NGƯỜI BUÔN GIÓ - NGÀN NĂM ÂN HẬN NỮA PHÙ SAI
Mình chẳng phải là nhà văn, chỉ là kẻ viết chơi làng nhàng trên mạng. Mỗi thứ xía vào một tí, nhiều khi đọc lại những thứ hổ lốn mình viết, chả biết gọi đó là gì. Thế nhưng mình vẫn có độc giả. Nói thì bảo là không khiêm tốn, nhưng thực sự là vậy. Báo chính thống có dòng hậu trường sân khấu về ca sĩ lấy chồng giàu, nghệ sĩ chia tay, người mẫu đồng tính, lộ '' hàng'' , sốc, choáng...cũng có độc giả vô khối. Thì việc mình viết lôm côm có vài người độc giả cũng là chuyện bình thường.
Độc giả của mình toàn các ông già, đôi khi là vài cậu thanh niên. Chả có em gái nào xinh tươi cả.
Một trong những người đó là nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Chú Toán mình hay gặp, lúc ở sự kiện này, lúc ở sự kiến khác. Trong những lúc ấy, chỉ thấy chú Toán âm thầm, lặng lẽ lướt đi giữa đám đông, tay máy bấm liên hồi. Mình lúc đầu nghĩ chú ấy chỉ là người thợ ảnh cần mẫn, chuyên tâm, không để ý đến gì khác ngoài chuyên môn của mình là chụp ảnh.
Một hôm mình đến quán Lộc Vàng, thấy chú Toán ở đó. Nhờ chú chỉnh chế độ cái máy ảnh của mình. Chú chỉnh xong đưa máy trả, nói rất nhỏ.
- Viết khá lắm.
Giật mình nhìn quanh tưởng chú nói gì, hay nói ai. Nhưng thấy cái nhìn của chú trìu mến vào mình. Mới biết là chú nói mình.
Ôi thế ra người đàn ông cục mịch, ít nói, cần mẫn này đọc cả những cái lôm côm mà mình viết trên mạng. Thật bất ngờ, rồi vài lần nói chuyện với chú Toán, mới biết mọi thứ trong làng văn học, nghệ thuật Việt Nam, con người, tác phẩm nào chú cũng biết hết. Cả đến sự cố trong cuộc đời của người hát chơi nghiệp dư nữa, chú cho xem những tấm ảnh chú chụp ông Toán Xồm từ những năm 80 ở đầu Tô Hiến Thành. Lúc ông Toán Xồm tù về, không có nhà cửa, phải nằm ngoài vỉa hè. Bỗng tự hỏi, có nơi nào xảy ra sự kiện liên quan đến văn học, nghệ thuật có tính lịch sử mà chú Toán không có mặt nhỉ.?
Chú Toán cho mình một đĩa VCD của đạo diễn Trần Văn Thuỷ và Nguyễn Sĩ Chung thực hiện nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long có tên Vọng Khúc Ngàn Năm. Phần 3 nội dung về nền Tân Nhạc Việt Nam hay còn gọi là nhạc vàng, nhạc tiền chiến. Trong đó có nhiều lời bình đầy bất ngờ như ''năm 1954 là cáo chung cho nền tân nhạc Việt Nam, hay còn gọi là nhạc vàng, nhạc tiền chiến'' hoặc đến đoạn nói về nhạc sĩ Đỗ Nhuận '' nhưng lạ thay sau khi cử đi học nhạc ở học viện Tchaikovsky trở về, những tác phẩm sau này của Đỗ Nhuận không làm người ta nhớ như những tác phẩm ông sáng tác trước năm 1954 ''...
Không biết trong chú Toán còn biết gì, chắc chắn nếu ai muốn làm một thiên phóng sự hay tìm tư liệu lịch sử trong nền văn học nghệ thuật của Việt Nam thế kỷ 20 thì nên tìm đến nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Người không những có những bức ảnh quý hiếm mà còn có những điều chứng kiến, những hiểu biết chất chứa trong lòng bao nhiêu năm qua. Nhưng để khai thác người nghệ sĩ già ít nói ấy bật ra một mẩu chuyện, một tấm hình, phải có một chữ duyên, cũng như nhiều nghệ sĩ khác đang sống trong chế độ này cũng thế. Nhiều người đã ra đi và mang theo những giai thoại lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam như một bí mật bị vĩnh viễn chôn vùi. Chả thế mà trong Vọng Khúc Ngàn Năm, lời bình ngậm ngùi nhắc đến những bài hát mà phải 43 năm sau mới được công khai trình diễn...
Quán Lộc Vàng là một nơi lưu trữ một phần những điều như vậy.
Trong cái quán lá đơn sơ này có một người chủ quán là người chứng kiến và cũng là chứng nhân cho một giai đoạn tăm tối của nền Tân Nhạc Việt Nam. Câu chuyện về án tù 10 năm mà ông Lộc phải chịu khi hát những bài tình ca lãng mạn, bất hủ này không còn xa lạ với chúng ta bây giờ. Nhưng về những bài hát nguyên gốc, những dị bản của lời hát thì chưa hẳn nhiều người đã biết. Lời bài hát mà ca sĩ Lộc Vàng thể hiện nhiều khi khác hoàn toàn những lời hát mà các ca sĩ chuyên nghiệp hát trên sân khấu. Và hơn nữa là có những bài hát mà ta chưa từng nghe ở đâu. dù có cố gắng tìm kiếm trên sạp đĩa, ở trên mạng, nhưng mong muốn được nghe bài Tâm Sự của Đoàn Chuẩn chẳng thể nào tìm thấy. Chỉ thấy một đoạn lời ngắn, không có lời hát.
Hôm qua tỉ tê chú Lộc cho nghe bài đấy, may là chú đồng ý hát cho nghe.
Một phút yêu lầm Cô Tô mất
Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai.
Thật lạ, khi bài Tâm Sự lại là nhạc phẩm gần như cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ tài danh Đoàn Chuẩn, lại có những phút hối tiếc như vậy. Từ niềm tin mãnh liệt vào tình yêu được khẳng định trong bài '' Gửi người em gái'' như '' rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ..nụ cười trong gió sớm, tôi đứng chờ em, bên cầu Hiền Lương.'' Một niềm tin yêu chắc chắn đầy tính lạc quan cách mạng như thế, bỗng nhiên ở nhạc phẩm Tâm Sự sau này, lời nhạc của Đoàn Chuẩn chứa đầy hối tiếc như vậy. Không những thế lời kết của bài hát như câu hỏi đầy trách oán
- Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi.?
Ngày thống nhất đã đến rồi. Sao Đoàn Chuẩn bất ngờ nhắc nhớ tới những điển tích nước mất, nhà tan vì tình yêu mông muội của các bậc quân vương như Ngô Vương Phù Sai, Đường Minh Hoàng.?
Một nhạc phẩm khá lạ so với những nhạc phẩm thường thấy ở Đoàn Chuẩn.
Có lẽ vì khó tìm ra câu hỏi , cho nên những nhà chức năng văn hoá đã không phổ biến nhạc phẩm này của ông.
Thuở ấy tình yêu chưa vướng lưới
Thời gian chưa đủ xoá niềm tin...
Hãy lắng nghe Tâm Sự của Đoàn Chuẩn qua lời ca của chú Lộc Vàng, và cảm nhận nỗi niềm người nhạc sĩ muốn gửi gắm về một mùa thu đến rất bất ngờ, khi mà hoa phù dung ( một loại ma tuý ) tràn ngập, làm người mê đắm vào những tình yêu nước mất, nhà tan.
Tình yêu đôi lứa bao giờ cũng đẹp, nhưng chuyện tình yêu khiến vong quốc cũng đáng trách nhất dù rất đẹp.
Lãng đãng đầu đông GIÓ nổi !
Trả lờiXóa