Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Vụ cưỡng chế Đoàn Văn Vươn, câu chuyện người đi săn biết ăn thịt chó




Vụ cưỡng chế Đoàn Văn Vươn, câu chuyện người đi săn biết ăn thịt chó



J.B Nguyễn Hữu Vinh




Vụ án ông Đoàn Văn Vươn chống lại việc cưỡng chế của UBND Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng bằng mìn và súng đã làm nóng dư luận cả nước mấy ngày qua. Có thể nói ít có vụ án nào mà báo chí “lề phải” và “lề trái’ đồng loạt lên án một cách mạnh mẽ như vậy.







Trên báo chí Nhà nước, vài tờ báo “chính thống” quan trọng mang “phương diện Quốc gia” như Đài Truyền Hình Việt Nam, Công an Nhân dân…  vẫn cố tình bất chấp các quy định luật pháp và đạo đức để kết tội nạn nhân Đoàn Văn Vươn và gia đình một cách tàn nhẫn.




Đài Truyền hình VN chia tay nhân vật chính của đoạn phim sex




Điều này cũng dễ hiểu khi chức năng của nó hình như chỉ đi bênh vực những việc làm trái đạo lý, bất chấp luật pháp. Điển hình như những vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, những vấn đề cướp chiếm đất khắp nơi tạo thành dân oan, vụ Cù Huy Hà Vũ, những người biểu tình yêu nước chống Trung Quốc… đã bị bóp méo và nói ngược với sự thật bằng những lời vu cáo, bịa đặt. Ngược lại những vụ như Hoàng Thùy Linh bị tung phim sex cùng với con trai một cán bộ công an lên mạng, thì nhà đài đã tổ chức một buồi truyền hình đưa nhân vật chính trong đoạn phim đó lên khóc nỉ non, ỉ ôi rằng “em không có tội”. Giải thích điều này, một người giải đáp: “Có gì là lạ đâu, mới đây, trên mạng internet đã có nhiều bài viết về việc Truyền hìn quốc gia vẫn đưa một phóng viên có tiền sự ăn cắp lên giáo dục đạo đức, văn hóa đó thôi. Chỉ điều đó là đủ hiểu”.


Còn lại những tờ báo khác đều đồng loạt nêu lên những điểm trái luật pháp, đạo đức và lương tâm con người trong vụ việc. Nhiều nhân sĩ, trí thức, luật sư, cựu quan chức đã lên tiếng về một vụ việc nói lên một hiện tượng trong xã hội: Quyền sở hữu và tư hữu về đất đai, đồng thời với hiện tượng người dân bị đẩy đến bước đường cùng.


Trở lại vụ việc Đoàn Văn Vươn, vì đâu nên nỗi? Vì sao một người được nhân dân yêu mến, được xã hội đánh giá cao trong những việc làm ích nước lợi dân lại bị đẩy vào cuối chân tường?


Cách đây hai mươn năm, Đoàn Văn Vươn bỏ tấm bằng kỹ sư đến vùng ven biển đầy bão gió xã Vinh Quang để quai đê lấn biển. Từ nhà anh đến vùng này, khoảng cách là chừng 12 km. Giữa trùng dương bão tố, anh đem không chỉ sức mình mà cả sức lực anh em trong nhà, vạy mượn nợ nần để làm công việc dã tràng xe cát. Kể đến công sức, mồ hôi nước mắt anh bỏ ra ở đây, không một ai không xót xa và thán phục.







Năm 1993, Đoàn Văn Vươn lấy vợ người xã Vinh Quang, thuộc họ đạo Thái Bình, giáo xứ Súy Nẻo, rồi từ đó anh cùng gia đình ở luôn chỗ này để lấn biển lấy đất mưu sinh. Con gái anh mới 8 tuổi học lớp 2 đã phải mất mạng vì ao, đầm anh đào đắp lấn biển. Đứa cháu anh đến chơi không may cũng ngã vào ao đầm và chết ở đó. Như vậy, ở mảnh đầm anh đã bỏ công ra để hôm nay nhà cầm quyền quyết định “thu hồi” còn có cả xương máu, tính mạng của con cái, người thân của anh.


Thế rồi, Trời không phụ lòng anh, mảnh đất hình thành, ao đầm đẹp đẽ, công nợ bắt đầu đổ lên đầu anh do vay mượn đầu tư hòng có thu nhập thành quả. Thành quả chưa đến, thì nhà cầm quyền ra lệnh “thu hồi”.


Nhớ đến việc này, tôi chợt nhớ câu nói của chị vợ ông Phùng Gia Lộc ở Thanh Hóa cách đây gần 30 năm trước: “Có biết thế này, đái tòe tòe vào, chứ tội gì lôi về. Cha đời! Bữa trước thì tuyên bố vớt được nấy ăn nấy, người ta mới hụp lặn xuống nước lụt mà khở (gở) từng bông lúa. Nay lại giở trò giảm tỷ lệ!”. Anh Vươn không chỉ giảm tỷ lệ mà từ biển, anh tạo thành đất đầm ao, rồi nhà nước “thu hồi”.


Vâng, ở đây đúng là nhà nước đúng là một ông chủ “gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát” một cách bất chính bằng chính sách đất đai không minh bạch và công bằng với công cụ là đám quan chức địa phương lộng hành cát cứ.


Những khía cạnh về luật pháp trong vụ việc này, đã có khá nhiều bài viết phân tích cụ thể, chi tiết từ việc đất đai cho thuê sai, thu hồi cũng sai. Từ việc cưỡng chế sai đến việc đàn áp người dân cũng mất đạo đức. Tất cả đều được công luận chú ý và lên án.


Vợ ông Vươn, chị Thương cho chúng tôi biết: “Khi đoàn cưỡng chế xuống đầm, thì anh Vươn không có mặt ở đó mà đang đi khiếu nại rồi bị bắt ở Viện Kiểm sát. Còn hai chị em là em và em dâu, cháu và anh trai em cùng một đứa con đang đi học thì đang đứng trên đê với mọi người. Khi không bắt được mấy anh em, thì họ đến bắt hai chị em em và anh trai ông Vươn tên là Đoàn Văn Thịnh. Họ khóa tay lại bằng còng số 8 đưa ra thành phố, vừa đi và bị đánh đập đau lắm”.


Thế rồi căn nhà ở ngoài diện tích cưỡng chế cũng đã bị san phẳng bằng cả sự hận thù ghê gớm, những viên gạch ám khói, những đống tro tàn cho thấy đã bị đốt hoặc nổ trước khi san bằng. Lý giải về điều này, theo chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền thì bởi căn nhà đó có chứa những người chống đối. Thật lạ đời cho cách giải thích của người đứng đầu một huyện trong một “nhà nước pháp quyền”. Cũng may mà những anh em nhà ông Vươn không tranh thủ thời gian bỏ trốn đó chạy lên Hà Nội trốn vào Lăng Hồ Chí Minh hoặc Hội trường Ba Đình. Nếu có chạy lên trốn đó, thì ông Lê Văn Hiền có dám cho san phẳng như vậy không nhỉ?
















Những thông tin trên mạng internet đã cho thấy ở vụ việc này, không hiện diện luật pháp, thiếu đạo đức và càng không có công lý.


Chuyện ông Đoàn Văn Vươn bị áp bức ra sao, những động cơ và hành động đó như thế nào, nhiều người đã nói đến, báo chí đã nói nhiều. Ở đây tôi muốn tìm hiểu một khía cạnh về hoàn cảnh và sự trớ trêu của ông Vươn.


Trong bài viết trước Đoàn Văn Vươn cần được xét xử “tội ngu” trước tội giết người(!)“, chúng tôi chưa rõ thân thế của anh Đoàn Văn Vươn, trên báo chí nhà nước đã ca ngợi anh là “một cựu quân nhân, kỹ sư nông lâm, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng”. Chúng tôi thấy vậy là anh Vươn có thể tiến xa trên con đường quan chức, con đường phục vụ đảng và nhà nước trong những việc như UBND Xã Vinh Quang và Huyện Tiên Lãng vừa làm với anh và gia đình.


Thế nhưng, qua nói chuyện với vợ anh, chị Thương, chúng tôi mới biết mình đã nhầm, anh là người Công giáo.


Qua trao đổ với chúng tôi, Linh mục Gioan Baotixita Ngô Văn Chuẩn, chính xứ Súy Nẻo cho biết: “Ông Vươn đã lặn lội ra đầm cách đây vài chục năm, thỉnh thoảng những ngày lễ trọng ông có về và gặp cha xứ, còn bình thường ông bận rộn với việc đầm phá và đưa cả gia đình ra đó ở. Ở đó thuộc họ đạo Thái Bình. Nói chung, gia đình ông có có 5 anh em trai và hai chị em gái, mấy anh em nhà ông Vươn đều là những người tốt, chăm chỉ, tích cực nhiệt tình và được bà con nhân dân quý mến”.


Gia đình anh được báo chí tuyên dương là có truyền thống cách mạng kể cũng không sai. Bố anh, ông Đoàn Văn Thiểu, đã từng cả đời “theo đảng đến cùng”, cống hiến cho đảng tất cả với chức Bí thư Đảng ủy xã và đã chết cách đây 6 năm sau khi về hưu.


Ông chú rể của ông Đoàn Văn Vươn (chồng bà cô ruột) là ông Đoàn Xuân Lễnh, hiện là quan chức của nhà nước đang nắm giữ một tổ chức cô hồn, mạo danh là “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hải Phòng” với chức danh Phó Chủ tịch. Cái chức vụ này không phải ai cũng có thể làm, một người công giáo chân chính ít khi đảm đương đến chức đó. Ông còn là Hội thẩm nhân dân Tòa án Nhân dân Hải Phòng. Như vậy, thế hệ trước của gia đình anh đã có những đóng góp lớn cho nhà nước này trong cả các mặt về đảng và về đạo.


Nếu như trong một gia đình như vậy, anh Vươn cứ theo gương bố anh leo lên chức Bí thư Đảng ủy hoặc cao hơn, anh hoàn toàn có thể leo lên được với tấm bằng kỹ sư về nông thôn lúc bấy giờ, thì hôm nay có lẽ anh là người cầm súng đi cưỡng chế chứ không phải là nạn nhân.


Nhưng, có lẽ cuộc đời bố anh theo đảng đã để lại cho anh em anh một bài học nào đó, nên tất cả 7 anh em nhà anh không ai là đảng viên. Có lẽ vì vậy mà anh đã biết trước và chọn cho mình một lối đi tưởng như an toàn là tự lực cánh sinh, dùng sức người đọ với thiên nhiên mưu tìm cuộc sống.


Nhưng sự đời nhiều khi cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng, cứ tưởng rằng cả đời ông bố cống hiến thì đảng và nhà nước sẽ còn nể mặt con cái, để anh và gia đình yên ổn bán sức cho thiên nhiên mưu sống. Nào ngờ khi “vật chất quyết định ý thức” (Mác – Lênin) thì tất cả những đóng góp công lao của ông bố, ông anh, ông chú… đều chẳng có ý nghĩa gì nếu anh không nằm trong bộ máy quyền lực. Những công lao, đóng góp kia chỉ dành cho những kẻ trong bộ máy phạm tội tày đình muốn thoát khỏi sự trừng phạt pháp luật thì được nại đến mà thôi.


Riêng về vụ án này, ông Đoàn Xuân Lễnh sẽ làm gì với vai trò Phó Chủ tịch UBĐK Công giáo Hải Phòng và Hội thẩm nhân dân TAND Hải Phòng khi cháu ông bị bất công đến thế? Mới đây, ông còn tuyên bố rằng: “Tình cảm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thành phố và các địa phương dành cho các vị chức sắc và bà con giáo dân thể hiện tinh thần khối đại đoàn kết toàn dân tộc…”. Vậy với vụ việc ngay của cháu ông là một giáo dân, có phải đó là cách thể hiện tình cảm ấy hay không?


Ông có suy nghĩ gì khi ông đã làm cho đảng mấy chục năm nay với vai trò của ông trong cái gọi là Ủy Ban đoàn kết Công giáo bù nhìn? Hay ông cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà chấp nhận tiếp tục phục vụ đảng và nhà nước trong sự nghiệp quốc doanh hóa giáo hội Công giáo? Xem ra, cái lý thuyết “Người đi săn phải biết ăn thịt chó” đã có nhiều ví dụ điển hình trong thực tế, và giờ đây, không chỉ ăn thịt chó mà còn cả thịt chó con.


Rồi còn cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công giáo” kia? Hàng năm sinh ra những kỳ họp hành, tổng kết tốn biết bao tiền dân mà mục đích chỉ nhằm lấy công sức của những người như Đoàn Văn Vươn làm tấm gương để “động viên giáo dân” làm giàu, học tập đạo đức Hồ Chí Minh rồi thuổng luôn thành quả của họ để báo cáo thành của mình?


Cho đến hôm nay, khi tất cả mọi thông tin về vụ án đã được các báo chí và Blog đăng đầy đủ trên mạng internet với sự phẫn nộ ghê gớm, thì cái tờ báo mạo danh “Người Công giáo Việt Nam” hay tờ “Công giáo và dân tộc” vẫn im lìm như chẳng hề có chuyện gì xảy ra, vẫn yên bình như việc hàng năm lĩnh tiền dân đều đặn để phục vụ bộ máy của đảng cộng sản. Hay họ quyết tâm xứng đáng với xú danh cao quý mà người giáo dân đã đặt cho họ: “Người Công giáo Việt gian” và “Công giáo và dâm tặc”?


Vụ việc ông Đoàn Văn Vươn đã xảy ra cả chục ngày nay, nhưng sức nóng vẫn còn lan tỏa sâu rộng và được mọi người quan tâm. Gia đình anh được sự động viên từ khắp nơi bằng những cú điện thoại hỏi thăm và an ủi, chia sẻ. Trên các diễn đàn, dù có người không đồng ý với cách dùng bạo lực, nhưng họ hết sức cảm thông với ông Vươn và gia đình bởi những cường hào ác bá mới trong xã hội ngày nay mà người dân đang là nạn nhân.


Vụ việc Đoàn Văn Vươn đã là một hiện tượng trong xã hội: Hiện tượng nông dân vùng lên.
Và bài học lớn nhất ở đây, là bài học về việc đặt lòng tin không đúng chỗ.



Hà Nội, ngày 14/1/2012

J.B Nguyễn Hữu Vinh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét