LÊ DIỄN ĐỨC - Khoả thân phản kháng ở Cần Thơ: Những bi kịch đau lòng sẽ còn tiếp diễn
Tôi thật sự bàng hoàng, sau đó lặng người đi, suy ngẫm, khi nhận được tin hai người phụ nữ đã khỏa thân, ngăn cản phương tiện thi công đi vào phần đất của gia đình mà trên đó họ đã sống mấy chục năm, tại Cần Thơ, trưa ngày 22/5/2012.
Phần đất của họ nằm trong khu vực cưỡng chế thu hồi cho dự án xây dựng Khu dân cư Hưng Phú, do Công ty Cổ phần Xây dựng số 8, thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư.
Thực ra hình thức khoả thân phản kháng đòi hỏi quyền lợi, hoặc biểu lộ chính kiến chằng có gì lạ, không những được áp dụng bởi nữ giới mà cả nam giới.
Trước khi nói về sự kiện đau lòng tại Cần Thơ, chúng ta xem một số hình ảnh của hình thức phản kháng này trên thế giới. Và cuối cùng tại Cần Thơ:
Nữ hoàng Carnival Brazil Viviane Castro với hình Tổng thống Barack Obama được vẽ trên đùi trái trong lễ hội Carnival ở Sao Paulo, Brazil, ngày 21/2/2009. Chữ Bồ Đào Nha “Vendese” trên bụng của Viviane có nghĩa là “For Sale” (Ảnh: Folha Imagem, Lalo de Almeida).
Hai người phụ nữ Việt Nam trong 2 tấm hình cuối, một là bà Phạm Thị Lài, sinh năm 1960, ngụ tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, người thứ hai là bà Hồ Nguyên Thủy, sinh năm 1979, con ruột của bà Lài, hiện đang làm kế toán ở một công ty kinh doanh vật tư xây dựng.
Như chúng ta thấy, hình thức khoả thân phản kháng khá phổ biến trên thế giới, nhưng trong thực tế không quốc gia nào khuyến khích nơi công cộng.
Tuy nhiên, trong những trường hợp với phụ nữ, ở các nước dân chủ, văn minh phương Tây, lực lượng giải tán biểu tình của nhà cầm quyền thường cố gắng tối đa để không bị dư luận cáo buộc có hành động thô bạo.
Thẳng tay đàn áp, bất kể là phụ nữ hay trẻ em, thường xảy ra ở các nước có chế độ độc tài, chuyên chế. Việt Nam là một trong số đó. Các ví dụ rất nhiều và có thể chứng minh dễ dàng qua công cụ tìm kiếm Google.
Khoan hãy nói đồng tình hay phản đối hình thức phản kháng của bà Lài và bà Thuỷ, nhìn hình ảnh những người phụ nữ trần truồng, yếu đuối và đáng thương bị kéo lê lết trên đất đá như một con vật, quả là đám vệ sĩ đã mất hết tính người!
Người có một chút lương tâm thôi sẽ đặt câu hỏi vì sao nên nỗi mà người dân phải chống lại bất công bằng cách sử dụng hình thức đau xót, xa lạ với thuần phong mỹ tục của người Việt như thế, và sẽ ý thức được hành động thích ứng của mình.
Cụ bà Lê Hiền Đức, một công dân chống tham nhũng nổi tiếng và có uy tín với đông đảo dân oan, đang quan tâm tới việc này, viết trên Blog mình:
“Đang trong trạng thái “lõa thể”, bà Lài nói trong nước mắt uất nghẹn: “Đất của gia đình vợ chồng tôi dành dụm, mua bằng tiền mồ hôi nước mắt để cất nhà sinh sống, làm ruộng, trồng rau, nuôi gà… cả mấy chục năm rồi. Công ty địa ốc vào đây tự đưa ra giá rồi ép chúng tôi nhận tiền mà không cho chúng tôi quyền được thỏa thuận mua bán. Ủy ban còn hỗ trợ Công ty, dùng lực lượng Công an cưỡng chế đất tôi giao cho công ty. Chồng tôi sức yếu thế cô chỉ biết tự tử để phản đối. Giờ mẹ con tôi biết làm gì ngoài việc lột hết đồ đạc, ráng chịu nhục nhã để phản đối họ?! Nhục lắm mấy cô mấy chú ơi!”.
Tại sao những kẻ đại diện cho quyền lực, lợi ích của chế độ hôm nay lại có thể tàn nhẫn, dã man với nhân dân như thế? Trong giai đoạn còn phải ăn nhờ ở đậu vào dân, họ có vẻ thích thú hình thức này lắm cơ mà!
Tôi nhớ hồi chiến tranh chống Mỹ, những người sống ở miền Bắc kể cho nhau nghe và tự hào về “Đội quân tóc dài” ở miền Nam. Báo chí còn hả hê thuật lại những cuộc biểu tình chống chế độ Sài Gòn trong đó những người phụ nữ miền Nam “phẫn nộ không ngần ngại tụt quần trườn mặt những tên ác ôn mặt dày mày dạn làm chúng phải cúi mặt bỏ đi“.
Trong bài “Hành xử trong chế độ ta và chế độ Ngụy“, blogger Đông A mỉa mai:
“Dưới chế độ Ngụy những tên ác ôn mặt dày mày dạn đã cúi mặt bỏ đi trước những người phụ nữ lõa thể, nhưng ở chế độ ta những người ngày ngày được nghe tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn hăng hái xông vào lôi kéo những người phụ nữ trần truồng. Đấy là điểm khác nhau giữa chế độ ta và chế độ Ngụy. Không biết những người phụ nữ trong đội quân tóc dài ngày xưa đấy giờ ra sao, có kinh nghiệm gì truyền lại cho chị em hôm nay không và khi xuôi tay có nhắm mắt được không?“.
Không có gì chính xác hơn để xác định bản chất của nhà cầm quyền và tất cả những kẻ đang cộng sinh trên nó, là sự trở mặt và phản bội. Họ đã thực sự biến thành những con thú man rợ trong cuộc tranh giành lợi ích từ những hợp đồng mua bán đất-quyền-tiền.
Giờ đây trên đất nước Việt Nam “cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” (thơ Bùi Minh Quốc) với “ngút trời tiếng khóc xé vành môi bà mẹ, chị em tôi, những người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, để kiếm hạt thóc nuôi con khôn lớn đi đánh giặc giữ nước giữ làng. Giờ Làng Nước có rồi nhưng Đất lại bị đưa vào cuộc bán buôn kiếm chác của những kẻ chức quyền tham lam vô độ, vô nhân” (nhà văn Thuỳ Linh).
Đến mức một nguời đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) từ những ngày đầu, vinh dự được Hồ Chí Minh đặt cho cái tên với hai chữ “Hiền” và “Đức” (cụ Lê Hiền Đức), đã phải thốt lên:
“Tình cảnh người dân Việt Nam hiện nay còn kém cả thời chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô hộ của thực dân, phát-xít“. [5]
Nếu có một quốc gia nào giống Việt Nam thì cũng vô cùng hiếm hoi, nơi mà chỉ trong vòng 4 năm thôi (2008-2011) “đã có hơn 1,57 triệu lượt người đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại tố cáo, với gần 673 ngàn đơn thư, trên 70% liên quan đến đất đai, còn ở Bộ Tài nguyên – Môi trường, tới 98% hàng năm?
Bất công và oán hận ngút ngàn, người nông dân phải vùng lên bằng mọi khả năng có thể của thân phân nô lệ. Tiếng súng từ Tiên Lãng (Hải Phòng), của gia đình Đoàn Văn Vươn như một chất xúc kích, chỉ trong khoảng một tháng sau, số lượt người khiếu kiện tăng 50%, số đoàn đông người tăng 30%“.
Biết bao nhiêu bị kịch đã xảy ra, máu của nông dân, trong đó có cả phụ nữ trẻ em, đã đổ xuống trên những cánh đồng. Nhiều trường tự tử vì quá thất vọng, uất ức và cùng quẫn. Mới hôm 8/5, bà con nông dân ở Vụ Bản (Nam Định) đồng loạt mang vòng tang trắng giữ đất, thì hơn hai tuần sau, ngày 22/5, vụ khoả thân ở Cần Thơ lại mang đậm màu sắc đau thương…
Trên hết mọi khía cạnh, chưa cần nói đến đúng sai của các cuộc cưỡng chế, với hàng núi đơn khiếu nại “cao hơn cả dãy Trường Sơn” từ hơn hai thập niên qua và hệ quả là “dân phải nổ súng, đặt bom, hay tự tử, lột đồ để giữ đất. Nói cách gì cũng là lỗi của chính quyền đã đẩy họ vào bước đường cùng” – Blogger Đào Tuấn viết.
Tôi đồng ý với blogger Đào Tuấn, nhưng nói “lỗi của chính quyền” là quá nhẹ! Chắc vì sống trong nước nên ông không muốn dùng ngôn ngữ mạnh hơn. Còn tôi, tôi gọi đây là tội ác của tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN.
Trong vấn đề xây dựng và phát triển, ở quốc gia nào cũng có vấn đề tranh chấp đất đai, nhưng nơi nào nhà nước công nhận quyền tư hữu và có toà án độc lập phân xử quyền lợi khi có tranh chấp, nơi đó sẽ được giải quyết đúng pháp luật, thoả đáng với lợi ích công cộng, nhưng cũng công bằng với lợi ích của công dân.
Lấy danh nghĩa đất là sở hữu của toàn dân và thống nhất quản lý vào tay nhà nước, ĐCSVN với độc quyền cai trị, trong thực tế đã chiếm đoạt toàn bộ lãnh thổ đất nước làm của riêng cho một đảng phái thiểu số trong 90 triệu người và giữ cho mình toàn quyền ban phát lợi ích.
Cốt lõi của tất cả vấn đề nằm ở đây! Và bất công đi liền với tội ác cũng nằm ở đây!
Cỏ vẫn mọc khi chưa nhổ tận gốc. Sẽ còn nhiều nữa Tiên lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Cần Thơ…
●
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét