Sổ tay thường dân Tưởng Năng Tiến: Đầu Năm Điểm Danh Vài Anh Quan Sứ
Mới đây, Tuổi Trẻ Online có bài viết vô cùng thú vị (“Tình Đồng Hương Của Dũng Việt Nam”) của phóng viên Đình Dân. Nếu rảnh, xin đọc chơi vài đoạn:
“Ở Philippines ngư dân ta đi biển gặp nạn được Dũng giúp đỡ rất nhiều”, ‘Không chỉ những người Việt đi biển gặp nạn ở Philippines biết tới Dũng, mà thậm chí nhiều thân nhân của họ đang sống ở quê cũng lưu trong điện thoại cầm tay cái tên Dũng Việt Nam’... Đó là những thông tin mà tôi nghe được từ nhiều người dân ở đảo Phú Quý. Và tôi đã có cơ hội gặp gỡ ‘Dũng Việt Nam’ nhân chuyến đi Philippines viết về vụ 122 ngư dân bị giam giữ tại đây...”
“Chiều 23-8, trời Palawan vẫn mưa suốt. Sáng mai là ngày diễn ra phiên tòa xét xử 122 ngư dân nên chiều hôm đó những người từ Việt Nam qua ai cũng bận rộn lo giấy tờ, thủ tục chuẩn bị hầu tòa. Anh Dũng cũng cuống cuồng vừa chạy xe vừa điện thoại liên tục để hẹn các luật sư ở Philippines nhằm thiết kế các buổi gặp gỡ với các luật sư từ Việt Nam qua. Vừa gặp luật sư xong, anh Dũng lại cùng anh Thoại - chủ DNTN Long Hải Long - vào nhà tù để mang thuốc tây và một ít tiền bà con ở đảo Phú Quý gửi cho người nhà của họ trong trại giam. Mưa to ướt hết áo, anh Dũng phải mượn áo một thuyền trưởng mặc vào để chạy tiếp. Thay vội chiếc áo vừa mượn, anh lại quay ngoắt chiếc xe ba bánh ra khỏi cổng nhà tù rồi nói vội: ‘Tôi chạy ra tòa xin cái giấy cho anh em xuống tàu lấy gạo và quần áo’.
“Ngày diễn ra phiên điều trần, từ sáng sớm anh Dũng đã ngồi trong chiếc xe ba bánh chờ dưới đường. Anh bảo chờ đi cùng 115 ngư dân từ nhà tù ra tòa án. Nhìn những ánh mắt âu lo qua song sắt của chiếc xe màu vàng bóp chặt khóa, anh Dũng ngậm ngùi: ‘Đồng hương mình cả. Mà toàn là ngư dân chân chất. Vợ con họ ở nhà mà thấy hình ảnh này chắc không cầm lòng được...’.
“Nhiều lần ngồi tâm sự, xen trong câu chuyện của những tháng ngày bị bắt trên đất Philippines, các thuyền trưởng luôn kể về anh Dũng với vẻ hàm ơn. Ông Trần Hút, người lớn tuổi nhất trong bảy thuyền trưởng, kể: “Những ngày đầu bị bắt lên đây, chúng tôi vừa hoảng hốt vì không biết vì sao mình lại bị bắt, vừa lo lắng vì không người thân thích, không biết đường sá, cũng không biết hải quân Philippines nói gì. Chúng tôi cứ như người câm điếc, may mà có Dũng..”
“Một số ngư dân ở Quảng Ngãi và Bình Thuận kể rằng từ năm 2004 đến nay, anh Dũng đã giúp đỡ khoảng 30 nhóm ngư dân Việt Nam bị mắc nạn và trôi dạt vào vùng biển của nước bạn. Anh nói anh giúp các nhóm ngư dân những việc như phiên dịch, làm cầu nối giữa những ngư dân bị nạn và chính quyền địa phương, giúp ngư dân từ việc làm giấy tờ cho đến đi chợ, mua card điện thoại... “
“Anh Dũng nói có một câu chuyện mà anh sẽ chẳng bao giờ quên. Đó là vào đầu tháng 8 vừa rồi. ‘Hôm đó đã 22g đêm. Trời mưa to gió lớn. Tôi đang cho mấy đứa con đi ngủ thì nhận được điện thoại từ Việt Nam. Người đầu dây là anh Sơn - một chủ ghe ở tỉnh Quảng Ngãi: Dũng ơi, làm ơn cứu nạn cứu khổ giùm. 12 ngư dân của tôi đang đánh bắt ở vùng biển nước mình thì bị bão đánh chìm ghe. Họ điện về nói đã trôi dạt mấy ngày nay theo hướng nam về vùng biển Philippines. Họ đang cố đu bám vào thuyền thúng trôi dạt giữa biển. Anh nhờ người ở đó cứu giùm, không để đến sáng mai lạnh quá họ chết hết”.
“Ngay trong đêm, bằng tất cả mọi mối quen biết, anh Dũng xác định lại chính xác tọa độ nơi 12 ngư dân bị nạn rồi lập tức cầu cứu hải quân Philippines...”
Anh Dũng trong cuộc làm việc với luật sư Philippines - Ảnh: Đình Dân
Ủa, cái ông Dũng này là ai mà sao rảnh rỗi và “bao la” dữ vậy cà? Xin hãy nán đọc thêm một đoạn ngắn nữa, về người đàn ông Việt Nam vô cùng nhân ái và tháo vát này:
“Một lần khi anh Dũng đang mải miết phiên dịch cho các ngư dân ở tòa án đến nỗi quên đi đón vợ, thế là vợ anh tự thuê xe chở cả bao dép bán dở đến tòa án tỉnh để tìm. Lúc này tôi mới biết người đàn ông thông thạo ba thứ tiếng Việt, Anh, Philippines này là một người bán giày dép trên hè phố...”
Anh Dũng (thứ hai từ trái) làm phiên dịch trong buổi khám sức khỏe cho ngư dân - Ảnh: Đình Dân
Coi: một người dân Việt lam lũ, vợ dại con thơ, đang lưu lạc nơi đất lạ xứ người mà chăm lo cho những đồng hương của mình từ A tới Z (cung cấp toạ độ nơi ngư dân bị bão đánh chìm thuyền cho hải quân Phi, tham vấn với luật sư bản sứ, làm cầu nối giữa những ngư dân bị nạn và chính quyền địa phương, vào tù thăm non tiếp tế cho đồng bào đang bị giam dữ, rồi cùng đi với họ ra toà ...) như vậy thì các Toà Lãnh Sự và Đại Sứ Quán VN ở hải ngoại mở cửa để làm gì – hả Trời?
Câu hỏi tuy hơi bao quát nhưng câu trả lời có thể tìm ngay được trong lá “Thư Phản Đối Đại Sứ Quán Việt Nam,” đã được chính tác giả (ông Đỗ Xuân Cang) cầm loa đọc trước cửa Lãnh Sự Quán Việt Nam, tại thủ đô Praha – Tiệp Khắc – hồi cuối năm rồi:
“Khi tôi sinh ra tôi sinh ra trên đất Việt Nam, khi tôi bắt đầu nói bằng tiếng Việt Nam, Tổ quốc đất nước cũng như cha mẹ chúng ta đều không có quyền lựa chọn, đó là định mệnh.
Sự gắn bó tôi với Việt Nam cũng là định mệnh, không một thế lực nào, không một quyền năng nào thay đổi được điều đó. Chế độ hiện nay đã từ chối cấp hộ chiếu cho tôi. Họ tưởng rằng thay đổi được định mệnh. Không. Xin hãy đừng lầm tưởng cuốn hộ chiếu thay được giá trị con người. Tôi khẳng định dù có cuốn hộ chiếu hay không, tôi vẫn là người Việt Nam.”
“Hôm nay, một lần nữa tôi có mặt tại đây để phản đối cách hành xử bất minh của nhà cầm quyền thông qua LSQVN trong việc từ chối cấp hộ chiếu cho tôi. Không thể nhân danh quyền lực, nhân danh đại diện pháp lý của người VN ở nước ngoài mà hành xử phi pháp, không ai đủ can đảm đứng ra chịu trách nhiệm về quyết định không cấp hộ chiếu. Vậy họ có xứng đáng đại diện cho người VN hay không?”
“Tôi phản đối việc sử dụng hộ chiếu như vòng kim cô trói buộc người Việt Nam trong sự sợ hãi tuân phục.Tôi cũng như tất cả mọi người, cũng từng sợ hãi, cũng từng chịu sự bất công.
Và tôi thấy rằng, không thể chấp nhận mãi hiện trạng này. Khi phải trả 3500 Kc cho cuốn hộ mà giá chính thức của nó chỉ có 750 Kc (50 USD), hay 300 Kc cho giấy “không phạm tội” trong khi giá chính thức là 75Kc (5 USD)…”
“Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé trước một guồng máy quan quyền với mật vụ, an ninh. Tôi không có vũ khí và sẽ không trang bị vũ khí, tôi chỉ có tiếng nói và niềm tin cần có công lý cho mọi người. Việc nhân danh quyền lực để ép tôi im lặng, để yêu cầu tôi không viết bài, không tổ chức, không tham gia các cuộc hội thảo nhằm đổi lấy hộ chiếu là việc làm xấu xa, tồi tệ không thể chấp nhận được. Tôi phản đối hành động bất chính này.”
“Việc mua quyền căn bản của con người bằng hộ chiếu là hành động không thể chấp nhận được của một nhà cầm quyền. Việc từ chối trao cho tôi quyết định không gia hạn hộ chiếu là một thú nhận rằng chính quyền đã hành động gian trá. Tôi phản đối hành động gian trá này.”
“Tôi phản đối việc giải quyết thủ tục hành chính không bằng văn bản. Đây là một hành động lấp liếm có mục đích, che giấu cách hành xử trái pháp luật, dù là luật Việt Nam hay công pháp quốc tế.
Tôi phản đối việc đẩy công dân Việt Nam vào tình trạng bất hợp pháp với ý đồ khống chế đàn áp tiếng nói tư do, đẩy cá nhân tôi và gia đình vào tình trạng pháp lý bất minh.”
“Chúng ta có thể chấp nhận mãi bất công này hay không? Chúng ta có thể tiếp tục trả 4000kc thay cho trả 1330kc mãi không? Tôi không kêu gọi mọi người xuống đường vì tôi. Tôi kêu gọi mọi người hãy vì mình.
Không thể chấp nhận mãi sự chà đạp, không thể chấp nhận mãi sự móc túi trắng trợn, nhân danh tổ quốc. Không thể chấp nhân mãi sự khinh rẻ từ những người đại diện Việt Nam.
Hôm nay nhà cầm quyền chà đạp lên tôi vì tôi lên tiếng, họ cũng đã và đang chà đạp lên bao nhiêu con người cũng bởi vì họ lên tiếng.
Công lý không thuộc về nhà cầm quyền. Việc sử dụng bạo lực với tiếng nói hòa bình là việc làm trái với đạo lý con người.
Tôi phản đối sự phi nhân bất nghĩa mang danh cầm quyền!”
Đỗ Xuân Cang Praha
23.11.2011
Ông Đỗ Xuân Cang trước cửa Lãnh Sự Quán Việt Nam, tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc. Nguồn ảnh: ĐCV.
Trong hàng trăm phản hồi nhận được, bên dưới những bài tường thuật liên quan đến ông Đỗ Xuân Cang – đăng tải trên trang Đàn Chim Việt – có hai độc giả viết từ Pháp và Gia Nã Đại:
- Ông Vĩnh Tiến:’ Không riêng gì bên Đông âu , tại Pháp tôi cũng thấy tòa Đại sứ Việt cộng ở Paris cũng thâu tiền mặt mỗi lần xin xỏ giấy tờ gì đó, không bao giờ có giấy biên nhận . Trước mỗi quầy có hàng chử : “Chỉ nhận tiền mặt ”
- Ông Ngọc Đoàn : LSQ hình như ở đâu cũng vậy! Khi xin cấp lại hộ chiếu tại LSQ VN tại Ottawa (Canada) tôi cũng bị đòi 200CAD thay vì 80CAD theo luật quy định. Khi tôi thắc mắc là bạn tôi vừa làm cách đó 1 tuần hết 80 CAD thì nhận được thái độ rất khó chịu của nhân viên LSQ. Đặc biệt là trên trang web của LSQ không ghi cụ thể số tiền là bao nhiêu như lật định! Thật không thể chịu nổi cơ quan công quyền!
Đây mới là câu chuyện (đầu năm) của Đại Sứ Quán Việt Nam từ Phi đến Tiệp. Nếu rảnh, và nếu muốn biết thêm cung cách của các quan sứ (ta) trong mấy năm qua, ở vài quốc gia khác nữa – như Mã Lai, Nam Dương, Hoa Kỳ, ở Anh Quốc, ở Jordan ... – xin mời bạn đọc thêm bài Năm Cánh Hoa Đào, cùng một người viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét