Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

PHẠM THỊ HOÀI - Đọ sức







Đọ sức

Tháng 5 24, 2012
Phạm Thị Hoài



Đó là một cuộc đọ sức giữa hai đối thủ hoàn toàn không cân xứng: bên này là một nhà nước đầy quyền lực, sức mạnh và sẵn sàng nghiền nát bất kể ai và bất kể điều gì nó không ưng ý; bên kia là một con người bình thường, một cá nhân vô danh nhỏ bé.


Cuộc đọ sức không diễn ra ở lĩnh vực thường được gọi là chính trị. Bạn, cá nhân nhỏ bé kia chưa bao giờ là một nhà chính trị, lại càng không là một kẻ âm mưu, một kẻ chống phá nhà nước. Suốt cuộc đọ sức, bạn ở vị trí phòng thủ, không muốn gì hơn là được giữ những gì mà bạn coi là tính cách của mình, cuộc đời của mình và danh dự cá nhân của mình, dù hay hay dở.



Những thứ ấy đều bị nhà nước thường xuyên xâm phạm, bằng những phương tiện thừa thô thiển và lố bịch, nhưng không bao giờ thiếu dã man. Trấn áp và đe dọa, để buộc bạn phải từ bỏ bạn bè cùng chí hướng, phải gột rửa quan điểm riêng để tiếp thu những quan điểm theo chỉ đạo, phải xưng hô không như bạn thuận miệng, phải sinh hoạt trái với sở thích, phải dành thời gian cho những hoạt động mà bạn ghê tởm, phải tham gia những phong trào mà bạn dị ứng, phải học tập những tấm gương mà bạn chán ghét, phải tuân thủ những quy định mà bạn thấy phi lí, phải tán thành những điều mà bạn cho là ngu xuẩn… Và nhất là phải đầy biết ơn và hân hoan khi được nhà nước cho phép làm tất cả những điều phải làm đó.


Nhưng bạn không chịu. Bạn chẳng tha thiết với vai nạn nhân và không sắm sửa gì cho nó. Không bẩm sinh là một người hùng, lại càng không bẩm sinh là một kẻ tuẫn nạn, bạn thuần túy là một con người bình thường, với nhiều nhược điểm, đã thế lại còn là sản phẩm của một thời bạc nhược. Nhưng đơn giản là bạn không chịu. Và thế là bạn chấp nhận đọ sức. Chẳng sung sướng gì, đúng ra là phải tặc lưỡi mà chấp nhận, nhưng với một quyết tâm thầm lặng là không đầu hàng. Bạn yếu hơn đối thủ rất nhiều, đương nhiên, nhưng bạn lại linh hoạt hơn. Trong khi cái nhà nước đồ sộ cồng kềnh kia cần kha khá thao tác để có thể vặn cổ bạn thì bạn đã thụp xuống rồi lại vọt lên nhiều lần. Bạn biết né đòn và đánh lạc hướng. Bạn biết giữ thăng bằng và thoát hiểm trong gang tấc. Và ở bước đường cùng bạn cũng biết đem những phần thân thể đã trơ đòn ra chịu trận để che chở cái lõi nhạy cảm nhất, trong tận cùng tâm hồn bạn, cái làm nên con người cá nhân của bạn và bạn quyết giữ không cho nhà nước xâm phạm.


Cuộc đọ sức của bạn với cái nhà nước đó không phải là trường hợp cá biệt. Từ hơn nửa thế kỉ nay tại Việt Nam, hàng ngàn hay hàng trăm ngàn những cuộc đọ sức như thế đã diễn ra ở nhiều phạm vi và cấp độ; mỗi cuộc là một cá nhân đơn lẻ chỉ tìm cách bảo vệ danh dự riêng và con người cá nhân của mình, chống lại sự xâm phạm của một nhà nước hằn thù và siêu quyền lực; mỗi cuộc đều tuyệt đối cô lập và đóng kín trước công luận. Một số người, có thể nhiều khí chất anh hùng hơn hay quyết tuẫn nạn hơn, đã đi xa hơn bạn: họ đã vào đến trại cải tạo và nhà tù, đã đứng trong danh sách dự bị cho những tượng đài tương lai. Những người khác thì bỏ cuộc sớm hơn. Từ lâu họ đã trở thành những đảng viên cáu kỉnh hay các cán bộ tuyên truyền trệu trạo nhai sống khẩu hiệu và phàn nàn về rối loạn tiêu hóa.

*

Phần lớn đoạn văn trên đây không phải của tôi. Tôi chỉ diễn đạt lại và đặt vào khung cảnh Việt Nam lời mở đầu cuốn tự truyện của một người Đức thời Quốc xã[1]. Khi Hitler lên cầm quyền, tác giả là một sinh viên luật mới ra trường và đang thực tập tại Kammergericht, Tòa Thượng thẩm Berlin, biểu tượng kiêu hãnh của nền luật pháp Đức trước khi cuộc cách mạng màu nâu đồng hóa mọi lãnh vực xã hội vào ý hệ và tổ chức Nazi. Những tháng chứng kiến sự tàn phá thiết chế luật pháp tối cao, đầy uy tín và truyền thống này là trải nghiệm then chốt, khiến chàng thanh niên 25 tuổi Sebastian Haffner, con nhà lành, ít quan tâm đến chính trị hơn văn chương nghệ thuật, quyết định đọ sức với cái nhà nước tử thần đó. Tòa thượng thẩm ấy nổi tiếng vì 150 năm trước đó, hội đồng thẩm phán của nó đã thà vào nhà đá chứ quyết không vì lệnh vua mà sửa một bản án mà họ tin là đúng đắn. Huyền thoại kể rằng, khi xây dựng cung điện mùa hè nổi tiếng Sans Soucis ở Potsdam, vị vua Phổ cũng đầy huyền thoại là Friedrich Đại Đế muốn phá chiếc cối xay gió ở gần lâu đài để giải phóng mặt bằng. Vua ngỏ ý muốn mua lại. Chủ cối xay gió không muốn bán. Vua dọa, ngươi không bán thì ta tịch thu. Chủ cối xay gió đáp: Vâng, nhưng xin bệ hạ đừng quên rằng còn có Tòa Thượng thẩm Berlin. Đến hôm nay chiếc cối xay gió ấy vẫn còn nguyên, ngay cạnh lâu đài vua Phổ. Vài tháng sau khi thay máu Quốc xã, cũng Tòa Thượng thẩm ấy chỉ còn là sân khấu cho những phiên tòa phô diễn của Tòa án Nhân dân (Volksgerichtshof).


Sebastian Haffner lưu vong năm 1938, khi nước Đức Quốc xã ở đỉnh cao quyền lực. Ông đã không thắng trong cuộc đọ sức. Bảy năm sau, đối thủ của ông đầu hàng.


© 2012 pro&contra



[1] Sebastian Haffner, Geschichte eines Deutschen. Die Erinnerungen 1914-1933, dtv, München 2002




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét