Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

TƯỞNG NIỆM TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19/1/1974



TƯỞNG NIỆM TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19/1/1974


Ngày 17-19/01/1974 : Nhớ Về Hải Chiến Hoàng Sa


Hải Chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà và Hải Quân TC (xin đọc Tàu Cộng) từ 17 đến 19/01/1974 trên quần đảo Hoàng Sa. Trận Hải Chiến nầy đã nói lên tinh thần Anh Dũng quyết Bảo Toàn Lãnh Thổ của Quân Và Dân VNCH.


Phía Việt Nam có Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng (HQ 5), Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16), Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ 4), Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ 10), một đại đội Hải Kích thuộc Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà, một số Biệt Hải (Biệt kích Hải Quân) và một trung đội địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.





Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16)



Phía TC có Liệp Tiềm Đĩnh số 274, Liệp Tiềm Đĩnh số 271, Tảo lôi hạm số 389, Tảo lôi hạm số 391, Liệp Tiềm Đĩnh số 282, Liệp Tiềm Đĩnh số 281 và hai chiến hạm số 402 và số 407 chở quân (không rõ loại), Tiểu Đoàn 4 và Tiểu Đoàn 5 thuộc Trung Đoàn 10 Hải Quân Lục chiến, và hai đội Trinh sát.





Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ 04



Ngày 16/01/01974, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt sau khi đưa một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà thăm dò một số đảo Hoàng Sa phát hiện 2 chiến hạm số 402 và số 407 của Hải Quân TC gần Cam Tuyền, và phát hiện quân TC chiếm đóng hoặc cắm cờ TC tại các đảo Quang Hoà, Duy Mộng, Vĩnh Lạc.


Sau khi cấp báo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải tại Đà Nẵng, HQ 16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm TC rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm TC không rời vùng, và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng Hoà rời lãnh hải TC.





Soái Hạm Trần Bình Trọng HQ 05



Ngày 17/01/01974, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) đến Hoàng Sa đổ bộ một toán Biệt hải và một đội Hải kích xuống Cam Tuyền để nhổ cờ TC. Sau đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà rút trở lên tàu. Cùng trong ngày Liệp Tiềm Đĩnh số 274 và Liệp Tiềm Đĩnh số 271 của TC xuất hiện .


Ngày 18/01/01974, Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà bay ra Bộ Tư Lện Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải tại Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hoà, Duy Mộng, Vĩnh Lạc. Lực lượng hành quân Hoàng Sa 1 được tăng cường thêm Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng (HQ 5) làm soái hạm cho cuộc hành quân, và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ 10). Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ 10 tham chiến với một máy bất khiển dụng, chỉ còn một máy hoạt động.


Ngày 19/01/01974, Biệt hải và Hải kích Việt Nam Cộng Hoà từ HQ 5 đổ quân lên mặt Nam đảo Quang Hoà và Hải Quân TC đổ quân xuống mặt Bắc đảo. Hai bên giao tranh và phía Việt Nam Cộng Hoà có 3 chết và 2 bị thương. Do quân TC quá đông, quân Việt Nam Cộng Hoà rút trở lên HQ 5.







Ngay sau đó chiến hạm hai bên triển khai đội hình gần đảo Quang Hoà và chiến hạm Việt Nam Cộng Hoà khai hoả trước. Hai bên chạm súng từ 30 đến 45 phút, cùng thời điểm đó Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà nhận được thông báo của Văn phòng Tuỳ viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số Phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm Việt Nam Cộng Hoà được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.


Theo tài liệu của Việt Nam Cộng Hoà thì 274 trúng đạn, tay lái bất khiển dụng phải ủi vào bãi san hô để thuỷ thủ đoàn đào thoát, 271 hoặc 389 bị chìm tại trận, 389 và 391 bị hư hại nặng. HQ 10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, HQ 16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, HQ 5 và HQ 4 bị hư nhẹ. Gần 50 thuỷ thủ và Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà của HQ 10 tử vong. Ngoài ra HQ 5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương. Hai ngày sau trận Hải Chiến, ngày 20 tháng 1, tàu chở dầu Hoà Lan "Kopionella" vớt được 23 người thuộc thuỷ thủ đoàn của HQ 10 đang trôi dạt trên biển. Đến 10 ngày sau, ngày 29/01, ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng Hoà gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hoà, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận Hải Chiến.


Theo tài liệu của TC thì 274, 271, 389, 391 đều trúng đạn, 281, 282 và 402, 407 bị hư hại trung bình, HQ 10 bị chìm tại trận. TC bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ. TC có trao trả tù binh sau đó tại Hồng Kông qua Hội Chữ thập đỏ.


TC chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm này. Sau trận chiến, Việt Nam Cộng Hoà đã ra nhiều tuyên bố cũng như trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của mình và đã được Chính phủ Cộng Hoà Pháp ủng hộ vì trước đây theo Hoà ước Pháp Thanh thì người Pháp đã thực hiện chủ quyền ở quần đảo này. Tuy nhiên, TC đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xoá các di tích lịch sử của người Việt.  


===


Trận Hải Chiến Hoàng Sa

Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại


Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trên đảo Pattle (Quần đảo Hoàng Sa)  






(Trích từ chương 16 : Trận Hải Chiến Hoàng Sa, trong tác phẩm “Can Trường Chiến Bại của Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Phó Đề Đốc Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà.)






Trang chính của báo Chính Luận đăng tin về Hoàng Sa. (Hình góc tay mặt là Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng chiếc HQ 10 Nhựt Tảo, tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa)



Trích lời Ghi Chú : ... Một trang sử rất hào hùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đã được viết bằng xương bằng máu của gần trăm chiến sĩ áo trắng thi hành đúng chỉ thị của vị Tổng Tư Lịnh Quân Ðội cũng là vị nguyên thủ của Việt Nam Cộng Hoà, để chứng tỏ chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam, không có áp lực thúc đẩy hay ngăn cản một ngoại bang nào.


... Ðúng 08 giờ sáng hôm sau, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn, gồm có Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tổng Tham Mưu Phó; Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lịnh Quân Ðoàn I; Chuẩn tướng Trần Ðình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, đến bộ tư lịnh Vùng 1 Duyên Hải bằng xe. Tôi đưa tất cả vào phòng thuyết trình. Tôi trình bày cặn kẽ địa hình địa thế của các đảo Hoàng Sa, lịch sử của các hải đảo này và sau cùng những diễn tiến trong mấy ngày qua và lực lượng quân sự TC và Việt Nam trên biển cũng như trên các đảo. Tôi nhấn mạnh việc chiến hạm Việt Nam cố gắng mời chiến hạm TC rời khỏi lãnh hải một cách ôn hoà nhưng tình hình trong 24 giờ qua cho thấy TC có ý định khiêu khích.


Sau khi nghe tôi trình bày xong, Tổng Thống Thiệu lấy bút giấy ra viết liên tục trong khoảng 15 phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến trước mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó. Tổng Thống Thiệu nói : “Anh Thoại đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay từ bây giờ” (1). Trên đầu trang giấy có mấy chữ “Chỉ thị cho Tư Lịnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải”. Những chữ này làm tôi hơi khó chịu vì ông Thiệu không ghi Tư Lịnh Quân Khu I hay Tư Lịnh Hải Quân mà lại đề thẳng chức vụ của tôi. Lúc đó tôi không nghĩ ra rằng với chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, ông có toàn quyền chỉ thị trực tiếp mỗi đơn vị trưởng trong quân đội. Trong trang chót có đoạn “Chỉ thị cho Thủ Tướng Chánh Phủ”. Bản chánh của thủ bút Tổng Thống Thiệu tôi giữ mãi cho đến đầu tháng Năm, 1975, khi tôi bi mất cắp chiếc cặp lúc đến Fort Chaffee ở Arkansas, Hoa Kỳ (2). Tôi chắc chắn bản gởi cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm vẫn còn được lưu lại đâu đó sau khi Sài Gòn thất thủ.


Sau khi trao thủ bút cho tôi, Tổng Thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp : “Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả (3)".




TT Thiệu rời Bộ Tư Lịnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, sau khi ra chỉ thị về biện pháp đối phó với TC
khi hạm đội TC xâm nhập hải phận Việt Nam Công Hoà tại Hoàng Sa (1974).




Tôi cảm thấy là không còn giải pháp nào khác, hoặc tấn công trước hoặc røai khỏi lãnh hải của mình để tránh đụng chạm. Lúc ấy tôi lại nghĩ ngay thủ bút của Tổng Thống. Nếu rời lãnh hải quốc gia (4) bỏ đi là lịnh Tổng Thống sẽ không được thi hành. Rồi tôi sẽ trả lời ra sao với thượng cấp ?


Tôi và Ðại Tá Ngạc bàn đi bàn lại nhưng không biết phải làm thế nào và rồi tôi chỉ nói với Ðại Tá Ngạc là khi tình hình quá căng thẳng thì mình phải khai hoả trước để giảm thiểu thiệt hại. Ðại Tá Ngạc đồng ý với tôi là chiến hạm Việt Nam phải khai hoả trước. Tôi nhắc thêm Ðại Tá Ngạc :


“Anh nhớ hãy chỉ thị cho tất cả chiến hạm khai hoả cùng một lúc khi anh bắt đầu khai hoả !” (5) với mục đích phân tán sự phản pháo của địch. Ðại Tá Ngạc trả lời : “Nhận rõ 5 trên 5”. Tâm trạng bồi hồi, một cảm giác mà tôi không bao giờ quên, nhưng vì không rõ vị trí của từng chiến hạm, qua máy âm thoại, tôi nói tiếp : “Tuỳ nghi khai hoả khi nào anh sẵn sàng !”. Vài phút sau tiếng nổ chát chúa của các hải pháo vang dội trong máy truyền tin, dường như Ðại Tá Ngạc hoặc nhân viên vô tuyến cố tình bấm nút “On” để tôi có thể nghe, làm tôi vừa hãnh diện cho Hải Quân Việt Nam vừa lo sợ cho Hải Ðội của Ðại Tá Ngạc. Giọng Ðại Tá Ngạc rất là bình tĩnh và nhà binh : “Báo cáo đã bắt đầu khai hoả !” Tôi trả lời ngay : “Tôi nghe tiếng súng rồi, anh Ngạc”, và sau đó là một sự yên lặng trong khoảng năm mười phút nhưng đối với tôi nó kéo dài như hàng giờ.


... Trận hải chiến thật sự chỉ kéo dài hơn 30 phút. Khi phi cơ của Ðô Đốc Chơn và sĩ quan tuỳ viên của ông, Thiếu Tá Văn Trung Quân, chạm đất tại phi trường Ðà Nẵng thì trận hải chiến đã coi như kết thúc. Chiến hạm Việt Nam không đuổi theo tàu địch mà chiến hạm TC cũng không đuổi theo chiến hạm Việt Nam.


Tôi gọi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân xin can thiệp với Cố Vấn Mỹ yêu cầu Ðệ Thất Hạm Ðội của Hoa Kỳ vớt các thuỷ thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.


Với những đe doạ từ phía TC, sự không tham dự của quốc gia mà chúng ta gọi là “đồng minh”, sự từ chối của Ðệ Thất Hạïm Ðội Hoa Kỳ trong việc cứu người trôi trên biển, tôi cảm thấy ê chề, đau đớn cho các thuỷ thủ đang trôi trên biển với những vết thương mà máu ra sẽ là dấu hiệu cho cá mập và trong sự chán nản tột cùng, tôi chỉ thị các chiến hạm bị thiệt hại rời chiến trường để đưa các thuỷ thủ tử thương và thương binh lên bờ tại Ðà Nẵng.


Trớ trêu nhứt là 23 thuỷ thủ Việt Nam trôi dạt trên biển được tàu Skopionella của hãng Shell mang quốc kỳ Hoà Lan vớt, ngay sau trận hải chiến Thương thuyền này đang trên đường từ Hong Kong đi Singapore. Trên tàu, các phu nhân của Thuyền Trưởng và Thuyền Phó chăm sóc các thuỷ thủ lâm nạn hết sức tận tình và tặng một số quà cho mỗi thuỷ thủ khi họ được thương thuyền giao lại cho đơn vị của Hải Ðội 1 Duyên Phòng thuộc Vùng 1 Duyên Hải. Lúc ấy các nhân viên Hải Quân tham chiến đặt câu hỏi ai là “đồng minh” của ai ?


Thế là kết thúc một sự xâm lăng bằng võ lực của một cường quốc đối với một quốc gia nhỏ bé.  




Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại uỷ lạo các chiến sĩ can trường bị thương nặng sau trận hải chiến Hoàng Sa, trước khi họ được đưa lên phi cơrời Ðà Nẵng để về Tổng Y Viện Cộng Hoà tại Sài Gòn.



... Sự hy sinh của các thuỷ thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước toà án quốc tế để đòi hỏi TC phải giao trả các đảo này cho Việt Nam.


Ai là người Việt Nam cũng có quyền hãnh diện là trận hải chiến Hoàng Sa là một trận hải chiến duy nhất của Việt Nam và của thế kỷû, chống ngoại xâm, và bảy thế kỷ sau khi tướng Trần Hưng Ðạo đánh bại quân Mông Cổ từ phương Bắc, trên mặt nước.


Còn những ai nghĩ là Việt Nam Cộng Hoà còn lệ thuộc Mỹ phần nào thì đây là bằng chứng rõ rệt là việc tấn công lực lượng TC là hoàn toàn do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lịnh, không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.


Sau này rất nhiều sách vở báo chí bình luận về hải đảo Hoàng Sa và trận hải chiến và phê phán nhiều, kẻ kể công người buộc tội, riêng tôi thì chúng ta không nên quên là dù chúng ta có bốn thuỷ thủ đoàn can trường tham gia cuộc hải chiến nhưng các chiến hạm của ta vừa cũ kỹ (từ Ðệ Nhị Thế Chiến) không có đầy đủ vũ khí tối tân kể cả không đầy đủ phương tiện cấp cứu và cũng không có một lực lượng trừ bị để tăng cường khi cần. Việc súng bất khiển dụng bất thần hoặc đạn bạn bắn trúng bạn là chuyện không sao tránh khỏi trong mọi chiến trận dù là trên đất liền, trên không trung hay trên mặt biển trong lúc chạm địch.


Ðại Tá Hà Văn Ngạc, vị hải đội trưởng trầm lặng, các Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, Vũ Hữu San, Phạm Trọng Quỳnh, Lê Văn Thự cùng thuỷ thủ đoàn cũng như các người nhái và biệt hải tham dự trận Hoàng Sa xứng đáng là những anh hùng của Quân Lực Việt Nam.


Hải đội Việt Nam Cộng Hoà nổ súng chỉ là một hành động “tượng trưng nhưng cứng rắn” để chứng tỏ sự bảo vệ chủ quyền các đảo Hoàng Sa chớ không có mục tiêu huỷ diệt hải đội của TC.


Tổng Thống Thiệu bị ở trong thế “chẳng đặng đừng”. Không phản ứng gì hết thì lịch sử sẽ kết tội hèn nhát mà đụng độ với Hải Quân của một cường quốc như TC thời bấy giờ là một quyết định táo bạo và can trường.


Tinh thần yêu nước không cần được biểu lộ bằng những lời tuyên bố mát tai của những chính trị gia mà được biểu lộ, một cách cảm động và hùng hồn nhất, bởi những thuỷ thủ của toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 19/01/1974 tại Hoàng Sa trên xuồng cao su, khi 15 chiến sĩ Hải Quân can trường đồng ca bài “Việt Nam, Việt Nam” khi thấy chiến hạm TC bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Bài hát này cũng là bài hát cuối cùng của Hạ Sĩ Nguyễn Văn Duyên vì sau 10 ngày trên biển cả, ngày thì nóng cháy da, đêm thì lạnh thấu xương, hết lương thực, hết nước uống, đuối sức, anh Duyên đã trút hơi thở cuối cùng khi trôi dạt về tới Qui Nhơn.  

Ghi Chú  :


(1) Nguyên văn lời Tổng Thống

(2) Tôi hy vọng bản văn gởi Thủ Tướng Khiêm còn được tồn trữ một nơi nào đó

(3) Theo lời trung tá Lê Thành Uyển tuộc Bộ Chỉ Huy Hành Quân Biển có mặt tại phòng họp

(4) Việt Nam Cộng Hoà tuyên bố là 12 hải lý cách bờ biển. Quốc Tế thường công nhân 3 hải lý.

(5) Mặc dù được toàn quyền và biết rằng hải đảo Hoàng Sa thuộc trách nhiệm của Tư Lịnh Quân Khu 1(chớ không phải của Tư Lịnh Hải Quân) nhưng trước khi ra lịnh khai hoả tác giả vẫn trình Trung Tướng Trưởng để báo cáo tình hình và gọi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân để tìm Ðô Ðốc Chơn để báo cáo rẵng việc nổ súng không sao tránh khỏi. Bộ Tư Lịnh Hải Quân cho biết Ðô Ðốc Chơn hiện đang dự một buổi lể cùng Tổng Thống ở Ðà Lạt và Bộ Tư Lịnh không biết ông sẽ về lại Sàigòn hay ra thẳng Ðànẳng. Khi đô đốc Chơn đến Căn Cứ Hải Quân Ðànẳng tôi trình Ðô Ðốc Chơn là tôi và Ðại Tá Ngạc quyết định tấn công trước để tránh thiệt hại Ðô Ðốc Chơn lặng thinh khi nghe tôi báo cáo một sự việc đã rồi và chưa bao giờ Ðô Ðốc trách cứ thẳng với tôi là chỉ thị khai hoả trước là một quyết đinh sai. Tôi chỉ xác nhận là tôi trực tiếp nói chuyện vô tuyến với Ðại Tá Ngạc đến giây phút cuối trước khi súng nổ. Cũng nên ghi rõ là khi Ðại Tá Ngạc giữ chức Hải Ðội Ðặc Nhiệm tại Hoàng Sa, ông thuộc quyền chỉ huy hành quân trực tiếp của Vị Chỉ Huy Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm 231/1 tức Tư Lịnh Hải Quân Vùng 1 Duyến Hải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét