Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Nguyễn Quốc Quân có phải khủng bố?





Nguyễn Quốc Quân có phải khủng bố?


Cập nhật: 06:32 GMT - thứ ba, 1 tháng 5, 2012




Ông Quân được nói là 'bất chấp hiểm nguy' để về Việt Nam trong những năm gần đây


Báo Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam, vừa có bài viết tấn công Đảng Việt Tân và ông Nguyễn Quốc Quân, thành viên đảng này, người vừa bị cáo buộc ‘khủng bố chống chính quyền nhân dân’.

Dưới tiêu đề ‘Thất bại mới của tổ chức phản động Việt Tân’, bài báo đăng vào hôm thứ Hai ngày 30/4 này lên án ‘bản chất cố hữu’ của Việt Tân và ông Quân là khủng bố.

Trước đó, hôm thứ Bảy 28/4, Bộ Công an Việt Nam đã loan báo bắt tạm giam ông Quân bốn tháng vì họ phát hiện ‘âm mưu’ của ông Quân định kích động biểu tình chống chính quyền nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4.


‘Nợ máu với nhân dân’

“Đây là một bằng chứng khẳng định thêm bản chất khủng bố và phản động cố hữu của tổ chức Việt Tân nhằm chống phá công cuộc xây dựng đất nước và giữ vững hòa bình, ổn định của nhân dân Việt Nam,” bài báo viết.

Công an nhân dân gọi Đảng Việt Tân là ‘đám tàn binh, bại tướng từng có nhiều nợ máu với nhân dân’ và ‘ráo riết chỉ đạo...thực hiện các hoạt động chống phá, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam.’

Bằng chứng ‘khủng bố’ của đảng này mà báo Công an nhân dân đưa ra là họ đã ‘tổ chức nhiều đợt đưa người và vũ khí xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam’ trong khoảng thời gian từ năm 1982 cho đến 1989.

Riêng về ‘tội khủng bố’ của ông Quân, Công an nhân dân cho biết Đảng viên Việt Tân này có nhiệm vụ ‘huấn luyện phương pháp đấu tranh bất bạo động’ và ‘phát triển người cho tổ chức thông qua giảng dạy kỹ năng mềm’.


"Đây là một bằng chứng khẳng định thêm
bản chất khủng bố và phản động cố hữu
của tổ chức Việt Tân nhằm
chống phá công cuộc xây dựng đất nước
và giữ vững hòa bình, ổn định
của nhân dân Việt Nam."

Báo Công an nhân dân


Bài báo nhắc lại ông Quân đã từng bị kết tội ‘khủng bố’ một lần vào năm 2006 khi ông từ Campuchia xâm nhập vào Việt Nam phát tán truyền đơn và bị Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án 6 tháng tù.

Các truyền đơn mà ông Quân phát tán lúc đó có nội dung thúc đẩy hành động đối kháng dân sự theo tinh thần của Mahatma Gandhi và của các phong trào bất bạo động đã giúp lật đổ các chế độ cộng sản ở Đông Âu.

“Sau khi bị trục xuất năm 2008, (ông Quân) vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá Nhà nước Việt Nam. Quân thường xuyên sang Malaysia, Thái Lan để huấn luyện cho các thành viên Việt Tân kỹ năng bảo mật thông tin và phương pháp đấu tranh bất bạo động,” bài báo viết.


‘Bất chấp nguy hiểm’




Chính quyền Việt Nam rất cứng rắn với hoạt động của Việt Tân



Trong khi đó, trang mạng của tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 30/4 cũng đăng bài viết bình luận về tội danh ‘khủng bố’ của ông Quân và tác động của vụ bắt giữ này đối với quan hệ Việt – Mỹ.

“Hà Nội có xu hướng bắt giữ các công dân Hoa Kỳ vì những ‘tội’ mà không phải là tội ở bất cứ quốc gia bình thường nào,” WSJ nhận xét.

“Khủng bố ở Đông Nam Á là một mối quan tâm hàng đầu của Mỹ, tuy nhiên Việt Nam có định nghĩa khác biệt hoàn toàn về khủng bố vốn bao gồm luôn cả các hoạt động chính trị ôn hòa.”

“Trong khi Hà Nội mô tả Việt Tân là một tổ chức khủng bố thì Washington nhìn nhận tổ chức này là một đảng phái chính trị,” bài báo viết và cho biết Việt Tân không nằm trong bất kỳ danh sách theo dõi nào của Hoa Kỳ và được phép hoạt động công khai ở Mỹ.

Do đó, ông Quân được các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam hỗ trợ, WSJ cho biết.

WSJ nhận xét ‘phiên tòa trình diễn’ xét xử ông Quân vào năm 2008 đã cho thấy phần nào quyết tâm của ông này muốn ‘tạo dựng một nước Việt Nam tốt đẹp hơn’.


"Hà Nội có xu hướng bắt giữ các công dân Hoa Kỳ
vì những ‘tội’ mà không phải là tội
ở bất cứ quốc gia bình thường nào."

Wall Street Journal


Kể từ đó, bất chấp nguy hiểm ông Quân đã một vài lần về Việt Nam.

The Modesto Bee, một tờ báo của bang California nơi ông Quân cư trú, dẫn lời bà Ngô Mai Hương, vợ ông Quân, rằng trước khi về Việt Nam ông Quân đã nói với vợ rằng ông về lần này để thăm chị.

“Tôi rất sợ khi anh ấy quyết định về, nhưng anh ấy nói nếu chính quyền không muốn thì họ có thể trục xuất,” bà nói, “Tại sao họ lại cấp thị thực cho anh ấy?”

Bà Hương cho biết bà đã gọi Tòa lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh và được cho biết rằng chính quyền không chỉ định luật sư cho ông Quân.

“Đã 12 ngày qua tôi chỉ khóc và lo lắng, nhưng tôi biết chồng tôi không làm gì sai cả,” bà Hương nói với tờ The Modesto Bee.


Nguyên tắc bất bạo động

Tờ báo này cũng nhắc lại cuộc phỏng vấn với ông Quân vào năm 2008 sau khi ông bị trục xuất khỏi Việt Nam về lại California.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Quân nói ông không phải là khủng bố mà chỉ viết một tài liệu dài hai trang với nhan đề ‘Đấu tranh bất bạo động: Phương cách để xóa bỏ chế độ độc tài và tạo tiền đề cho dân chủ.”


"Tôi rất sợ khi anh ấy quyết định về,
nhưng anh ấy nói
nếu chính quyền không muốn
thì họ có thể trục xuất.
Tại sao họ lại cấp thị thực cho anh ấy."

Ngô Mai Hương, vợ ông Nguyễn Quốc Quân


Các truyền đơn này kêu gọi người dân phản kháng lại chế độ đồng thời cũng nhắc nhở họ ‘trung thành với nguyên tắc bất bạo động’.

Cũng trong cuộc phỏng vấn năm 2008, ông Quân đã ca ngợi những nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam là ‘anh hùng thật sự’.

“Tôi chỉ đi theo con đường của họ. Tôi hy vọng tất cả người Việt ở hải ngoại ủng hộ tôi hãy lưu tâm đến những người sẵn sàng dấn thân vì họ muốn có một đất nước tự do,” The Modesto Bee dẫn lời ông Quân.

Về tác động của vụ bắt giữ này đối với quan hệ Việt – Mỹ, WSJ cho biết Washington đang lưu ý trường hợp của ông Quân cũng như các nhân vật khác trong khi các quan chức nước này đang hoạch địch ‘giai đoạn kế tiếp’ trong mối quan hệ song phương.



Nhiều đảng viên Việt Tân đã bị Việt Nam xét xử



WSJ cũng nhắc lại vụ bắt giữ ông Quân lần trước đã khiến cho các nghị sỹ Hoa Kỳ viết thư kháng nghị lên ngoại trưởng khi đó là bà Condoleezza Rice.

Nếu lần này vụ việc của ông Quân kéo dài thì có thể các nghị sỹ Mỹ sẽ có hành động tương tự, WSJ cho biết.

“Tại sao chính quyền (Hà Nội) lại bắt giữ vào lúc này vẫn là một ẩn số.”

Hà Nội ra thông báo bắt ông Quân ngay sau khi cuộc trao đổi hải quân Việt – Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh trên Biển Đông vừa kết thúc – một hoạt động mà Hà Nội ‘hài lòng’, theo WSJ.

“Tuy nhiên chính quyền cộng sản Việt Nam có cách thể hiện (sự hài lòng) rất lạ lùng,” bài báo viết và dẫn chứng Hà Nội loan báo bắt giữ ông Quân chỉ ngay sau khi các cuộc diễn tập hải quân kết thúc.


"Tôi hy vọng tất cả người Việt ở hải ngoại ủng hộ tôi
hãy lưu tâm đến những người sẵn sàng dấn thân
vì họ muốn có một đất nước tự do."

Nguyễn Quốc Quân


“Washington không nên e dè trong việc yêu cầu Hà Nội cải thiện thành tích nhân quyền như là điều kiện của mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn mà chính quyền Việt Nam hiện rất coi trọng,” bài báo viết.

Ông Quân, 59 tuổi, từng là giáo viên dạy toán trung học ở Việt Nam trước khi ông vượt biên bằng tàu cá vào năm 1981.

Ông đến Raleigh, bang North Carolina và lấy bằng tiến sỹ năm 1986 ở Đại học North Carolina. Hiện tại ông đang sống cùng vợ và hai con trai tại Elk Grove, California và làm việc cho một công ty công nghệ thông tin.

Ông là một Đảng viên lâu năm của Việt Tân, tức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng, có trụ sở tại California. Đảng này nói chủ trương của họ là thiết lập nền dân chủ cho Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình.



Các bài liên quan
Chủ đề liên quan

BBC




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét