Gia đình Lương Văn Can và “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”
Phố Hàng Đào thời Đông Kinh Nghĩa Thục.
Người bạn đời cùng chí hướng
Theo gương các nhà chí sĩ Nhật Bản đã cải cách thành công, đưa đất nước phát triển hùng cường, các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí… chủ trương thành lập ở Hà Nội một trường học lớn, từ đó sẽ phát triển thành phong trào học tập, tiếp thu văn minh thế giới, mở mang dân trí, chấn hưng văn hóa đất nước, làm cho nước nhà giàu mạnh.
Sau nhiều lần bàn bạc, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) ra đời vào tháng 3-1907, được đặt ở chính nhà của Lương Văn Can (số 4 Hàng Đào). Số học viên tăng nhanh nên trường phải mở rộng thêm sang số 10 Hàng Đào. ĐKNT nhanh chóng lan ra các làng xã với 4 cơ sở gồm: Canh, Tây Mỗ, Chèm (huyện Từ Liêm), Tân Hội (huyện Đan Phượng), do các thành viên của ĐKNT phụ trách và giảng dạy. Cơ sở trường lớp, in ấn sách giáo khoa cho học viên, sách dịch và tài liệu tuyên truyền diễn thuyết cho giảng viên đều do Lương Văn Can phụ trách. Khi phong trào ngày càng có uy tín và thu hút đông đảo thanh niên theo học thì kinh phí cũng tăng lên, mặc dù nhận được sự giúp đỡ của các gia đình khá giả ở Hà Nội nhưng cũng không đủ kinh phí cho ĐKNT mở rộng. Dù chồng không nói nhưng cụ bà Lê Thị Lễ hiểu chồng cần gì. Khi biết vợ quyết định bán cửa hiệu Quảng Bình chuyên bán vải ở phố Hàng Ngang, Lương Văn Can vô cùng day dứt vì đó là của hồi môn của bà. Hơn nữa, trong đạo lý người Việt, bán gia sản tổ tiên để lại là đắc tội. Thế nhưng dù day dứt và dằn vặt nhưng vì nghiệp lớn của chồng, cụ bà quyết định bán gia sản ấy để lấy tiền duy trì phong trào. Cảm kích trước tấm lòng của vợ, Lương Văn Can đã lăn xả vào hoạt động những mong mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc.
Những năm sau, ĐKNT bị đóng cửa, Lương Văn Can bị thực dân Pháp đày biệt xứ sang Nam Vang, còn con trai Lương Ngọc Quyến bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, cụ kiên cường vượt qua bao nỗi đau đớn. Trước tòa đại hình của thực dân, cụ đã hỏi bọn quan tòa: “Con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý của gia đình và của đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn?”. Và cụ động viên con trai: “Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân của nước Việt đến hơi thở cuối cùng”. Cảm phục cụ bà cùng chồng gánh vác việc nước với lòng yêu nước thương nòi sâu sắc, trong tang lễ đưa cụ về với tổ tiên (24-4-1907), Dương Bá Trạc đã viếng đôi câu đối:
Tân khổ vị tông bang, tư tử vọng phu, song nhiệt lệ.
Ái ưu hữu hiền trợ, thành nhân thủ nghĩa, nhất đan tâm.
Dịch nghĩa:
Xót đau vì giống nòi đất nước, thương con, ngóng chồng tuôn đôi hàng lệ nóng.
Trọn lẽ lo toan bán buôn tài đảm, nên người giữ nghĩa một lòng son.
Những chiến sĩ tiên phong của phong trào canh tân
Theo gương cha, con trai, con gái, con dâu cụ Lương Văn Can đã cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp canh tân để góp phần cứu nước. Con trưởng là Lương Trúc Đàm, đỗ cử nhân năm 1903. Năm 1905, hưởng ứng chủ trương du học của Phan Bội Châu, ông cùng cha bố trí cho hai em là Lương Ngọc Quyến và Lương Ngọc Nhiễm sang Nhật học. Năm 1907, ông là một trong những sáng lập viên của ĐKNT và hoạt động cả ba ban của trường: Cổ động, giáo dục, tu thư. Sách Nam quốc địa dư bằng chữ Hán do ông biên soạn vừa làm sách giáo khoa, vừa làm tài liệu tuyên truyền cổ động diễn thuyết của ĐKNT. Được các chí sĩ và cả những người có học nhiệt liệt hoan nghênh, vì thế, năm 1908, sách đã tái bản. Tháng 5-1908, khi Phan Chu Trinh bị thực dân Pháp giải từ Hà Nội vào Huế và giao cho Tòa án Nam triều kết án, Lương Trúc Đàm đã viết thư gửi Toàn quyền Đông Dương. Trong thư, ông ca ngợi lòng yêu nước và tinh thần chống phong kiến, đòi dân quyền, dân chủ của Phan Chu Trinh. Ngày 31-5-1908, ông đột ngột từ trần, để lại sự nghiệp còn dang dở.
Tốt nghiệp Trường Chấn võ Học hiệu loại ưu nhưng Lương Ngọc Quyến phải rời khỏi Nhật vì chính phủ nước này ra lệnh giải tán du học sinh Việt Nam. Ông đã sang Trung Quốc học Trường Sĩ quan Học hiệu Bắc Kinh rồi gia nhập quân đội cách mạng Trung Hoa. Với nhiệt huyết cứu nước sôi sục, ông tham gia Việt Nam Quang phục Hội do Phan Bội Châu sáng lập và hoạt động tích cực cho Hội. Năm 1914, ông bị thực dân Pháp bắt tại Hương Cảng rồi giải về Hà Nội. Từ địa ngục Hỏa Lò, ông viết thơ “Cảm tác” nêu rõ chí khí giết giặc cứu nước. Đặc biệt, trong bài thơ “Gửi vợ”, ông đã an ủi và động viên vợ - bà Nguyễn Thị Hồng Đính hãy thay ông báo hiếu cha mẹ, nuôi dạy con cái, giữ vững ý chí hoạt động cứu nước:
Trên vì nước, dưới vì nhà
Non sông mở mặt, mẹ cha thỏa lòng.
Sau khi bị giam ở Hỏa Lò, thực dân Pháp đã đày ông lên Thái Nguyên, tại đây, ông đã cùng những người đồng chí tổ chức khởi nghĩa (30-8-1917), giành chính quyền tại tỉnh lỵ Thái Nguyên trong thời gian ngắn. Ông đã hy sinh oanh liệt tại xã Vô Tranh, huyện Phú Lương (tháng 9-1917). Từng là người đi tiên phong trong phong trào mặc áo ngắn, để răng trắng, sau đó cùng chồng bôn ba ở Hàng Châu, Thượng Hải, Hương Cảng, kề vai sát cánh với chồng, ủng hộ tài chính cho các chí sĩ của Hội Duy Tân và Việt Nam Quang phục Hội hoạt động, bà Đính đã nén đau thương, tiếp tục sự nghiệp cứu nước. Bà sang Nam Vang, nơi cha chồng đang bị lưu đày, mở hiệu buôn Hưng Thạnh và Nam Gia, lấy tiền tài trợ cho các chiến sĩ yêu nước đang hoạt động ở Trung Quốc, Nam Vang, đồng thời tiếp tế sách báo, vật phẩm cho tù chính trị bị đày đi Côn Đảo. Năm 1931, bà về Hà Nội và tiếp tục trợ giúp các chiến sĩ cách mạng. Năm 1936, cùng bà Nguyễn Thị Vân Thiềm (con dâu thứ sáu của Lương Văn Can - vợ Lương Ngọc Bân) bà đã trợ giúp Đảng xuất bản báo Le Travail (Lao động). Ghi nhớ công lao đóng góp của vợ chồng Lương Ngọc Quyến, trên bia mộ của hai ông bà ở quê hương Nhị Khê, có phù điêu là lá quân kỳ nền đỏ, năm sao trắng của Việt Nam Quang phục quân.
Bên cạnh con trưởng Lương Trúc Đàm, vợ chồng Lương Ngọc Quyến, chí sỹ Lương Văn Can còn được các con trai, con gái hăng hái nhiệt thành giúp đỡ. Bà Lương Thị Tín là giáo viên dạy chữ quốc ngữ cho lớp nữ sinh đầu tiên của Trường ĐKNT khi mới 16 tuổi. Ông Lương Ngọc Bân là trợ thủ đắc lực cho cha khi ĐKNT bị đàn áp. Vì thế năm 1913, ông bị thực dân Pháp xử 5 năm tù treo, phải vào Thanh Hóa dạy học. Bà Lương Thị Trí và em trai là Lương Ngọc Môn, sang Nam Vang chăm sóc cha, đã trông nom hiệu buôn Đại Thanh cho cha yên tâm soạn sách và lấy tiền trợ giúp các chiến sĩ yêu nước.
Công cuộc Duy tân - Canh tân, mong muốn đất nước hội nhập với văn minh Á - Âu đầu thế kỷ XX để “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh”, đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng nước Việt Nam hùng mạnh sánh cùng các cường quốc trên thế giới chính là một cuộc cách mạng lớn về văn hóa do các sĩ phu yêu nước khởi xướng và lãnh đạo. Nó đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống xã hội lúc đó đang bị trì trệ, thúc đẩy thế hệ mới học văn minh thế giới nhưng vẫn phải giữ lấy quốc hồn của văn hóa Việt. Trước ngày qua đời, Lương Văn Can thống thiết dặn lại hậu thế trong di chúc của ông “Hết thảy đồng bào xin nhớ lấy sáu chữ, ai ai cũng có một lòng ấy, đời đời cũng giữ một sự ấy… Đại Việt ta có thể mở mặt ở trên địa cầu được chăng. Sáu chữ là gì? Là: Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ (giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước). Sáu chữ ấy thật là “một cái hộ phù cứu nước rất linh, rất mạnh, không gì hơn nữa”. Chính với tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc ấy mà Lương Văn Can đã giáo dưỡng cho các con sớm đi theo truyền thống gia đình, đem ánh sáng văn hóa thế giới và quốc hồn của dân tộc vào công cuộc canh tân, dâng hiến tuổi thanh xuân và cả gia sản cho sự nghiệp cứu nước. Ý chí và tinh thần giữ vững quốc hồn dân tộc để học tập, tiếp thu văn hóa thế giới, xây dựng đất nước giàu mạnh của Lương Văn Can và các chí sĩ đầu thế kỷ XX, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc hội nhập.
Tượng Lương Văn Can đã được dựng trong ngôi trường do chính ông cho xây dựng từ năm 1924 ở quê hương Nhị Khê. Nhưng tấm gương hy sinh cao cả của toàn thể gia đình danh nhân Lương Văn Can là bức tượng muôn đời tạc trong lòng muôn dân đất Việt. Tại Hà Nội, dù tên cụ và con trai Lương Ngọc Quyến đã được đặt tên phố, không ít người dân mong muốn tên cụ bà Lê Thị Lễ đặt cho một con phố cạnh đó thì đẹp biết bao bởi không chỉ là người cùng chí hướng, cụ Lê Thị Lễ còn là người vợ thủy chung, người mẹ mẫu mực, đáng là tấm gương cho hậu thế.
Phạm Kim Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét