Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Vũ Thư Hiên - “Nguyễn Chí Thiện - một mẩu chuyện đời”



Vũ Thư Hiên - “Nguyễn Chí Thiện - một mẩu chuyện đời”




(Ghi lại vài dòng tặng các bạn yêu thơ Nguyễn Chí Thiện, để các bạn biết thêm một mẩu đời cay đắng của nhà thơ, nhân dịp nhớ ba năm ngày mất của ông)





Nguyễn Chí Thiện
Nguyễn Chí Thiện




Hồi cuối thập niên 70, sau khi được thả ra khỏi nhà tù tôi phải làm đủ thứ việc để sống: dịch thuê, viết mướn, làm thợ cán cao su, đi theo Lê Sĩ Thiện làm tay phanh xe đạp bằng gang dẻo, làm bột nở cho các bà bán cháo quẩy… Và nhiều thứ khác nữa, kể không hết, tức là bất kỳ cái gì đến tay, hoặc nghĩ ra.

Tôi quen Lê Sĩ Thiện trong thời gian ở khoá 6 trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn, khi anh là giảng viên thông tin. Sau năm 1954, anh làm giám đốc nhà máy điện Lào Cai, rồi nghỉ hưu, từng làm đủ thứ và cũng thất bại đủ thứ. May, anh là con dao pha, phàm cái gì thuộc kỹ thuật ứng dụng anh đều biết không nhiều thì ít, làm việc gì cũng có sáng kiến.

Nguyễn Chí Thiện ở tù cùng với tôi tại trại Phong Quang. Tôi ra tù trước anh vài tháng, hoặc nửa năm, tôi không nhớ chính xác, với điều kiện ký hợp đồng tạm tuyển công nhân bốc vác ở Công ty cung ứng vật liệu xây dựng Hà Sơn Bình (tức là Hà Đông, trong cái tỉnh mới gộp chung với Sơn Tây và Hoà Bình, theo lệnh của tổng bí thư Lê Duẩn). Tuy nhiên, tôi không ở nhà tập thể của công ty, mà vẫn về nhà mình ở Hà Nội cho đến khi được nhập hộ khẩu trở lại. Thiện về sống ở Hải Phòng, ở đấy anh còn bà chị. Thỉnh thoảng anh lại lên Hà Nội thăm tôi, Trình Hàng Vải, Vĩnh Đại Uý, Văn Thợ Mộc, Dũng Con…, là những bạn tù cũ.

Được thả về, tuy không bị kiểm soát ngặt nghèo, nhưng không thể nào kiếm được việc gì để làm. Các cơ quan, xí nghiệp nhà nước lướt qua lý lịch mấy lần tù của anh là xua anh như xua tà. Anh sống vắt mũi bỏ miệng, lúc đói lúc no. Có lần Trình Hàng Vải mách kế cất hàng đũa xe đạp về bán ở Hải Phòng, anh nghe, đi được vài chuyến trót lọt, đã kiếm được chút đỉnh.

Chẳng may, vào một ngày mùa đông, gặp một viên thuế vụ xét nét, thấy Thiện mặt gày quắt, mà áo bông lại to xù, hắn đè ra khám, tịch thu hết mọi bó đũa đeo quanh người. Chuyến ấy Thiện mất cả vốn lẫn lãi.

Thấy Lê Sĩ Thiện và tôi sản xuất bột nở, bán chạy, Thiện muốn lấy một ít về Phòng bán thử. Mặt hàng này tụi tôi làm đúng lúc, gặp thời – trước kia toàn nhập của Tàu, nay hai nước lủng củng không có hàng về nữa, cái quẩy lúc này chỉ to bằng ngón tay. Các bà bán cháo quẩy rất hoan nghênh mặt hàngcủa chúng tôi. Nhờ nó cái quẩy lại phồng to như cán búa.

Thiện muốn lấy về một ít bán thử, nhưng anh nói không có tiền trả hàng mẫu.

Không hiểu vì lẽ gì, sau vài lần gặp Nguyễn Chí Thiện ở nhà tôi, Lê Sĩ Thiện dành cho người bạn cùng tên một tình cảm đặc biệt.

Anh gãi đầu, rồi quyết:

- Cậu cứ lấy. Bao nhiêu cũng được. Bán rồi, trả sau.

Lê Sĩ Thiện là đàn anh của tôi. Anh mà đã quyết thì cấm cãi.

Vào thời gian ấy chẳng ai trong chúng tôi coi Thiện là nhà thơ, mặc dầu không ít thì nhiều chúng tôi đều thuộc những bài thơ nôm na anh cho chúng tôi nghe trong những buổi tối của đời tù đằng đẵng. Lê Sĩ Thiện không ở tù ngày nào, tất nhiên chẳng biết bài thơ nào của Nguyễn Chí Thiện. Anh cũng không yêu thơ. Anh yêu con người chất phác, đôn hậu của Nguyễn Chí Thiện.

- Câu này có một tâm hồn thật trong sáng – anh nói – Nhưng quá ít nói.

Thí nghiệm làm bột nở xong, chúng tôi chẳng có đồng vốn nào. Chạy khắp Hà Nội, gõ mọi cửa, mới vay được năm chục bạc, bằng lương kỹ sư một tháng. Được cái sự sản xuất này không đòi hỏi thiết bị lôi thôi, làm ra nhanh, thu hồi vốn cũng nhanh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã rủng rỉnh đồng ra đồng vào. Nguyễn Chí Thiện nhờ buôn mặt hàng này mà trang trải được nợ nần, thậm chí còn dư chút đỉnh giúp họ hàng ở quê. Ấy là Thiện nói, tôi mới biết.

Thiện rất sòng phẳng. Sau khi bán được nhiều rồi, đã tích được lãi làm vốn rồi, anh lấy hàng lần nào trả ngay lần ấy, không dây dưa. Một lần, anh dồn tất cả tiền có được để mua một lượng hàng lớn theo yêu cầu của người đặt hàng. Hoá ra ở miền Nam bấy giờ rất thiếu bột nở cho cao su để làm dép Thái Lan. Lái từ miền Nam ra, nghe nói Hải Phòng có thứ đó, mua thử mang về, thấy tuy chất còn kém nhưng có thể dùng được, liền đặt mua. Người khách quen của Thiện thấy có lợi, bảo Thiện lên ngay Hà Nội, mang về được bao nhiêu anh ta lấy bấy nhiêu. Thiện nghe theo, tính rằng sẽ lãi to, ai ngờ thất bại nặng. Tất cả số bột nở anh mang về đều bị phòng thuế tịch thu.

Vụ ấy tôi hoàn toàn không biết. Chỉ thấy Thiện vắng mặt lâu, không thấy lên lấy hàng.

Đùng một cái, Trình Hàng Vải đến báo: “Thiện bị bắt lại rồi!” Anh bàn với tôi góp tiền đưa cho chị của Thiện đi tiếp tế. Chúng tôi, những người tù số lẻ cũ, không thể và không nên thò mặt ra trong việc này. Thì ra thời gian Thiện vắng bóng là lúc anh âm thầm chép lại toàn bộ thơ làm trong tù, để rồi đột nhập đại sứ quán Anh, nhờ họ chuyển ra nước ngoài. Tập thơ đầu tiên của Thiện có tữa “Hoa Địa Ngục”. Chi tiết vụ này mọi người đều đã biết.

Mãi về sau tôi mới được nghe kể chuyện gì đã xảy ra trong chuyến đi lấy bột nở mang về Hải Phòng lần chót của Thiện.

Người bạn của Thiện, đại uý Bảo chính đoàn cũ, nay đạp xích-lô, một buổi tối vắng khách mới rẽ vào thăm Thiện. Đẩy cánh cửa không bao giờ khoá vào nhà, anh thấy nhà tối om. Bật lửa lên soi thì thấy Thiện nằm co trên giường. Anh đang ngủ. Sờ soạng tìm công tắc bật điện, vẫn tối om. “Điện đóm sao thế này?”, anh hỏi. Thiện lúc ấy mới ngỏng đầu lên, đáp: “Bán rồi!”. “Bán rồi là thế nào?”, anh hỏi tiếp. “Bán rồi là bán rồi, chứ còn là thế nào”.

Thì ra sau vụ bị bọn thuế vụ tịch thu tất cả số bột nở trên tàu, Thiện chẳng còn đồng nào trong túi. Về được đến nhà, bụng đói, cật rét, soát lại chẳng còn gì đáng giá, ngoài cái bóng điện 15 watts. Thiện bèn tháo cái bóng đèn, mang đi đổi được một bơ gạo (bơ, tức cái vỏ hộp sữa đặc, một thời được dân chúng coi là đơn vị đo lường ờ miền Bắc VN) về nấu cháo. Ăn cháo xong thì đắp chăn ngủ.

Anh đại uý đạp xích lô bảo Thiện:

- Cậu có khai với chúng nó là bột nở không đấy?

- Không.

- Cậu khai sao?

- Bảo tôi không biết, người ta thuê mang thì tôi mang.

Anh đại uý thở phào:

- Thế thì có cơ cứu vãn. Chúng nó mà biết là bột nở thì xong phim. Chúng nó sẽ đem bán để chia nhau. Nghe đây, tớ có quen bọn ấy, ta có thể xin lại được.

- Nhất rồi. Có phải hối lộ gì không? Tớ không còn xu nào dính túi đấy nhá.

- Không phải hối lộ. Nhưng phải đãi chúng nó một chầu.

- Tớ nói rồi – không còn xu nào đâu.

- Việc ấy tớ lo. Sau cậu trả lại cũng không muộn.

Hôm sau anh bạn đại uý tổ chức một bữa chén thết bọn thuế vụ. Chúng thu bất cứ thứ gì trên tàu mà không có hoá đơn chứng từ kèm theo, chẳng cần biết đó là hàng gì. Thiện được trả lại toàn bộ hàng bị thu vì là bạn của bạn, vì bạn đã có lời xin lại.

Thiện không bao giờ uống rượu. Đơn giản vì phần lớn thời gian của đời anh là ở trong tù, nơi không thể có rượu uống, trừ những người tù vì lẽ này hay lẽ khác được đưa vào một toán (hay đội) đặc biệt gọi là tự giác. Những người này cũng chỉ thỉnh thoảng mới được một lần say sưa nhờ đổi chác với dân ở các làng bản gần trại.

Tôi hỏi Thiện chuyện này khi chúng tôi sống cùng nhau trong một căn hộ tại Strasbourg, một thành phố miền Bắc nước Pháp.

- Đó là lần đầu tiên tôi uống rượu đấy, ông ạ – Thiện nói – Trước đó cũng có lần nhấp một tí, trong một đám giỗ, chẳng thấy ngon lành gì. Cay xè.

- Say thế làm sao về? – tôi hỏi.

- Ông này buồn cười, cái anh đại uý bạn tôi chở tôi về chứ. Anh ta có cả một cái xích lô mà.


10.2015


***

BÀI ĐỌC THÊM:

Tiểu Sử Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện





TangLeNhaThoNguyenChiThien_18_-510x330.jpg
Tang lễ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tại miền Nam California ngày 7-10-2012


Nguyễn Chí Thiện (27 tháng 2, 1939 - 2 tháng 10, 2012) là một nhà thơ phản kháng người Việt Nam.

Sinh trưởng tại Hà Nội ông có một thời dạy học. Trong một bài giảng bài môn Sử năm 1960 do giảng bài không theo quan điểm nhà chức trách nên ông bị bắt vì tội "phản tuyên truyền".

Ông được thả năm 1964. Đến năm 1966 ông lại bị bắt giam vì làm thơ đả phá chế độ. Lần này ông bị giam đến năm 1977.

Năm 1979 Nguyễn Chí Thiện tìm cách chuyển tập thơ "Hoa địa ngục" của ông viết cho nhân viên sứ quán Anh tại Hà Nội. Vì lý do trên ông lại bị bắt. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1991 Nguyễn Chí Thiện được ra tù.

Năm 1994 ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải thưởng Hellman/Hammett.

Tháng 1 năm 1995 ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ[4] qua sự vận động của Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noboru Masuoka.

Nguyễn Chí Thiện qua đời ngày 2 tháng 10 năm 2012 tại Santa Ana, quận Cam, California, Hoa Kỳ.]



Tập thơ Hoa Địa ngục của ông xuất hiện ở hải ngoại vào năm 1980 sau khi tác phẩm này được lén đưa vào toà đại sứ Anh tại Hà Nội và được giáo sư Patrick J. Honey thuộc Đại học Luân Đôn (University of London), nhân chuyến đi Việt Nam năm 1979, mang được ra ngoài nước để phổ biến. Kèm trong tập thơ 400 trang viết tay này là lá thư mở đầu với lời ngỏ:


“Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Đó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm.”


Tập thơ này được coi như một thiên hồi ký về cuộc đời tù tội trong xã hội cộng sản dưới chế dộ toàn trị bắt đầu từ thập niên 1950. Phải 40 năm sau mới có một tác phẩm văn chương khác xuất phát từ Việt Nam là tiểu thuyết Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn mới nói đến chế dộ tù ngục.

Vì tập thơ không ghi tên tác giả nên lần in đầu tiên năm 1980 do "Uỷ ban Tranh đấu cho Tù nhân Chính trị tại Việt Nam" phát hành tại Washington D.C. ghi tác giả là "Khuyết danh" hay "Ngục Sĩ" với tựa Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Dịch bản tiếng Anh mang tên Cry from the Abyss.

Năm 1981, ấn bản khác của báo Văn nghệ Tiền phong phát hành ở hải ngoại được ra mắt dưới tựa Bản Chúc thư Của Một Người Việt Nam. Tên khác nữa là Quê hương tù ngục.

Nhan đề Hoa Địa ngục được dùng đầu tiên năm 1984 khi Yale Center for International & Area Studies in bản tiếng Anh Flowers from Hell do Huỳnh Sanh Thông dịch. Sau này người ta mới biết đến tên Nguyễn Chí Thiện.

Một số bài thơ trong Hoa Địa ngục đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trong tập Ngục ca. Nhạc sĩ Phan Văn Hưng thì phổ nhạc bài "Sẽ có một ngày".

Cũng vì tập thơ này năm 1985 Nguyễn Chí Thiện đoạt giải "Thơ Quốc tế Rotterdam" (Rotterdam International Poetry Prize). Năm 1988 ông thắng giải "Freedom to Write".

Trong khi ông bị giam cầm vì tên tuổi ông được biết đến nhiều, những hội đoàn như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cùng những chính khách như Léopold Senghor (cựu tổng thống Sénégal), John Major (cựu thủ tướng Anh) và vua Hussein của Jordan từng lên tiếng tranh đấu cho ông được thả.

Năm 2006 tập thơ gồm hơn 700 bài của ông được đúc kết lại với đúng tên tác giả đã ra mắt độc giả người Việt hải ngoại một lần nữa và được đón nhận nồng nhiệt.





Mộ chí thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ở Quận Cam, California




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét