Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Đoàn Văn Vươn cần được xét xử “tội ngu” trước tội giết người(!)




Đoàn Văn Vươn cần được xét xử “tội ngu” trước tội giết người(!)



J.B Nguyễn Hữu Vinh



Chuyện của thời mất nước và chuyện của thời cướp được chính quyền


“Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại

- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.

Cai lệ tát vào mặt chị một cái bốp, rồi hắn cứ nhẩy vào cạnh anh Dậu, Chị Dậu nghiến hai hàm răng :

- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!






Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn giúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.

Người nhà Lý trưởng sấn sổ bước đến, hươ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chành ‘hầu cận ông Lý’ yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm”.


Đoạn văn trên trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố tôi đọc đã ngót 40 năm. Khi đọc những đoạn văn trên lần đầu tôi không hiểu vì sao một chị Dậu hiền lành như vậy lại dám đánh lại cả đám người nhà Lý trưởng? Thế rồi đến khi đi học, thầy giáo mới dạy cho tôi hiểu rằng: “Theo đúng nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, ở đâu có áp bức, ở đó sẽ có đấu tranh. Dòng văn học hiện thực phê phán đã vẽ lại cho chúng ta bức tranh sinh động của nông thôn Việt Nam thời nô lệ thực dân Pháp, thời mất nước. Nó khác xa với cuộc sống mới, nền văn hóa mới, con người mới Việt Nam làm chủ đất nước ngày nay”.


Cứ tưởng cái nổi khùng, cái vùng lên đấu tranh của người nông dân như Chị Dậu chỉ có cách đây 75 năm trong thời mất nước, thời nô lệ vì ở đó có áp bức nên có đấu tranh mà thôi.


Nhưng mấy hôm nay, báo chí nói về câu chuyện Đoàn Văn Vươn, một cựu quân nhân, kỹ sư nông lâm ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, T.P Hải Phòng vác mìn, súng chống lại cả trăm công an bộ đội thì xem ra anh Vươn này lại còn “khùng” hơn cả Chị Dậu ngày xưa nhiều lần.






Cái khác nhau nhiều lần là ở chỗ, ngày xưa chị Dậu chỉ vì không có đủ tiền nộp sưu nên đã phải bán con, bán chó. Ngày nay anh Vươn dù có nộp thuế đầy đủ vẫn chưa yên và việc mất trắng toàn bộ cơi ngơi là điều rất dễ dàng chỉ bởi một tờ lệnh “thu hồi”.


Ngày xưa, chị Dậu thiếu tiền sưu, tiền thuế bán con vẫn còn ngôi nhà rách để ở và để bị dọa “tao dỡ nhà nhà mày đi” còn anh Vươn hôm nay, chẳng cần dọa dỡ nhà mà là “thu hồi” cả mấy chục ha đất anh bỏ công sức tiền của tạo nên. Cái cơ ngơi đó anh tạo ra bằng sức lực, mồ hôi, nước mắt của mình, còn có cả máu thịt của đứa con mình ở đó để quai đê lấn biển tạo nên khu đất ròng rã ngót 30 năm trời nay bị tước đoạt.






Ngày xưa, bán ổ chó, chị Dậu được một đồng bạc trong số hai đồng rưỡi tiền sưu. Nếu chị có ba ổ chó, thì chắc chẳng phải khùng lên mà đánh lại đám người nhà Lý Trưởng. Ngày nay, anh Vươn bỏ gần ba chục năm trời mới tạo được một cơ ngơi và bỗng nhiên không cánh mà bay bởi một tờ lệnh “thu hồi”.


Ngày xưa, việc thu tiền nộp sưu của chị Dậu theo luật thuế nhà nước thực thi hàng năm công bố rõ ràng cả làng cả nước biết. Việc “thu hồi” đất của anh Vươn hôm nay để làm gì thì khi trả lời câu hỏi của báo Pháp luật TPHCM, rằng thu hồi khu đất này để giao cho ai, ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nói: “Việc này không thể công khai”?


Gia đình Chị Dậu ngày xưa làm ăn, sinh sống, đóng sưu đóng thuế cho nhà nước theo quy định về thuế đinh. Anh Vươn ngày nay được thuê lại đất của mình bỏ công quai đê, lấn biển mà có.






Việc thu sưu, thuế ngày xưa có định kỳ hàng năm “theo quy định của pháp luật”, cứ đến kỳ thu thuế thì chuẩn bị tiền để đóng sưu. Việc “thu hồi” đất của anh Vươn hôm nay chẳng theo quy định pháp luật nào khi thời hạn hợp đồng thuê khu đất do chính anh tạo ra còn hai năm nữa mới đến. Nhưng bỗng chốc có lệnh thu hồi.


Chị Dậu phải nộp thuế đinh cho em chồng đã chết, đã khiếu nại và được giải thích vì chú em chồng chết dở năm tây nên vẫn còn sổ đinh, đó là do Chị Dậu sống trong thời phong kiến, nô lệ, người dân chịu áp bức vô lý. Còn anh Vươn hôm nay được hạnh phúc sống trong một đất nước có “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, … khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”-
(Giáo sư tiến sĩ – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan) Ở đó, anh đã khiếu nại, kiện tụng theo quy định của pháp luật hẳn hoi, nhưng vẫn cứ có lệnh cưỡng chế và công an, bộ đội, chó nghiệp vụ và súng ống đến lấy đất, lấy nhà của anh như thường.






Thời Chị Dậu, với những khẩu hiệu như : “Người cày có ruộng”, “Lấy ruộng đất địa chủ, chia cho dân nghèo”… như cương lĩnh của những người Cộng sản những ngày đầu: “Đối với kháng  chiến,  nông  dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất.  Nhưng  nông  dân phần nhiều lại không có, hoặc có rất ít ruộng  đất.  Nông  dân làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn không  được  no  cơm, ấm áo. Tình hình ấy rất không hợp lý, không  công  bằng… Chỉ  có  thực  hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, làm cho hàng chục triệu nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, thì kháng chiến  mới  hoàn  toàn thắng lợi, cách mạng chắc chắn thành công”. (Trích Cương lĩnh của Đảng LĐVN tháng 11/1953). Những lời lẽ ngon ngọt này đã làm hàng chục triệu dân nghèo Việt Namlao vào cuộc cướp ruộng đất, tài sản của địa chủ và tạo nên cơn biến động sâu sắc về đạo đức và đời sống trong xã hội Việt Nam.






Và với những người cộng sản, thì sau khi cướp được chính quyền Tháng 8/1945, “cuộc cách mạng đã thành công”. Tưởng rằng, từ đó, việc cướp đất đai đã kết thúc và từ đây, dân nghèo được làm giàu trên phần đất của mình.


Thế nhưng, khi những người cộng sản đã nắm chắc được quyền lực trong tay, thì đất nước lại chuyển qua giai đoạn mới, ruộng đất lại được tập trung vào tay những kẻ lắm tiền, nhiều của và nắm quyền lực. Người nông dân một nắng hai sương quanh năm cắm mặt trên đồng ruộng để kiếm sống từ bao đời nay lần lượt bị biến thành thất nghiệp, trở thành lưu vong ngay trên chính quê hương mình. Dần dần họ trở lại kiếp nô lệ trên đất nước bằng những cảnh đời đi làm thuê, kiếm sống, rơi vào tệ nạn xã hội…


Những người như anh Vươn, tin tưởng ở chính sách và các phong trào như “nông dân thi đua làm giàu, nông dân thi đua kinh doanh sản xuất giỏi”… đã không tiếc công sức, tiền của để khai hoang, lấn biển tạo nên cơ nghiệp.


Bỗng chốc một tờ quyết định biến những thứ anh bỏ công sức, xương máu và lòng tin cả một đời trai trẻ của mình và gia đình thành công cốc.






Trong hoàn cảnh như vậy, anh không “khùng” mới là chuyện lạ.


Không bàn đến cách hành động khi nổi khùng của anh Vươn giải quyết nỗi bức xúc của mình. Bởi con người khi đã khùng lên, khi bị đẩy vào bước đường cùng, thì người ta có thể làm mọi việc theo đúng nguyên lý cha ông đã dạy “Chó cùng cắn giậu” là lẽ thường. Người đàn bà mấy con như chị Dậu vốn nhẫn nhịn là vậy còn phải vùng lên, thì việc anh Vươn vùng lên cũng chẳng có gì là lạ.


“Tội ngu”?


Mấy ngày qua, khắp các quán bia, quán nước vỉa hè, quán cóc Hà Nội câu chuyện nóng bỏng của người dân là những chuyện như anh Vươn dùng mìn, súng chống lại cưỡng chế, chuyện nhà riêng Giám đốc Công an Thái Nguyên bị nổ mìn, chuyện nhà riêng của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) bị trộm lấy đi 1 tỷ đồng, chuyện trộm cắp bây giờ cứ nhằm nhà quan chức mà trộm…


Trong một quán thịt chó chiều đông Hà Nội, một người đàn ông béo tốt, cái bụng to kềnh đang tu nốt chén rượu, dùng tay quẹt ngang mồm và nói lớn: “Ôi dào, cái thằng đó nó mang tội ngu, tội thừa lòng tin, học hành thành kỹ sư từ hồi đó mà lại chạy về làm nông dân khai hoang là ngu rồi. Cứ như tao chẳng học hành gì nhiều, kiếm cái bằng dởm dởm, làm quan tao mua cả chục cái đầm của thằng đó. Nhưng sao công an đông thế mà giữa cái chòi nó chạy thoát được nhỉ?”.


Nhiều cặp mắt khác đổ dồn vào người đàn ông này, nhưng ngẫm lại anh ta đang có lý. Kể từ khi “cả nước thi đua tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội theo lời bác dạy”, xã hội VN ít có người nào như anh chàng Vươn này.


Lẽ ra, Đoàn Văn Vươn sẽ không lâm vào tình cảnh hiện nay, bị khởi tố tội “giết người”, bị thu hồi đất và gia đình tan nát sau đó nếu anh ta không làm những việc khác người là “Mặc dù đã nhanh chóng trang bị kiến thức bằng một tấm bằng đại học Nông lâm, nhưng anh lại từ chối làm cán bộ Nhà nước. Từ bỏ mộng quan trường ở thời điểm đó là một quyết định “lạ đời”, nhất là khi có bằng cấp trong tay”. – Một tờ báo đã viết về anh như thế – Tất nhiên là ở thời điểm hiện nay, khi anh đã bị khởi tố thì ngay cả tờ báo này cũng đã thể hiện bản lĩnh của mình bằng cách xóa bài viết đó đi.


Nếu như, anh cũng như nhiều và rất nhiều người trong hệ thống công chức, trong bộ máy nhà nước đừng việc gì phải quai đê lấn biển, đừng bỏ công sức nhọc nhằn mấy chục năm làm con dã tràng xe cát. Anh chỉ việc vào nhà nước, cố gắng “phấn đấu” làm một chức quan nào đó có chút quyền lực, thì chỉ cần một tờ giấy A4 với chiếc dấu đỏ trong tay, anh có thể có đủ khả năng ra lệnh “thu hồi” cả trăm ha đất mà chẳng cần đào một xẻng đất, bê một hòn đá. Anh cũng rất có khả năng làm được như vậy vì anh xuất thân của anh với cái lý lịch đẹp đẽ: “một cựu quân nhân, kỹ sư nông lâm, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng” chứ không phải thành phần địa chủ, phản động, công giáo…


Còn nếu anh không thể leo lên đến chức quyền có thể đóng dấu ra lệnh thu hồi, thì chí ít anh cũng kiếm được một chân như quan chức nho nhỏ ngay ở Hải Phòng như các quan chức ăn đất ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Chẳng cần gì nhọc công lao động, chiến đấu với biển cả và đánh cược tính mạng của mình, con cái và để gia đình phải vay mượn lâm cảnh nợ nần mà vẫn đất, nhà đầy đủ, bạc tiền không thiếu.


Hoặc ít nhất, là một kỹ sư nông lâm, anh cũng có thể có một chân kiểm lâm, có thể thông đồng với lâm tặc, phá rừng kiếm tiền làm giàu…


Nói tóm lại, anh chàng Vươn này vướng “tội ngu, tội thừa lòng tin” nên mới gây nên cơ sự như thế. Cả xã hội có ít người chăm chỉ như anh, lo lắng làm giàu bằng sức lực nhỏ bé của mình như anh, khai phá đất hoang,lấn biển làm giàu như anh, nên anh mới lâm cơ sự này.


Trong một nồi canh, nếu làm một con sâu thì con sâu được vứt bỏ. Nhưng trong một nồi sâu, làm một lá rau mới là điều lạ, là khác người, là ngu(!).


Chính vì anh “khác người”,  nên mới về làm anh nông dân, xung phong vào giai cấp liên minh của giai cấp tiên phong dẫn đến việc biến bãi biển hoang hóa, lấn biển thành cơ ngơi đẹp đẽ với mấy chục ha đất đầm, vườn thành miếng mồi ngon ai nhìn cũng thèm. Nếu anh cứ để vậy, biển vẫn hoang hóa, vẫn là nước biển và sình lầy, thì ai thèm thu hồi làm gì.


Bởi vì việc thu hồi cũng phải tùy nơi, tùy chỗ. Chẳng hạn khu đất Cồn Dầu – Đà Nẵng dân ở bao đời nay, nhà cửa, mồ mả từ cả trăm năm, bỗng dưng bị “thu hồi” và đền bù 350 ngàn đồng/m2 để rồi ngay sau khi chưa thu hồi xong, đã có người rao bán trên mạng với giá 5 triệu đến 12 triệu đồng/m2. Thu hồi có lợi như vậy sao ai chẳng khoái thu hồi? Chỉ có điều, bây giờ người ta ngang nhiên thu hồi đất đai, máu xương của người khác như chỗ không người.


Mặt khác, cũng  vì anh được sống trong chế độ ta tươi đẹp có “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, … khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”- nên khi bị “thu hồi” bất công, anh mới nổi khùng, và vì nổi khùng, anh lâm vào vòng lao lý. Nếu anh sống hẳn trong chế độ tư bản thối nát, người bóc lột người và bản chất dân chủ thấp hơn vạn lần của ta, thì có lẽ anh phải chấp nhận việc cướp không tài sản, đất đai của mình mà không một lời oán thán.


Trong giai đoạn hiện nay, việc “thu hồi” đất đai của nhân dân như một bệnh dịch lan tràn từ Nam ra Bắc, từ xuôi lên ngược, dân khiếu kiện khắp nơi, lòng dân đầy oán thán, hàng đoàn hàng lũ người đưa nhau đi khiếu kiện… thì việc “nổi khùng ” càng ngày càng nhiều là điều dễ hiểu. Và khi dân nổi khùng với hai bàn tay không, thì sẽ nhanh chóng bị “xử lý nghiêm minh”.


Đoạn văn sau đây của Ngô Tất Tố dù đã 75 năm qua vẫn như còn mới:

Anh Dậu sợ quá muốn dậy can vợ, nhưng mệt đắm ngồi lên lại nằm xuống, vừa run vừa rên :

- U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù phải tội.

Chị Dậu vẫn chưa nguôi giận;

- Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…”


Vâng, đến nước như anh chàng Vươn, thì chỉ còn hai cách chọn, hoặc như anh Dậu là cứ để người ta đánh mình, hoặc một cách thứ hai là cách của chị Dậu vì Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được”.


Và anh Vươn đã chọn cách thứ hai.



Hà Nội, ngày 9/1/2012

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh



nguyenhuuvinh's blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét