VẪN CÁI MÁNH LẬP LỜ LƯU MANH, ĐÁNH SAI TÊN VÀ ĐỊA CHỈ ĐỂ GIỞ TRÒ LƯƠN LẸO:
Sắp xử vụ trung tá công an đánh chết ông Nguyễn Xuân Tùng
HÀ NỘI 7-1 (NV) - Tòa án thành phố Hà Nội gửi giấy thông báo đến cho cô Trịnh Kim Tiến rằng phiên tòa sơ thẩm xứ ông trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết bố cô sẽ diễn ra vào ngày 13 tháng 1, 2012 tới đây.
Ông Trịnh Xuân Tùng được đưa đi cấp cứu quá trễ nên không qua khỏi. (Hình: Dân Trí)
Phiên tòa nếu diễn ra sẽ được dư luận đặc biệt quan tâm về cách hành xử của nhà cầm quyền đối với một vụ án nghiêm trọng. Hồi tháng 11 năm ngoái, báo Lao Ðộng loan tin phiên tòa xử ông Ninh diễn ra ngày 17 tháng 11, 2011 nhưng lại không thấy gì và gia đình nạn nhân cũng không hề được thông báo cho đến nay.
Theo cô Tiến viết trên mạng facebook hôm Thứ Bảy, gia đình cô nhận được 2 tờ “Giấy báo” của tòa án thành phố Hà Nội đến dự phiên tòa xử ông trung tá công an tên Ninh về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ” vào ngày Thứ Sáu 13 tháng 1, 2012. Tờ giấy báo gửi cho cô với tư cách “Ðại diện hợp pháp của người bị hại”. Trong khi đó, mẹ cô, tức vợ nạn nhân là bà Nguyễn Thị Miền thì lại không được báo đi dự phiên tòa.
“Quá đau đớn trước nỗi đau mất chồng, không còn đủ tinh thần, mẹ tôi đã ủy quyền cho tôi để giải quyết các thủ tục dân sự liên quan đến vụ việc. Phải chăng vì lý do này mà tòa án tước luôn quyền tham gia phiên tòa với tư cách là người đại diện hợp pháp của mẹ tôi?” Cô Tiến viết trên Facebook như vậy và đặt dấu hỏi “Như tôi đã từng lo sợ, đây có thể sẽ là một vụ án nạn nhân bị đánh chết mà ngay đến cả vợ nạn nhân cũng không được tham dự phiên tòa?”
Việc in sai tên và địa chỉ, có thể là sự cẩu thả của kẻ đánh máy nhưng cũng có thể là sự cố ý để cấm vào tòa dự phiên xử khi tên người đi dự trên “giấy báo” khác với tên trên giấy tờ cá nhân.
Ngày 17 tháng 11 năm 2011, cô Tiến đã cùng với chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền và mẹ nạn nhân Nguyễn Công Nhựt (bị công an huyện Bến Cát Bình Dương đánh chết ngày 25 tháng 4, 2011) đi biểu tình trên đường phố và trước tòa án Hà Nội với biểu ngữ đòi hỏi công lý cho người thân.
Vụ trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng đã làm xôn xao dư luận tại Hà Nội trong một thời gian dài và thân nhân của ông Tùng mong chờ sự công bằng của pháp luật từng ngày.
Khi nghe tin ông Ninh ra tòa hồi tháng 11 năm 2011, cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Tùng, viết trên trang Facebook của mình rằng, “Tôi mong muốn phiên tòa sẽ giúp gia đình tôi lấy lại niềm tin vào pháp luật. Còn ‘làm chết người trong khi thi hành công vụ’ hay không, hãy để lương tâm mỗi người trả lời.”
Kim Tiến viết thêm, “Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh bố tôi bị còng tay đến tận phòng cấp cứu của bệnh bệnh viện Bạch Mai sau hơn 6 tiếng bị giam giữ trái phép tại đồn Thịnh Liệt, không được ăn, không được uống, tình trạng hết sức nguy kịch. Mặc cho những lời van xin của gia đình tôi và ngay cả khi đưa bố tôi đi cấp cứu, tên Nguyễn Văn Ninh vẫn còn nói: ‘Cấp cứu à, cấp cứu à, tao lại cho thêm vài cái vả nữa.’”
Ông Trịnh Xuân Tùng, 53 tuổi, đi xe ôm đến bến xe Giáp Bát để vào Nam cùng với một người bạn ngày 28 tháng 2, 2011. Tới bến xe, tài xế xe ôm bị phạt vì để ông Tùng không đội mũ an toàn. Nhân chứng nói rằng khi xe ôm chạy đến nơi thì ông Tùng mới cởi mũ an toàn ra để gọi điện thoại, nhưng người lái xe ôm vẫn bị phạt. Ông Tùng chen vào tranh cãi số tiền phạt nhiều ít dẫn đến hành động đánh người của ông trung tá công an.
Ngay từ đầu, các tin tức đưa ra nhanh chóng từ một số nguồn tin độc lập cho biết, trung tá công an Ninh đã dùng dùi cui đánh vào gáy ông Tùng làm ông này gục xuống. Ông Ninh còn có sự phụ lực của 3 dân phòng cũng xông vào đánh đá.
Dù ông Tùng gục xuống đường nằm bất động, ông còn bị còng lôi về trụ sở công an phường Thịnh Liệt. Khi gia đình ông hay tin đến xin đưa ông đi cấp cứu thì bị từ chối. Chính ông Tùng kêu khát nước cũng không được cho một giọt nước. Chính ông xin được đưa đi bệnh viện còn bị mắng chửi. Ông còn bị cho là giả vờ ăn vạ. Những lời chửi bới, nhiếc móc của đám công an trực tại trụ sở công an phường Thanh Liệt được thân nhân ông thuật lại và phổ biến trên Internet gây phẫn nộ khắp nơi về cách hành xử độc ác, côn đồ của công an.
Nhiều tiếng đồng hồ sau mới chấp nhận cho chở ông đi bệnh viện thì tình trạng của ông đã trở thành quá tệ. Qua hai bệnh viện khác nhau, dù được giải phẫu ngày 1 tháng 3 năm 2011, ông Tùng vẫn không qua khỏi vì gãy xương sống cổ. Ông chết ngày 8 tháng 3, 2011.
Bà cụ Nguyễn Thị Cúc, mẹ ông Tùng làm đơn tố cáo hành vi hung dữ, trái pháp luật của ông trung tá công an Nguyễn Văn Ninh dẫn đến cái chết của ông Tùng.
Cụ kể trong đơn tố cáo theo sự tường thuật của một số nhân chứng tại bến xe Giáp Bát rằng, khởi đầu vụ việc là ông trung tá Ninh xông tới “chộp xe, giật chìa khóa” của người tài xế xe ôm Phạm Quang Hùng, kéo xe vào lề đường, đổ lỗi ông Tùng “không đội mũ bảo hiểm”.
Giấy báo đến dự phiên tòa. (Hình chụp lại trên Facebook Trịnh Kinh Tiến)
Cụ Cúc viết: “Ông Hùng không chấp nhận lỗi đó vì lúc đó con tôi gọi điện thoại là lúc xe đứng yên một chỗ, không tham gia giao thông trên đường. Con tôi ngồi đằng sau có nhận sai nhưng ông Ninh gạt đi, không nói chuyện với con tôi mà cứ đôi co với ông Hùng rồi túm cổ áo ông Hùng.”
Cụ Cúc kể tiếp: “Trước sự việc đó, con tôi có gạt tay anh Ninh ra và nói anh là công an, anh không thể xử sự như vậy được. Ngay lập tức, ông Ninh gọi thêm ba bốn người dân phòng đứng bên trong lao vào đánh con tôi. Một anh công an và hai người dân phòng giữ ông Hùng lại, còn ông Ninh dùng dùi cui phang vào gáy con tôi, một số dân phòng khác lao vào đánh đấm, dùng chân đá thúc vào bụng...”
Ông trung tá công an Nguyễn Văn Ninh Ninh bị qui cho tội làm chết người khi thi hành công vụ theo khoản 1 điều 97 của Luật Hình Sự với bản án từ 2 đến 7 năm tù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét