Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

TNLT Tạ Phong Tần trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngày Nay



TNLT Tạ Phong Tần trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngày Nay











GNsP (19.10.2015) – 1. Thưa Chị, câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được gửi tới Chị là: Xin Chị vui lòng cho nghe lại cảm tưởng đầu tiên của Chị khi đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ như thế nào?


Tôi vui mừng, xúc động lẫn lộn với lo lắng.


2. Chị có nhận định như thế nào về cuộc đón tiếp của cộng đồng người Việt hải ngoại dành cho Chị trong bước đầu tiên ấy?


Rất là xúc động. Tôi không ngờ cộng đồng người Việt hải ngoại lại dành cho tôi nhiều tình cảm đến như vậy. Tôi nghĩ đó là những tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim, giữa những con người yêu chuộng tự do dân chủ với nhau, không vụ lợi. Bởi lẽ chính bản thân tôi chưa hề làm điều gì có ích cho cộng đồng người Việt hải ngoại cả. Tôi cũng không có địa vị, tiền bạc, tài sản gì để họ mưu cầu lợi ích ở tôi.


3. Thưa Chị, như Chị đã biết, lý do Chị dời bỏ quê hương ra đi đã được giới truyền thông và dư luận gọi bằng nhiều cái tên:

– Bị CSVN trục xuất ra khỏi nước;

– Được các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các nước Tây phương gây áp lực lên nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho Chị,

– Chị ra đi là để tìm đường đấu tranh cho quê hương dân tộc,

– Chị là “vật” trao đổi giữa Hoa Kỳ và CSVN,

– Và bằng nhiều từ ngữ khác nữa…

Theo Chị, danh xưng nào gần nhất với ý nghĩa về chuyến ra đi của Chị?


– Thứ nhất, tôi đính chính lại đó không phải là “danh xưng”, danh là tên, danh xưng là tên gọi do tôi tự đưa ra, nếu có người khác gán ghép cho tôi cũng không gọi là danh xưng, mà là danh hiệu, biệt hiệu. Những điều anh vừa nói phải gọi là “ý kiến khác biệt” của nhiều nhóm người đưa ra về tôi.

– Thứ hai, tôi không phải là công dân nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam mang quốc tịch Việt Nam, pháp luật Việt Nam hiện hành không có điều khoản nào quy định được phép “trục xuất” tôi ra khỏi đất nước Việt Nam; Tôi đồng quan điểm với ý kiến cho rằng “Được các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ các nước Tây phương gây áp lực lên nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do”; Tôi không ra đi để “tìm đường” gì cả, trong những cái tệ tôi phải chọn cái nào đỡ tệ hơn, đơn giản là tôi không muốn lãng phí thời gian ngồi không ở trong tù, nghề nghiệp của tôi là làm báo tự do, tôi muốn tiếp tục thực hiện đam mê của mình và đấu tranh cho tất cả người Việt quốc nội có được cái hạnh phúc tự do báo chí như tôi; Tôi đã nhiều lần tự nhận mình là “con tin” của nhà cầm quyền CSVN dùng để “mặc cả” với Chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, dùng từ “con tin” hay “vật trao đổi” ý nghĩa tương tự như nhau, nhưng từ “con tin” dành chỉ con người, từ “vật” đơn giản để chỉ đồ vật mà thôi;


4. Trả lời cuộc phỏng vấn của Đài VOA ngày 22 tháng 9 vừa qua, Chị cho thấy Chị đã tiên liệu được rằng “… ra nước ngoài việc đấu tranh sẽ còn khó khăn hơn…”Vậy thì động lực nào đã khiến Chị quyết định rời xa môi trường tranh đấu tại quốc nội để chấp nhận cuộc sống lưu đầy này?


Đúng là ra nước ngoài tôi gặp nhiều khó khăn hơn. Tôi phải tự lo cho mình nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, học tiếng nước ngoài khi tuổi đã không còn trẻ, thay đổi thói quen nghề nghiệp… để thích ứng với môi trường mới. Có “an cư” thì mới “lạc nghiệp” được. Đồng thời với những việc ấy tôi phải tiếp tục công việc trước kia của tôi, và còn phải cố gắng gấp nhiều lần hơn để bù lại thời gian đã mất vô nghĩa khi ở trong tù. Còn anh hỏi tôi “động lực nào” xin mời xem lại câu trả lời ở trên.


5. Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, Chị có cho biết trước khi rời trại giam ra phi trường để qua Mỹ, Chị đã “giằng co” với cộng an trại giam đòi cho bằng được “cái thau nhôm và hai cái thùng”.Nhưng khi ra tới phi trường thì họ không cho mang lên máy bay.

Thưa Chị, mấy vật này có gì đặc biệt mà chỉ tranh đấu quyết liệt để đòi cho bằng được như vậy?


Hai cái thùng và cái thau đó là tài sản cá nhân của tôi, tôi mất tiền mua thì tôi phải lấy đi, không cho bọn chúng hưởng không bất cứ cái gì, thà đem ra sân bay rồi liệng bỏ cũng được. Cái thau nhôm cũng vậy, tuy là nó móp méo không còn hình dạng cái thau nữa nhưng đó là thứ tôi dùng để đập ầm ầm mỗi ngày mà đấu tranh với bọn công an trại 5 Thanh Hóa.


6. Cũng qua cuộc phỏng vấn ngày 22 tháng 9 với Đài VOA, Chị có cho biết là Chị và anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cầy) sẽ kiện CSVN ra tòa án quốc tế về vụ giam giữ trái phép.

Thế nhưng, cũng có người cho rằng trên mặt đất này nếu có chỗ nào có thể kiện được CS, thì chắc các cuộc vượt biên vượt biển bỏ nước ra đi sẽ không còn nữa.

Thưa Chị, Chị nghĩ sao về ý kiến này?


– Thế tôi hỏi lại anh rằng từ trước đến nay đã có ai nộp đơn khởi kiện nhà nước CSVN giống như tôi chưa? Chưa đúng không? Vậy thì tôi sẽ là người châm ngọn lửa đầu tiên vào cái khu rừng CSVN âm u ấy. Nếu tôi không thể làm cho nó cháy trụi ngay tức khắc thì cũng làm cho hàng triệu triệu người giơ cao ngọn đuốc tiếp bước theo tôi tự mình châm lửa. Bây giờ là thế kỷ 21, khác với cái thời thế kỷ 20. Anh có nhìn thấy người ta xét xử bọn phát xít gây tội ác thời chiến tranh thế giới thứ 2 hay bọn Khmer đỏ ở Campuchia không?


7. Thưa Chị, Chị nghĩ gì về một số người công kích Chị tại hải ngoại này?

Tôi chả suy nghĩ gì cả và không có thời gian để mà suy nghĩ những chuyện vớ vẩn ấy. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ được khoảng 3 – 4 giờ. Việc của tôi tôi cứ làm. Hoa Kỳ là xứ sở của tự do, mỗi người đều có quyền tự do phát biểu chính kiến của mình. Nếu tôi mà bức xúc, lồng lộn lên thì hóa ra tôi còn độc tài hơn cả CSVN à? Nếu xét thấy cần thiết, tôi sẽ kiện cá nhân ấy ra Tòa dân sự, nếu thấy không cần thiết thì thôi.


8. Thưa Chị, ra tới đây, nhìn thấy sự phân hóa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản hải ngoại, Chị có thất vọng không?


Tôi không có gì phải thất vọng, như tôi đã nói ở trên, Hoa Kỳ là xứ sở của tự do. Ngược lại, tôi cảm thấy vui vì người Việt hải ngoại còn có chính kiến, còn có suy nghĩ cá nhân, còn biết vận động đầu óc, còn biết nghĩ về Tổ quốc 4.000 năm của mình, nghĩ về cái quá khứ đau thương của dân tộc mình. Nếu ai cũng y chang như nhau, trong bụng nghĩ khác nhưng ngoài miệng hô khẩu hiệu giống nhau (như ở Việt Nam) thì đó mới là điều đáng buồn.


9. Trong những ngày tháng tới, Chị dự định sẽ làm gì để cho ý nghĩa của chuyến bỏ nước ra đi của Chị, cũng như sự hy sinh cao cả của thân mẫu Chị, không bị bào mòn?


Tôi không bỏ nước ra đi. Như tôi đã nói ở trên, tôi không muốn lãng phí thời gian ở trong tù. Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm được để đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải trả lại quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí mà mấy chục năm nay người dân Việt Nam bị nhà cầm quyền cộng sản tước đoạt bất hợp pháp. Tôi không để cho mẹ tôi hy sinh oan uổng và vô nghĩa. Khi xã hội Việt Nam có thay đổi, tôi sẽ quay về. Ở Hoa Kỳ không thiếu luật sư, tôi mong muốn trở thành một luật sư mang quốc tịch Hoa Kỳ và Việt Nam, không phải để hành nghề ở Hoa Kỳ, mà là hành nghề tại Việt Nam để giúp đỡ cho đồng bào quốc nội.


10. Thưa Chị, là một thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, hơn ai hết, chắc Chị hiểu rõ là công cuộc đấu tranh tư tưởng với CSVN hiện nay, truyền thông là một võ khí tối cần thiết, không thể thiếu, để phá vỡ chiến lược bưng bít thông tin của CS. Thế nhưng, xem ra Chị cũng như qúi anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cầy), Cù Huy Hà Vũ, v.v… thiếu tiếp xúc với quảng đại truyền thông hải ngoại. Phải chăng có một rào cản vô hình nào đó đã làm ngăn cách Chị và qúi anh ấy với giới báo chí, truyền thông hải ngoại?


Thưa với anh là tôi đặt chân đến Hoa Kỳ chưa đầy một tháng, nhưng tôi đã trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, online trực tuyến… Trừ vài chỗ quen biết cũ như báo Người Việt, đài SBTN tại Cali và Canada, Việt Link Radio…, tôi không còn nhớ nổi tôi đã trả lời ở đâu, trả lời ai, thời gian nào nữa. Ngoài ra, tôi còn lập lại trang blog Sự Thật và Công Lý ở địa chỉ này, bất cứ ai cũng có thể tự do ra vào trang này và phát biểu ý kiến. Cái đấy có thể gọi là “thiếu tiếp xúc” hay không?


11. Thưa Chị, đã có người minh danh lên tiếng cho rằng Chị và anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cầy) đã được hai cơ quan truyền thông Việt ngữ tại hải ngoại có thế và có lực, nhưng cũng có tiếng là “thân cộng”, bao thầu. Cho nên qúi anh chị đã không có cơ hội thường xuyên giao tiếp với giới truyền thông Việt ngữ tự do ở hải ngoại.

Thưa Chị, Chị nghĩ sao về việc này?


Tôi không biết anh muốn ám chỉ hai cơ quan truyền thông Việt ngữ hải ngoại nào bị gọi là “có thế lực” và “thân cộng”? “Bao thầu” là “bao thầu” ra làm sao? “Bao thầu” về cái gì? Tôi đang ở Graden Grove, Califonia, nhà riêng của luật sư Trịnh Hội đây. Ai đã nêu ra ý kiến ấy thì tôi nhờ anh mời họ đến mà “bao thầu” tôi, kể cả đứng sau lưng họ là thế lực CSVN với tiền muôn bạc khối, xem họ có đủ bản lĩnh để “bao” và “bao” nổi hay không?



12. Thưa Chị, đây là câu hỏi sau cùng để chấm dứt cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay của chúng tôi:

– Chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn sụp đổ, bị nhân loại liệng vào thùng rác lịch sử ngay tại quê hương của nó và khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ một vài đứa con mồ côi như Cuba, Bắc Hàn, Việt Nam và Trung cộng. Tại Việt Nam, dưới sự thống trị của một chế độ độc tài, hà khắc, tha hóa và thối nát đã 40 năm rồi, kể từ 1975, VÌ SAO nhân dân ta vẫn chưa có một cuộc cách mạng lật đổ bạo quyền cộng sản, mặc dầu đã năm lần bẩy lượt có những cơ hội đến với đất nước chúng ta, như những vụ: Đoàn Văn Vươn, Thái Hà, Vũng Áng, Bình Dương, Đồng Triêm, Dân Oan khiếu kiện, v.v..?


So sánh tương quan lực lượng thì các vụ việc Đoàn Văn Vươn, Thái Hà, Vũng Áng, Bình Dương, Đồng Triêm, Dân Oan khiếu kiện, v.v…anh nêu ra là quá nhỏ bé. Như tôi đã nói ở trên, phải có người đốt ngọn lửa đầu tiên. Hơn 80 triệu người Việt quốc nội vẫn chưa vượt qua được nỗi sợ hãi vô hình bởi những thủ đoạn đàn áp dã man, hèn hạ, bẩn thỉu… (chớ không phái dụng theo chuẩn pháp luật) của nhà cầm quyền CSVN. Tôi chỉ nhắn gởi đến người Việt quốc nội một câu ngắn gọn thôi: “Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống”, ta không quỳ “người ta” có “lớn” được không?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét