Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Việt Nam : Về việc 17 người Công giáo và Tin Lành bị bắt giữ trái pháp luật



Việt Nam : Về việc 17 người Công giáo và Tin Lành bị bắt giữ trái pháp luật







Ảnh những người bị bắt (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)
Trần Vũ Anh Bình, Tạ Phong Tần, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Sơn, Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Oai. Ảnh hrw.org



Từ giữa năm 2011 đến những ngày cuối năm, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ bắt giữ người bất ngờ, không thông qua các thủ tục được pháp luật quy định. Trong số những người bị bắt, có nhiều người theo đạo Thiên chúa. Đầu tháng 1/2012, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Công giáo Vinh ra thông báo phản đối việc bắt người kể trên. RFI Việt ngữ phỏng vấn luật sư Lê Quốc Quân, thành viên Ban Công lý và Hòa bình giáo phận Vinh, về vụ việc.



Luật sư Lê Quốc Quân (Hà Nội)
17/01/2012



 


RFI : Xin kính chào Luật sư Lê Quốc Quân, vừa rồi, Ban Công lý và Hòa bình của Giáo phận Vinh có đưa ra một thông báo về việc nhiều thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt giữ trong thời gian qua. Vấn đề có nhiều người bị bắt giữ trong tình trạng không rõ ràng về mặt pháp lý này đã gây ra những quan ngại trong công luận. Vậy, xin Luật sư cho biết cụ thể về vấn đề này ?


Luật sư Lê Quốc Quân : Thưa thính giả đài RFI, vừa rồi, chúng tôi có ra một văn bản, gọi là Bản Nhận định của Ban Công lý và Hòa bình thuộc Giáo phận Vinh. Trong Bản Nhận định này, chúng tôi đề cập đến các thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt. Có lẽ là các nơi khác cũng đã lên tiếng nhiều rồi. Nhưng trong số 17 người bị bắt, có đến hơn 10 người thuộc Giáo phận Vinh.


Ban Công lý và Hòa bình đưa ra nhận định này thì cũng chỉ để khẳng định rằng, chuyện bắt giữ người là trái pháp luật, và chuyện này là khó chấp nhận. Còn chuyện có tội hay không có tội là phải do Tòa án quyết định.


Cá nhân tôi thấy rằng, mặc dù Bản Nhận định này ra đời hơi muộn và ngôn ngữ, theo tôi, cũng nhẹ nhàng, nhưng nó đáp ứng được cái mong mỏi của rất đông đồng bào Công giáo nói chung, và những ai yêu chuộng công lý, yêu chuộng hòa bình. Đặc biệt là những người mong muốn xây dựng một Nhà nước Pháp quyền, thì bản lên tiếng đó đáp ứng thực sự được yêu cầu của họ. (Bản Nhận định cho thấy) việc bắt giữ là sai pháp luật và yêu cầu Nhà nước phải thực thi cho đúng pháp luật, bởi vì một quốc gia, một nhà nước chân chính thì không thể nào có thể hành xử như thế được.


RFI : Thưa Luật sư, tình trạng của những người bị bắt giữ ra sao và sự bất ổn về mặt pháp lý như thế nào ?


Luật sư Lê Quốc Quân : Trong 17 người thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt giữ, thì hiện tại theo tôi biết, có 10 người bị giam ở trại B14 ở Hà Nội, có 3 người bị giam ở trại Nghi Kim, thành phố Vinh, và có 4 người bị giam tại Sài Gòn. Đại bộ phận các gia đình được giao một thông báo về việc người thân của họ bị bắt giam vì tham gia Đảng Việt tân. Nhưng không có một chứng minh cụ thể nào. Và đồng thời có một số người khác, theo tôi biết, có khoảng 4 người hiện nay vẫn chưa có thông báo gì cả, mặc dù họ bị bắt giữ được 3, 4 tháng rồi.


Việc có được thông báo là đang bị giam giữ ở đâu đó cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, chính các gia đình thấy con cái bị bắt khi đi trên đường, bắt ở sân bay, bắt ở trên tàu, tức là bị lừa bắt như thế, nên các gia đình rất là bức xúc, họ đã đi hỏi nhiều nơi, đi hỏi huyện, lên tỉnh, rồi ra trung ương, cuối cùng thì, những người áp lực nhiều, đòi nhiều, thì có nhận được giấy thông báo đấy.


Người bị bắt sau cùng là anh Phêrô Nguyễn Đình Cương, sau khoảng 3 ngày, thì người mẹ lên trụ sở Công an của Tỉnh, là nơi người ta chở xe tắc xi (trong có anh Cương) phóng vào, thì bà ấy lên phản đối và làm khá ầm ĩ ở trên đấy. Thì ngày hôm sau, họ có giấy thông báo về cho biết : anh Cương là Giám đốc Công ty trách nhiệm Canh Tân và đảng viên Đảng Việt tân, đang bị giam ở trại B14 (Bộ Công an – Hà Nội). Thì người đó có thể là (người được biết tin) sớm nhất, trong vòng khoảng 4 ngày. Còn lại các anh em, thì bị bắt trái pháp luật, bị giam giữ trái pháp luật, và tình trạng của các anh ấy rất mờ ám.


Về việc bắt giữ này tôi thấy thật sự là nó vi phạm quá nhiều điều khoản trong Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam. Theo bộ luật này, khi bắt người phải có lệnh bắt, khi bắt phải có chứng kiến của gia đình, của địa phương, rồi bắt thì phải có thông báo rõ ràng là giam ở đây, vì điều khoản gì, vì tội như thế nào, và tình trạng của họ bây giờ ra sao.


Đặc biệt quan trọng nhất là hành vi phạm tội của họ. Ở đây, người ta nói rằng, những người này tham gia Đảng Việt tân. Nhưng mà nói tham gia như thế, nhưng không biết được hành vi đó là hành vi xảy ra ở đâu, khi nào, nó xảy ra ra sao. Tôi nghĩ rằng, đây là một lý do rất mù mờ. Chứ còn, nếu xét về mặt luật, cái hoạt động tham gia như vậy cấu thành điều 79, là hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Thế thì, phải thông báo rõ các hoạt động đó là hoạt động gì ? Ví dụ như, người bị bắt có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, bị bắt vì hành vi đó, thế nhưng ở đây người ta không nêu ra chi tiết.


Mà theo tôi được biết, những anh em này là những con người rất tích cực, tham gia trong các phong trào Bảo vệ Sự sống, và tham gia vào các khóa học về Truyền thông Chúa Cứu Thế, rồi hoạt động về dân báo, họ hăng say đưa tin về Công lý và Sự thật, rồi ví dụ như họ biểu tình chống Trung Quốc, họ đưa tin về vụ xét xử anh Cù Huy Hà Vũ. Nói chung, chúng tôi biết được những người này hoạt động tích cực và có lòng với đất nước.


RFI : Luật sư có thể cho biết về trường hợp 4 người mà cho đến nay, từ phía cơ quan công an, chưa có thông báo cụ thể nào về cho gia đình ?  


Luật sư Lê Quốc Quân : Tôi được biết có anh Trần Hữu Đức, rồi anh Đậu Văn Dương, rồi anh Chu Mạnh Sơn, là những người tôi có gặp gia đình họ, thì họ biết là giam ở Nghi Kim. Rồi, chị Tạ Phong Tần, rồi anh Trần Thanh Bình bị giam ở Sài Gòn. (Người ta) cũng có nói giam thế, gia đình được gửi quà vào, nhưng không biết được là họ phạm tội gì cả.


Về anh Chu Mạnh Sơn, có một lần công an nói bố anh ấy vào gặp ở trại Nghi Kim. Trước khi vào, (người ta) bảo bố bảo con có gì thì khai. Khi vào, ông ấy cũng nói rất rõ là, con có gì đúng sự thật thì khai, còn nếu không đúng việc của mình, thì chết cũng đừng khai. Thế là ngay lập tức họ lại kéo (ông bố) ra, và  kéo anh ấy đi ra luôn. (Gia đình) cũng thấy được người đấy, nhưng mục đích (của cơ quan bắt người) là lôi kéo, đưa gia đình vào để gia đình tác động cho anh ấy khai, nhưng gia đình cũng nói rất rõ, có thì nhận, không có thì chết cũng đừng khai. Vậy thì, nếu Nhà nước giỏi, cơ quan an ninh tiến hành điều tra, thì cái gì đúng thì làm …

Những hiện tượng này, nhiều báo và nhiều người nói rằng, như kiểu là bắt cóc ấy.


RFI : Vừa rồi, có dấu hiệu, dường như là tích cực, có 4 người bị bắt trong thời gian vừa qua được cho trở lại gia đình vào dịp Lễ Giáng Sinh, Luật sư nhận xét như thế nào về chuyện này ?


Luật sư Lê Quốc Quân : Tôi nghĩ chuyện này xuất phát từ một cái đơn. Đầu tiên có cô Oanh, là người vợ của anh (Nguyễn) Xuân Anh. Anh Xuân Anh thì bị bắt đi, vợ trẻ, con thơ, hai đứa con như thế thì rất khổ cực, đời sống kinh tế gia đình khó khăn nhiều, và cũng bị khủng hoảng. Chị ấy làm một cái đơn và gửi lên Bộ Công An và nói rõ rằng xin gặp mặt chồng, và nếu không gặp được, thì sẽ bế con ra ngoài Bộ Công An ngồi. Và cô Oanh bảo, tôi chết cũng được. Sau đó, họ cho về gặp. Một số anh em khá là bình an và vững tâm, bảo rằng, thôi những gì là con đường con đã lựa chọn thì sẽ đi, và tin vào tương lai. Họ bảo cũng được đối xử cũng bình thường, không bị áp lực nặng nề lắm, gia đình yên tâm, và họ cũng hy vọng rằng vụ việc sẽ được kết thúc sớm thôi.


Cái cách nói chuyện đó cho tôi dự đoán là những người này là những người mà phía bên Bộ Công An đã có được những thông tin khá đầy đủ rồi, và họ không cần có sức ép về tâm lý và tinh thần lên những người này nữa. Và đồng thời họ cũng xem xét cái đơn và sự khó khăn của từng gia đình. Còn lại những người khác, chưa được gặp mặt và bị giam giữ cho đến nay, hầu hết đều hơn 4 tháng rồi.


RFI : Câu cuối cùng xin hỏi Luật sư, triển vọng trong thời gian tới, thì bên phía bảo vệ những người bị bắt sẽ có hành động tiếp ra sao, thưa Luật sư ?


Luật sư Lê Quốc Quân : Tôi cũng không biết được chính xác hành động tiếp theo sẽ là như thế nào. Nhưng trong lòng tôi nghĩ, đây là những con người, trong đó có một số người tôi cũng biết, là những người tốt. Thứ hai, tôi gặp gia đình, đọc bài viết về họ, thì tôi thấy họ là những người có ảnh hưởng đến quần chúng khá là tốt. Họ ham mê hoạt động từ thiện, ham mê hoạt động xã hội, có ảnh hưởng khá lớn trong cộng đồng Công giáo.


Sau khi có Bản Nhận định của Ban Công lý và Hòa bình địa phận Vinh như vậy, thì chắc chắn là trong các giáo xứ, ... các Cha đứng giao giảng một cách mạnh mẽ hơn nữa để có thể bảo vệ được chính họ. Rồi, có thể tham gia được những hoạt động khác, hỗ trợ được cho tinh thần của gia đình những người bị bắt. Còn cá nhân tôi, là một luật sư, và với tư cách một thành viên trong Ban Công lý và Hòa bình, thì họ cũng hay gọi điện, họ nhờ, thì tôi cũng chỉ biết an ủi họ, và cũng cầu mong cho mọi việc sớm được kết thúc, và kết thúc một cách tốt đẹp. Vì, thực ra những người đó, theo tôi, không bao giờ họ đáng phải chịu một tội phạm hình sự cả.


RFI : Xin chân thành cảm ơn Luật sư Lê Quốc Quân.




RFI




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét