Tổng Thống Obama: ‘Ðừng quên blogger Ðiếu Cày’
Người Việt (Washington) - Lên tiếng nhân ngày Quốc Tế Tự Do Báo Chí, Tổng Thống Barack Obama kêu gọi “đừng quên những người khác như blogger Ðiếu Cày” - một trong ba thí dụ ông nêu ra về tình trạng đàn áp báo chí trên thế giới.
Lời lên tiếng được đăng trên trang mạng WhiteHouse.gov của Tòa Bạch Ốc hôm 3 tháng 5 và được tòa đại sứ Hoa Kỳ dịch ra tiếng Việt và công bố tại Việt Nam. Ngày 4 tháng 5, tòa án tại Việt Nam thông báo hoãn phiên xử blogger này.
“Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, Hoa Kỳ vinh danh vai trò của báo chí tự do trong việc tạo ra những nền dân chủ bền vững và các xã hội thịnh vượng,” Tổng Thống Obama nói. Nhưng ông tiếp, “các vụ bắt bớ và giam giữ tùy tiện các nhà báo vẫn diễn ra trên toàn cầu.”
Tổng Thống Obama nêu 3 trường hợp cụ thể: Nhà tranh đấu cho tự do ngôn luận Mazen Darwish, bị cầm tù tại Syria; blogger Ðiếu Cày; và nhà báo Dawit Isaak ở Eritrea bị biệt giam hơn 10 năm nay.
Ông nói, “Chúng ta không được quên những người khác như blogger Ðiếu Cày, người bị bắt giữ vào năm 2008 trùng với cuộc trấn áp hàng loạt đối với báo chí công dân ở Việt Nam.”
Tổng Thống Obama cũng nói tới những nhà báo tuy chưa bị bắt nhưng bị đe dọa hay quấy nhiễu, hoặc bị kiểm duyệt gắt gao, như nhà báo Cesar Ricaurte người Ecuador, nhà hoạt động dân chủ lưu vong Natalya Radzina người Belarus, và blogger Yoani Sanchez người Cuba.
“Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới,” ông nói, “Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy nắm bắt sự hứa hẹn đó bằng cách công nhận vai trò cốt yếu của một nền báo chí tự do và tiến hành những bước đi để tạo ra các xã hội trong đó các nhà báo độc lập có thể làm việc tự do và không sợ hãi.”
Ông nêu lên mối nguy hiểm khi mất tự do báo chí: “Cho dù nguyên nhân là gì, khi các nhà báo bị doạ dẫm, tấn công, bỏ tù, hay biến mất, các cá nhân bắt đầu tự kiểm duyệt, nỗi sợ hãi thay thế cho sự thật, thì tất cả các xã hội chúng ta đều đau khổ.”
Blogger Ðiếu Cày, tên thật là Nguyễn Văn Hải, là một blogger sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Ông tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Năm 2008, ngay trước khi đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh rước qua Việt Nam, ông bị bắt, bị kết tội “trốn thuế” và tuyên án 30 tháng tù. Khi mãn án tháng 10 năm 2010, ông bị bắt lại không được thả, và bị biệt giam không liên lạc được với gia đình từ đó tới nay.
Blogger Ðiếu Cày hiện đang bị truy tố tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Cùng bị truy tố với ông có blogger AnhBaSG tức Phan Thanh Hải, và nhà báo tự do Tạ Phong Tần. Ngày xét xử được thông báo là 15 tháng 5, nhưng đến khoảng 3 giờ chiều ngày 4 tháng 5, giờ Việt Nam, thư ký của Tòa gọi điện báo cho luật sư đại diện Điếu Cày cho biết phiên xử "sẽ hoãn lại."
Nhiều tổ chức nhân quyền thế giới từng kêu gọi trả tự do cho Ðiếu Cày, kể cả Human Rights Watch, Phóng Viên Không Biên Giới, và Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo.
| 6.5.12
***
Điếu Cày nói về Hoàng Sa, Trường Sa:
“Sau khi sự kiện trên xảy ra cần thông tin kịp thời với người dân về tình hình đất nước, cần có biện pháp ngoại giao mạnh mẽ lên án bọn bá quyền Bắc kinh,đưa vụ việc ra cộng đồng quốc tế, tăng cường sự hiện diện của các tàu chiến tại khu vực trên để bảo vệ chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ quốc gia. Sẵn sàng chiến đấu khi bọn Tàu xâm phạm hải phận. Vận động nhân dân quan tâm nâng cao đời sống và tinh thần các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo. Tạo được trào lưu chống xâm lược phương Bắc trong nhân dân mới dễ dàng huy động sức người sức của cho công cuộc chống xâm lược. Về lâu dài cần coi lại chính sách ngoại giao thân Tàu, nâng cao cảnh giác và đưa ra một số hạn chế đối với việc công dân Tàu làm các dự án trong khu vực giáp biên giới hai nước. Tôi đã thấy một dự án của bọn Tàu chiếm một đoạn dài trên bãi biển Trà cổ, chúng khoanh lại độc lập với cả khu vực, bờ biển hướng sang Vạn Mỹ của Tàu. Từ Vạn Mỹ qua Bãi Trà cổ chỉ mất 10 phút với xuồng cao tốc, như vậy chỉ còn 5 phút đường biển từ đường ranh giới vào bờ, thật là lý tưởng cho một bãi đổ bộ an toàn. Nếu chúng bí mật xây dựng các ổ đề kháng tại đây thì chúng đã có sẵn một đầu cầu trước khi đổ bộ. Còn nhiều nhiều nữa những dự án mang màu sắc kinh tế nhưng không có tầm nhìn chiến lược, an ninh trong những khu vực trên không còn trong tầm kiểm soát của ta. Bọn Tàu rất thâm độc trong những trò đưa dân làm kinh tế tràn ngập nhiều vùng biên giới những nước lân cận với ta như Căm pu chia. Thật là sơ hở khi coi thường những cảnh báo mà nhắm mắt gật đầu vì bổng lộc trước mắt sẽ để nhiều di họa về sau.”
“Quan điểm của tôi là:
Khẳng định Hoàng sa và Trường sa là của Việt nam với đầy đủ chứng cứ thuyết phục. Không bao giờ ký hiệp định trên biển với Tàu khi nó chưa trả Hoàng sa cho ta.Nó dùng sức mạnh quân sự chiếm nhưng ta không bao giớ công nhận.KHÔNG BAO GIỜ.
Ngoài việc không công nhận phải công bố bản đồ xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo. Phải đưa đầy đủ thông tin về chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng sa và Trường sa vào sách lịch sử và địa lý của học sinh để dạy cho thế hệ sau.Nếu hôm nay chúng ta không đòi được Hoàng sa thì con cháu chúng ta đòi. AI, THẾ LỰC NÀO XÓA BỎ NHỮNG THÔNG TIN ĐÓ TRÊN SÁCH VỞ HỌC TRÒ SẼ LÀ TỘI ĐỒ CỦA DÂN TỘC.”
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét