Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Thái tử Đảng là “thiếu lành mạnh”?



Thái tử Đảng là “thiếu lành mạnh”?


BBC - 17 tháng 10 2015





Lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự theo lối 'Thái tử Đảng', 'con ông cháu cha' như đang diễn ra tại các Đại hội Đảng bộ tỉnh thành địa phương ở Việt Nam hiện nay là 'không lành mạnh' và 'báo hiệu một thời kỳ yếu' của nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam theo nhà phân tích từ Hà Nội.

Trao đổi với BBC hôm 17/10/2015, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát và phân tích chính trị, xã hội ở Việt Nam nói:

"Về các Thái tử Đảng thì đã thấy rõ thí dụ như con cả ông Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư tỉnh ủy ở một tỉnh ở Đồng Bằng sông Cửu Long (Kiên Giang), thì chắc chắn sẽ vào Trung ương chính thức chứ không phải là dự khuyết như khóa trước nữa.

"Rồi con một ông cựu Ủy viên Bộ chính trị khóa trước (ông Nguyễn Văn Chi) làm Bí thư thứ nhất của (thành Ủy) Đà Nẵng, ông (Nguyễn Xuân) Anh 39 tuổi, chắc chắn cũng sẽ vào Trung ương v.v…


“Nó là một dấu hiệu của một sự cạnh tranh,
một sự lựa chọn nhân sự hết sức không lành
mạnh ở trong bộ máy của Đảng Cộng sản. Và
như thế nó báo hiệu một thời kỳ yếu chứ không
phải là mạnh” -TS. Nguyễn Quang A


"Nó có một điểm mà dư luận khá là bức xúc là chưa bao giờ trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà các Thái tử Đảng được dồn dập cất nhắc và bầu trọn như thế."


Dấu hiệu yếu đi?


Theo Tiến sỹ Quang A, việc lựa chọn theo hình thức trên cho thấy những chỉ dấu mà ông gọi là 'yếu đi', 'không lành mạnh' của Đảng Cộng sản và chính quyền.

Ông nói: "Nó là một dấu hiệu của một sự cạnh tranh, một sự lựa chọn nhân sự hết sức không lành mạnh ở trong bộ máy của Đảng Cộng sản.

"Và như thế nó báo hiệu một thời kỳ yếu chứ không phải là mạnh."

Tin cho hay tại Đại hội Đảng bộ của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra, trong số hai người thân của Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải, đã không có ai được bầu vào các vị trí cao để có thể được 'cơ cấu' tiếp vào các chức vụ lãnh đạo cao trong khóa tới ở Đảng bộ Thành phố này.


Trước nhận định cho rằng có thể việc này diễn ra ngoài dự đoán, kỳ vọng vì Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh 'không phải là nơi đơn giản' hoặc đây có thể là một 'đảng bộ có bản lĩnh', TS. Quang A bình luận tiếp:

"Tôi nghĩ không phải là như vậy, bởi vì ông con của ông bí thư thành ủy đảng cộng sản TP. Hồ Chí Minh bây giờ, ông ấy (Lê Trương Hải Hiếu) vừa xuất hiện cách đây mấy tháng, lên ở một quận, thì tôi nghĩ rằng nó chưa đủ kín để cho người ta nhét (cơ cấu) vào.

"Chứ không phải đấy là một dự định mà không được thực hiện, tôi nghĩ là như vậy," nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự từ Hà Nội nêu quan điểm.



***


BÀI ĐỌC THÊM:

Chọn lãnh đạo “hậu duệ - hạt giống đỏ”?



BBC - 17 tháng 10 2015







Ở Việt Nam đang 'rộ lên' một cung cách lựa chọn, bổ nhiệm quan chức nhà nước, đảng và chính quyền, mà khi lựa chọn 'người ta nhằm trước hết vào gia đình mình', theo một cựu tổng thư ký tòa soạn báo chí từ Sài Gòn.

Bình luận với BBC về việc xuất hiện một cách khá đồng loạt các vụ bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo các cấp tại các đại hội đảng bộ đảng cộng sản ở các tỉnh, thành tại Việt Nam trước Đại hội XII của Đảng Cộng sản, với nhiều lãnh đạo trẻ được cho là 'con ông, cháu cha', nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm việc tại báo Thanh Niên, nói:

"Đang rộ lên chuyện đưa các 'Hạt giống đỏ' hay là người ta gọi là 'Thái tử Đảng' vào các vị trí quan trọng của Đảng, mà trước hết là nằm ở các địa phương, mới đầu từ các địa phương.

"Ví dụ như ông (Nguyễn) Xuân Anh ở Đà Nẵng, ông (Nguyễn) Thanh Nghị ở Kiên Giang, rồi ông (Nguyễn) Minh Triết ở Bình Định, rồi một loạt những Thái tử Đảng khác đang đưa lên ở những chức vụ nhỏ hơn tí như Giám đốc Sở chẳng hạn.

"Nó lộ ra một điều như thế này tức là phát triển nhân sự lãnh đạo nhà nước, nhân sự cho cán bộ nhà nước, cán bộ đảng, thì trước hết người ta nhắm vào chính gia đình của họ.


“Vua ở trung ương thì có quyền theo kiểu
trung ương mà vua ở địa phương thì có
quyền theo kiểu địa phương. Và họ nhắm
phát triển lực lượng của họ, thì họ nhắm
vào con cái của họ... vào hậu duệ là trước”.
-Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh


"Sau đó thì mới nhắm ra các đảng viên bình thường khác, đó là cung cách phát triển nhân sự của đảng cộng sản Việt Nam từ trước tới giờ, nó vẫn ưu tiên cho con cái trong gia đình, người ta gọi là ưu tiên cho truyền thống.

"Và trong dân gian cũng có câu là nhất là hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn rồi mới tới trí tuệ và tôi nghĩ nó cũng đúng luôn trong tình hình này, và bây giờ nó lộ rõ một cách rất công khai và không thể che đậy được nữa," blogger nói với BBC.


Phong kiến, theo Bắc Hàn?


Trả lời câu hỏi liệu việc 'trẻ hóa' lãnh đạo như vậy là tích cực hay là đáng quan ngại, ông Chênh nói thêm:

"Thực ra thì trẻ hóa là rất tốt. Hai mươi, hai mươi lăm, ba mươi mà người ta đã làm lãnh đạo chỗ này, chỗ khác thì rất tốt. Nhưng mà cái trẻ hóa nó phải do chính người trẻ có tài năng thực sự họ chiếm đoạt được vị trí, họ tranh giành được cái vị trí đó.

"Nhưng mà trẻ hóa đây là dựa vào thế lực của gia đình, dựa vào quyền lực của cha ông đi trước rồi sắp đặt đưa mình lên, như kiểu như Kim Jung-un (lãnh đạo Bắc Hàn)..., được bố đưa lên ở tuổi 40 làm Tổng Bí thư, thì ở Việt Nam tôi nghĩ nó cũng vậy, cũng theo cơ chế nó như vậy.

"Họ có quyền và họ sắp xếp, xếp đặt cho con cái mình bất cứ vị trí nào cũng được.

"Đất nước này được lãnh đạo toàn diện và độc quyền của Đảng Cộng sản, cho nên họ có quyền làm như vậy.

"Mà ông Nguyễn Văn An (nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam) hồi trước gọi đây là một chế độ phong kiến mà tập thể vua, có nhiều vua, vua nào thì cũng có quyền của mình.

"Mà nó còn hơn thế nữa là vua ở trung ương thì có quyền theo kiểu trung ương mà vua ở địa phương thì có quyền theo kiểu địa phương.

"Và họ nhắm phát triển lực lượng của họ, thì họ nhắm vào con cái của họ... vào hậu duệ là trước," ông Huỳnh Ngọc Chênh nêu quan điểm.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét