ vì hoàn cảnh thiệt thòi lắm anh ạ. Mấy năm qua, em cũng đóng góp  giúp đỡ được nhiều người lắm. Năm nào em cũng tặng tiền, tặng quà cho các cháu ở lớp tình thương. Mấy cô nói, anh què cụt, thương tật rứa còn tặng các cháu chi nữa. Tui nói, anh thương tật đi giúp đỡ người thương tật mới hay chớ”. Tôi hỏi Vệ:” Từ bữa đó đến nay, chị ấy có về không? Có gặp con không? Có nói chuyện với anh không? Có tỏ ra ân hận hay hối lỗi không?” Nhưng anh Vệ tránh câu trả lời.


Thằng cu con ” bí mật” kéo tay tôi ra đường, nó chỉ tay về phía cuối dốc:” Nhà mẹ kia kìa…Mẹ ở một mình thôi chú ạ…Nhưng mẹ không nhớ đến con, không hỏi chi con hết nên con cũng không thèm đến chơi. Cần chi đến chơi chú hè?”.


Hoá ra, cuộc đời không ai muốn nhưng nó lại vẫn theo quy luật nhân quả thôi. Trong khi anh Vệ bằng nghị lực sống, bằng niềm tin sống, đã làm nên huyền thoại đẹp vô cùng để khắc dấu ấn về chân dung một con người quả cảm thì vợ anh, người vợ bạc tình ấy tưởng rồi sẽ tìm kiếm được một thiên đường hạnh phúc nhưng hoá  ra, sau 10 năm bươn chãi khắp nơi lại phải về cái xóm nhà tranh nghèo túng, thui thủi một mình.


Thằng con trai anh Vệ lao vào:” Đố chú viết thi với ba cháu”. Tôi ngớ ra. ” Thi viết a?- Tôi hỏi- Thi thì thi, chú sợ gì nào”. Thằng bé cười tít mắt. Nó đặt trước mặt tôi mảnh giấy, cái bút, lại đặt trước mặt anh Vệ mảnh giấy, cái bút. Nó nói to:” Chú nhà báo và ba Vệ cầm bút lên. Bắt đầu thi. Nghe con đọc xong câu này thì viết ngay coi ai nhanh nghe chưa? Câu thơ ông nội con vẫn hay ngâm đây này: Đánh cho thằng Nguỵ phải nhào. Đánh cho thằng Mỹ hồng hào phải thua. Một. Hai. Ba…”. Kết quả, tôi viết thua anh Vệ. Thằng cu con đắc thắng vỗ tay đôm đốp. Anh Vệ và chị Hà cũng vỗ tay cười. Trong tiếng vỗ tay ấy, tôi nghe âm vang tiếng vỗ của đôi tay bằng sắt.

                                                  



Để tiện theo dõi, khi chuyển tiền đề nghị  mọi người thông báo tên, địa chỉ và số tiền đóng góp giúp đỡ qua Email: vinhbanhtet@gmail.com.

Tiền đóng góp từ trong nước xin chuyển về: NGUYỄN QUANG VINH, số Tài khoản: 0311000492977,  Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Bình ( 54- đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Đồng Hới)

Ở nước ngoài xin xin sử dụng thêm Swift code: bftvvnvx

Từ nước ngoài cũng có thế gửi tiền ở OMNEX GROUP,INC  qua dịch vụ kiều hối của Ngân hàng ĐÔNG Á bằng số điện thoại của người nhận là Nguyễn Quang Vinh 0973155550 nhận tại Hà Nội.

Đề nghị mọi người ghi rõ: Tiền ủng hộ gia đình anh Đoàn Văn Vươn



Nhật ký Trưởng thôn Khoai Lang


Nguồn:
Blog nhà văn Nguyễn Quang Vinh - Cu Vinh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét